Xin giới thiệu Tập nhạc sau đây của ns Long Nhi, gồm có 10 nhạc phẩm; trong đó có 2 bài đã được xuất bản và được trình diễn nhiều lần trên các làn sóng điện của Nha Vô Tuyến Việt Nam, Đài Quân Đội Saigon và các sân khấu Miền Nam trước năm 1975. Trích trang 1-4:
Lời tự tình,
Thấm thoắt mà đã gần nửa thế kỷ kể từ nhạc phẩm đầu tay viết vào năm 1959. Giờ đây, sau khi về hưu ở tuổi 67 tại Hoa Kỳ, mới có thì giờ nhàn rỗi để sưu tập lại các nhạc phẩm đã viết.
Dường như, hay đúng hơn trong 12 sáng tác nầy mang dấu ấn của những thời kỳ biến chuyển trong cuộc đời. Cái cảm hứng phát xuất tự tâm hồn đầy kích động mới vang lên thành khúc hát, bài ca để tự xoa dịu, trấn an nỗi cô đơn, xa vắng, yêu thương vằn vặt và những nỗi bất lực trước những ngang trái của cuộc đời đầy hỷ nộ. Nhạc phẩm đầu tay “Xuân đất khách, 1959” nói lên niềm cãm hoài cô đơn lưu lạc nơi đất khách quê người Campuchia. Trở về Cần Thơ vì yêu nhạc, yêu trẻ nên gắn bó với trường trung học Ánh Sáng Hậu Giang, để rồi những mùa hè chia tay nhau “Mùa phượng vĩ, 1960” ra đời. Tại đây, những đêm khuya khi rời rạp hát bóng Huỳnh Lạc để thả bộ trên đường Phan Đình Phùng với đèn khuya leo lét thì “Đường khuya, 1960” mới là đêm trường lắng sâu. Và với những buổi chiều chầm chậm về trên dòng sông Cửu, vài cánh bườm nhẹ nghiêng theo chiều gió làm mang mát lòng du khách khi vãng cảnh Ninh Kiều để rung động thành “Chiều Tây Đô, 1960”. Sau sự thành công của nhạc phẩm Chiều Tây Đô, nhạc sĩ Lê Dinh khuyến khích nên tiếp tục với loại nhạc mang chút âm hưởng dân ca, nên “Tìm về Kỷ niệm, 1962” xuất hiện. Cũng không quên năm 1961, hưởng ứng lời kêu gọi của Tỉnh Phong Dinh, đã gởi “Về thăm Hoả Lựu Vị Thanh, 1961” dự thi và dược giải.
Năm 1962 quay lại Saigon nơi chôn nhau cắt rún, chẳn bao lâu bị động viên vào Trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức; với không khí hào hùng, oai dũng của một chiến binh “Sinh viên sĩ quan khoá 20, 1965” được truyền thanh trên làn sóng điện Nha Vô Tuyến Việt Nam qua trình diễn của Ban nhạc Huỳnh Anh vào dịp ấy. Lần đầu tiên xa vợ xa con trong vài tháng mà cảm thấy bao thương nhớ đầy vơi nên “Vẫn nhớ và thương, 1965” được thành hình. Biến cố lịch sử 1975, miền Nam hoàn toàn sụp đổ; nối gót các đồng nghiệp vào trại cải tạo. Lần thứ hai xa nhà ,-không có hạn định trở về, nhớ gia đình thương con dại, nôn nóng muốn “Trở về Saigon, 1977” nhưng nào có được, thôi thì đành nhắm mắt xuôi tay cho con tạo xoay vần; “Cho em, 1977” cho hết trời mây non nước để diều đàn con trẻ nối dòng mai sau như một lời trăn trối. Đầu Xuân 1977, anh Bùi Thanh Tiên đã gợi ý tìm quên lảng cảnh đời đài đoạ bằng ‘mai cúc hé môi cười, nắng ngoài sân long lanh’ trong “Tình Xuân, 1977”. Trằn trọc cho kiếp người nhiều gian truân liên tưởng đến thân phụ ,-người đã hy sinh mạng sống giành độc lập tự do trong tay người Pháp năm 1945, đành mượn bài thơ “Vui bất tuyệt, 1977” để tưởng nhớ và hiến dâng cho hương hồn Người.
Là một nhạc sĩ tài tử, có hứng thì viết không thì thôi, tuy nhiên điều quan trọng nhất là lời hứa với vợ khi lập gia đình thì thôi không cho trình diễn nhạc nữa, để thì giờ chăm sóc các con. Điều ấy, ngày nay nhìn lại là đúng đắn, không có gì hối tiếc một đoạn dường đầy sôi động đã qua không thiếu niềm tự hào/
Virginia, ngày 4 tháng 7, năm 2008
LONG-NHI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét