Sáng ngày 21/11/2008 được điện thoại của anh Hai Trí từ Paris cho hay anh Phạm Văn Bảy đã đột ngột qua đời; làm tôi hết sức bàng hoàng. Những kỹ niệm vui buồn giữa anh và tôi chợt khoảnh khắc quay về như hiển hiện trước mắt..
Anh đã ra đi vào đêm 20/11/2008 một cách nhẹ nhàng và vội vã; vừa cho con hay chóng mặt thì chỉ trong phút chốc anh đứng dậy nất lên một cái rồi ‘đột quỵ’. Các con anh lật đật chở anh vào bịnh viên quận nhưng đã quá trễ. Vợ anh mới vừa nghỉ bán vải vì ế ẩm, đi Canada thăm cháu ngoại mới sanh, cấp tốc cùng con gái trở về để tiển đưa anh vào cõi vĩnh hằng. Anh thọ 74 tuổi tây (1934-2008). Sự ra đi của anh đã để lại trong tôi một sự trống vắng lớn lao về tình bạn, về nỗi niềm cảm thông, về những chia xẻ đắng cay trong một hoàn cảnh đặc biệt của cuộc ‘đổi đời’.
Năm 1980, từ ấp Xóm Thủ, xã Yên Bình, Thi xã Gò công đông ,-nơi tôi bị quản chế sáu tháng sau khi ra khỏi Trại Cải Tạo Thành Ông Năm ở Hốc Môn, vừa được trả lại quyền công dân, tôi vội tìm cách vận động để kiếm việc làm ở Sài gòn hầu có thể sum hợp với vợ con. May mắn thay, được sự giúp đở của mẹ chồng chị vợ tôi từ Pháp về đó là bà Hội, bà có bà con với một cán bộ phụ trách bảo vệ ở Văn phòng B Bộ Y Tế Tp Hồ Chí Minh, ông đã đở đầu cho tôi vào làm kế toán Bịnh viện Chợ Rẩy. Tôi thì cần có công việc làm với Nhà Nước CHXHCN để xin chuyển hộ khẩu về Sài gòn. Thoạt đầu Ban lãnh đạo Hậu Cần đưa tôi xuống Phòng viện phí để ‘thử tay nghề’; nghiên cứu lý do nào thất thu viện phí, thất thu gạo (thời kỳ bao cấp, lương thực do Nhà nước cung cấp theo khẩu phần tem phiếu, nên ai đi đâu phải mang gạo theo ăn chớ không mua đươc gạo ở bên ngoài). Không được sự hướng dẫn hoặc chỉ đạo; phải làm thế nào, chức năng ra sao.. cứ ngồi đó, muốn làm sao đó thì làm, không ai giúp đở, không ai can thiệp, thậm chí đến cái ghế cái bàn ngồi cũng không có, phải dùng tủ hồ sơ để viết. Thiệt là đã đời! Tôi thường đến sớm về trể hơn mọi người để thu thập dữ liệu; thống kê, vẽ biểu đồ theo dõi hằng ngày các thu nhập. Lần mò từng ngày từng giờ các diễn biến thu, hoàn tiền, gạo, rồi cũng làm được một báo cáo dài khoảng 10 trang giấy với một vài chứng minh thất thoát. Tập tài liệu nầy tôi sao ra nhiều bản, rồi đem nạp cho anh Trưởng Phòng Tài vụ 1 bản, kể như hoàn tất công tác chờ phân công mới. Chờ mãi cũng chẳng thấy ai đá động gì tới tôi. Rồi một hôm, các chị kế toán vào phòng của Trưởng phòng để ngủ trưa, có chị tò mò lục tủ thấy cái báo cáo kiểm tra của tôi ( tủ thì không khoá có nghĩa là Ông Trưởng phòng đã không đọc báo cáo và coi thường những nhận xét trong đó) họ tò mò đọc và nhanh chóng phát giác ra những vấn đề ăn chận viện phí của bịnh viện mà bấy lâu nay ai cũng nghi mà không biết rõ. Thế là các chị đồn ầm lên. Chuyện vở lỡ tới tai Ban Giám đốc và Bí thư Đảng ủy. Lập tức tôi được bác sĩ Thuý Ba triệu hồi để trình bày tự sự về những chứng cớ mà tôi thu thập được cho Bà rõ. Nghe xong bà nổi giận đùng đùng: “Hèn chi bấy lâu nay bịnh viện không đủ tiền để điều trị bịnh nhân.”, tôi nghe xong thấy việc mình làm chắc có hậu quả không nhỏ. Bà Thuý Ba gọi ngay Trưởng Phòng để đối chất, anh Truởng phòng lặng thinh và còn xác nhận có ký ‘sét khống’. Nghĩ rằng đảng viên đều là người trong sạch nên tôi không e ngại khi làm báo cáo, nhưng việc ‘đổ bễ’ ra đụng chạm đến Trưởng phòng mà ông là người vượt Trường sơn vào Nam chiến đấu; công lao lớn biết bao! “Thôi chắc là mình không có duyên với bịnh viện rồi!” tôi phân vân lo lắng. Trong khi đó dư luận giữa người cũ và người mới trong bịnh viện rất đổi xôn xao. Tôi chỉ còn biết ‘đành nhắm mắt xuôi tay’ chờ xem. Trong khi tôi đang ‘rét’ vì việc mình đã và phải làm theo yêu cầu lãnh đạo, thì ‘đùng’ một cái, nhận được quyết định cắt cử nội bộ giao tôi tạm thời Phụ trách Phòng Kế toán Tài vụ (quyền bổ nhiệm trưởng phó phòng phải do Bộ Y Tế quyết định), tạm thay ông Vũ Quốc Vinh chờ làm việc tiếp với Đảng ủy. Từ đây tôi phải làm việc nhiều; về phân chia kinh phí, mở Đại lý Dược để thu mua dược phẩm ngoại nhập của thân nhân Việt kiều gửi về và kiều hối, chỉnh đốn Cantine, thu tiền ngoại tệ HCR để mở rộng hoạt động kinh doanh theo đường hướng ‘ba lợi ích’ hầu cải thiện thêm đời sống khó khăn của nhân viên và tăng cường thuốc men cho bịnh nhân nghèo. Chính nhờ dịp nầy tôi mới quen với anh Bảy. Anh Phạm Văn Bảy, nguyên là một y tá quốc gia của VNCH, ra trường phục vụ tại ICU (Phòng săn sóc đặc biệt) Bịnh viện Chợ Rẩy sau đó bị động viên đi trung sĩ, được điều động về Bịnh viện Cộng Hoà, rối giải ngũ trở lại Bịnh viện Chợ Rẩy làm ở Phòng Medical Supervisor (Phòng Y Vụ bây giờ). Ở chế độ mới, anh được ông Giám đốc sử dụng như một thư ký đánh máy tài liệu nghiên cứu khoa học cho ông. Tôi với anh kết bạn từ những năm 1980 cho đến về sau.
Anh Bảy có tướng người điều đặng mực thước, khá đẩy đà trông oai vệ, cao trên 1,65 thước, mặt vuông nhưng càm lại nhọn, tóc mịnh hoa râm sớm hơn tuổi đời. Nhìn chung vóc dáng thì cũng ra người phong lưu, đứng đắn, tự trọng có học thức, có địa vị, ít muốn nhờ vả ai. Tính tình ngay thẳng nhưng nóng nải đôi khi bốc đồng. Ai nói gì không đúng là anh ‘tạc’ lại ngay dù cho người đó là ai, cấp bực gì. Mỗi lần như vậy thì giọng nói anh trở nên hằn học, đứt quãng vì sự phẩn nộ không kịp thành câu. Một số người không thích anh, nhưng lại sợ anh khi có việc phải giao tiếp. Ngược lại, anh rất tận tuỵ trong công việc, hay giúp đở người nào cần đến anh mà thuộc loại lịch sự. Nói chung, các cán bộ không dám đụng tới anh, một phần anh gần gũi Giám đốc, phần khác sợ anh phát biểu không kềm chế làm họ ê mặt. Đặc biệt anh không bao giờ nói tục dù là một từ. Anh cũng có nhiều bạn y tá cùng thời với anh, nhưng đi chơi bên ngoài thì ít khi. Anh thích tôi từ khi nào không rõ ,-vì công việc giữa tôi và anh không liên quan nhau chỉ gặp nhau trên văn phòng giám đốc. Chúng tôi gắn bó với nhau không rời cứ vào mỗi ngày hết giờ làm việc, chúng tôi đưa nhau đến các quán nhậu bình dân; từ bia hơi BGI quốc doanh, quán Bà Giáo, quán Cây Lý, quán nem nướng Thuận kiều, quán Bảy La, quán Bảy Bia, quán Chị Chín sân vận động, quán Lẩu dê Nguyễn Tiểu La. Hôm nào khá thì vào nhà hàng Bách Hỷ, Ngọc Lan Đình, Cao Sơn, Xả gió Hương Huyền, Ba lê Chợ cũ..và còn nhiều cửa hàng quốc doanh mà tôi không nhớ hết, uống từ rượu đế, rượu thuốc, bia hơi kèm mồi, bia ‘lên cơn’, rượu tây dởm Camus, rượu gì cũng uống để xả hơi sau một ngày làm việc căng thẳng. Đến quán vừa đặt đít ngồi vào bàn, chưa kịp kêu đồ nhậu thì anh bắt đầu câu chuyện bằng những việc trái tai gay mắt xẩy ra trong giờ làm việc, cứ thế mà nổ ran bất tận với bao nỗi bực bội. Nếu tôi góp ý làm nhẹ đi vấn đề anh đề cập hoặc nói ngược ý anh thì.. “Ôi thôi cha không biết gì hết!” hay “Mấy người không biết gì hết!” thế là anh bắt đầu nổ lớn, song qua chừng vài ba ly rượu thì anh thôi không nói nữa chúm chím cười và tự nhiên uống không cần mời, lúc đó tôi muốn nói gì anh cũng gật. Biết ý anh rồi thì mọi việc êm thấm và trông anh trở thành dễ thương, và cứ mỗi ngày như vậy tôi nghe được nhiều chuyện, nhiều ý kiến đúng sai của mọi người xuyên qua ‘báo cáo vặt’ hay ‘nhắn gữi’ qua thơ ký giám đốc để báo cáo lại cho giám đốc, nhờ vậy mà tôi có sự cảnh giác để phòng thân. Anh biết tôi không tha thiết gì với chức vụ vì tôi đã làm nhiều đơn xin từ chức, nhưng bí thư đảng bảo chờ kiếm người. Mà thật, họ đã kiếm người; người thứ nhứt là một kế toán trung cấp vợ của một cán bộ tập kết đang làm giám đốc xí nghiệp dược; chị Nguyễn Kim Thoa người Bắc; về nhìn qua nhìn lại,thấy quả là không đảm đương nổi vì, quản lý tài chính cho 1.000 giường bịnh, trên 1.000 nhân viên mà kinh phí do Bộ Y Tế cấp quá èo uột, lúc nào cũng bị các khoa khiếu nại, đòi hỏi thêm gây tranh chấp liên tục nên chị chỉ xin làm phó phòng mà thôi. Anh Bảy biết tôi trong tư thế ‘chịu đắm’ nên anh rất thông cảm, đôi khi chỉ vẻ , hiến kế cho tôi. Rồi thì tiếp theo một đại học kế toán ngoài Bắc về, tên bà là Mỹ ,chồng là bác sĩ Khang chuyên khoa xương, cùng về một lúc. Bà nầy có cách hành xử rất cường điệu, hách dịch cho mãi đến khi con bà được nhà nước cho đi du học đã trốn ở lại nước ngoài, lúc đó bà mới đổi thái độ vì cả hai vợ chồng đều là đảng viên. Anh Bảy lần lần cũng đi theo con đường ‘ba lợi ích’, anh kiếm thêm được ít tiền lương phụ. Anh càng phấn chấn nhậu ‘nâng cấp’; đi nhà hàng lớn hơn, rượu ngon hơn, bia chai, bia lon. Phải nói; anh là người sòng phẳng ‘ăn chia’ không bao giờ ăn uống cợp của người khác. Bạn bè ngoài luồng càng ngày càng nhiều do tánh tình hào phóng của anh gặp ai cũng mời rượu, nhờ vậy mà tôi gặp được vài bạn trẻ từ các quán nhậu đã giúp tôi làm được hộ khẩu nhập trở lại thành phố. Lúc đó tuy có việc làm ở thành phố nhưng Sở Công An Tp xét duyệt cho sĩ quan nguỵ nhập lại hộ khẩu vào Tp không phải dễ; tôi đã đi lên ‘chầu’ nhiều lần kể cả bịnh viện cang thiệp bằng văn thư, rồi đâu cũng chờ đó, cho tới ngày gặp được bạn nhậu tên Lân thì mọi việc dễ dàng như trở bàn tay. Thành ra đi nhậu với anh mà tôi đã làm được nhiều việc cho bản thân và gia đình ngay như việc đi Mỹ. Khoảng thập niên 80, khi rục rịch chính phủ Mỹ can thiệp để lãnh sĩ quan cải tạo sang tị nạn Hoa Kỳ thì lúc đó tin tức chưa được chính thức loan tải trong nước, tôi phải mò mẫm lấy tin từ radio, từ quán nhậu mà biết được phải làm gì, và lúc nào anh Bảy cũng ở bên tôi, hổ trợ tin thần. Do đó mà tôi đã nạp được hồ sơ xin tị nạn vừa sớm vừa đầy đủ thủ tục theo yêu cầu của phía chính phủ Hoa Kỳ. Một năm trước khi rời Việt nam ,-như thường lệ mỗi chiều, hôm đó rời khỏi bịnh viện tôi thấy anh lặng thinh, tôi nhắc “đi nhậu Bảy?’ anh trả lời “Thôi hết tiền rồi, không đi”, tôi vội nói “Tôi có tiền đây mà, tôi mời”, anh trả lời cụt ngủng “Không” rồi anh quẹo xe về nhà mặt không được vui. Biết tính anh sòng phẳng, tôi cũng lẳng lặng đi về. Hai ba lần sau, tôi nói mãi: “Anh biết đó, có anh tôi mới có người tâm tình việc nầy việc nọ.. mới nhậu, một mình tôi.. tôi đâu có thích uống rượu, hơn nữa, hôm nay tôi trả thì hôm nào có tiền anh trả lại.. mất mát vào đâu mà anh ngại.” Từ đó anh mới chịu đi. Mùa hè 1990 tôi và gia đình sang định cư tại Hoa Kỳ, đêm trước khi đi, anh rủ bạn bè đem rươu thịt tới nhà ăn uống gần tới sáng.
Còn một thú vui nữa nếu không nhắc ra đây cũng là một thiếu sót với anh, đó là đá banh; xem đá banh và chúng tôi đá banh. Sau khi Nam Bắc thống nhất năm 1975, thì môn giải trí duy nhất và đầy thích thú bấy giờ là xem Nam Bắc đá nhau, lúc đó miền Nam có mấy đội mạnh mà những cầu thủ thời chế độ cũ nay khoác áo các Đội Cảng Saigon, Hải Quan, Sở Công Ngiệp, Hoá Chất, Xi Măng Hà Tiên v.v.. Trận nào đá ở sân Thống Nhất đều có mặt anh và tôi, đôi khi trốn Sở về sớm để xem; trời nắng trời mưa bất cần miễn làm sao chứng kiến cho kỳ được trận đấu. Nhà anh ở sát bên sân vận động nên rất thuận tiên việc gởi xe. Trận nào miền Nam thua là anh bực bội “Bán độ.. thấy rõ mà.” Trận nào Cảng Sài gòn thua: “Về biểu Tam Lang từ chức đi” tôi làm thinh. Còn ngược lại thì “Thấy chưa chắc ăn trăm phần trăm mà”. Nhưng ăn thua gì rồi cũng vào quán nhậu “Uống vài ly cho mát đi”. Mấy năm tôi tập hợp được anh em Chợ Rẩy từ bảo vệ đến bác sĩ thành lập đội bóng đi đá giao hữu thì, mỗi lần tập dợt đều có mặt anh. Bụng thì bự, tướng nặng nề, chạy như dậm chân tại chỗ nên mỗi khi có banh là anh giao cho người khác liền rồi tìm chỗ khác đứng. Anh nói “lối đá hiện đại đó nghen, giữ banh là chậm làm bàn.”
Mỗi lần từ Hoa Kỳ về thăm mẹ và các em tôi ở Việt Nam , tôi đều có nhiều chập nhậu với anh. Tháng 5, 2008 tôi lại về. Lần nầy mướn xe đưa anh đi Lái Thiêu, Bình Dương chơi; ăn bánh bèo Lái Thiêu uống bia, rồi hôm sau về Mỹ Tho nhậu tới chỉ. Trước khi trở lại Hoa Kỳ, đêm đó, chỉ có một mình tôi với anh đối ẩm (có mời một đứa cháu của tôi, nhưng nó bịnh không tới) chúng tôi vừa uống vừa ôn lại những ngày nhậu nhẹt ‘xỉn’ cùng té xe; những lúc về tới nhà mà anh không biết đường vô, hay đôi lúc lẫn lộn tủ lạnh ra toilette bên Nhựt (trước 1975, anh có đi thực tập tại Nhựt) hay về ngủ trên giường sáng dậy thấy nằm dưới đất. Có điều lạ, đêm đó anh nói chuyện vui vẻ từ đầu đến lúc ra về, chứ không làm thinh mỉm cười như thường lệ. Hai đứa uống cạn một chai cognac Martel mà chưa ‘đã’, có lẽ chúng tôi quá vui với những kỷ niệm xưa cũ. Tôi không cho anh lái Honda về, anh nhứt định không chịu, về gần đến xóm Cây Gõ bị té xe. Người trong xóm đó đã đưa anh về nhà ở Cư xá Phú Lâm B. Được tin này tôi mất ngủ, sáng sớm hỏi lại qua điện thoại, anh tỉnh bơ trả lời “Không sao, bị trúng gió mà”. Mấy lần gặp anh sau nầy, tôi có trao đổi vói anh “Anh em mình bây giờ đã ‘thất thập cỗ lai hy’ rồi; chết sống không biết bửa nào, tôi di chúc lại cho vợ con khi tôi ‘ra đi’.. tôi muốn nhụt thể tôi được hoả thiêu, tro hài cốt xin đổ biển nếu không tiện thì đổ xuống sông.. để cát bụi trở về với cát bụi. Tẩn liệm đơn giản, không cần thông báo, không chấp điếu xong rồi hảy đăng báo để mọi người biết tin thế thôi.” Không ngờ lời nói của tôi, anh đã thực hiện trước chỉ duy khác có chấp điếu để gởi vào chùa cho người nghèo. Trong lúc đi chơi anh thường nói: “Tụi mình họ Phạm, không bà con xa cũng bà con gần, không giống cái nầy cũng giống cái nọ.” Sự giống nầy tuy hai mà một như một khối keo sơn, bây giờ một mãnh đã vỡ, cái còn lại cũng chao đảo mỗi khi trở về nhìn lại chốn cũ người xưa. Ôi! Thật là buồn lắm thay..
Như đã nói ở trên, tôi đã chuẩn bị bài thơ nầy từ năm 2006, với ước mong cuối cùng ..
TỬ BIỆT
Bây giờ đã sắp bảy mươi,
Lúc nầy nên nghĩ tới ngày ra đi.
Cuộc đời rồi cũng có khi;
Nhắm mắt lìa đời ‘thị phi’ đâu cần.
Đến ngày tử biệt lìa trần,
Xin đừng chôn cất mộ phần làm chi!
Đau lòng tử biệt sinh ly..
Làm người thì phải ‘chu kỳ tử sinh’.
Xin đừng lễ lộc linh đình,
Xin đừng chấp ‘điếu’ nợ tình thêm mang,
Đốt cho ngọn lửa thành than
Trở về cát bụi trăm ngàn thảnh thơi,
Tro tàn hoả táng đầy vơi
Thả theo dòng nuớc nguồn khơi trở về.
Cuộc đời lắm nỗi ê chề;
Đứng trông vời vợi muôn bề thênh thang
Ngậm ngùi một chút tình mang
Ra đi lặng lẽ gãy ngang cung đàn,
Xin đừng đẫm lệ dở dang
Hẹn nhau về cõi Thiên Đàn vô vi.
LONG-NHI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét