12/12/10

BA ĐỜI CÓ NGÀY SINH TRÙNG NGÀY VÀ THÁNG (Bài 055)

Thấm thoắt lại phải nghĩ tới mấy con số của ngày sinh nhựt lần thứ 74. Trong cả cuộc đời con người lúc nào, nơi nào, ở đâu cũng đề cập tới các con số, muốn quên cũng chẳng được vì lúc nào mình cũng cần đến nó để hiểu biết; nó hiển hiện trước mắt ta, làm cho ta bận rộn, bối rối, bâng khuâng, lo lắng, buồn vui lẫn lộn hằng ngày hằng giờ trong chi tiêu, lương bổng, năm tháng, thời tiết, giá cả, thị trường, điểm học hành, điểm thi cử v.v.. Ôi! con số là con số, đáng sợ thiệt, nhưng cái con số mà tôi muốn nói ở đây là con số ghi nhận ngày tôi chào đời mà khi tuổi còn trẻ, tôi ít quan tâm tới nó và cũng chẳng bào giờ vinh danh nó bằng cách tổ chức ăn mừng hằng năm. 

Nhưng tại sao hôm nay tôi lại đề cập đến nó, vì trong khoảng thời gian con trai út tôi ra đời, tôi mới chú ý ‎‎về những con số ngày sinh lạ trong ba thế hệ gia đình tôi. Tôi xin mạn đàm về những suy nghĩ này. 

Hôm nay là ngày sinh nhựt của tôi; ngày 12 tháng 12, như đã nói tôi không bao giờ tổ chức ăn mừng sinh nhựt của tôi. Ba tôi chết sớm, mẹ tôi tảo tần ‘buôn đầu chợ bán cuối chợ’ ở tỉnh Gò Công, nhà nghèo nên đâu có phương tiện để ăn mừng cái ngày ra đời đó của tôi, thế rồi cũng lần lần quên lãng nó luôn. Lớn lên đi làm kiếm sống ở phương xa, tôi cũng không bao giờ để ý tới cái ngày đó làm gì, thét rồi thành thói quen, nên mỗi lần ai nhắc đến ngày sinh nhựt của tôi thì tôi thấy nó ngượng ngùng, nếu ai hỏi tại sao vậy? thú thật là tôi không giải thích được lý do?  Ai chúc mừng, tôi cám ơn, nhưng không mải mai cảm xúc vì ai đó nghĩ tới tôi để chia sẻ tình yêu thương hay ngưỡng mộ tôi lúc tôi có chức có quyền.  Đến khi lập gia đình, tôi tổ chức sinh nhựt cho vợ và các con nhưng tuyệt nhiên là “không” cho tôi. Vợ tôi nhiều lần đề nghị thì tôi lẩn quẩn né tránh và cuối cùng tôi đồng ý để  sinh nhật tôi làm chung với lễ Giáng Sinh vì thời gian rất gần nhau, “cần gì phải tổ chức nhiều lễ lộc như vậy cho mất thì giờ và hao tốn”, tôi nói. Thế rồi tới lễ Giáng Sinh, rộn ràng mua sắm, tưng bừng lo lễ hội mừng Chúa ra đời, chẳng ai nhớ nhắc đến sinh nhựt tôi nữa. Bây giờ định cư ở Hoa Kỳ đời sống vật chất đầy đủ, mỗi lần sinh nhật của tôi ,các con tôi mời đi nhà hàng để chúc mừng sinh nhựt, thì tôi trả lời “Người ta nói; nếu hồi nhỏ tới giờ không tổ chức sinh nhựt thì bây giờ đừng tổ chức, vì sẽ bị xui xẻo!” Thế là các con tôi im re.

Sở dĩ tôi dài dòng là vì cách tôi trì hoãn sinh nhựt lại có liên hệ tới các con số lạ trong các ngày sinh của ba thế hệ gia đình tôi. Lúc con trai út tôi, Anh Vũ sinh ra năm 1972 thì tôi mới lưu tâm tới chuyện ngộ nghĩnh này; cháu sinh ngày 6 tháng 6. Thật là lạ, làm sao lại có 2 ngày sanh trùng ngày và tháng như vậy, tôi và con tôi? Tôi cứ tự đặt câu hỏi và tìm đọc nhiều bài báo viết về cách phân tích con số của ngày sinh để tìm hiểu coi người ta giải thích như thế nào, phải nói là có nhiều bài đọc rồi, tôi cũng chẳng hiểu được gì? vì tác giả chứng minh bằng số học rườm rà, khó hiểu. Tôi chỉ biết có một điều duy nhứt còn để lại trong trí tôi; là có một bài viết nói rằng ngày sinh và tháng sinh giống nhau thì tốt. Tốt về cái gì thì không thấy nói rõ? Ờ! thì nói chung chung là tốt cũng được; tốt nghĩa là không xấu là sướng rồi. Chuyện này không dừng lại ở đây; trong những ngày từ Hoa Kỳ về thăm mẹ tôi ở Gò Công, tôi muốn chụp lại các bút tích của Ba tôi còn ghi trong cuốn sổ tay, tình cờ khám phá ra là Mẹ tôi sanh vào ngày 3 tháng 3 năm 1911. Tôi vừa ngạc nhiên vừa thích thú là 3 thế hệ trong gia đình tôi, đã có 3 người sinh ra ngày trùng với tháng. Tôi suy nghĩ miên man “cái này là một sự báo hiệu gì trong gia đình?” Hay là tôi sẽ còn có một đứa cháu nào đó sẽ được sinh ra ngày 9 tháng 9 chăng? Nhẩm đi tính lại chắc là không phải vì, nếu ta thử làm các phép tính cộng trừ nhân chia đơn giản, có thể là ta tìm ra được câu trả lời cho hiện tượng này, theo giả thuyết “đoán mò” của tôi không dựa trên cơ sở khoa học nào?

Giả thuyết cộng+, trừ-, nhân*, chia/
Tính theo phép cộng:
Mẹ tôi sinh ngày 3 tháng 3 thì lấy 3+3= 6 là ngày sanh của Anh Vũ
Anh Vũ sinh ngày 6 tháng 6 thì lấy 6+6=12 là ngày sanh của tôi.
Tôi sinh ngày 12 tháng 12 thì lấy 12+12=24 ngày Chúa Giáng Sinh (không có tháng 24 như vậy là hết)

Tính theo phép trừ:
Mẹ tôi 3-3=0  AnhVũ 6-6=0 Tôi 12-12=0. Nghĩa là mỗi đời chỉ có 1 lần mà thôi.

Tính theo phép nhân:
Mẹ tôi 3*2(cách nhau 1 người với 1 người)=6  AnhVũ 6*2=12  Tôi, tính từ Mẹ 3*(2*2)(cách nhau 2 người với 2 người)=12, nếu tính từ Vũ 6*2=12. Ngày Chúa Giáng Sinh là 12*2=24. Phần này giống phép cộng, nhưng có cái đặc điểm ngày sinh của tôi như chừa trống khoảng cách 1 người, người đó là cháu Anh Vũ đã xen vào giữa.

Tính theo phép chia:
Mẹ tôi 3/3=1  AnhVũ 6/6=1 Tôi 12/12=1. Phần này cũng giống phép trừ, chỉ 1 lần một đời.

Nhìn các con số đơn giản bên trên; bài toán chia và bài toán trừ diễn tả chỉ có 1 lần rồi trở về số 0, bài toán cộng và bài toán nhân đi đến số 24 là hết tháng trùng. Vả lại thử phân tích con số 12, ta sẽ thấy con số này gồm có hai con số 1 và 2, vậy cộng chúng lại với nhau sẽ bằng 3 phải không? như vậy con số 12 lại trở về gốc là 3, không phát triển lên nữa được. Căn cứ diễn giải trên, tôi cho rằng sẽ không còn đứa cháu nào có ngày sanh, tháng sanh trùng nhau. Trong ba thế hệ chỉ có được một lần trong 3 đời là hết. Và tự nhiên trước đây tôi muốn vui lòng mọi thành viên trong nhà “nên ăn mừng  ngày sinh nhựt của tôi cùng với Ngày Lễ Giáng Sinh” cho gọn, tuy là một sự ngẩu nhiên nhưng lại phù hợp với con số cuối cùng của giả thuyết.

Tôi là một kế toán viên nhưng nói thật tôi rất ngại các con số, vì nó làm mọi người đau đầu kể cả tôi, nhưng cuối cùng cũng phải nhờ nó để làm ra câu chuyện, mà là câu chuyện giả tưởng, đâu phải là khả tính? Đối với kế toán thì cho rằng con số biết nói; nghĩa là nó nói lên sự thật. Còn ở bài này, xin thông cảm chẳng qua nhân ngày sinh nhật, tôi dựa trên con số ‘ú ớ” để gọi là bàn chút “hư cấu ba đời có ngày sanh lạ” cho vui, chớ không phải là con số của kế toán! Tôi mong mỏi biết chừng đâu gia đình bà con, bạn bè, con cháu sẽ sưu tầm ra được cái gì đó để giải thích những điều nói bên trên hay hơn, đúng hơn,  được vậy thì tôi hoan nghênh vô cùng/
LONG-NHI

Không có nhận xét nào: