Ghi lại cuộc chuyện trò giữa Ông Tư Pizà, tuổi thất thập ở Hoa Kỳ với cháu nội Mi Sún, 7 tuổi ở Việt Nam qua Skype về đề tài cá Nemo:
-Nội ơi! bên này bây giờ tụi bạn con tranh nhau nuôi cá Nemo dữ lắm đó nghe nội.
-Cá Nemo là cá gì hả cháu?
-Ủa nội quên rồi sao? Cá Nemo là con cá trong đĩa DVD “Finding Nemo” mà nội cho con đó!
-À! Thôi nội nhớ ra rồi…Cá đó gọi là cá hề, còn Nemo là tên người ta đặt cho con cá hề trong bộ phim “Đi Tìm Nemo” của hảng Walt Disney và Pixar đồng sản xuất. Bên Việt Nam người ta đổi tên bộ phim này lại là “Cuộc phiêu lưu của Nemo”, có phải không cháu?
-Dạ, phim thì phải rồi, nhưng tại sao lại gọi Nemo là cá hề hả nội?
-Ờ! Con có coi xiếc trên TV không? Đoàn xiếc nào cũng có các diễn viên đu dây, nhào lộn thật là ngoạn mục đôi lúc làm đứng tim khán giả! Và các màn sư tử, cọp, voi, ngựa diễn trò rất hồi hộp phải không cháu? À… nhưng bên cạnh các màn trình diễn nguy hiểm này đều có xen kẻ một chú hề cao lêu khêu mặc quần áo bông hoa kỳ dị với bộ mặt tô trắng toát, lổ mũi tròn vo đỏ lòm kèm theo nón và tóc không giống ai vừa thấy là muốn cười rồi… đó là chú hề sân khấu xiếc. Sở dĩ con cá có tên “hề” là do nó cũng có màu trắng như vẽ và màu hồng, đen tương tợ màu sắc trên mặt chú hề của đoàn xiếc, nên người ta đặt cho nó cái tên cá hề cho dễ nhớ đó thôi chớ ở các nước trên thế giới cá hề còn có nhiều tên khác nữa đó cháu ạ.
-Thế hả nội!... vậy cá hề là loại cá gì vậy nội?
-Cá hề là loài cá biển sống ở các dãy đá ngầm và rạn san hô, thể loại cá hề đề cập ở đây được các nhà khoa học đặt tên khởi đầu là Amphiprion… có nhiều màu sắc khác nhau, chúng sống cộng sinh với hải quỳ, sinh sản lưởng tính và sống ở các vùng biển ấm.
-Sống cộng sinh với hải quỳ là sống thế nào hả nội?
-Ờ… cá hề sống cộng sinh với hải quỳ nghĩa là hải quỳ nhờ cá hề mà sống, cá hề nhờ hải quỳ mà tồn tại. Cá hề ăn các động vật không xương sống đến gần hải quỳ để tránh nguy cơ làm hại hải quỳ và phân chúng bài tiết ra lại là chất dinh dưởng nuôi sống hải quỳ. Còn hải quỳ bảo vệ cá hề bằng cách phóng ra chất độc vào những con vật lạ nào dám lại gần tấn công cá hề, chất độc này làm hại kẻ đối nghịch mà lại không ảnh hưởng gì với cá hề. Cá hề sống theo từng nhóm nhỏ và sinh sản trong hải quỳ.
-À! Như vậy cá hề và hải quỳ là hai loại cần thiết lẫn nhau không tách rời được hả nội?
-Đúng rồi! Cháu nhạy bén lắm; chúng như hai mà một phải không cháu?
-Còn sinh sản lưởng tính là sao hả nội?
-Cá hề sống rất chung thủy, khi con cái đẻ trứng nó để trứng trên từng lớp hải quỳ và con đực sẽ canh giữ trứng cho đến ngày trứng nở. Theo các nhà sinh vật học thì cho rằng cá hề khi sinh ra đều là đực về sau có con trở thành cái, có con vẫn là đực. Nên khi cá mẹ chết, cá cha sẽ đổi giống thành cái chăm sóc cho các con vì vậy chúng được gọi là sinh sản lưởng tính đó cháu ạ.
-Ngộ quá há nội! cá hề có màu sắc đẹp, dể thương lại có đời sống đặc biệt như vậy nên con thích lắm, con muốn nuôi nó để xem cho biết được không nội?
-À! được… nhưng không!
-Tại sao được mà không hả nội? Nội làm con thất vọng quá chừng!
-Được là vì ba mẹ cháu có khả năng mua cho cháu vài con nuôi chơi, nhưng không là vì nuôi cá biển trong bể vô cùng phức tạp và đòi hỏi nhiều thời gian chăm sóc lắm đó cháu ạ!
-Nội nói vậy là con không nuôi được cá hề rồi sao?
Ờ… thế này nhá, có nhiều vấn đề khó giải thích cho cháu hiểu liền được! Thôi bắt đầu bằng bể nuôi cá đi…Bể nuôi cá biển được thiết kế bằng kính chung quanh 4 mặt chớ gì… để dễ nhìn cá lội phải không, nhưng đâu phải chỉ có vậy thôi đâu? Bể phải có hệ thống lọc nước để bên trong luôn sạch, phải có thiết bị đo độ mặn của muối (NaCI) và phải canh chừng hàm lượng muối sao cho thích hợp với sự sống của cá, phải bố trí cây cảnh trong hồ loại ‘sống’ hay loại ‘giả’ mà cá hề cần có hải quỳ nữa phải không, phải có đèn màu, thức ăn cho cá v.v…Người nuôi còn phải chọn nhiều loại cá khác để chúng làm sạch kinh trong bể, hay loại cá chuyên làm sạch phân…rồi thỉnh thoảng còn phải sút bể cá. Ôi thôi … nhiều việc phải làm lắm đó cháu ơi.
-Sao nhiều chuyện quá vậy nội, có cách nào khác đơn giản hơn không vậy nội?
-Không có cách nào đơn giản đâu cháu ơi! Nếu không chuẩn bị đủ phương tiện nuôi thì …cá chết và nếu săn sóc không cẩn thận thì cá cũng chết. Bên này nội thấy đứa cháu ở Cali con Bà Tấc đó; cháu Thông đã tốt nghiệp đại học, độc thân đi làm việc, sống một mình …ôi thôi nó mê nuôi cá quá chừng. Nhìn thấy hồ cá của nó, nói thiệt tình nội cũng bị cám dỗ vì màu mè sinh động của cá, của rong biển lấp lánh dưới ánh đèn màu làm tinh thần mình nhẹ nhàng sảng khoái lắm cháu ạ, nhưng thỉnh thoảng nó bận công tác hay chăm sóc không kỹ, cá chết sạch trơn. Mỗi lần cá chết như vậy nó tốn gần cả chục ngàn đô đó cháu ơi! Bao nhiêu tiền dành dụm của nó đều tiêu theo cá hết đó cháu à.
-Chà tốn hao dữ quá vậy nội?
-Ở đâu cũng vậy, chơi cá kiểng là thú giải trí của người có tiền có thì giờ mà cháu? Cháu biết rằng thiên nhiên có nhiếu cảnh đẹp tuyệt vời mà sinh vật cũng có nhiều con dễ thương quá đổi phải không? thế là người có tiền của đều muốn đem thiên nhiên về giữ trong nhà mình để thưởng thức riêng. Bên Hoa kỳ, người giàu có nuôi cả cọp, beo, tê giác, trăn v.v... Đối với động vật hoang dã nuôi trong nhà có khi người nuôi bị chết vì nó mà cũng thường khi người nuôi làm các sinh vật bị tuyệt chủng…các sinh vật càng đẹp lần lần sẽ biến mất khỏi mặt đất do con người yêu thích nó mà tự hủy diệt sự sống tự nhiên của nó. Nghề nuôi cá kiểng bây giờ cũng là một kỹ nghệ hái ra tiền chứ phải chơi đâu? Vì vậy họ quảng cáo trông rất hấp dẫn nên thu hút lòng đam mê của mình đó cháu ơi? Cháu thử đọc bài dưới đây rồi lần sau nói chuyện lại với nội và cho nội biết ý kiến nên hay không nên nuôi cá hề nhé!
-À! Mà nội quên một chuyện, thôi cháu tạm thời coi Video cá hề của người Mỹ nuôi cho công chúng xem cho đở ghiền, đở cực săn sóc và đở tốn hao tiền của ba mẹ cháu, để thì giờ học hành nhe cháu.
Tạm biệt Mi.
Tạm biệt Mi.
-Dạ chào nội, hẹn nội lần sau.
Thứ năm 10 Tháng Mười Một 2011.Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 11 Tháng Mười Một 2011.
Phim Nemo khiến cá hề có nguy cơ tuyệt chủng – Tuấn Thảo
Hẳn các bạn còn nhớ bộ phim hoạt hình mang tựa đề “Đi tìm Nemo” – Finding Nemo – được cho ra mắt khán giả vào năm 2003. Bộ phim này nằm trong số 10 tác phẩm hoạt họa ăn khách nhất hành tinh, với hơn 850 triệu đô la doanh thu trên khắp thế giới. Nhưng cũng vì bộ phim này, mà loài cá hề giờ đây lại lâm nguy.
Vào năm 2006, bộ phim “Đi tìm Nemo” kể lại các chuyến phiêu lưu của một chú cá hề (clownfish), đã phá kỷ lục với hơn 40 triệu đĩa hình DVD được bán trong vòng một năm. Sự thành công vượt bực của phim Nemo lại gây ra một tác động mà ít có ai có thể lường trước được. Đó là giới thiếu nhi từ Tây Âu sang Trung Quốc, do rất yêu chuộng nhân vật Nemo, nên mới đòi cha mẹ mua cho các em một con cá hề đem về nuôi.
Đối với tất cả những ai thích nuôi cá kiểng, thì việc mua những con cá tuyệt đẹp rực rỡ màu sắc, chẳng có gì mới. Nhưng sự kiện hàng trăm ngàn gia đình đồng loạt chạy đi mua cùng một loài cá để thả trong bồn nước, mới thật sự gây bất ngờ. Chỉ trong 5 năm gần đây, lượng cá hề được bán trên thị trường cá kiểng đã được nhân lên gấp mười lần. Giá trung bình của mỗi con cá cũng đã tăng lên gắp ba (từ 12 đến 15 euros mỗi con). Giống cá hề có khoảng 20 loại với hình thù và màu sắc khác nhau. Nhưng vấn đề ở đây là các em nhỏ chỉ muốn mua loại cá hề giống hệt như chú cá Nemo là màu cam với ba đường sọc màu trắng.
Trong môi trường tự nhiên, cá hề chủ yếu sống trong các vùng nước ấm ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, nơi có nhiều dải san hô và cá hề thường sống cộng sinh với các loài hải quỳ, không thể nào tách rời. Làn sóng yêu chuộng Nemo đã dẫn đến phong trào săn bắt cá hề để bán cho các thị trường Âu Mỹ và Trung Quốc.
Mãi đến hai năm gần đây, Viện Nghiên cứu Đại dương của Thai Lan, với sự hợp tác của giới nghiên cứu khoa học ở Úc, mới thành công trong việc nuôi cá hề trong bồn nước mặn, để giới hạn việc săn bắt giống cá này dưới đáy biển. Qua việc mở các trại nuôi cá, Thái Lan trở thành nước xuất khẩu cá kiểng quan trọng nhất thế giới, nhưng đối với các nước khác trong cùng khu vực, do không có chăn nuôi cá hề, cho nên việc săn bắt vẫn tiếp diễn. Đó là chưa kể đến vấn đề hâm nóng trái đất làm gia tăng nồng độ acít của các vùng biển ấm, giết dần giết mòn san hô và hải quỳ, tức là môi trường tự nhiên của cá hề.
Chính cũng vì thế mà mối nguy cơ đe dọa giống cá này nay lại càng lớn hơn. Theo tạp chí National Geographic, trong số 10 loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng, cá hề hiện đứng đầu danh sách, tức là còn hơn cả chim cánh cụt hoàng đế, gấu koala, cá heo trắng hay hải cẩu Bắc cực. Bộ phim Happy Feet cũng nói về bầy chim cánh cụt có cái tài ca hát và nhảy thiết hài, nhưng không ảnh hưởng gì đến việc săn bắt vì cha mẹ chỉ cần mua thú nhồi bông cho con. Còn trong trường hợp của cá hề, nếu như trong phim Nemo rốt cuộc cũng được giải cứu, thì ở ngoài đời, cá Nemo chưa chắc gì đã thoát khỏi vòng hiểm nguy.
(RFI – CUỘC SỐNG MUÔN MÀU – MÔI TRƯỜNG – ĐIỆN ẢNH)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét