Ba ngày Tết mới đó mà
đã qua nhanh như chớp. Năm nay lần đầu tiên chúng tôi ăn Tết ta tại Hoa Kỳ, tuy
không linh đình như ở bên nhà nhưng cũng gọi là có chuẩn bị tương đối đầy đủ
hoa quả, mâm cỗ.
Ngày đầu năm Nhâm Thìn 2012 rơi vào tháng giêng tây, kể như một tháng “ăn” hai cái Tết; Tết tây kéo
dài từ Lễ Giáng sinh 2011 sang, chưa kịp dẹp trang trí cũ thì 2 tuần sau là đã tới
ngày đưa ông Táo. Ôi thôi! Lễ này chưa dứt tiếp đến lễ kia.
Thật tình mà nói từ lúc
sang Mỹ cho tới ngày về hưu đã trên 20 năm mà chỉ biết đi “cày” tối tăm mặt
mũi đâu có thì giờ đâu mà nghĩ đến 3 ngày Tết ta, lúc nào cũng bận rộn công ăn
việc làm, đủ thứ chuyện mới mẻ phải học phải hành để hòa nhập vào xã hội xa lạ.
Đôi lúc cũng nhớ tới nhưng thì giờ không thuận tiện, đành thôi hay chỉ làm lấy
lệ năm có năm không. Bây giờ về hưu, tuổi già chồng chất nhưng lại có thì giờ, đặc
biệt là năm nay khi viết vài hoài cảm về mùa Xuân Nhâm Thìn thì tự nhiên muốn
làm một cái gì đó để tìm lại một chút tưởng niệm của những cái Tết cổ truyền đã
lạc mất trong tâm hồn.
Hôm đó thứ bảy 14/01/2012 nhằm ngày 21 ta, vợ chồng chúng tôi đến Thương xá Eden ở vùng Falls Church để gởi
quà cho các cháu bên nhà, nhân tiện đi một vòng chợ Tết. Khu thương xá này hồi
chúng tôi mới đến định cư năm 1990 còn nhiều tiệm của người Mỹ, nhưng nay thì
các cửa hàng của người Việt đã hoàn toàn tràn ngập với dáng vẻ đẹp đẻ khang
trang trưng bày nhiều hàng hóa, món ăn thuần túy Việt Nam vừa ngon vừa bán với
giá phải chăng, mặc sức mà hưởng thụ không thua kém gì ở bên nhà, đôi khi có phần
còn ngon hơn và vệ sinh tuyệt đối.
Ăn Tết mà không có báo
Xuân thì đâu có hương vị Tết phải không? Tôi đến hàng bán báo lựa mua một tờ
báo xuân, chọn được tờ báo Người Việt, khổ vừa lớn vừa dày trên 252 trang. Tôi
nói với ông bán báo “Các ông làm việc tự nguyện giúp thương phế binh VNCH phải
không? tôi ủng hộ nhe!” Ông bán báo cười phụ họa: “Vâng, báo này hay lắm đó!”.
Thế là được một món.
Chúng tôi vào cửa hàng
S.Q. đi ngắm nghía bánh trái thì bà nhà tôi chú ý đòn bánh tét nhân
chuối tím sẫm khá hấp dẫn, bà “rinh” liền kèm theo mấy món bánh trái khác. Tôi
thì lại bị thu hút bởi chậu cúc đại đóa vàng thẳm mà lâu lắm rồi tôi chưa từng
thấy ở vùng này, tôi “bợ” liền, “bi nhiêu thì bi”, chưng trên bàn thờ là hết sảy
rồi! Ra khỏi cửa hàng, ông bán báo nhìn tôi lom lom không hiểu ông muốn nói gì?
Có món thứ hai rồi.
Bà
xả tôi “xẹt” vào tiệm bán thịt quay của người Tàu Chợ Lớn, mua luôn hai ký heo quay, chặt to miếng để về kho nước dừa
với thịt heo bắp đùi tươi và hột gà làm thành món thịt kho dưa giá. Được thêm
món thứ ba nhưng còn sớm quá thịt heo quay về phải để vào ngăn đong lạnh chờ.
Thứ
năm ngày 26 an nam nhằm 16/01/12, chúng tôi đi chợ Đại Hàn để mua đồ ăn Tết. Như
thông lệ, vợ tôi lo thịt cá, rau cải. Tôi đẩy xe lang thang tìm mua trái cây
dùng hằng tuần. Thấy mấy món trái cây có thể chưng theo kiểu ngũ quả tôi “xề”
vào lựa. À thì có dừa Thái Lan gọt vỏ trắng phao, đu đủ, xoài, thơm và các trái
cây khác. Một bà Việt nam cùng đi chợ nhanh nhảu giới thiệu “Ông ơi! bưởi Florida rẻ quá mà thơm nữa”. Tôi
nghĩ bụng “mua bưởi này không biết có ngon hay không nhưng để nó ở nhà ngửi mùi
cũng đủ thấy không khí Tết rồi”, mua liền. Về đến nhà soạn trái cây ra để làm
đĩa ngũ quả, coi đi nhìn lại “Ủa sao có tứ quả hà? Thơm, dừa, đủ, xoài”. À! như
vậy còn thiếu một món “cầu” mà trong chợ này đâu có bao giờ bán mãng cầu dù là
xiêm hay ta đâu? Trái sung thì hoàn toàn không bao giờ có. Hỏng rồi! Nghĩ tới
nghĩ lui “Ờ thôi thì người miền Nam ta đọc ngọng “dừa” thành “vừa”, “xoài” thành
“xài”, sao mình không đọc theo kiểu Mẽo “bưởi” thành “bươi” có trở ngại gì đâu,
vì người Mỹ họ không đọc được dấu hỏi dấu ngã! Vậy thì mình đổi lại đĩa ngũ quả
“Thơm, bươi vừa đủ xài” cũng có nghĩa lắm chớ. “Mong có danh thơm tiếng tốt
nhưng phải bươi (như gà bươi tìm trùng dế để ăn có nghĩa là làm lụng) thì được
vừa đủ xài là tốt lắm rồi, phải không?”. Thế là yên tâm theo ý nghĩa ngũ quả kiểu Mỹ lai, đâu cần ngũ
hành, ngũ sắc, phong thủy chi chi đâu …
Năm
nay, ngày cuối năm ta là ngày 29 (không có 30) nhằm ngày chúa nhựt 22/01/12, con gái chúng tôi và gia đình nó lại chỉ rảnh ngày thứ bảy 28 ta. Tôi bàn với vợ tôi "Ờ!
thì thôi đành rước ông bà sớm hơn một ngày vậy, có sao đâu?" Thế là chúng tôi
chuẩn bị nấu nướng thịt kho dưa giá, ra sức làm nhân chả giò trước một ngày. Đến
ngày cúng, con gái tôi sang vừa cuốn vừa chiên. Bánh chưng, bánh tét thì con
gái tôi, cô Mỹ Linh hàng xóm cho được 3 đòn cũng khá là ê hề. Ăn Tết sớm hơn mọi
người bên nhà một ngày đó nghen! Gia đình con gái tôi 3 người, ở nhà 3 người mời
thêm cậu Tuấn cô Hảo hàng xóm sang thôi thì cũng vui đáo để. Gia đình con trai
tôi ở California mới
về hôm Lễ Giáng sinh nên không thể có mặt Tết này. Tổ chức được như năm nay
cũng ra vẻ Tết lắm. Nhang đèn, trà rượu cognac ly
tách chén đĩa đúng kiểu đúng cách không chê vào đâu được. Đồ ăn đã dọn lên
trang trọng đầy ấp bàn, tôi thấp hương khẩn nguyện mời ông bà cha mẹ về chứng
giám và dùng cơm Tết với gia đình chúng tôi và hướng dẫn cho cháu ngoại, Mai
Trang đốt nhang khấn vái, cho nó biết chút phong tục Việt. Nhang tàn mọi người
mời nhau ngồi vào bàn, vui vẻ cầm đủa hàn huyên tâm sự. Con gái tôi thấy chậu
cúc đại đóa đẹp liền hỏi “Ba mua chậu này bao nhiêu vậy?” Tôi hứng khởi trả lời
“mua ở ngoài Eden
20 đô đó, rẻ quá hả?” Cô Hảo tiếp lời liền “Bác ơi! ở Costco (trung tâm bán sỉ
của Mỹ) bán có 13 đô hà, năm nay mới có cúc vàng, năm rồi nó bán cúc trắng nên
ít ai mua”. Tôi “Ư! Ư!, đâu có biết?” Cô tiếp “Nhưng hôm đó có người vào mua sạch
không còn một cây, may mà con bạn con gọi điện thoại, con nhờ nó mua giùm một cặp
là hết hàng”. Hóa ra là vậy, hèn chi ông bán báo thấy tôi rinh chậu cúc ra khỏi
tiệm, chắc ông đã tiếc rẻ giùm tôi là đã mua lầm giá rồi?
Đêm
29 Tết cháu Thanh điện thoại báo tin cháu đến thăm gia đình tôi liền. Tôi thực
sự vui mừng vì mấy năm qua gia đình cháu bặt tin, nhiều lần tôi nhắn qua email
đều không thấy cháu trả lời, còn điện thoại vào nhà cháu, không có ai bắt. Thường mỗi lần có tiệc tùng ở nhà tôi, hai
cháu Thanh Lang luôn có mặt. Cháu Thanh đến với hai tay khệ nệ nào hoa anh đào,
nào bánh chưng, rượu chát biếu Tết. Trời hôm đó âm u, sáng -10 độ C, trưa vào
khoảng 0 độ C tuyết tan chút đỉnh do trận tuyết lất phất hôm qua, mặc dù tôi đã
rải muối và làm sạch nước vảo buổi trưa, nhưng đêm đến nhiệt độ tuột xuống -8 độ
C, nên cầu thang dẫn vào cửa chính bị đông tuyết thành một lớp mỏng như nước đá.
Thanh không để ý, đã bị trợt chân nhưng nhanh tay chụp được cái vịnh cầu thang nên
sướt da chảy máu ngón tay. Tôi vội đưa cháu vào nhà băng bó, năm cũ sắp qua mà
cũng còn chút xui xẻo song chưa cho là tai nạn đáng buồn phiền. Hai cậu cháu hân
hoan cụng ly chúc mừng năm mới và hỏi thăm không dứt chuyện, nhưng cháu còn phải
về để đưa Lang đi lễ chùa đầu năm, nên cậu cháu đành chia tay.
Ở
Hoa Kỳ giữ gìn ngày lễ lộc cho đúng cách như bên nhà thật khó, mình rảnh rang
thì con cháu bận rộn. Rước ông bà sớm một ngày chắc là ông bà cũng khá phiền hà
vì phải khẩn cấp lo phương tiện di chuyển đến, rồi vội vã bay về Việt Nam chứng kiến các con cháu
khác, không thì chúng giận. Cô Hảo nói “Cháu là người Hoa, trước đây ngày 23 ta
gia đình cháu còn đưa ông Táo, nhưng rước ông Táo về ngày nào cháu không nhớ
nên thôi không cúng nữa”. Như vậy là cô ấy vĩnh viển “cắt đứt quan hệ” với nhà
Trời. Còn đứa cháu tôi, Th. nói “Có năm con rước ông bà về ăn Tết với tụi con,
rồi bận đi làm quên mất đưa ông bà về miền cực lạc?”. Thế là ông bà ở lại hạ giới
với con cháu cho ấm cúng. Còn thằng cháu vợ tôi, Khanh rước ông bà về ngày 29,
vừa tàn nhang là xin kiếu đưa ông bà đi cho tiện công ăn việc làm. Ôi ở xứ Mỹ
là như vậy đó, việc làm là trên hết là lẽ sống là tiền bạc, để trả tiền nhà tiền
xe nên thét rồi ông bà cũng thông cảm cho con cháu đâu làm sao trách móc cho được?.
Con cháu lâu ngày lai Mỹ chỉ biết “Sorry, sorry..” thế là cũng xong, nào ai giận
hờn ai cho đành.
Ôi! Đầu năm mà nhớ đến những
đứa con trôi sông vượt biển bỏ lại quê cha đất tổ đào tị xứ người dần dà vài thế
hệ là mất gốc Việt Nam . Ông bà Tổ tiên có thương
cho người con viễn xứ? có trách đất nước đã tặng vô điều kiện những nhân tài xuất
chúng cho các đại cường quốc để họ càng
có điều kiện thêm giàu mạnh không? Ba ngày Tết linh thiêng! đáng cười hay đáng
khóc đây?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét