Năm
1962 là năm đầu tiên giới ký giả
thể thao VNCH cải tiến phương pháp bầu lực sĩ quốc gia và nhà dìu dắt, không
theo từng bộ môn mà gộp chung 12 bộ môn lại để chọn ra người cao điểm nhứt xếp
hạng và gọi họ là lực sĩ chứ không gọi cầu thủ vàng hay bạc. Xin các bạn đọc
bài sau đây trên báo Thao Trường để biết chuyện xưa với cách làm việc khá là khách
quan và vô tư không bị tác động bởi các Tổng cuộc hay chánh quyền đương thời ở
miền nam, làm sai phẩm chất chọn lựa.
NHỮNG CUỘC BẦU CỬ Ý NGHĨA CỦA NHÀ THỂ THAO
1962: Dìu dắt số 1: Ông TRẦN MINH MẪN
Lực sĩ số 1: Bạn Phạm huỳnh TAM LANG
của QUẾ-LANG và HOÀNG-NGỌC
Năm
Nhâm Dần vừa qua là năm thứ năm của giới ký giả thể thao Thủ Đô họp
nhau bầu lực sĩ và nhà dìu dắt số 1 trong năm. So với 4 năm trước, lần này, những
cây bút chuyên về phong trào khỏe làm việc có qui củ và lựa chọn thật đúng mức.
Những
năm trước, anh em bầu lực sĩ, dìu dắt và mạnh thường quân số 1. Riêng năm nay,
nhận thấy dìu dắt và mạnh thường quân không thể tách rời mà được xem là
"tuy hai mà một, tuy một mà hai", anh em tán đồng một đề nghị đổi lại
là "người đẩy mạnh phong trào lên vượt bực hơn hết trong năm".
Năm năm
nay, việc bầu cũng trưởng thành theo năm tháng và ngày càng thêm hoàn hão. Số ký giả
cũng ngày một tăng thêm. Vì vậy cuộc tuyển chọn lần này thật kỹ càng và cân xứng.
Thật vậy, ông Trần minh Mẫn, Chủ Tịch Tổng Cuộc xe đạp Việt Nam được bầu là
người đẩy mạnh phong trào số 1 năm 1962 và Phạm huỳnh Tam Lang, lực sĩ số 1 năm
Nhâm Dần.
ÔNG TRẦN MINH MẪN NGƯỜI HOẠT ĐÔNG KHÔNG NGỪNG
Với sự ham thích riêng ông nếu ra hoạt động
thì chỉ có bóng tròn thôi. Oái oăm thay, khi ông lại nhào vô xe đạp. Tuy không
rành lắm, nhưng với thiện chí phục vụ
cho thể thao ông cũng làm hết mình.
Lại nữa,
nhờ có nhạc phụ là cựu vô địch Ngô văn Luông, dẫn giải về mặt kỹ thuật mỗi khi
ông tham khảo ý kiến. Nhờ vậy, công việc được êm đẹp
không có chuyện gì trắc trở. Nói cho
đúng, nhờ tánh tình vui vẻ luôn luôn đối xử một cách ôn hòa với cộng sự viên
trong Ban chấp Hành và các tiểu ban, nên tất cả đều dốc lòng phục vụ làng ngựa
sắt như ông vậy.
Ông Trần
minh Mẫn đã được ký giả thể thao Thủ Đô bầu là người đẩy mạnh phong trào
Khỏe 1962 rất xứng đáng. Ông đã được 53 điểm hơn người kế trên 30 điểm. Tuy với
lá cờ danh dự đơn sơ để làm kỹ niệm, nhưng với vinh dự này sẽ không phai mờ
trong tâm khảm của Ông và của anh em đã tham dự buổi tiệc khoản đãi Ông cùng lực
sĩ số 1 Phạm huỳnh Tam Lang do ký giả Thủ đô tổ chức đêm thứ tư
16-1-1963 tại Bồng Lai tửu quán.
TAM LANG,
NHỎ TUỔI TÀI CAO
Về việc
bầu lực sĩ số 1, năm nay cũng có thay đổi. Thay vì anh em cầm bút tùy lựa chọn cầu thủ bóng tròn, bóng bàn hay cua rơ mà mình
nhận thấy đầy đủ tài đức, điều lệ mới là mỗi môn được chọn riêng một lực sĩ. Có tất cả là 12 môn nhưng môn bình dân là được
anh em lưu ý hơn cả. Cho nên môn nào cũng có lực sĩ được bầu.
Rốt cuộc
điều lệ ấn định ai cao điểm sẽ được chọn mà kết quả:
Phạm Huỳnh Tam Lang của Cảnh Sát Quốc Gia (tên cũ: A.J.S.) được 41 điểm
đoạt chức "lực sĩ số 1 năm 1962"
người kế đó là
Cô Phạm thị Minh Nguyệt, 31 điểm nhờ tạo
thành tích trong giải điền kinh (đoạt 3 huy chương vàng và được Cao Ủy thể thao
Pháp Herzog khen ngợi).
đồng 29 điểm là
Huỳnh văn Ngọc của bóng bàn (vô địch V.N. 3 năm liền) và
Huỳnh Anh (xe đạp)
Phan hữu Dỏng (bơi lội) được 16 điểm.
kỳ dư 7 môn khác không được anh em chú ý phần vì
thành tích không có lại không được giới bình dân ưa chuộng.
Tam Lang được bầu rất xứng đáng với tài nghệ
và tác phong. Mới 21 tuổi, trung ứng của C.S.Q.G. đã có một tài nghệ tuyệt
luân. Bắt đầu xuất hiện trên sân cỏ từ năm 1959 đá cho Ngôi Sao Cholon được vài
trận thì hội này tan rã. Năm sau, vừa ký thẻ cho Tổng Ngân Khố nhưng mà tiền nội
Lê Hữu Đức tinh mắt "bắt" về cho Cảnh Sát. Từ đó tài nghệ anh lên
luôn và mặc áo hội tuyển Thiếu niên, Thanh niên và Quốc gia. Sau hội Cảnh Sát,
mùa 61-62, anh về với VNTT (Việt Nam Thương Tín ngân hàng), mùa này mặc áo đá
chung hội với Nhung.
Tài nghệ
anh sẽ còn lên nữa vì anh là cầu thủ gương mẫu trong những buổi thao dợt thể dục
và kỹ thuật. Cố công học hỏi, anh đã "ăn cấp" được cú "đánh đầu"
của cầu thủ Indonesia khi đoàn này sang dự giải Quốc Khánh 1961.
Trong
buổi tiệc tất niên của Cảnh Sát Quốc Gia đêm 28 Tết, hỏi về cảm tưởng của anh
khi được bầu, anh cho biết là rất xúc động khi hay tin. "Đời cầu thủ của
tôi sớm đi đến vinh quang làm cho tôi cố gắng trau dồi nghệ thuật ngày một hoàn
hảo"
Hỏi anh
có hy vọng để được anh em ký giả bầu trong năm nay không, thì anh trả lời: có
ít nhiều hy vọng.
Năm năm
qua, có 5 lực sĩ được bầu mà trong đó bóng tròn chiếm hết 3. Có một điều ngộ là
3 cầu thủ đều đá cho hội Cảnh Sát Quốc Gia. Trước hết là Đổ quang Thách, kế đến
là Phạm văn Hiếu, người thứ ba là Tam Lang. Tài nghệ cao cường là một chuyện ,
nhưng tác phong xấu tốt tùy theo người, 3 cầu thủ kể trên có một tác phong đúng
đắn phãi chăng nhờ kỹ thuật trong hội uốn nắn mà nên. Vì vậy khán giả nghĩ đến
cầu thủ đó tức là nghĩ đến hội đó. Nhà dìu dắt của hội chủ trương dầu được thua
cũng dựa trên tinh thần thể thao mà tranh đấu. Và nếu cầu thủ của mình mà kém
tác phong trong lúc lâm trận sẽ bị phạt ngay, trường hợp này đã được thực hiện ở
vài trận cuối năm.
Rồi đây,
với kỹ luật nghiêm minh, hội CSQG sẽ gồm cầu thủ có tài lẫn đức. Và năm tới hoặc
những năm sẽ tới biết đâu hội của đại úy Luận sẽ hãnh diện có thêm lực sĩ số 1
trong năm.
QL
- HN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét