31/1/09

MỘT THÁNG HƯỞNG HAI CÁI TẾT (Bài 022)

            Tháng giêng 2009 đánh dấu nhiều sự kiện đồng loạt xẩy ra; từ sum hợp gia đình, Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ sang trang lịch sử, may mắn gặp lại bạn bè thân thiết và đồng thời cũng là ngày kỷ niệm Tết tây rồi Tết ta. Với tôi là tháng khá hấp dẫn.

            Cuối tháng 12, 2008, gia đình con trai út tôi ,-Anh Vũ, Thuỵ Vi và Hà Khanh từ Sacramento-California về ăn Tết tây 2009 với chúng tôi tại Virginia bốn ngày. Nhân dịp nầy vợ tôi có nhã ý mời tất cả bà con, cháu chít cùng hợp mặt và chung vui trong một bửa tiệc gia đình đầm ấm. Với hơn vài chục người từ bé đến lớn, ngay gia đình tôi cũng đã có đến 9 người kể luôn Trang, Phước, Mai Trang từ DC sang. Chị Vân kèm theo Khanh, Phấn, Anh Thư và một cháu gái mới từ Việt Nam sang du học, gia đình “Ông Cò Michel”, cô Năm Qưới và 3 cháu mới sang. Gia đình Thoại, Ngọc Anh với vợ chồng Tuyền, vợ chồng Thuý thêm 2 con. Anh Thạch HO người bạn ở gần nhà tôi và một đứa học trò Mỹ của Vũ. Người lớn ăn nhậu kể chuyện nhà, chuyện sở, chuyện kinh tế khó khăn râm ran. Trẻ con dễ dàng kết thân nô đùa, chạy nhảy, hò hét quên cả ăn uống. Không khí thật là vui nhộn, ồn ào.. mấy thuở mới có một lần hào hứng với tiếng nói, tiếng cười như không bao giờ dứt. Tiệc tan mà người người còn lưu luyến vì kẻ phải còn đi làm, người nhà xa sợ tối khó đi, vợ hối chồng, con thúc cha về vì sợ “xỉn” sẽ bị cảnh sát phạt. Ôi cuộc vui sao chóng tàn, ai cũng còn thấy thiếu cái gì đó chưa kịp tỏ bày ra cho hết.
            Ngày 20 tháng giêng 2009 là Lễ nhậm chức của Tổng Thống Hoa Kỳ “da đen” đầu tiên trong suốt trên 200 năm lịch sử Hoa Kỳ. Ông Barack Hussein Obama tuyên thệ trước Quốc Hội Hoa Kỳ đúng 12:05’ trưa, với sự có mặt của hai triệu người Mỹ đủ sắc da từ trắng, vàng, đen, đỏ dầm tuyết lạnh lẽo dưới không độ C, họ đến đây từ hừng sáng dưới sự khám xét chặt chẻ của an ninh để được chứng kiến buổi lễ. Tôi ngồi trực bên TV để theo dõi buổi Lễ vô tiền khoán hậu và để thu hình các diễn biến cùng bài diễn văn; hầu hiểu rõ đích thực đường lối đối nội và đối ngoại của Tân Tổng Thống, mà cả gia đình chúng tôi đã hội ý cùng bầu Ông để hy vọng có “đổi mới” cho quốc gia Hoa Kỳ cũng như cho toàn Thế giới, mặc khác cũng kỳ vọng “da đen” thắng cử thì “da vàng” có thể làm nên về sau. Rõ ràng sự trông đợi của tôi không uổng phí vì bài diễn văn của Ông Obama đã làm cho tôi có đôi chỗ bất ngờ: “Đối với chúng ta, họ đã chiến đấu và hy sinh, ở những nơi như Concord và Gettysburg; ở Normandy và Khe Sanh.”.. “Xin quí vị nhớ rằng những thế hệ trước đây đã đương đầu với chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa Cộng Sản không phải chỉ bằng phi đạn và xe tăng, nhưng bằng những mối quan hệ đồng minh vững chãi và những sự tin tưởng mạnh mẽ.”.. “Đối với ai bám víu quyền lực bằng tham nhũng, gian lận, và bằng cách bịt miệng những người bất đồng, hãy biết rằng quí vị đang đứng ở phía trái của lịch sử; nhưng chúng tôi sẵn sang đưa tay giúp đỡ nếu quí vị sẵn sàng thay đổi lề lối của quí vị.”  Đưa Khe Sanh lên ngang tầm với Normandy là một xác nhận khá lý thú; Hoa Kỳ đã hy sinh trong trận chiến Việt Nam là môt danh dự nhằm bảo vệ Tự Do Dân Chủ cho Miền Nam Việt Nam ngang hàng với sự tham chiến giải phóng Âu Châu khỏi sự thống trị của Đức Quốc Xã? Và những quốc gia nào đứng về phía trái không phải là bạn của Hoa Kỳ nhưng Hoà Kỳ sẵn sàng chờ đợi nối vòng tay.
            Rồi Mậu Tý đi Kỷ Sữu về. Nhớ lại mùa thu 2006, thi sĩ Thu Vân cũng là giáo sư Pháp văn của Trường VCU-Richmond, Virginia đến thăm vợ tôi sau 50 năm xa cách ,-từ thuở học Providence, Sóc Trăng, chị đã tặng lại bài thơ mà tôi trích bốn câu như là nhân duyên đưa đẩy tôi gặp lại các bạn tôi cũng trong cùng cảnh ngộ;

Ngồi bên nhau ôn lại thời thơ dại,
Năm mươi năm, nay tóc đã dần phai.
Đi nửa vòng trái đất để về đây
Vui tái ngộ, hay bèo mây hẹn ước?

Nhân dịp Hội Thân Hữu Gò Công tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm tại Virginia Hoa Kỳ, tôi được cái hân hạnh tái ngộ lại hai bạn cố tri qua dẫn dắt của anh Phan Thành Hữu (tôi mới biết anh tại Hoa Kỳ trong thập niên 1990, anh là chú của Phan Văn Lăng, bạn học và làm chung tại Bịnh viện Chợ Rẩy với tôi sau năm 1975);
Ngày 26/12/2008, tôi đã gặp lại bạn Lộ Công Mười Lăm đi từ Québec Canada về dự Tiệc Tất niên Gò Công 2008. Nếu không có anh Hữu chắc tôi cũng không thể nào nhận ra được anh Lăm sau 56 năm xa cách, người bạn học với tôi hồi lớp Tiếp Liên niên khoá 1951-1952 tại Trường Tiểu học Gò Công. Lớp Tiếp Liên là lớp sau khi thi đậu bằng Tiểu học, học thêm để thi vào Trường Trung học Pétrus Ký. Sở dĩ tôi còn nhớ đến tên anh, vì lúc còn học chung; anh khá điển trai lại áo quần bảnh bao hơn mọi học sinh khác, tính tình nhu mì, hiền hậu tuy hơi nhỏ con. Tôi chỉ nhớ tên anh là Mười Lăm (không rõ anh có phải là đứa con thứ 14 hay không? vì anh em đông nên đẹt một tí chăng?) chớ họ anh, tôi hoàn toàn không nhớ. Gia đình anh khá giả lại là em của thầy giáo Bích dạy tại trường nam Gò Công, nên được các thầy nể nang! Anh nhắc lại: “Thầy Giáp đánh moa, moa nghỉ học, thầy qua nhà năn nỉ vì lúc đó thầy ở sát bên nhà anh ba Bích của moa.” Riêng tôi, năm đó dợt banh với anh Tư “mủi tên vàng” tại sân vân động Gò Công bị té gãy tay, phải xin phép nghỉ một tháng. Lúc vào học lại, Mẹ tôi đưa tôi đến phòng Hiệu Trưởng thì tôi bị thầy Giáp tán cho một bạt tai đau điếng người. Tôi học hành siêng năng, chăm chỉ, ít khi bị thầy giáo quở trách, nhưng lần nầy không tránh khỏi bị đòn. Cuối năm đó tôi đoạt được giải thưởng Việt văn toàn Tỉnh Gò Công, trước khi trao giải thầy Giáp nói: “Nếu trò Hoa không đoạt giải thưởng toàn Tỉnh về môn Pháp văn thì giải Việt văn nầy tôi cho trò Hoa.” (Thời kỳ nầy, chỉ có lớp Tiếp liên mới cho phép học sinh trai và gái học chung, nhưng ngồi 2 hàng riêng.) Nghe thiệt ê mặt, nhớ tới bây giờ. Sau lớp nầy, các bạn tôi đều tản mát, mỗi người đi một ngã, biền biệt vô âm tín. Bây giờ gặp lại nhau đây, nhắc chuyện ngày xưa khi còn trẻ dại mà “nhan sắc” người nào cũng bàng bạc màu sương gió của buổi hoàng hôn. Hai chúng tôi đã về hưu từ vài năm qua, gác lại những ngày đầu tắt mặt tối trên các quãng đường vất vả của xứ công nghiệp tiền tiến. Lăm có may mắn được học bổng Colombo năm 1960 để sang Canada tiếp tục học từ Bachelor degree cho tới PH D và định cư luôn tại đây nên không biết đến một ngày “Chiến tranh Việt Nam” là gì!
Cũng dịp nầy, thứ sáu 23/01/2009 tôi hẹn với anh Lê Dinh đi ăn điểm tâm; anh lớn hơn tôi 3 tuổi nhưng trông anh vẫn còn khá phong độ, hơi đẫy đà một chút, giọng nói vẫn như xưa, vồn vã, nhẹ nhàng và thân thiện. Câu đầu tiên anh nói như mơ màng: “bốn, năm mươi năm rồi mới gặp lại Long Nhi há!”, thật ra sau đám cưới tôi ngày 20/07/1963 tôi đã chính thức từ giã đời nhạc sĩ tài tử, như vậy là trên 45 năm rồi còn gì? Nhạc sĩ Lê Dinh học ngành vô tuyến điện, rồi về làm Chủ sự Phòng sản xuất cho Đài Phát Thanh Saigon tức Nha Vô Tuyến Việt Nam đến ngày tan hàng 30/04/1975. Năm 1978 anh vượt biên sang Canada và định cư với vợ con luôn tại Montréal, Quebec, Canada. Anh là người đã “lancer” nhạc phẩm “Chiều Tây Đô” và “Tìm về kỹ niệm” cho tôi vào đầu thập niên 1960. Thuở đó, mỗi tháng tôi từ Cần Thơ nơi tôi dạy học cho Trường Ánh Sáng Hậu Giang, về chơi với anh, chúng tôi thường đi ăn cơm với nhau đôi khi có cả chị Quyên, vợ anh. Nhắc tới anh là tôi nhớ lại những rung động đầu tiên khi nghe nhạc mình được ban Sóng Mới trên Đài Saigon do Lê Minh Bằng phụ trách, trình bày qua làn sóng điện, và âm điệu bài nhạc sau đó được nhạc sĩ Y Vân viết lại hoà âm theo nhịp điệu Calypso đã in sâu vào lòng người Cần Thơ. Các bạn học sinh trung học Phan Thanh Giản, Thủ Khoa Huân, Ánh Sáng Hậu Giang thời 1960-1963, đến nay vẫn còn nhắc nhở Chiều Tây Đô. Khi thành công qua 2 sáng tác, tôi đã mở quán nhạc lấy tên em tôi “Tam Lang” để bán nhạc có cho nghe lời ca qua magnétophone đầu tiên và duy nhất ở Cần Thơ do các học trò tôi thay phiên quản lý. Anh Lê Dinh là người giúp thâu băng các ca khúc cho tôi tại đài phát thanh, nên âm thanh không chê được. Sau đó anh có xuống thăm tôi, xem việc làm ăn cũng đồng thời thăm cảnh Tây Đô. Tới bây giờ anh mới nói: “Long Nhi nè, anh đi tỉnh nào cũng sáng tác một bản nhạc cho tỉnh đó, ngoại trừ Cần Thơ vì đã có bản nhạc của em rồi.” Lời anh nghe thật dễ thương và đầy tình nghĩa anh em, như phân định biên giới giữa anh và tôi cho dù việc đó đã đi vào dĩ vãng xa lơ xa lắc. Ngồi nhắc lại những ngày làm nghệ sĩ “đa tình đa cảm” mà giựt mình, “sờ lại” anh và tôi thì thấy gia đình chưa sức mẻ miếng nào, âu đó cũng là ‘khéo tu’!  Đêm tất niên Hội Thân Hữu Gò Công ngày 24/01/2009 như là một đêm dành riêng nửa chương trình để ca sĩ Tâm Đoan trình diễn những ca khúc trữ tình của anh, ca ngợi quê hương Gò Công cũng như khóc thương cho nổi đau đớn của nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc đời người. Tôi được danh dự xếp ngồi gần anh như được truyền cho chút hào quang chói lọi từ tên tuổi lẫy lừng của anh tại tỉnh nhà cũng như của cả Việt Nam; bao nhiêu thân hữu đã đến xin chữ ký tặng lên các đĩa nhạc của anh đã phát hành, hoặc xin chụp hình chung để làm kỷ niệm. Đêm nay là một đêm Hội Thân Hữu Gò Công vinh danh Lê Dinh để cho thế hệ Gò Công về sau hiểu rõ hơn về những năng nỗ của lớp đàn anh, dù sống trong một mảnh đất “nước mặn đồng chua” nhưng lúc nào cũng vương lên chiếm vị trí không nhỏ trong mọi lãnh vực của xã hội Việt Nam hôm nay và mai sau.
            Cuộc đời cứ hợp rồi tan, tan rồi hợp, mới vui đó thì lại buồn đó, mỗi lần như vậy trái tim rưng rức sầu mong lung làm thể xác ngày thêm cằn cỗi già yếu đi/


Không có nhận xét nào: