11/10/10

CÔ THẮM VỀ LÀNG lần 2 tháng 8, 2010 (Bài 052)


Đã hơn 6 năm,  lần này là lần thứ 2 trong suốt 20 năm, tôi từ Hoa Kỳ trở về lại quê hương nơi tôi đã được sanh ra và lớn lên. Tôi đã dự trù vài tháng  trước để sắp xếp thì đúng lúc con trai út tôi đi dự Hội nghị khoa học tại Nha Trang, vợ chồng nó đã mua cho chúng tôi hai vé máy bay khứ hồi để nhân đó, cùng nhau về thăm lại gia đình, bà con, bạn bè, quan sát sự phát triển của đất nước, nhìn lại cảnh vật hữu tình và con người hiền hậu của miệt ruộng vườn có khí hậu ngọt ngào mùi lúa gạo, cây trái, sông rạch.


Đến phi trường Tân sân nhất sau chuyến bay dài từ Virginia, rồi Tokyo, tôi có đôi chút bỡ ngỡ khi nhìn thấy phi trường quốc tế Tân sân nhất đã hoàn toàn đổi mới, hiện đại đúng dáng dấp và tầm cở của một phi trường Âu Mỹ; phân chia ngăn nắp và cung cách làm việc khá nghề nghiệp. Hôm nay có nhiều chuyến bay cùng đến một lúc mà hành khách phần lớn là người nước ngoài. Cùng đi với tôi là một cô gái Việt trẻ từ Nhật về, cô cho biết là cô đi làm bên đó và về thăm mẹ ở Hóc Môn, cô đi trước tôi cùng chờ ở quầy công an di trú để trình hộ chiếu và visa. Tôi hỏi nhỏ cô “Có cho tiền công an không?”, cô trả lời lớn tiếng “Bác đừng cho tụi nó, tụi nó ăn quen hư hết” giọng nói cô cứng rắn và dứt khoát. Tôi giựt mình, tự hỏi ‘sao bây giờ thanh niên họ mạnh miệng không còn mềm yếu như trước đây nữa’ vậy?  Khi cô qua khỏi khu vực di trú, đến lượt vợ chồng chúng tôi. Chúng tôi kẹp ít tiền trong passport để trình cho nhân viên hành sự, cậu nầy còn trẻ nét mặt mệt mỏi nhưng vẫn năng động, cậu mở hộ chiếu chúng tôi, thấy có tiền cậu vội ngước đầu lên với vẻ mặt trân trọng nói “xin cám ơn”. Tôi lại ngạc nhiên vì lần trước chúng tôi gặp một người lớn tuổi, mặt mài hầm hầm lấy tiền như máy, thiếu hẳn cử chỉ thân thiện dù là một động tác nhỏ. Thôi, thì vợ chồng tôi đã làm một việc không đáng được cô bé trẻ kia hoan nghinh, nhưng với chúng tôi lại là một việc làm đầy sảng khoái vì ít ra cũng đem lại cho cậu kia một vài tô phở cho gia đình cậu ấy vui vẻ trong ngày cuối tuần. Giá dụ nếu các con tôi còn ở lại quê nhà thì biết chúng nó sẽ ra sao? Nghĩ vậy mà cảm thương các người bạn trẻ còn trong hoàn cảnh khó khăn ở quê nhà, dù sao họ cũng là đồng bào mình cho dù họ ‘mang màu cờ sắc áo nào’!
      
Nhận hành lý xong chúng tôi đẩy chúng ra bên ngoài thì, Cô Tám, người làm của anh tôi đã sẵn sàng đứng đón. Cô rất niềm nở,  nhanh nhẹn lo điều động phương tiện di chuyển cho chúng tôi về nhà. Trên đường về, Cô nhắc chúng tôi “Hôm nay 11 tháng 8 là ngày sinh nhựt Ông Thầy tròn 90 tuổi”, cũng may là hôm đó máy bay ANA tới sớm hơn 20 phút, nên chúng tôi còn  những giây phút cuối cùng trong ngày để chúc mừng sinh nhựt anh tôi với các món quà chúng tôi mang từ Mỹ về.  Đến nhà tay bắt mặt mừng, hỏi thăm qua loa, chúng tôi liền được chị Chín cô Tám đưa lên phòng. Mệt quá chúng tôi lăn ra ngủ như chết. Sáng hôm sau dậy trễ, anh tôi đưa chúng tôi đi tham quan ngôi nhà mới; thì ra ngôi nhà cũ ở đường Đ.T.C. là ngôi biệt thự thuộc loại cổ lỗ sĩ chắc xây từ thời “Bảo Đại còn làm trùm”, nhưng nay bán được giá cao vì miếng đất nằm ở trung tâm Thành phố, nên khi mua xong ngôi nhà mới rồi anh còn dư 2 phàn 3 tiền bán nhà cũ để biếu các con anh, gọi là quà “tài sản kế thừa” do công lao của anh chị tôi cần cù suốt đời tạo nên. Ngôi nhà này, nguyên là 3 căn phố phá ra xây lại kiểu villa, có 1 lầu, khoảng 6 phòng rộng rãi, trang trí hoa mỹ nằm cuối 1 con đường hẻm trên đường N.B.K.  Anh rất tâm đắc ngôi nhà mới vì đầy đủ tiện nghi và luôn miệng khen ngợi 2 chị người làm đã tận tụy phục vụ cho anh trên 15 năm nay và giờ này còn nhiệt tình săn sóc anh trong tuổi xế chiều. Hai chị nguyên; một người là nhà giáo, người kia là kế toán ngân hàng, cả hai đều có học lực tú tài, phụ trách cơm nước, chợ búa kiêm cả  thơ ký chạy giấy tờ và làm đủ mọi công việc khác khi cần thiết cho anh.
Tôi có tất cả 9 anh chị em; 5 trai và 4 gái kể cả tôi. Anh thứ Sáu, chị thứ Bảy và chị thứ Tám đã qua đời. Anh thứ Tư là anh cả, vì chúng tôi là dòng con thứ 2. Anh cả tôi rời khỏi gia đình để ra Hà Nội theo học Trường Y lúc đó tôi mới chừng 5 tuổi ½, rồi sau đó anh sang Pháp tiếp tục sự học cho đến ngày ra bác sĩ y khoa và ở lại mở phòng mạch tại 1 tỉnh lẻ ít lâu. Khi anh trở về xứ hành nghề bác sĩ cho 1 bệnh viện người Hoa, sau lên giám đốc thì lúc đó tôi đã ở tuổi 16, mẹ qua đời, sống với ba tôi và đi học tại các trường Bà Phước nhưng rồi ba tôi cũng qua đời. Từ con nhà giàu rơi vào hoàn cảnh khó khăn vì, công việc kinh doanh của ba tôi bị khủng hoảng về quản lý nên khánh kiệt. Tôi lúc đó như thuyền đứt dây lơ lửng giữa dòng sông; tiền học không còn, tiền ăn không có tôi dứt khoát nhận lời lấy chồng. Chồng tôi nghèo nhưng là người cương nghị, cần cù quyết cùng tôi xây dựng một cuộc sống tự lực cánh sinh. Anh cả tôi và vợ anh cũng là bác sĩ, miệt mài tận tụy với bịnh nhân và xem bịnh viện như nhà của chính anh, nên bệnh nhân càng ngày càng đông, anh càng lúc càng bận rộn hơn. Tiếng tâm lừng lẫy khắp miền nam chớ không riêng gì ở Saigon. Tôi xa anh hồi còn quá nhỏ và gặp lại anh đã vào tuổi dậy thì, sự hiểu biết của tôi về anh gần như không rõ nét, tâm tình giữa tôi và anh cũng mờ nhạt. Gần 30 năm trước khi tôi đi tị nạn tại Hoa Kỳ, hai lần anh đến thăm gia đình tôi; một lần nhà tôi đang sữa lại tấm vách tường ở phòng khách bị mục nước, anh đứng ngắm nghía tấm vách rồi bước ra hẻm đi về, lần khác anh đến chẩn bịnh giùm đứa con trai tật nguyền của tôi. Thỉnh thoảng tôi cũng có đưa con tôi vào thăm anh, nhưng sự thăm viếng như chiếu lệ, ngượng nghịu làm các con tôi không mấy hứng thú. Tôi tự nhủ lòng “Giàu cha giàu mẹ..” thì đã qua rồi, còn “giàu anh giàu chị ai làm nấy ăn.”  để nỗ lực hết sức mình vừa mưu sinh vừa nuôi dạy các con ăn học hầu sau này chúng trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.
Bây giờ, các con tôi học hành thành công đã nên gia thất, tôi muốn trở về thăm anh theo lời mời khẩn khoản của anh; mục đích để tìm hiểu về ba má tôi và về chính anh cả tôi. Về lần này, trong các buổi cơm, tôi thấy anh tự nhiên hơn, vui vẻ hơn, kể cho vợ chồng tôi nghe nhiều chuyện xa xưa trong thời kỳ Pháp thuộc về sự nổi dậy của người ‘đàn thổ’, chuyện các tiệm bán á phiện mà anh đã thấy rồi bắt chước diễn tả người hút á phiện như thế nào khiến anh bị mẹ tôi phạt anh đi chăn trâu, ngồi vắt vẻo trên lưng trâu anh thấy sướng quá kêu lên: “Ai bảo chăn trâu là khổ?”  Ở Hà Nội anh tham gia phong trào Việt Minh năm 1945, kế tiếp sang Paris anh là thành viên trong tổng hội sinh viên Việt Nam cùng Cậu Khê tổ chức các buổi biểu diễn cho tụi Tây xem, thu tiền mua sắm quần áo cho Cậu khi cậu mới sang Paris. Anh kể thật sôi nổi như anh đang trực tiếp cuồng nhiệt hoạt động cho phong trào sinh viên ngày xưa với tinh thần bất vụ lợi.
Ấn tượng nhất là chuyện ba tôi bỏ nghề chủ sự nhà dây thép, nhảy ra kinh doanh lúa. Ba tôi suýt sạt nghiệp vì mua trử quá nhiều lúa mà không có kho, bị mưa lúa ướt phải vận dụng lúa mọc mầm làm mạch nha, vừa bán lúa vừa bán mạch nha. Sau đó vay tiền ngân hàng, chuyển sang làm ruộng, rồi sản xuất nước mắm, thành công trở thành ông chủ hảng nước mắm Đồng Hương, đứng hàng nhứt nhì tỉnh Cần Thơ. Anh kể về ba với tình tiếc gay cấn, hấp dẫn, sống động nhưng trong nhiều câu chuyện khác anh trách ba và rõ ràng anh không quý  ba như tấm lòng anh thương mến mợ. Cứ xem trong phòng ngủ của anh, treo không biết bao nhiêu là ảnh của mợ. Ai về anh cũng tặng 1 hay 2 ảnh của mợ. Anh kể còn nhiều.. nhiều chuyện lắm kể cả chuyện anh, chuyện em, chuyện con, chuyện cháu, cái hay cái dở, điều đúng, điều sai…
Suốt hai lần ở nhà anh, tôi mới nhận chân ra được, anh cũng là một con người bình thường; có những vui buồn sầu muộn, có những đắn đo lo lắng, có những ước mơ khát vọng, có những suy nghĩ toan tính như mọi người bình thường khác nhưng cái hằn sâu thăm thẳm trong lòng anh vẫn là hình ảnh của cha của mẹ và của quê hương đất nước. Nếu ‘suy tôn’ anh như một nhà trí thức toàn năng là quá lời; anh chỉ là một thầy thuốc tây y có tài đáng hãnh diện cho gia đình, nhưng vai trò “anh cả” của dòng họ thì anh đã đóng không trọn vẹn, nhiều anh chị em đã trách móc anh. Với tôi, ngày nay tôi hiểu rằng không ai có thể đảm trách nhiều vai trò cùng một lúc mà mang đến sự thành công toàn diện được, hơn nửa anh còn phải bị vào tù ra khám bao lần, còn vợ, còn con.

Ánh hào quang của anh cũng bắt đầu lu mờ theo tuổi đời về chiều, song anh vẫn còn gắng gượng đi khám bịnh ngoài giờ tại Bịnh viện Nguyễn Trải một tuẩn 3 buổi, và thì giờ còn lại viết bài y học cho nguyệt san Thuốc và Sức khỏe, có hôm anh tiu nghỉu nói “hôm nay chỉ có 1 bịnh nhân” hôm khác “Bửa nay không có người nào!” . Bình tâm suy xét lại tôi thấy anh cũng có những nỗi niềm tâm sự riêng của anh, thỉnh thoảng  anh nghèn nghẹn nhắc câu “anh em như thủ túc, vợ chồng như khúc củi mục” *  Anh nói câu này do mợ nói ra, tôi thật sự không hiểu anh có hàm ý muốn nói về dĩ vãng của anh hay đề cập đến ai khác? Cái tôi chợt khám phá được ở tâm tính anh; anh rất là tình cảm, nhưng dễ nóng giận, hay tin  người vì vậy anh nhận xét các anh em không được gần anh nhiều, một cách sai lạc. Bây giờ sau khi trút bỏ công danh, sự nghiệp, anh có ước muốn gần gủi các em hơn! để thì thầm ôn lại chuyện gia đình, chuyện con cháu và để quên đi những ngày đắng cay không thổ lộ được? Thôi thì “trăm năm trong cõi người ta”, ai cũng có “chữ” mạnh “chữ’ yếu mà làm người không thể nào toàn vẹn về mọi mặt được.

Nắng Saigon rạng rỡ, ánh sáng ban mai lấp lánh sắc màu của những cao ốc kiến trúc đủ kiểu tân kỳ, trang điểm bộ mặt thành phố thêm lộng lẫy, báo hiệu một thế hệ trẻ đang trổi dậy như cô bé đi làm xa rắng rỏi năng nổ , như cậu nhân viên di trú nhiệt tình lịch sự kể trên. Tôi thấy lòng phấn chấn vì đã tìm ra một đáp số hữu lý cho tâm tư tôi đã ôm ấp từ rất lâu muốn nói ra với anh tôi, nhưng nay không còn ‘giá trị thời gian’ đề cập đến nó nữa. Tương lai đất nước đang trở mình ‘Phù Đổng’, gia đình là một điểm nhỏ của xã hội lẽ nào ‘thủ túc’ không tỉnh giấc để cùng đốt lên ngọn lửa ấm áp sưởi cho nhau những ngày còn lại của cuộc đời tẻ lạnh lúc hoàn hôn?  Tôi khẽ thì thầm: “Anh em mình là một thế hệ già nua sắp sang trang rồi đó!”

THẮM LƯƠNG

 --------------------------------------------------------------------------------------------------------
*Nguyên văn câu của Trang Tử (triết gia Trung Hoa sống thời Chiến Quốc 365-290 trước CN)
Huynh đệ như thủ túc.
Phu phụ như y phục.
Y phục phá thời cánh đắc tân,
Thủ túc đoạn thời nan tái tục.”
Dịch là:
Anh em như chân tay,
Vợ chồng như quần áo.
Áo quần rách thì may mới được
Chân tay đứt lìa thì khó nối lại được


                                                              
XEM THÊM ẢNH (Click vào đây để xem, vì Picasa Web Albums đã ngưng hoạt động)

Không có nhận xét nào: