24/1/11

CON MÈO LẠ VÀ CON TÔI (Bài 062)

            Cứ mỗi độ Xuân về, báo chí Việt Nam đồng loạt ra báo Tết mà nội dung chủ yếu của các bài viết đều tập trung vào con vật đại diện của năm đó trong 12 con giáp theo âm lịch. Những câu chuyện được viết ra, có khi là thật, có khi là truyền thuyết, có khi là giả tưởng, có khi là bài viết được xào đi nấu lại từ những năm xưa, nhưng gì thì gì đi nữa,nói chung, ai cũng thích đọc nhất là lớp trẻ mới lớn lên. Mọi người đọc để tìm hiểu, để giải trí 3 ngày Xuân thảnh thơi nhàn hạ bên bánh mứt, mâm cỗ ê hề đã chuẩn bị từ trước. Trong ý nghĩ đó, năm nay năm mèo, tôi cũng xin góp ở đây một câu chuyện thật về một con mèo lạ đột ngột đến “thăm” con trai lớn của tôi lúc trên một tuổi mà vẫn chưa biết ngồi. Sự việc xảy ra ngày hôm ấy ngoài sức tưởng tượng của tôi và, điều khó tin nhưng có thật ấy đã đem đến cho gia đình chúng tôi nỗi vui mừng tột độ.


            Năm 1964 nhằm năm Quý Mão, là năm con trai lớn tôi ra chào đời. Tôi và vợ tôi sung sướng biết bao khi sẽ có đứa con trai đầu lòng như bác sĩ dự đoán! Chúng tôi chuẩn bị cho cháu từ lúc vợ tôi mới có bầu. Đi bác sĩ thường xuyên như chỉ định, thuốc men đầy đủ không thiếu sót món nào mặc dù lúc đó chúng tôi mới lập gia đình, còn khó khăn về mọi mặt nhưng vẫn dành riêng cho cháu mọi ưu tiên. Do vậy, lúc nào tôi cũng lạc quan tin tưởng vào việc sinh nở của vợ tôi sẽ diễn ra một cách tốt đẹp và hy vọng rồi sẽ  “mẹ tròn con vuông”!. Đến ngày sinh, tôi đưa vợ tôi vào bảo sanh viện Hòa Binh để nhờ bác sĩ Marguerete Thanh đỡ đẻ cho cháu. Mọi chuyện xem như là quá ổn, nhưng.. chữ nhưng quái ác  như án mây mù che khuất hạnh phúc của chúng tôi trong niềm vui đầu đời của đứa con trưởng nam.
Hôm đó khi đưa vợ tôi vào phòng sanh, tôi đứng bên ngoài chờ. Thời giờ cứ qua nhanh mà không thấy động tịnh gì bên trong. Chờ khá lâu tôi đâm ra sốt ruột “Ủa! Sao không thấy y tá ra báo tin vui? Có việc gì bất trắc chăng?” Nóng ruột, tôi xô cửa phòng sanh bước vào, thì trước mắt tôi, bác sĩ Thanh một tay đang nắm hai chân cháu đưa lên cao, đầu quay xuống đất, một tay còn lại tát lia lịa vào đít cháu. Tôi chết điến vì thấy toàn thân cháu thâm tím, không cử động. Một khoảnh khắc sau cháu mới bật lên tiếng khóc, sắc diện trên cơ thể mới dần dần đổi màu, máu bắt đầu lưu thông, sinh khí của sự sống trở về. Bác sĩ Thanh bảo tôi “Bà sanh con so nặng đến 3.2 kg lại yếu sức nên khó đỡ ra, buộc lòng tôi phải dùng máy hút để cứu cháu, nay mọi việc xem như êm xuôi rồi.”  Tôi chỉ biết nói “Cám ơn bác sĩ” và nghĩ trong lòng “May mắn con mình còn sống, vợ mình qua cơn hãi hùng!” chớ không biết gì về hậu quả sẽ đến sau này.

Về đến nhà, mấy tháng liền cháu luôn khóc đêm, không ngủ. Hể bồng ru thì cháu nín, buông ra thì cháu khóc ngất. Mai, cô người làm còn trẻ, khỏe mạnh thức mấy đêm liền không chịu đựng nỗi, nên tôi phải thay phiên với cô dỗ cháu. Cả hai rồi cũng dần dà đuối sức. Vợ tôi còn quá yếu, không thể thức đêm để phụ giúp. Chúng tôi liên tục đưa cháu đi khám và chửa bịnh với bác sĩ Huỳnh Ngọc Xuân (Giảng sư Đại Học Y khoa Saigon, y sĩ điều trị tại bịnh viện Chợ Rẫy) và em là bác sĩ Huỳnh Ngọc Tuyên (chuyên nội khoa và sản phụ, y sĩ điều trị tại bảo sanh viện Hùng Vương) cả hai phụ trách nhà bảo sanh Hòa Bình, tình trạng khóc đêm của cháu vẫn không khá hơn. Thấy không thuyên giảm, vợ tôi đổi qua bác sĩ Nguyễn Thi Mai, chuyên về trẻ con của Binh viện Nhi đồng. Bà cũng không tìm thấy bịnh của cháu, bà nói “sanh thêm đứa em nữa thì cháu hết nhõng nhẽo”. Cuối cùng, vợ tôi đưa con vào ông anh ruột, bác sĩ Lương Phán để xem may ra anh làm giám đốc  của một bệnh viện, có khi anh tích lũy được ít nhiều kinh nghiệm về trẻ con chăng? Qua mô tả của vợ tôi, tuy anh không phải là bác sĩ điều trị bịnh trẻ con, nhưng anh đã chẩn đoán đúng bịnh, cho cháu uống thuốc an thần Mellerine,  thế rồi cháu ngủ được và dần dần trở lại bình thường. Cháu ăn rất mạnh, cơ thể phát triển đều đặn, bụ bẫm. (Xin xem hình kèm bên) Lúc đó tôi yên chí là con tôi sẽ lớn lên bình thường như mọi  trẻ con khác. Sau một năm tuổi, cháu vẫn không ngồi dậy được. Thể chất của  cháu rất tốt, không có một dấu hiệu nào là bất bình thường.
Vợ tôi đã đi dạy lại ngày hai buổi để bảo đảm sự sống của gia đình, còn tôi tiếp tục theo học lớp đêm ở trung học Chu Văn An để thi tú tài 2, ngoài ra một tuần mấy buổi, học ở Trung Tâm Văn hóa Pháp. Về nhà, tôi vừa học bài vừa chăm sóc cháu để cho cô người làm lo việc nhà, việc chợ búa và nấu nướng. Thời gian càng qua nhanh, chúng tôi càng lo vì cháu chỉ có nằm và nước miếng chảy dài hai bên mép, phải thay áo liên tục. Hỏi anh vợ tôi về tình trạng cháu, anh nói “nó chậm phát triển, từ từ thời gian rồi sẽ khá hơn.” Biết là lời nói của anh theo y lý thông thường, không có gì dứt khoát, nhưng cứ hy vọng và nhủ lòng như người bình dân thường nói “làm lành, gặp lành” để tự trấn an mình và an ủi vợ. Rồi hơn một năm cũng qua đi, cháu vẫn nằm và không ngồi dậy được. Chúng tôi biết là mọi chuyện khó cứu giản! chỉ còn biết dựa vào sự cầu nguyện ơn trên giúp đỡ cho cháu mà thôi.

Mỗi sáng, trong những ngày ở nhà không đi học, tôi thường đẩy giường cháu ra phía nhà trước để có ít không khí thoáng mát và có chút ánh sáng mặt trời cho cháu khỏe. Hôm đó cũng như thường lệ tôi đưa cháu ra nằm trước phòng khách ngay giữa đường ra vào, lúc đó vào khoảng 8 hay 9 giờ! Tôi ngồi phía sau đầu giường cháu, lui vào phía trong, dự định lấy bài ra học thì, bất ngờ một chú mèo con đủng đỉnh từ ngoài sân tiến vào phòng khách. Tôi đứng dậy định đuổi chú ra, nhưng nhìn thấy con mèo con mói lớn lông hung vàng, nó đi vào nhà như chỗ quen thuộc, mắt đăm đăm nhìn xuống gạch, đầu lúc la lúc lắc thong dong vô tư. Cái dáng điệu ấy thu hút tôi, tôi chăm chú theo dõi và bỏ ý định đuổi chú ra. Dạo đó chúng tôi không nuôi thú vật trong nhà, thỉnh thoảng có những con mèo hàng xóm vật lộn với nhau trên mái tôn nhà bên cạnh, rồi rơi xuống sân nhà tôi, thì chúng phóng chạy ra đường, không cần đuổi. Con mèo con đến gần giường con tôi độ chừng 1 mét và cách tôi cũng bằng khoảng cách ấy, thong thả ngồi xuống, kế đó kêu lên một tiếng “meo” yểu điệu. Con tôi đang nằm chơi trên giường bật ngồi dậy, cười toe toét, đầu hướng về tiếng kêu tìm kiếm con mèo, rồi “e..e” vài tiếng như nói gì đó với con mèo. Tôi sửng người không kịp phản ứng khi thấy điều kỳ lạ xảy ra. Gần trên một năm nằm dài, nay bỗng dưng nghe tiếng mèo kêu mà đột ngột ngồi dậy được. Tôi mừng quá bồng cháu ra khỏi giường và để cháu nằm dưới đất xem cháu có tiếp tục ngồi được không? “Được, ngồi được rồi!”, tôi vừa lắp bắp la lên, rồi cùng cười sung sướng với cháu. Một chập sau quay lại kiếm con mèo thì nó đã đi đâu mất rồi, tôi chạy ra sân tìm cũng không thấy nó đâu! Bình tĩnh lại tôi mới bắt đầu suy nghĩ; con tôi tuổi con mèo nay có con mèo con vào nhà gọi cháu dậy? hay là cháu giựt mình vì tiếng mèo kêu? Không, rõ ràng cháu vui mừng vì nghe tiếng mèo kêu, như là tiếng ai đó thân thiết gọi cháu dậy cùng vui chơi? Hay là tuổi mèo cùng một thể với sinh vật mèo hạp nhau, nó đánh động con tôi tỉnh lại, thay đổi được thể trạng của cháu từ rũ liệt sang khởi động? Hay là con mèo con đã mang “điện” đến để tăng cường nhiệt lượng cho cơ thể con tôi? Nhớ chuyện dân gian kể về con mèo lấy rắn đẻ ra con linh miêu, nó nhảy qua xác chết, xác chết sống dậy rượt đuổi người sống? Người ta cho rằng con linh miêu tích điện rất mạnh trong người nó? Không biết phải vậy không? Tôi đặt ra nhiều giả thuyết nhưng cuối cùng cũng chẳng có gì chứng minh là do nguyên nhân nào đã khích động cho con tôi ngồi dậy?
Từ đó là bước đầu tiên trong tiến trình tập đi, tuy chậm chạp, từ đi trên gang bàn chân té lên té xuống rồi đi trên lòng bàn chân và sự tiến bộ đi đứng ngày một khá hơn. Sự phát triển của cháu tuy chậm chạp về thể xác nhưng học hành gần như rất tốt, cháu đã học hết lớp 9. Sự hiểu biết của cháu không thua kém các đứa trẻ bình thường, nhưng phải nói đáng tiếc là tay chân cháu điểu khiển không như ý nên viết bài không kịp. Thời kỳ này ở Việt Nam chưa có trường dạy riêng cho các trẻ con “thiểu năng”. Riêng bịnh viện Nhi Đồng có chương trình “La Terre des hommes” của Thụy Sĩ dành cho trẻ em bị bịnh bại liệt (polio), tôi cũng đưa cháu tới để xin đăng ký đi chữa bịnh nước ngoài. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ trả lời không chấp thuận vì con tôi không phải loại bịnh người ta cần giúp đở, đành chịu.
Tôi bị động viên vào quân đội, một mình vợ tôi cáng đáng lo liệu nuôi nấng học hành cho cháu nhưng kết quả không khả quan như ý chúng tôi mong mỏi. Anh vợ tôi, bác sĩ Lương Phán, nghe chúng tôi thuật lại chuyện học hành của cháu, trông anh ngờ ngợ như không tin lắm? Các bác sĩ đều kết luận; con tôi bị nhũn não, thiểu năng tâm thần. Trường hợp của con tôi khá đặc biệt là trí tuệ bình thường, chỉ có tay chân là chậm chạp. Để thể hiện đúng được điều này là khi sang Hoa Kỳ, cháu vào làm việc tự nguyện cho trường đại học, được các lãnh đạo người Mỹ trong thư viện quan tâm giúp đỡ, hướng dẫn sử dụng và dạy lấp ráp sửa chửa máy điện toán cho cháu, sau đó cháu đã thi đậu, lấy  được mấy chứng chỉ sử dụng phấn mềm của Microsoft do Northern Virginia Community College cấp. Tay chân chậm chạp, xoay trở khó khăn nên hạn chế năng xuất  là nguyên nhân khó kiếm việc làm bên ngoài xã hội. Nói như vậy để thấy rằng trí thông minh của cháu gần như bình thường. Các bác sĩ điều trị cho cháu có phần ngạc nhiên về sự kiện này.

            Đây là câu chuyện thật trong gia đình tôi về đứa con đầu lòng không may phải sanh bằng phương pháp cổ điển dùng máy hút làm chấn thương sọ não cháu, nhưng cũng vì vậy mới xuất hiện một chuyện lạ không giải thích được về con mèo con và tiếng kêu của nó làm thay đổi phần nào cuộc đời của con trai lớn chúng tôi. Sau đó cũng không bao giờ thấy con mèo lạ đó trở lại nhà tôi hoặc ở chung quanh xóm đó. Đúng là chuyện lạ phải không? Nhưng còn một chuyện lạ khác đến trước chuyện con mèo; nguyên trong lúc vợ tôi mang bầu cháu, chúng tôi được ông dượng Mười, sống sát bên nhà giới thiệu cho chúng tôi vào Chợ lớn để nhờ ông “thầy mù” người Hoa xem bói. Dượng tôi nói ông thầy này nổi tiếng ở Chợ Lớn và chỉ lấy tiền tượng trưng cho mỗi lần coi quẻ. Tuy không hoàn toàn tin vào bói toán nhưng trong lúc nghèo chúng tôi cũng thích biết về tương lai của mình để mà hy vọng. Thế là vợ chồng chúng tôi tìm đến ông thầy mù. Ông ở trong một căn nhà chật hẹp, bàn ghế đơn sơ, có vẻ nghèo nàn. Ông thầy mù cầm tay vợ tôi và sờ lòng bàn tay một lúc rồi nói “Bà sẽ sanh con trai có tiểu tật, gia đình sau này sẽ khá giả vì nó đã gánh mọi chuyện xui cho gia đình.” Bây giờ lớn tuổi rồi, nhớ lại chuyện ông thầy mù và con mèo lạ tôi vừa không hiểu tại sao ông thầy mù lại biết trước được là vợ tôi sẽ sanh con trai lại có tiểu tật, trong khi bác sĩ thời đó chỉ dự đoán theo kinh nghiệm chớ không quả quyết được là sanh con trai? Nếu ông thầy mù đoán ‘mò’  hên xui may rủi, ‘5 ăn 5 thua’ về con trai con gái thì cũng không có gì đáng nói, nhưng có điều sao ông dám quả quyết là cháu bị tiểu tật? mà lời đoán của ông đều đúng cả hai! Và con mèo đã làm điều gì tác động cho con tôi ngồi dậy được? trí não khá hơn? Hoàn toàn là những bí ẩn không giải thích được. Trên đời này chuyện may chuyện rủi không biết đâu mà lường; trong cái phúc có cái họa, trong cái xuôi có cái hên. Cuộc sống của chúng ta, dường như Thượng Đế đã “lập trình” sẳng cho từng cá nhân, dù gặp nghịch cảnh vẫn phải can đảm lãnh lấy trọng trách Bề Trên sắp đặt mà sống, được thế tâm hồn mình sẽ an bình tự tại/
             
LONG-NHI


Không có nhận xét nào: