29/7/11

CHUỘT CỐNG NHUM ÁP CHẢO (Bài 082)

Các “đồng khổ” chia phiên nhau, mỗi tổ phụ trách nấu bếp một ngày. Sáng lên anh nuôi bộ đội để lãnh gạo, thực phẩm và gia vị đem về nấu nướng, chế biến cho cả đại đội cùng dùng. Chẳng ai dạy nghề nấu ăn, anh này học hỏi anh kia, tổ này bắt chước tổ nọ, lần hồi rút kinh nghiệm nấu nướng cho hoàn hảo để có miếng ăn ngon vừa miệng. Dĩ nhiên không tránh khỏi trong buổi ban đầu ăn cơm khê, cá biển tanh lợm giọng, hay nêm nếm không đều tay, mặn lạt quá độ thường làm kẻ nhăn mặt người nhíu mày là điều không tránh khỏi. Đa số sĩ quan cũ, ít có anh nào biết nấu nướng, toàn là dân “chỉ huy hoặc ngồi bàn giấy” không thôi!


Nồi cơm là một cái chảo to “bành ky” đường kính lớn hơn 1,2 mét là ít, cây xới cơm không thua gì cây chèo mũi của thuyền tam bản. Than đá vụn trộn bùn do Trại cấp. Anh em trong đội phải kiếm cây đóng cái nắp chảo để nấu cơm, ngoài ra còn phải đi tìm gạch đá để dựng bếp lò, lợp mái che nhà bếp tránh mưa nắng. Anh nào chịu tranh thủ sáng tạo ra phương tiện sống còn thì cứ mày mò cặm cụi đục đẽo cho ra dụng cụ nấu nướng, tay nào trầm tư mặc tưởng thì cứ thẫn thờ như triết gia mất của, chẳng ai thèm đá động gì ai, chờ xem mà. Có cơm ăn là tạm ổn rồi.

Chuyện vệ sinh chung tối cần thiết là đào một cái hố thật lớn giữa trại để chứa phân người và kiếm cây dựng tạm  cầu tiêu “nhà sàn” đi cho mát đít, kế đó là đào giếng để lấy nước nấu ăn, tắm rửa thì các đội cùng chia phiên nhau ra làm.

Trong vài tháng đầu, quân ta còn khá “phong lưu” vì được Trại cung cấp cá biển, thịt ba rọi, rau cải, dĩ nhiên là cá nhiều hơn thịt, còn được cung cấp cả nhu yếu phẩm; kem bàn chải đánh răng, một ít thuốc lá Salem, Ruby cho phì phà, hơn nữa đa số anh em còn mang theo tiền để tiêu xài, chắc chắn là không ai có nhiều vì người nào cũng đinh ninh về sớm. Nhiều “công tử” phe ta chê cá tanh, thuốc nội dở nên gởi các anh bộ đội tiền ra ngoài mua thêm đồ ăn, thuốc ngoại vì ăn quen giờ nhịn không quen, có anh lầm rầm:

-Chết không biết chừng nào, nhịn làm gì cho khổ cái thân.

Người đồng tình phụ họa theo:

            -Ôi! hơi nào tính toán cho gầy người, Trời sanh voi sanh cỏ mà, cứ chơi xã láng sáng về sớm đi!.

Đúng là chân lý của dân chơi “cầu ba cẳng” Saigon hoa lệ mà.

Nhưng, chữ nhưng là chữ quái ác không ai bao giờ muốn nhắc tới, bắt đầu sau 2 tháng mươi ngày mọi sự đều thay đổi đột ngột, việc cung cấp thực phẩm, nhu yếu phẩm quay ngược 180 độ; chấm dứt hoàn toàn thịt cá, rau quả, nhu yếu phẩm, chỉ còn đậu hũ miếng với ít rau muống, bột ngọt và muối hột.

Thời gian này, trong đêm tối nghe văng vẳng tiếng loa của xã ấp từ bên ngoài vọng vào, thông báo thúc giục dân chúng đi “đổi tiền” vào ngày hôm sau. “Đổi tiền”? từ ngày “cha sanh mẹ đẻ” ra tới bây giờ tôi mới nghe hai từ này, không biết đổi ra làm sao, rồi thì sử dụng như thế nào? Lo lắng cho gia đình nhưng lại không biết lo cái gì? Hoàn toàn mù tịt! Quân ta lúc đó cũng hết tiền túi đành phải bất đắc dĩ “ăn chay” để sống còn. Anh nào chê cá tanh thì nay thấy thòm thèm cá, anh nào hút thuốc lá thì nay bắt đầu ngáp gió. Một tháng ăn chay trường thì tình hình thực phẩm lại càng gay go hơn, đậu hũ không còn là nguyên chất đậu nành nữa mà bắt đầu trộn nhiều bột gạo hơn nên vừa cứng vừa xảm, rán mà nuốt cho trôi, về đêm bao tử nó cồn cào do không đủ no nên anh nào cũng bắt đầu xuống cân “năm bảy thằng đeo cây đu đủ chưa gãy”. Ngày nào tổ nào phụ trách nấu nướng cũng vét sạch nồi, cơm cháy cũng không chê. Sức khỏe bắt đầu sa sút như xe đổ dốc.

Thường mỗi chiều, chúng tôi hay đi bộ vòng trại để cho tiêu cơm, nên tôi gặp anh lực sĩ Dõng, tay bơi lội số một của Việt Nam Cộng Hòa, cựu vô địch Đông Nam Á Vân Hội, là người bắt đầu chống gậy trước tiên để đi. Các bạn thuộc ngành y dẫn chứng:

-Người nào khỏe mạnh nhất thì nay sẽ suy kiệt sớm nhất do khẩu phần ăn thiếu dinh dưỡng không đủ cung cấp như thường lệ cho cơ thể của người lực sĩ đã quen dùng số lượng  protein cao.


Nhớ lại lúc bị động viên vào Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, tôi cũng như mọi sĩ quan khóa sinh khác được huấn luyện môn Mưu Sinh Thoát Hiểm; dạy cho người sĩ quan biết trong trường hợp rơi vào hoàn cảnh khốn cùng không còn thực phẩm dự trử thì, phải biết tìm loài vật, thảo mộc nào có thể ăn được, khử nước như thế nào để uống không độc hại hầu bảo toàn bản thân và binh sĩ. Tôi chưa được dịp nào thực hành bài học này. Nay ở đây, trong Trại tập trung Thành Ông Năm, như vừa trình bày ở trên, chúng tôi đã rơi vào một tình huống thiếu ăn trầm trọng so với khẩu phần mà chúng tôi đã dùng quá thừa thãi chất bổ dưỡng hằng ngày như lúc còn Miền Nam Tư Do, nên cơ thể mọi người càng ngày càng thấy yếu đi một cách nhanh chóng. Nhân buổi hợp tổ, bác sĩ Cự với giọng nói nhỏ nhẹ chậm rãi khuyên anh em:

-Trong tình hình thực phẩm cung cấp thiếu thốn, ăn uống không đủ chất đạm thì sớm muộn gì cũng bị  bịnh phù thũng và nếu kéo dài sẽ bị viêm cơ tim, tử vong. Chúng ta không có con đường nào khác để thay đổi hiện trạng, tôi đề nghị các bạn, chúng ta nên gài bẫy chuột cống để ăn cho có chất đạm. Các bạn nghĩ sao?

Anh em ngập nghừng một lúc, rồi tất cả đều lên tiếng:

-Đồng ý, bắt đầu làm đi anh Cự.

Trong chúng tôi đâu có ai muốn chết một cách dễ dàng bỏ vợ bỏ con đâu! Còn nước thì còn tát, đâu chịu buông xuôi tay mà không chọn “giải pháp cứu nguy” này. Anh em ra sức đi tìm dụng cụ làm bẫy chuột bằng cây tre làm cần, thắt thòng lọng ở đầu rồi rải gạo gần bao gạo để gài chuột. Gạo lãnh về từng bao không có kho phải để giữa nhà, chúng tôi nằm bao chung quanh bao gạo, nhưng đêm nào chuột cống cũng chui vào ăn gạo, phá phách kêu la chí chóe. Con nào con nấy gần bằng cổ tay, đen mun, lông lá xù xì thấy mà rùng mình.

Đêm đầu gài chuột, anh em nằm lắng tai nghe. Thình lình âm thanh “tách” vang lên kèm theo tiếng kêu “e é” của chuột. Anh em đồng bật dậy cùng thốt lên:

-Dính rồi!

Đèn được đốt lên, thì thấy “anh cống” đã bị thắt vào thòng lọng treo tòn ten giữa không trung. Một anh lấy vớ làm găng tay, lừa thế gỡ con chuột ra, bỏ vào lồng sắt làm sẵn. Cứ thế tiếp tục, có đêm được 1, có đêm được 2. Sáng ra nếu đúng vào ngày tổ chúng tôi trực, bác sĩ Cự là người bắt chuột cống ra làm thịt. Anh em bu quanh học nghề; trông anh làm vừa gọn nhẹ vừa điêu luyện; thoạt đầu anh lấy dao cắt đầu, đuôi, bốn chân chuột bỏ đi, kế đó anh dùng lưỡi lam xẻ từ cổ xuống bụng xong, là lột toàn bộ da con chuột ra, chỉ còn lại một khối thịt, sau cùng mổ bụng móc bỏ hết đầu lòng, anh chặt con chuột ra nhiều mảnh thế là xong. Anh mỉm cười:

-Dễ ợt, phải không?

 Bạn tôi phụ họa:

-Đúng là bác sĩ mổ mà. Làm coi ngon lành thiệt!

Các bạn khen anh thật lòng bằng câu nói cho xôm, chớ ai cũng biết anh là bác sĩ nội khoa.

Nếu bạn nào không chứng kiến cảnh xẻ thịt chuột của anh Cự mà đợi đến lúc thịt đã làm xong, thì đố biết đó là thịt con gì? Bây giờ tới màn nấu nướng thịt chuột, chảo đang nóng anh rải ít muối hột vô chảo xào qua xào lại mấy cái rồi thả thịt chuột vào trở qua trở lại cho thịt chín mới dừng. Anh Cự hóm hỉnh:

-Đây là món “chuột cống nhum áp chảo” đặc sắc của miền Tây đó nghe!

Anh nói tiếp:

-Tôi cũng là dân nhậu, ngày nào không đi uống là chịu không nổi nên món ăn nhậu cũng biết sơ sơ, nay nấu nướng món áp chảo này chắc là giải quyết được khẩu vị của các bạn trong lúc khẩn trương.

Anh nói vậy cho vui chớ thật sự là chúng tôi không có mỡ, dầu ăn hay hành tỏi để chiên xào cho thơm tho như mong muốn. Trong buổi cơm dọn lên cho tổ hôm nay ngoài đậu hũ, rau muống “tiêu chuẩn” còn kèm theo món cao lương chuột cống nhum áp chảo. Anh Cự và vài anh ăn uống rất tự nhiên nhất là nhắm nháp món “cao lương”  một cách ngon lành. Phần tôi, nhớ lại bộ lông, đầu và đuôi chuột tự nhiên tôi rợn người muốn ói, hơn nữa cái mùi chuột tanh khăn khẳn lúc anh Cự xào, làm tôi không dám thò đũa gắp. Các bạn hối thúc:

-Phần của Nhi, rán mà ăn không thì tiêu đó!”

-Ừ..ừ ừ”

Bạn bè càng mời mọc tôi càng có cảm giác nổi gai ốc. Đưa đũa ra nhưng sao tay tôi như đơ lại không gắp được, trong bụng cũng biết là không ăn thì nguy hại cho sức khỏe, mà ăn..thì cảm giác nó ghê ghê thế nào ấy. Dạo ở Cần Thơ, tôi có nghe nói nhiều về đồng bào miền Tây sau mùa gặt, thường dùng rạ xông khói vào hang chuột, rồi lùa bắt chúng đem về làm nhiều món nhậu nghe qua rất là hấp dẫn. Chuột ở miền Tây được gọi là chuột đồng có màu vàng nâu. Còn trong kho đạn Gò Vắp, các anh em binh sĩ có mời tôi dùng thử chuột cống nhum quay, tôi hỏi: “Chuột cống nhum là chuột gì vậy?”. Các bạn vui vẻ trả lời: “Ở kho mình có nhiều chuột cống nhum lắm đại úy ơi! Nó là loại chuột cống cũng đen như chuột cống nhà nhưng lông nó cứng mà thưa chỉ ăn bông cỏ, còn chuột cống nhà thì lông mịnh mà dầy, ăn tạp, đào hang, ở cống, dơ lắm.” Tôi ngạc nhiên vì từng ở trong kho cũng khá lâu mà không biết: “Thế à.” Các bạn quả quyết: “Nếu Đại úy không tin thì tối nay đi tuần vòng kho đạn, tụi này chỉ cho xem.”.
Quả nhiên đêm đó, chúng tôi đi tuần vòng rào kho, các bạn chỉ cho xem mấy con chuột cống nhum to bằng cườm tay đang trèo lên các cây cỏ cao cả thước sát tường để ăn bông cỏ. Cỏ này là loại cỏ tây chăng? cây nào cây nấy vừa to vừa cao mà chùm bông cỏ lớn như bông bắp non. Thú thật tôi cũng không dám động đến món ăn này mặc dù các bạn binh sĩ của tôi cố nài nỉ ép ăn.


Trong lúc đi tản bộ sau buổi cơm chiều, anh Cự mới nói nhỏ với tôi:

-Nhi ơi phải rán ăn thịt bất kỳ là con gì cho có chất đạm chứ không thì không giữ sức khỏe lâu được đâu!

Anh nói thêm:

-Nếu không ăn chuột được, thôi thì làm cái vòng đi bắt cắc ké về ăn.

Tôi làm theo lời anh Cự. Tìm cái cần dài và nhợ nhỏ để thắt cái vòng. Những ngày chạy giặc ở dưới quê, tôi học các anh chị bà con làm cần vòng cá bống kèo, lúc đó dùng lông đuôi ngựa để làm thòng lọng cho con mồi không nhìn ra, nên dễ bắt chúng. Nay ở đây phương tiện không có ngay như sợi nhợ nhỏ cũng khó tìm, nhưng con cắc ké hay hóng nắng buổi sáng, đầu nó lúc nào cũng ngóc lên cao, đừng động đậy mạnh là vòng nó được ngay. Ngày đầu, bắt được một con cắc ké đem về cạo rửa mổ bụng chặt đuôi, chân rồi cũng áp chảo, tôi ăn được chút đỉnh nhưng sao vẫn thấy “không tiêu thụ” nổi và rồi đành bỏ ngang không đi bắt cắc ké nữa.

Gần khoảng 5 tháng trong lúc cả đội đang ngồi bệt dưới sàn xi măng để nghe quản giáo giảng chính trị, các học viên tò mò anh này dùng ngón tay nhấn vào cổ chân anh kia, anh kia nhấn lại chân anh này, đều thấy dấu hũm vô:

-Ê! bị phù thũng rồi bạn ơi!

-Thì bồ cũng thế thôi, khác gì nhau đâu!

-Ê phù thũng rồi.. thũng rồi.

Tiếng thầm thì từ trái qua phải, từ trên xuống dưới hai chữ “thũng rồi..thũng rồi” lan ra rất nhanh trong cả lớp. Đích thị là đa số anh em học viên đều bị bịnh phù thũng, chỉ duy có các anh ăn chuột cống nhum áp cháo là hoàn toàn vô sự.

Học mà không hành thì bài học mưu sinh thoát hiểm chỉ phí thì giờ vô ích không áp dụng được vào thực tế trong lúc hữu sự. Nhưng cũng nên hiểu rằng lý thuyết với thực hành là một khoảng cách khá xa khó với tới, tư tưởng một ý định lúc nào cũng thấy dễ dàng thực hiện nhưng khi đưa vào thực tế để hành động ý định đó, thì hởi ơi vô vàn khó khăn vì nhiều nguyên nhân khác nhau không lường trước được? Có lẻ do tình cảnh mọi người đều sắp nguy kịch đến tính mạng nên lãnh đạo Cộng Sản bắt đầu cho phép thân nhân gởi quà và sau đó thăm nuôi tù cải tạo để có thể tiếp tế lương thực và thuốc men cho các ông “sinh viên theo lớp đào tạo chính trị” dài ngày này. Từ đó món thịt chuột cống nhum áp chảo lần hồi cũng bị quên lãng theo thời gian năm tháng trôi qua.

(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào: