Trước tiên xin các bạn đừng hiểu lầm “Chà đồ nhôm” là “chôm đồ nhà”, nói lái theo kiểu dân bụi đời đâu nhá! Trong trại tập trung “học tập cải tạo” thì đồ nhà ở đâu mà chôm? Hơn nữa các anh em đồng khổ người nào cũng ủ dột không biết sống chết ra làm sao? Mới lên voi rồi đột ngột xuống chó như giấc ác mộng thì tinh thần đâu mà nghĩ tới “chôm chỉa” gì chớ hả! Đồ nhôm ở đây là một món quà kỷ niệm khó quên của các anh em sĩ quan cải tạo làm ra để tặng vợ, cho con!
Ngày đầu tiên sáng thức dậy, tôi cảm thấy vô cùng bứt rứt nhớ vợ nhớ con, nhớ mẹ già, nhớ các em mà sao sợi dây tình cảm này tự dưng bị “cắt đứt” khỏi mối liên hệ thâm tình, đau lòng biết mấy, đầu óc như tê dại? Lo lắng không biết vợ tôi làm sao gánh vác các con cho xuể! Các con tôi rồi sẽ thích ứng với xã hội mới ra sao, có bị kỳ thị là con ngụy quân ngụy quyền không? Tương lai chúng sẽ như thế nào? Nghĩ đủ chuyện lo đủ điều nhưng đành chịu bó tay, tôi không thể nào giải được các câu hỏi “mông lung” trên?
Nhớ đến tiệm cà phê hủ tiếu ngồi ăn mỗi sáng, vừa điểm tâm vừa nghe thiên hạ ồn ào tán chuyện thời sự. Nhớ khu Chợ Cũ Saigon cùng anh Chuân ngồi ngắm người qua lại sau ngày miền Nam đầu hàng là những gì của chế độ cũ còn sót lại. Nguyên khi Saigon thay chủ mới, các em và vợ anh Chuân bỏ hành nghề ở tiệm, nhảy ra Chợ Cũ đứng vỉa hè buôn bán vàng và đô la. Sẵn tôi còn chiếc xe du lịch Honda N360 và đang không có việc làm, anh Chuân bảo theo anh ra chợ chơi. Anh và tôi ngồi uống cà phê đâu đó chờ các bà sai chạy đi lấy hàng khi có khách cần. Lần đó tôi có dịp ngồi ngấm từng cửa hàng, từng con hẻm, từng gánh hàng rong lang thang, từng gương mặt đăm chiêu, từng kiểu quần áo thời trang tha thướt trên đường phố sao mà đáng mến đáng yêu quá đổi! Hôm nào em và vợ anh trúng mánh thì buổi trưa hai đứa vào nhà hàng Tàu làm vài “còng” whisky hoặc cognac pha sô đa cho lân lân hồn người để quên đi thực tại, bằng ngược lại gặp ngày “thần tài đi vắng” thì kiếm mấy sạp cơm bình dân ăn trưa cũng ngon đáo để, từ thuở nào tới giờ có bao giờ léo hánh ra ngồi lề đường ăn hàng đâu mà biết!
Anh em sĩ quan chế độ cũ cùng nhập Trại, tâm sự mỗi người đều không giống nhau nên không ai chia sẽ được với ai nhưng có một điều không khác nhau đó là nỗi nhớ vợ nhớ con nên người nào cũng thẫn thờ trầm mặc, ít nói không khí như nặng trĩu lạnh lùng trôi qua từng giây từng phút. Cái nhuệ khí của người sĩ quan chỉ huy ngày nào nay biến đâu mất tiêu, một lời nói bông đùa để lên dây cót tinh thần các đồng khổ cũng quá ư là hiếm hoi.
Người xưa nói “nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại” có nghĩa là một ngày ở trong tù bằng một nghìn mùa thu ở bên ngoài xã hội, đây có lẽ hàm ý dành cho những người đã được kêu án rồi, còn anh em đồng khổ chúng tôi đâu có ai ra tòa, nên không biết có phải mình là tù nhân không? Chỉ nói vỏn vẹn là “học tập cải tạo” thôi mà, vì vậy ngày ra về có thể là nay mai mà cũng không chừng là “chung thân”, thì đem 2 thân phận khác nhau này để so sánh với câu trên nó lại càng có một sự cách biệt xa diệu vợi không hiểu nổi? Thời gian vật lý không phải là thời gian tâm lý, mà tù chính trị có án không phải là tù cải tạo không án, hiểu như thế mới thấy tâm trí khắc khoải hoang mang của anh em tù cải tạo làm cho thời gian tâm lý nó dài vô tận, đáng tuyệt vọng vô cùng.
Sự suy nghĩ vẫn vơ, sự lo âu mơ hồ rồi cũng chấm dứt ngay vào chiều ngày hôm sau, khi cán bộ trại xuống tập hợp tất cả 3 đội lại để nghe hướng dẫn làm bản lý lịch cá nhân kèm theo lời nhắn nhủ phải thật thà khai báo ba đời; khai hết khai sạch từ đầu tới đuôi, từ trên tới dưới, từ ông tới cha, từ lính tới quan, từ lương tới của, từ đảng tới băng v.v.. và v.v.. nhứt nhứt mọi việc không được bỏ sót kể cả đốt nhà cướp của, giết dân, giết quân Kách mệnh, thăng quan tiến chức bao lần, huy chương bao nhiêu cái? Khai tất tần tật một cách thành khẩn thì sớm được khoan hồng!
Bước một, các đồng khổ tá hỏa tam tinh, điên đầu nhức mắt tập trung cao độ, kẻ nằm người ngồi hí hoái biên biên chép chép mất ăn mất ngủ quên luôn thời gian hiện tại là mình đang trong vòng lao lý. Sáng hôm sau mới nộp bản lý lịch thì ngày kế đó thấy mấy anh bộ đội lù lù xuất hiện, lại tập hợp 3 đội với lời nhận xét là các đồng khổ không thành khẩn, khai chưa đủ, chưa hết, làm lại. Anh em người nào người nấy “lạc phách” ngẩn ngơ, lại chép chép ghi ghi. “Lý lịch càng dài càng hay sót phần này, thiếu việc kia, viết hoài cũng không biết là đầy đủ chưa? Thành khẩn chưa? Nói hết chưa?” Tôi tự hỏi. Rồi tự nhủ “Thôi chắc là lòng đã trải dài từ bắc vô nam một cách thanh thiên bạch nhật lắm rồi, có muốn khai nữa cũng chẳng biết khai việc gì chỉ còn chuyện đi ‘bia ôm’ là chưa báo cáo mà thôi!”
Bước ba, các cán bộ lại trở xuống, lần này nói thẳng: “Tại sao các anh đi từ lính lên tới quan mà không vào Đảng Dân Chủ chớ? Thấy có vô lý không? Nói thật với các anh con ruồi bay ngang chúng tôi còn biết là con ruồi đực hay con ruồi cái? Cách Mạng đã khoan hồng không giết các anh, mà các anh không thành khẩn thật thà khai báo với Cách mạng thì các anh nghĩ xem tội của các anh lớn đến chừng nào?”
Các đồng khổ chưng hửng, cứng họng “oan ơi ông địa?”, chiến binh miền Bắc vào bộ đội từ cấp binh nhì rồi kết nạp vào Đoàn vào Đảng Cộng sản thì mới được thăng cấp lên sĩ quan. “Bé cái nhầm rồi” lính miền Nam khác hơn; ai có cấp bằng Trung học đệ nhất cấp thì vào trường hạ sĩ quan tốt nghiệp ra trung sĩ, ai có bằng tú tài trở lên thì đi học sĩ quan trừ bị để ra chuẩn úy còn vào trường sĩ quan chuyên nghiệp Đà Lạt phải có tú tài 2, ra trường là đã mang lon thiếu úy rồi, nhưng giải thích làm sao đây, giải thích với ai, có ai cho phát biểu đâu?”
Anh Bảng tổ trưởng tổ chúng tôi (gốc rau muống) nóng nảy góp ý:
-Đ.M. cứ khai đại mẹ nó là có vô Đảng Dân Chủ cho xong cho rồi đi, hỏi tới hỏi lui hoài căng thẳng đầu óc quá! Không khai họ hỏi nữa?
-Đừng xui dại ông ơi! Bộ Tổng Tham Mưu đã có nhiều văn bản nhắc nhở là cấm quân nhân vào Đảng Dân Chủ, nếu khai “có” họ sẽ hỏi ai kết nạp, sinh hoạt như thế nào, và hoạt động ra làm sao, thì trả lời thế nào đây hả anh Bảng, tôi thật sự là không dám nghe theo anh đâu đó nghen? Tôi trả lời.
Mọi người đều im lặng, rồi tự ý muốn khai sao đó thì khai không ai đọc được bài của ai. Kể từ đó mọi người tự hiểu là ngày về chắc chắn là còn xa quá là xa…
Tôi dẫn chứng những điều trên để các bạn thấy là sau mỗi lần cán bộ nhận xét về lý lịch thì vấn đề không đơn giản nữa rồi. Chuyện “đi trình diện sớm về sớm” không còn trong ký ức của anh em, thay vào “khai báo thành khẩn sẽ được khoan hồng”. Anh đại úy Lộc trước đây phấn khởi bao nhiêu thì nay chính anh cũng là người xìu sớm bấy nhiêu, anh lúng túng trong việc kê khai sự thật vì anh có quá nhiều sự thật mà bản thân anh nhớ cũng không hết do đoạn đường chiến binh của anh phát khởi quá sớm nên đời binh nghiệp của anh dài lê thê. Tôi tự an ủi: “ Thôi cứ yên tâm cầu nguyện Thượng Đế cho ngày mai trời lại sáng.”
Sau khi các anh em đồng khổ xác định rõ tình hình và thân phận mình rồi, anh em bắt đầu làm nhiều công việc mới hữu ích cho đồng đội và gia đình, cũng đồng thời là để “giết thời gian”. Khởi đầu là các anh em trong ngành Công binh sáng tạo công việc rồi lan chuyền dần qua các anh em khác bắt chước theo, giữ cho các bạn tù bận bịu tối ngày. Ở bài này tôi kể một công việc mà cả quá khứ chưa từng bao giờ nghĩ tới là tôi có khả năng kiên nhẫn, tỉ mỉ mày mò “chà đồ nhôm”.
Trại L19/T4 là một Trại nằm trong căn cứ Công binh của Việt Nam Cộng Hòa cũ tên gọi là Thành Ông Năm ở Hóc Môn ngoại ô thành phố Saigon, có 3 dãy nhà xây dựng theo hình chữ U, đây là loại nhà kho và văn phòng cất theo kiểu tiền chế, còn một mặt trống ngó ra làng mạc hoang vu. Mỗi đội chiếm một dãy, sau lưng mỗi dãy lại có một trại khác ngăn cách bằng kẽm gai cuộn. Giữa sân còn một diện tích khá rộng chứa đồ phế thải: xe cộ, máy móc đủ loại của ngành Công binh.
LÒ RÈN
Khởi đầu, anh em rèn dao để xắt thực phẩm, lợi dụng lò nấu ăn bằng than đá mà tôi đã đề cập ở bài trước, anh em Công binh hướng dẫn cách rèn dao sao cho cứng và bén. Các bạn ra bãi phế thải tìm những thanh sắt từ nhíp xe ô tô, tháo ra đem về nung vào lửa, cắt ra từng thanh vừa vặn con dao rồi lại đập một bên cho mỏng thành lưỡi, nhúng vào nước xong đem ra mài trên nền xi măng hay gạch bông cho tới bén thì thôi. Từ đó anh em chế tạo ra búa nhỏ, cưa, đục, giũa đủ thứ dụng cụ cần thiết.
Những vật dụng bén và nhọn được liệt vào hàng vũ khí, anh em phải để tại bếp không được mang vào phòng. Vài ba tháng, cán bộ cấp trên phối hợp với các anh quản giáo phụ trách đội đi xét từng phòng trại tịch thu các loại “vũ khí nguy hiểm” như dao anh em làm ra dùng cho nhà bếp. Các anh quản giáo cũng biết là những vật dụng này là để anh em cải tạo làm cá, xắt thịt, chẻ rau… nhưng chấp hành ý kiến trên các anh phải thi hành lịnh. Qua vài ngày sau thì các đồng khổ phải ra sức làm lại, quản giáo cũng làm lơ như không có việc gì xảy ra. Thiệt cũng ngộ “lịnh là lịnh, làm cứ làm”, “trên bảo dưới không nghe” là vậy đó!
LÒ CHÀ ĐỒ NHÔM
Một hôm rảnh rang tôi đi lang thang qua thăm bác sĩ Hổ ở Đội kế bên, thấy các anh em Công binh làm kéo sắt, lược nhôm để hớt tóc lẫn nhau, phải nói là mấy cái lược nhôm mà các anh làm sao nó như một món đồ thủ công mỹ nghệ chạm trổ sáng bóng, quá là đẹp. Thật tình mà nói lúc đầu tôi không tưởng tượng là sĩ quan vừa có óc sáng tạo, vừa có óc thẩm mỹ tới mức như vậy, nhưng đừng quên là sự kiên nhẫn đục đẽo, chạm trổ, cưa, mày ngày này qua ngày nọ mới là cái đáng nói. Bái phục các anh, tôi cũng bị thâm nhiễm, thế là bắt đầu tự tạo cho chính mình mấy món dụng cụ để làm lược tặng vợ con, đồng thời cũng giải bày được nỗi nhớ niềm thương của mình với gia đình.
Vào những giờ nhàn rỗi, tôi ra bãi phế thải để kiếm mấy miếng nhôm, chặt ra làm lược. Đối với tôi là tay ngang lần đầu vào nghề thủ công mỹ nghệ thấy cũng khó quá chừng! nên phải chạy sang đội kế bên để học nghề của các anh “cự phách” chạm trổ, cưa, cắt chà đồ nhôm. Các anh không ai giấu nghề, ai học cứ học, ai cóp cứ cóp không ai giữ bản quyền, không ai phàn nàn, phản đối mà còn tận tình chỉ dẫn. Thế là các đội vang lên tiếng đục, tiếng đập, tiếng mài, tiếng chà đồ nhôm xem ra như một xưởng sản xuất khá bận rộn có vẻ như “đắt hàng” lắm vậy. Giờ nào học chính trị, giờ nào đi lao động bên ngoài, giờ nào phụ trách cơm nước thì cứ đi, cứ lo… hể rảnh thì đem mấy miếng nhôm ra chà cho bóng, khắc cho sâu, tưởng tượng tạo ra những hình để trang trí cho quà tặng mà không cần biết là kiểu chạm trổ đó thuộc trường phái mỹ thuật gì? Bất cần, miễn hình ảnh cân đối hài hòa theo suy nghĩ của bản thân mình là được rồi. Làm ngày này qua ngay kia, tháng này qua tháng nọ, cả tâm tình thương nhớ gia đình khắc ghi lên mấy món kỷ niệm, mà dường như thời gian dài đăng đẳng trôi qua không hề hay biết. Thật cũng là một phương thuốc “mầu nhiệm” giúp cho người nằm trong lao tù tự phòng tránh được bịnh quẫn trí khá hữu hiệu.
Tôi làm được hai cái lược chải đầu tuy không đẹp nhưng là quà từ trong trại tù; một tặng vợ, một cho con gái và một khung hình cở 4X6 để lộng 1 cái hình cả 5 người trong gia đình chụp chung tại Vũng Tàu lúc các con tôi còn nhỏ sống trong một tổ ấm đầy hạnh phúc. Vợ tôi trân quý mấy món này xem như là một kỷ vật đã giữ gìn cẩn thận và đã mang chúng sang tận Hoa Kỳ trong lúc đi tị nạn chính trị, còn 1 cái khung hình thì dì nó giữ lại bên nhà.
Ở đội kế bên có 1 anh kỹ sư công binh, phải nói là anh thật khéo tay, đã làm ra 1 cái samsonite xách tay bằng nhôm y hệt đồ thiệt có cả khóa đầy đủ. Việc này đã làm cho anh B., quản giáo phụ trách đội anh kỹ sư bị hấp dẫn đến mức phài năn nỉ anh làm cho 1 cái để mang về Hà Nội lấy uy. Anh kỹ sư đề nghị anh quản giáo về Sài Gòn Chợ Lớn kiếm mua simili đen để anh bọc bên ngoài, khi hoàn thành, chính tôi cũng khá ngạc nhiên, là một cái samsonite xách tay y như thiệt. Đáng nể mặt “các quan chế độ cũ” thật?
Để kết luận bài này, tôi xin dẫn chứng một bài phát biểu sau đây, để thấy rằng không phải tôi muốn “mèo khen mèo dài đuôi” mà thực tế đã được chính một cán bộ chính trị “lạ” nói chuyện trong một buổi hợp bất thường với tất cả anh em sĩ quan cải tạo trong trại L19T4. Thời gian đề cập ở đây cũng gọi là lúc mà bụng đã chứa đầy kinh sử chính trị cải tạo, hỏi là trả lời như chớp không cần ngập ngừng suy nghĩ.
Hôm đó tất cả anh em cải tạo được triệu hồi đến hội trường lớn có sức chứa trên vài trăm người. Nguyên đây là hội trường cũ của Công binh chỉ còn cái vỏ tiền chế xây dựng bằng cây thông lợp tôn, bàn ghế thì đã “biến mất” đi đâu từ lúc nào không biết, anh em đồng khổ đã được huy động để tìm cách tái tạo lại chỗ ngồi cho toàn thể anh em cải tạo. Anh em đã lấy những cây sắt tròn, sắt dẹp, sắt khối khá là to, rồi sắp xếp lại thành những băng ghế ngồi dã chiến để mọi người có tư thế ngồi nghe giảng bài một cách nghiêm chỉnh trong một hội trường rộng lớn, chứ trước đây mỗi lần tập hợp đông đủ 3 đội tất cả anh em cải tạo đều phải ngồi chòm hỏm ngoài sân đất. Phải nói là chỉ có ngành Công binh mới có nhiều sắt như thế này; có thể đó là sắt dùng làm cầu, đúc nhà, xây công trường lớn v.v..?
Hiện diện trên sân khấu nhỏ đối diện với các sĩ quan cải tạo là các anh quản giáo của trại nhưng các anh đứng về phía hai bên hông chứ không ngồi chung trên bàn dài như mọi khi, vị diễn giả đứng trên một cái bục đặt giữa sân khấu. Thoáng nhìn qua cách sắp xếp, chúng tôi đã đoán vị này chắc cũng là một lãnh đạo cấp cao của Ủy Ban Quân Quản, vì thời kỳ này chưa mang quân hàm nên quần áo đồng phục màu cứt ngựa giống “cá mè một lứa” . Thuyết trình viên mở lời chào hỏi giới thiệu như thế nào quân ta không ai quan tâm, vì các đồng khổ hiện diện trong hội trường lúc nào cũng chắc mẫm các bài giảng “toàn bổn cũ soạn lại nói tới nói lui đã quá quen thuộc nằm lòng” nên mặc dù ngồi ngay hàng thẳng lối nhưng đầu óc anh nào cũng để ở đâu đâu! Chừng nhận ra một giọng nói hoàn toàn xa lạ mà âm hưởng rất gần gũi, anh em đồng khổ mới ngước mặt nhìn lên xem mặt mũi diễn giả ra sao? À ông này diên mạo cũng dễ coi mà nói năng rặt giọng miền Nam . Cũng lâu lắm rồi qua nhiều tháng ngày trong trại tập trung Thành Ông Năm chưa bao giờ anh em nghe một người cán bộ chính trị hay quản giáo gốc miền Nam nói chuyện. Thế là anh em cũng hiếu kỳ chăm chú xem có gì mới lạ hơn không? Lời diễn giả thao thao bất tuyệt:
“.. Các anh có biết các anh đang ngồi trên cái gì đây không? Chúng tôi hoàn toàn không biết nhưng tôi biết chắc chắn là chính các anh biết rất rõ giá trị của những tài sản này…”
Các đồng khổ bắt đầu tập trung lắng nghe một cách chăm chú, vì không phải nói về những đề tài chính trị cũ rích nữa rồi. Diễn giả tiếp:
“..Các anh đa số là kỹ sư, bác sĩ, cữ nhân, chuyên viên có chuyên môn cao là tài nguyên quý báo của quốc gia, nói thật, các anh xứng đáng được đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng Sản Việt Nam để phục vụ cho nhân dân..”
Ủa lạ dữ chưa? Sao hôm nay câu chuyện dành cho tù mà không có chữ nào “cải tạo” cũng không có chữ nào lên án gắt gao “tội ác tài trời” mà lại như tuyên dương các đồng khổ thế này. Anh em phe ta im re chờ nghe tiếp coi vị cán bộ này có gài “kẹt” để bước qua ngã rẽ rồi đánh “cú nốc ao” không đây? Ông tiếp:
“Các anh có đặc điểm là làm việc thì làm hết mình, nhưng khi chơi thì “chơi mút mùa lệ thủy”…. ông gằn giọng ở những chữ cuối cùng như tâm đắc lắm.
Các đồng khổ không cần nghe tiếp, vỗ tay rần rần vang vội cả hội trường làm các anh quản giáo “đơ” ra không hiểu chuyện mô tê chi mà vỗ tay dữ vậy. Nói ra được câu “chơi mút mùa lệ thủy” là người nói đã điểm trúng huyệt đạo người nghe là những người miền Nam bản chất phóng khoáng, chơi với nhau chí tình, sống với nhau chí nghĩa, nên khi nghe thấy câu này phát ra trong một thời gian đã bị “bế ngôn kiểu nói người Saigon” thì như ngọn lửa khơi dậy khung trời tự do thuở nào bùng cháy lên rừng rực giữa không gian bịt kín.
Sau buổi nói chuyện anh em cải tạo thấy lòng hể hả như quả bóng đang căng, xì bớt được chút hơi bên trong. Lần này là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng không bao giờ anh em tù cải tạo còn được nghe những lời nói tương tự như vậy một lần nữa!
Viết đến đây tôi xin muốn hỏi các bạn đọc “Các bạn nghĩ sao về những tràng vỗ tay không dứt này” Có thể phần giải thích của tôi ở trên cũng chưa được thỏa đáng cho lắm?
LONG-NHI (Còn tiếp)
Các bài cùng đề tài liên hệ đã đăng:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét