16/1/12

CHÀO MỪNG TẾT NHÂM THÌN 2012 (Bài 103)


Có chờ hay không đợi thì thời gian vẫn cứ tiến tới theo vòng quay không ngừng nghỉ của quả địa cầu. Hết mùa đông héo úa lạnh lẽo thay vào mùa xuân âm áp tươi mát, cây cỏ đâm chồi nảy lộc tràn ngập sức sống mới mãnh liệt mang đến cho con người nhiều ước vọng tương lai sáng lạng.


Cứ mỗi lần Xuân về, tâm hồn mọi người dù giàu hay nghèo, dù già hay trẻ đều cảm thấy rạo rực thả hồn hòa vào thiên nhiên để toại hưởng không khí dịu mát, cảnh đẹp rạng rỡ của đất trời để cùng nhau ca ngợi một mùa xuân mới.

Sống trên quê hương tạm dung, văn hóa phong tục khác biệt nên rất hiếm khi tôi chuẩn bị đón xuân như mọi người bên nhà. Gia đình ở Việt Nam dù sống dưới bất cứ dưới chế độ nào cũng đều được tự do làm lễ tưởng niệm ba ngày Tết thiêng liêng theo tập quán cổ truyền của tổ tiên ta lưu lại. Hôm nay 16/01/2012 là ngày đưa ông Táo, nhờ trang “blog Google” tôi có dịp đồng hành với gia đình và các bạn bên nhà trang hoàng vài hình ảnh “màu mè”, đôi bài nhạc “xưa cũ” nói về Tết Nguyên Đán để trọn hưởng đôi phút giây thoải mái du Xuân,  được vậy âu cũng là đã mãn nguyện lắm rồi…

Nói thì nói vậy, chứ tôi vẫn ước ao được sống lại những cái Tết xa xưa nghèo nàn thiếu thốn mà sao nó đậm đà tình cảm dân tộc. Thời đó, trong nhà trang trí không thể thiếu; tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ in trên giấy điệp bán rẻ tiền treo trên vách, đôi câu liễn đỏ dán ở hai cột trước bàn thờ chưng bông vạn thọ với khói hương nghi ngút bên mâm trái cây ngũ quả “cầu (mảng cầu),thơm, dừa, đủ (đu đủ), xoài” làm cơ bản, ý rằng đa số nhân dân ta cầu xin được danh thơm tiếng tốt, còn tiền bạc vừa đủ xài là được rồi, không cần gì giàu có. Ngày mùng một, trẻ con với quần áo mới đủ màu đủ kiểu xúng xa xúng xính trên khắp nẻo đường đi mừng tuổi ông bà cha mẹ để được lì xì, tạo nên một khung cảnh nhộn nhịp khác thường hơn mọi ngày. Tiếng trống làng đã sớm thúc giục các bô lão tụ họp nơi đầu đình. Các cụ đã vận khăn đóng áo dài the đen nghiêm chỉnh sẵn sàng lên đường theo lời mời gọi, trước là làm lễ bái tạ và cầu nguyện trời đất thánh thần tổ tiên sau chúc Tết xóm giềng bà con. Vài tràng pháo chuột lạch tạch nổ ran đâu đó bên hàng xóm. Món ăn thì nhà nào cũng chuẩn bị như nhà nấy không thể thiếu bánh tét, bánh ít, thịt kho dưa giá, củ kiệu tơm khô mà tuổi trẻ chúng tôi rất thèm thuồng. Sang mùng hai, trẻ em bày sòng lắc bầu cua cá cọp ăn thua khá sôi nổi. "Tháng giêng ăn Tết ở nhà" mà, cứ vui chơi cho phỉ sức bỏ công cực khổ làm lụng cả năm. Ôi sao mà ngày Tết vừa thảnh thơi vừa rộn rã vừa trang trọng quá vậy? Đâu có cảnh nào đáng yêu đáng mến như ở quê hương ta chớ?

Để kết thúc một chút hoài niệm nêu trên, tôi xin mượn bài thơ XUÂN của Tú Xương để tô đậm thêm vài nét đặc thù về âm thanh, màu sắc và một ít hài hước chua chát của ông nói về ngày Tết ta cũng thật dễ thương quá chừng;

Xuân từ trong ấy mới ban ra
Xuân chẳng riêng ai, khắp mọi nhà.
Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột
Loẹt lòe trên vách, bức tranh gà.
Chí cha chí chát khua giầy dép
Đen thủi đen thui cũng lượt là.
Dám hỏi những ai nơi cố quận
Rằng xuân xuân mãi thế ru mà?   
TÚ XƯƠNG (1870-1907)

Không có nhận xét nào: