6/3/12

VỤ ÁN THẾ KỶ (Bài 109)

Chúng tôi vừa nhận được quyển sách “VỤ ÁN THẾ KỶ” của tác giả Nguyễn Chánh Dật gởi tặng, xin chân thành cám ơn. Quyển sách dày 284 trang, trình bày khá mỹ thuật, không có giá bán. Chúng tôi xin sơ lược tiểu sử tác giả và giới thiệu một đoạn ngắn của quyển sách mà chúng tôi rất tâm đắc để gia đình và các bạn cùng đọc.

Ông Nguyễn Chánh Dật
Sinh năm 1941 tại Vỹ Dạ, Huế.
Cựu học sinh trường Quốc Học Huế.
Cựu SVSQ khóa 18 TVBQGVN, phục vụ trong binh chủng BĐQ.
Định cư theo diện tỵ nạn HO.4 tại Hoa Kỳ năm 1990.

Sang định cư tại Hoa Kỳ tôi được quen biết tác giả trong lớp học ESL (Anh ngữ như ngôn ngữ thứ hai). Sau đó mỗi người một ngả lo công ăn việc làm, con cái, cho tới mãi chúa nhựt 5/3/12 vừa qua, vợ chồng chúng tôi mới có dịp gặp lại anh chị Phụng Dật trong tiệm phở. Chúng tôi mừng rở tái ngộ nhau sau 22 năm xa vắng, anh hỏi địa chỉ và điện thoại chúng tôi để thăm hỏi và gởi tặng sách.

Theo bộc bạch của tác giả trong lời nói đầu “…tôi thích học và đọc sử. Chính môn sử đã cho tôi dư một số điểm để bù vào các môn khác..” và sở thích của tác giả là “lịch sử cận đại, giai đoạn các sĩ phu yêu nước rũ áo từ quan đáp lại hịch Cần Vương…

Đọc "VỤ ÁN THẾ KỶ"  của anh nói về vụ ám sát ABRAHAM LINCOLN và nội chiến Nam-Bắc Mỹ mới thấy công phu anh sưu tầm tài liệu, ngoài ra anh còn đi thực địa để quan sát những chiến trường những di tích,  những nghĩa trang lịch sử  để có cái nhìn và có sự so sánh giữa Hoa Kỳ vá các nước khác về lòng bao dung giữa hai kẻ thù thắng bại, có lẽ đó chính là hậu ý của tác giả muốn nói lên.
Như đã nói ở trên, quyển sách không có giá bán nên không biết các bạn xa gần làm sao đọc được, chỉ thấy tác giả đề tặng Vợ, Con và Cháu, chắc chắn có phần còn để tặng bạn bè. Nếu đúng như vậy thì thật là quý hoá cho người được tặng sách. Sau đây chúng tôi xin phép tác giả để trích một đoạn ngắn trong Phần VI nói về NHỮNG CHUYỆN LẠ THỜI NỘI CHIẾN, mời các bạn xem.

“Cuộc nội chiến Hoa Kỳ có nhiều chuyện lạ, chuyện khó tin như vừa kể, nhưng chuyện lạ hơn hết mà cả thế giới đều biết là khi cuộc chiến chấm dứt chẳng có một người nào bị giết để trả thù ngoại trừ Đại úy Henry Wirz cựu cai ngục trại tù Andersonville, Georgia bị tòa án quân sự kết án tử hình. Không có viên chức cao cấp nào của chính phủ bị giam cầm quá một năm ngoài tổng thống Davis. Không một vị tướng nào bị truy tố và cũng chẳng có một vị tướng nào tự vận để bảo toàn danh tiết...

Điều lạ lùng hơn hết là sau này họ có quyền thành lập Câu Lạc Bộ, hội đoàn để sinh hoạt như Hội Cựu Chiến Binh Miền Nam (The Confederate Veterans), hoặc Con Gái Của Những Cựu Chiến Binh Miền Nam (The Daughters of the Confederacy). Họ được tổ chức, làm sống lại các ngày lễ lớn với cờ xí miền Nam.

Nghĩa trang của các tử sĩ miền Nam được tu bổ. Bất cứ ở một tiểu bang nào, đặc biệt tại nghĩa trang quốc gia Arlington, các tử sĩ miền Nam được an nghỉ chung phần đất với các tử sĩ miền Bắc…

Chính quyền tiểu bang vẫn cấp phát tiền hưu cho các cựu chiến binh già, giúp đở thương phế binh và cô nhi quả phụ…”





Không có nhận xét nào: