Thật tình là một chuyến du lịch bất ngờ không dự kiến
trước, do có việc khẩn cấp bên nhà phải gắp rút chọn bất kỳ hảng hàng không nào
thuận tiện cho kịp về, nên chuyến bay Emirates bận trở lại Hoa Kỳ, đã đưa tôi đến
Tiểu Vương quốc Dubai nghỉ lại 18 giờ, là một
trong 7 Tiểu vương quốc Á Rập Thống Nhứt (UAE=United Arab Emirates) nổi tiếng về
kinh doanh vàng trước đây, ngày nay là trung tâm thương mại, tài chính, bất động
sản và du lịch mang tầm cở quốc tế.
Thời gian dừng chân không lâu lại là lần đầu tiên mới đến,
nên những gì tôi đã được tham quan xin kể lại từng phần mắt thấy tai nghe, nếu
các bạn muốn tìm hiểu thêm, đề nghị "click" vào
các phần tôi đã "kết nối" để đọc.
Khí hậu. Đến phi trường quốc tế Dubai vào lúc 4:35 sáng (giờ địa
phương), tìm đường ra ngoài để lấy xe về khách sạn Copthorne Airport Hotel (khoảng
4,8km) phải đi qua Hải quan và Di trú Dubai (Miễn visa nhập cảnh cho 46 nước chưa có Việt Nam) chừng 20’. Vừa bước ra khỏi phi
trường trời chưa kịp sáng, bên ngoài đèn đường vàng rực, xe taxi láng bóng đậu nối đuôi
nhau thành từng đoàn dài rất trật tự, cảm giác đầu tiên thấy khó thở vì không
khí mát mẻ bên trong nhà ga chợt mất đi nhường chỗ cho oi bức, lúc ấy tôi cũng
không rõ là bao nhiêu độ! Đến trưa lại, rời khách sạn đi tham quan thành phố, bên
ngoài trời không gió, nóng hầm hập như đứng trước lò nướng bánh mì vừa mở cửa,
chúng tôi vội nhảy lên xe, trong đoàn có 5 người Việt và một cháu bé 6 tháng đi
cùng 3 người Á rập mặc áo dài và trùm đầu, đều sợ nóng. Tôi hỏi hướng dẫn viên
người Ấn về thời tiết ở Dubai, "Bây giờ nhiệt độ đang là 45°C , có
năm lên đến 55°C ", ông trả lời. Mọi du khách đều tỏ vẻ e ngại. Đọc
trong Wikipedia, thấy ghi nhận "Dubai có khí hậu rất khô cằn nóng bức.
Mùa hè ở Dubai cực kì nóng, gió nhiều và khô, nhiệt độ trung bình mùa hè ban
ngày khoảng 40 °C và ban đêm giảm còn khoảng 30 °C. Hầu hết các ngày
có nắng quanh năm. Mùa đông lạnh và ngắn với nhiệt độ ban ngày trung bình
24 °C và ban đêm giảm còn khoảng 14 °C.
Rõ ràng là tin tức trên mạng cập nhật thời tiết chưa chính
xác. Sa mạc ở Dubai thuộc loại sa mạc nóng (BWh) khác với sa mạc lạnh (BWk), nên chi mà nó nóng
ác liệt.
Kiến trúc. Diện tích của Tiểu Vương quốc
Dubai là 4.114 km2 kể cả đất lấn ra biển, khu đô thị chiếm
31% còn lại phần lớn là sa mạc cát và sỏi đá. Dubai bùng
phát xây nhà cao tầng bằng công nghệ xây dựng tiên tiến từ thập niên 1980 do các công ty thiết kế hàng đầu của New
York và Chicago trợ giúp . Đi trên
con đường xa lộ cao tốc chính của thành phố Dubai, chúng ta thấy hàng hàng lớp
lớp nhà cao tầng mộc lên như nấm, đa dạng kiểu mẫu, cao thấp
khác nhau nhưng rất nhịp nhàng hòa hợp bên nhau trong một khung cảnh Âu-Mỹ
nhưng đậm nét màu sắc văn hóa Hồi giáo, tiêu
biểu là kiến trúc tòa nhà chọc trời Burj Khalifa
cao 829,80m (2,722.44ft) cao nhất thế giới hiện nay. Khởi công ngày 21/09/2004,
khánh thành ngày 04/01/2010. Chúng tôi dừng xe trên đường đối diện để chụp
hình, ngước lên nhìn đỉnh tháp muốn “trật ót”. Burj Khalifa biểu lộ sự hãnh diện
không phải chỉ là kiến trúc có một không hai với biểu tượng đóa hoa sa mạc hymenocallis của Dubai, mà còn là sự phô trương sức mạnh “ăn nên làm ra” của Tiểu vương quốc này.
Quần đảo
nhân tạo “Cây cọ Jumeirah” Đây là một siêu dự án lấn ra vịnh Ba Tư 520km (323miles) để
xây dựng lên các chùm đảo nhân tạo cực kỳ vĩ đại do cơ quan phát triển nhà đất
Nakheel của Dubai-UAE chủ xướng với sự góp sức của nhóm kỷ sư HHCP thiết
kế đồ án, xây dựng bởi Công ty Bỉ “Jan De Nul”và công ty “Dutch Van Oord”. Dự án được kế
hoạch hóa là xây các đảo cây cọ (palm islands) gồm Cây cọ Jumeirah, Cây cọ
Jebel Ali, Cây cọ Deira và tương lai sẽ là “Quần đảo nhân tạo Thế Giới". Sở dĩ tôi phải kể tỉ mỉ một chút vì chính tôi cũng bị ngớ ngẩn
khi thăm “quần đảo Jumeirah”, tôi không nghĩ ra được đây là chùm đảo nhân tạo vì nhà cửa cao từng, villas
san sát nhau dưới cây cao bóng mát y như một thành phố lớn trong đất liền, nhìn
hai bên thấy mặt nước trong xanh thì ngở là sông chứ đâu ngờ đó lại là biển, nếu không
có người hướng dẫn tôi cũng đành mù tịt.
Đảo nhân tạo “Cây cọ Jumeirah” là đảo nhỏ nhất trong đề án
các chùm đảo nhân tạo của Dubai, bắt đầu khởi công xây dựng tháng 6 năm 2001 và
đầu tháng 10 năm 2007 đã hoàn thành, lại là chùm đảo nhân tạo lớn nhất thế giới.
Ngay thời gian này, 75% tài sản nhà đất trên đảo sẵn sàng giao cho sở hữu chủ
trong đó có 500 gia đình đã vào ở trên đảo. Và đến cuối năm 2009, 28 trên 32
khách sạn mở cửa.
Đá tảng lấy từ trên núi được sử dụng để lấp làm móng cho Quần
đảo nhân tạo Jumeirah có trên 7 triệu tấn, tổn phí xây dựng 14 tỉ USD.
Năm 2009, theo sự khảo sát địa chất được đăng trên tờ tuần
báo The New York Times, thì Quần đảo Cây cọ Jumeirah đang chìm dần mỗi năm 5mm
(0.20in) và sẽ gia tăng tốc độ lún sâu xuống biển càng ngày càng nhanh hơn.
Nhận xét này đã làm lo ngại những người đã mua nhà rồi trên quần đảo nhân tạo
Jumeirah. Nekheel đã phủ nhận tin trên và bảo vệ luận chứng kỹ thuật cho rằng
kiến trúc quần đảo Jumeirah là chắc chắn chưa thấy một báo cáo nào nói là có “vấn
đề”.
Các bạn có thể click vào đây để xem Video công trình xây dựng
theo công nghệ hiện đại “THE PALM ISLAND, DUBAI UAE –Megastructure Development”.
“Quần đảo nhân tạo Cây cọ Jebel Ali” lớn
hơn “quần đảo Cây cọ Jumeirah” 50%, bắt đầu
khởi công từ tháng 10 năm 2002 hoạch định hoàn thành giữa năm 2008 phải dừng lại
mặc dù đã xây xong phần móng chỉ còn chờ cất nhà trên 300.000m2 đất, lý do thị trường bất động sản của Jebel Ali bán ra đã rớt giá xuống 40% song hành với khủng hoảng tài chánh năm 2007-2010 xẩy
ra.
The Burj Al Arab. Khách sạn 7 sao sang trọng
nhất hành tinh, chỉ duy nhất có ở Dubai, tọa lạc trên một đảo nhân tạo 280m
(919ft) nối với đất liền của bãi biển Jumeirah ở Dubai bằng một cây cầu. Khách
sạn được xây như hình cánh bườm, chiều cao 321m (1,053ft) có 28 tầng, 202 phòng
liên hợp do Tom Wright của WS Atkins PLC thiết kế, khởi công năm 1994 và hoàn
thành năm 1999, tốn phí 650 triệu USD.
Diện tích
của phòng liên hợp loại nhỏ nhất: 169m2 ((1820spft) và phòng liên hợp lớn nhứt: 780m2 (8400spft). Giá tiền phòng loại "Phòng Hoàng gia" (Royal Suite) một đêm là
18,716.00 USD theo Wikipedia tiếng Mỹ và theo Hotels.com thì giá tiền phòng từ
1,345.00 USD cho đến giá cao nhất là bao nhiêu? không cho biết, có nghĩa là giá thấp nhứt cho loại một
phòng qua một đêm. Đơn cử vài nét chính, gọi là cũng thấy từ xa xa và nghe diển tả về khách sạn “vô
tiền khoáng hậu” trên quả địa cầu này, chứ không sao biết hết mức độ lộng lẫy sang
trọng bên trong của khách sạn là như thế nào!
TRẦM NGÂM
SUY TƯ VỀ SỰ LỘT XÁC CỦA DUBAI ĐỂ KẾT
BÀI.
Xe khách
sạn đưa chúng tôi ra phi trường để trở về Hoa Kỳ trước 2 giờ bay. Đến Phi trường
quốc tế Dubai xuống xe
lội bộ một đoạn vài chục thước để vào nhà ga chính lúc đó khoảng 6:30 chiều mà trời vẫn còn oi ả,
bước vào bên trong phi cảng cảm nhận nhẹ nhõm dễ chịu, không khí của máy điều hòa mát mẻ làm khỏe người ra. Tiếp
tục làm thủ tục để lên phi cơ, tôi chào và trình hộ chiếu cho một nhân viên di
trú Dubai, ông này vui vẻ nhã nhặn chào lại, ông xem hộ chiếu và đóng dấu
"ĐI" rất nhanh trên đó rồi trả lại, ông mỉm cười hỏi tôi "Ông thấy
thế nào về đất nước tôi?". Tôi than phiền "Nóng quá tôi chưa từng trải
qua!", ông không phật ý mà đáp lại một cách dí dõm: "Ông đem cái nồi nấu đồ ăn để ngoài trời một chút, lấy vô là
nó chín ngay" Tôi cười ngất và ông cũng hể hả cười theo như vừa giải quyết
cho du khách một bài toán khó.
Đến cổng
ra phi cơ, ngồi nghĩ lại mới thấy mình bất lịch sự với người bản xứ, quê hương
người ta toàn sa mạc "cát đỏ" thấy sỏi đá nhiều hơn cây cỏ mà người
ta đã xây dựng lên một thành phố quá ư là văn minh trù phú, sao mình không có lấy
một lời ca ngợi kỳ công này của họ, tự dưng thấy mình có sự khiếm nhả với người
nhân viên chính phủ Dubai hiếu khách.
Thời gian ở lại Dubai không lâu nên
muốn nhận xét vế thành phố này, về con người ở đây, rất ư là khó vì thật ra tôi chưa
có một cái nhìn toàn diện đầy đủ và có
chiều sâu về đất nước này, nếu lướt qua hình ảnh những
con đường cao tốc sạch sẽ phẳng lì, những nhà cao tầng “đụng trời xanh’ mang dáng vóc Âu Mỹ nhưng với phong cách Á rập độc đáo lạ mắt
và những công trình xây dựng lấn biển vượt tầm hiểu biết của mọi người, thì chắc ai cũng phải nghĩ rằng Tiểu vương quốc Dubai
thật sự là một quốc gia giàu có, đứng hàng đầu trên hành tinh này nếu tính trên
diện tích và dân số.
Thật vậy, sơ khởi tôi biết về Dubai là ngay từ giữa thế kỹ 20, do các
chuyến bay dừng lại ở đây, hành khách của nhiều nước ghé Dubai đều khen "Vàng ở đây rẽ quá!" Xứ này không có
mỏ vàng, mà sao vàng lại rẽ, chuyện cũng lạ? Theo tôi, có thể suy diễn
như thế này, thực tế mà chúng tôi được
vào tham quan một shop bán đồ thủ công mỹ nghệ làm bằng vàng kết hợp với đá quý, đáng trầm
trồ các bức tranh sáng tạo hết sức công phu, thời
gian mày mò để hoàn thành tác phẩm phải mất trên cả năm, bán với giá 1500USD đến
3500USD, nếu tính chi li thì tiền nhân công là quá thấp so với giá bán ra, nên
có lẽ vì vậy mà nó rẽ chăng? Do đó, ai đi qua đây cũng khen là vàng ở đây rẽ?,
vô hình chung đã làm quảng cáo cho Dubai mà không hay đã giúp cho đất nước này buổi ban đầu được tiếp thị nhanh chóng với khách hàng
phương xa.
Như đã trình bày ở phần trên, vào
thập niên 80 của thế kỷ 20, Dubai tiến hành xây dựng thành phố cùng lúc đẩy mạnh sự phát triển
các mũi nhọn: Thương mại-Tài chính-Bất động sản-Du lịch một cách tài tình để đưa đất nước tiến nhanh đến phú cường. Nếu đem so với Tp Saigon ngày nay thì diện tích Dubai gắp đôi
nhưng dân số chừng 1/5 (dân bản xứ chỉ chiếm có 17%, số còn lại là di dân
từ các nước Ấn độ, Pakistan, Bangladesh và người Á Châu Thái Bình Dương) chưa kể những thường trú nhân làm việc tại đây. Một điều hiển nhiên rất dễ nhận ra là ý đồ của các nhà lãnh đạo của Tiểu vương quốc này đã sử
dụng kỹ thuật công nghệ cao từ các chuyên viên thượng thặng Âu Mỹ và thuê lao động chân tay từ các nước kém mở mang khác.
Đừng quên rằng, nguồn trử lượng dầu
mỏ ở tiểu vương quốc Dubai là không nhiều, chỉ chiếm 5% thu nhập ngân sách mỗi năm, ngoài ra còn một nguồn lợi khá lớn khác là đầu tư kinh doanh
ngành hàng không dân dụng từ năm 1985 lấy tên "Fly Emirates" với số vốn khởi đầu 10 Triệu USD, cho đến năm 2012 đã
trở thành hảng hàng không dân dụng đứng hàng thứ 4 trên thế giới về chuyên chở
hành khách, và đứng hàng thứ 3 về vận chuyển hàng hóa. "Fly Emirates"
nối liền đường bay quốc tế trên 142 thành phố của 78 quốc gia, đặt căn cứ tại
Dubai là hảng hàng không lớn nhứt vùng Trung Đông, điều hành trung bình 3.400
chuyến bay trong một tuần.
Cần nói thêm, chuyến bay của chúng tôi dừng lại ở Dubai, hoàn toàn được hảng hàng không Emirates đài thọ mọi chi phí ăn ở và đưa đón ra phi trường, ngoại trừ tiền đi tham quan, đây cũng là một cách gián tiếp quảng bá hết sức khéo léo đất nước của họ?
Cần nói thêm, chuyến bay của chúng tôi dừng lại ở Dubai, hoàn toàn được hảng hàng không Emirates đài thọ mọi chi phí ăn ở và đưa đón ra phi trường, ngoại trừ tiền đi tham quan, đây cũng là một cách gián tiếp quảng bá hết sức khéo léo đất nước của họ?
Lướt sơ những số liệu biết nói như
trên, chúng ta thấy Tiểu vương quốc Dubai là một quốc gia nhỏ bé, ít tài nguyên
thiên nhiên, lại nằm trong một vùng đất khắc nghiệt, mà họ mở ra được một con
đường hướng tới sự giàu có thật là ngoạn mục, đáng dở nón cúi đầu.
XEM THÊM MỘT VÀI HÌNH ẢNH DUBAI (Click vào đây)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét