30/8/14

PHÚ QUỐC: NHỮNG NGÀY MƯA GIÓ THÁNG 7 (Bài 145)

Qua các bài viết trong blog này, chúng tôi đã được nhìn thấy Phú Quốc qua hai góc độ khác nhau; một là từ trên khu nghỉ mát Bokor trên dãy núi Voi (Kampuchia), thì Phú Quốc như một mặt phẳng xám xịt bềnh bồng trên biển cả trong vịnh Thái Lan, lần thứ hai từ Hà Tiên (Việt Nam) thì Phú Quốc là những dãy núi xanh thẳm như bức tường kiên cố che chắn kín đáo bãi biển Mũi Nai, bao bọc nơi này không khác gì một cái hồ khổng lổ. Hình ảnh trên đã tạo nhiều cảm giác thú vị cho óc tưởng tượng của chúng tôi, nên chuyến này chúng tôi quyết định dành ít thời gian để khám phá hòn đảo lớn nhất của Việt Nam. 
Nhiều lần cũng có dự định đến thăm Phú Quốc; muốn đi ghe tàu phải xuống Rạch Giá hay Hà Tiên, mà phương tiện di chuyển đường thủy trước đây còn đơn sơ cũ kỹ, còn dùng đường hàng không thì phi cơ luôn bị "đì le" vì bão tố. Nhưng lần này chúng tôi quyết định lấy tour cầu may đi chơi cho biết.

Thức dy 6 giờ sáng, chờ xe tour đón ra phi trường nội địa Tân Sơn Nhất để đi chuyến bay 8 giờ sáng khởi hành từ Saigon. Người hướng dẫn (NHD) Tour làm thủ tục “lên tàu” khá nhanh, riêng tôi phải làm giấy tờ  bảo lãnh về sức khỏe vì trên 70 tuổi, Hảng VietJet Air không chịu trách nhiệm bịnh tật dọc đường, nên phải có người nhà nhỏ tuổi hơn bảo lãnh. Nghĩ cũng ngộ, đã từng đi  khắp Ảu Á Mỹ chưa thấy Hảng Hàng không ngoại quốc nào đòi hỏi thủ tục miễn trừ trách nhiệm về sức khỏe với hành khách như ViệtJet Air, không biết các Hảng hàng không khác của Việt Nam có giống vậy không? Ở nước ngoài, càng lớn tuổi, càng được chiêu đãi viên ân cần chăm sóc đặc biệt hơn, cũng chả thấy ai yêu cầu làm thủ tục giấy tờ gì phiền phức!
Đúng như báo chí và hành khách đã từng than phiền vì nạn "đì le" (delay); ngồi chờ trễ giờ bay gần cả tiếng đồng hồ thì được gọi "lên tàu", mọi người nháo nhào ra xe bus, chở chạy một vòng rồi trở về điểm xuất phát, lại vào  phòng chờ ở phi trường đợi tiếp thông báo mới. Thiệt là tiếu lâm! vào thời kỳ mà người dân ở "hóc bà tó" còn có điện thoại cầm tay, mà ở phi trường hiện đại như Tân Sân Nhất, máy bay tới hay chưa cũng không biết, xách xe chạy vòng vòng đưa hành khách đi "xả gió" một lúc cho đở mõi mòn chờ đợi, tâm lý dễ sợ đó chớ! Rồi lại đổi “cửa ra” mà không nghe thông báo gì, bị quây quần như cái bong vụ hèn chi có nhiều hành khách bị trễ chuyến, máy phóng thanh gọi ỏm toải cũng chẵng biết các ông bà đó đi mô, thế là nhiều ông bà cụ lỡ chuyến bay, chạy tới chạy lui hỏi han nhớn nhác. Ôi hàng không ta ơi! Thiệt là “hàng” đầu “không” tên?
Cuối cùng lên tàu trể hai giờ, cũng chẳng thấy “an ủi” cái gì như quốc tế, một chai nước uống cũng không, chứ đừng nói là ăn sáng. Theo chương trình của tour du lịch thì sẽ bay với máy bay động cơ cánh quạt ATR của Pháp (thường bị trục trặc kỷ thuật) nhưng bất ngờ đổi thành phản lực cơ Airbus A320-200 sang hơn, với sức chứa khoảng 180 hành khách, chuyến này đầy ấp người, chắc là mùa hè nhiều học sinh nghỉ. Đường bay chỉ mất 35’ là tới Cảng Hàng Không Quốc Tế Phú Quốc, đoàn du hành chúng tôi đành chịu thiệt thòi thời gian tham quan không đúng như chương trình quy định của Tour, cũng chẳng thấy ai ta thán, khiếu nại gì, khách Việt quá quen và thông cảm các trường hợp này chăng?  Hành khách Việt thật quá dễ thương, phải không? Từ buổi ăn sáng bị mất đi, đến nơi HDV phải đưa đi ăn trưa rồi gắp rút tham quan một vài nơi trong mưa gió, xong là về nhận phòng. Chuyến về VietJet Air cũng lại “đì le” một tiếng đồng hồ, nhưng đường bay về chỉ còn 30’ là tới Tân Sơn Nhất. Theo tin báo chí trong nước, năm nay Vietjet Air đã có kế hoạch mua thêm nhiều máy bay Airbus mới, hy vọng họ sẽ “ĐI LẸ” hơn chứ không giữ truyền thống “ĐÌ LE”.

Để cô động tường thuật, chúng tôi xin kể một vài chuyện khá đặc biệt mà chúng tôi chưa từng biết đến khi nói về Phú Quốc và một vài điều nghe thấy khác;

Mộ Bà Lớn Tướng Lê Kim Định tên thường gọi là bà Điều,  tọa lạc tại bãi Ông Lang, bên tả ngạn sông Cửa Cạn, thuộc xã Cửa Cạn, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Bà Lớn Tướng có mỹ danh là bà Lê Kim Định, tên thường gọi là bà Điều, người Rạch Giá. Trong thời kỳ Pháp thuộc, bà cùng mẹ và em gái gia nhập nghĩa quân chiến đấu chống lại sự đô hộ. Sau này bà trở thành phu nhân của tướng quân Nguyễn Trung Trực (1839-1868), nên dân chúng gọi là Bà Lớn Tướng. Năm 1867, Pháp đưa quân tiến vào Hàm Ninh, nghĩa quân phải rút vào khu vực sông Cửa Cạn, Nguyễn Trung Trực bị bắt, nghĩa quân yếu dần, bà sống ẩn dật rồi mất tại đây.
Bà Lớn Tướng có nhiều giai thoại, các bạn có thể đọc một trích đoạn dưới đây hoặc đọc nguyên bài theo “liên kết” trên tựa bài.


 Cây "Ma" hay cây "Thần" Chuyến về, khi trở lại Cảng Hàng Không Quốc Tế Phú Quốc, vừa bước chân ra khỏi xe bus, liền nghe mấy cháu hoc sinh nhốn nháo bảo nhau “Kìa cây MA kìa” cậu khác vội vàng hỏi “Đâu! đâu! ở đâu?” rồi các cháu kéo vào trong phi trường mất hút. Giựt mình nghe chuyện lạ, tôi vội nhìn ra phi đạo thì thấy một cái cây cao thân vàng nhạt, lá lưa thưa trên ngọn đứng giữa phi đạo và bãi đậu của phi cảng, tôi đoán lá “nó rồi” nhanh tay lấy máy quay phim ra chụp vài tấm ảnh. Chạy vào bên trong chờ lấy vé lên tàu, tôi hỏi các cháu “Các em nói cây Ma cỏ gì vậy?”, các cháu nhanh nhẩu trà lời “Ở Phú Quốc ai cũng biết về cây Ma ở phi trường này đó chú ơi! Cây này đã đốn không ngã, mà xe ủi cũng không được, nên còn trơ trơ nằm ngoài phi đạo đó chú thấy không?” Vào ngồi chờ chuyến bay, tôi lại cố gắng chụp thêm vài tấm hình nữa.  Lúc xe bus đưa từ phi trường ra phi cơ, tôi dừng lại móc máy định chụp thì bảo vệ hay an ninh phi trường gì đó cản tôi không cho chụp và thúc bách lên phi cơ, hơi tiếc vì lúc đó khoảng cách nơi tôi đứng gần cái cây Ma. Xin đọc thêm bài đăng dưới đây.

Bãi SAO là một bãi khá đẹp của Phú Quốc, với cát trắng, nước trong xanh, ra xa mặt nước vẫn còn lắp xắp miệng rốn. Nhà hàng lợp lá đẵm nước mưa, bàn ghế chệch choạt sơ sài  nói chung còn lượm thượm chưa xứng tầm kinh doanh hiện đại. Một chị đi cùng tour quê ở địa đạo Củ Chi khi vào phòng tằm nước ngọt, chị đã than phiền “Nhà tắm dơ quá”.  Từ đường chính, con đường dẫn vào bãi là đường đất đỏ gồ ghề nhớp nhúa sình lầy, chứng tỏ địa phương chưa khai thác đúng mức bãi tắm đẹp có một không hai của quê hương.



Cây Sim và Rượu Sim  Cây sim mọc tự nhiên ở vùng phía bắc Phú Quốc thành rừng sim, cứ tới mùa, người dân lên hái trái đem về bán lại cho các nhà sản xuất làm rượu và  mật sim. Rượu sim uống khá ngon, hơi men nhẹ, thơm và ngọt, say rất đầm, không thể so sánh với rượu nào khác được, nó có hương vị riêng của nó, uống rồi mới cảm được.






Hải sản  Nói về tôm cua cá, nghêu sò ốc hến thì khỏi chê, con gì cũng có nhưng giá không phải rẻ. Tôi hỏi HDV gốc Rạch về giá cả, anh nói “Hồi trước du khách tới đây, mới đầu họ thấy con cá ngựa bán giá rẻ mạt, nên mua bao hết, thế là người bán cứ dần dần lên giá theo nhu cầu người mua, nên giá càng ngày càng tự nâng cao” còn một HDV khác gốc Nghệ thì bảo “Chú ơi! Dân ở đây sống về nghề chài lưới, nên phải tùy vào mùa, khi bão tố, lúc có lúc không nên giá cả phải cao” Nhìn chung trên các sông rạch, bờ biển chỗ nào cũng thấy san sát ghe đánh bắt cá tuy không lớn nhưng nhiều vô số kể, tôi nghĩ chắc là giá cả hải sản hời lắm dễ dàng thu hút du khách về đây nghỉ ngơi, ăn uống cho thỏa thích. Ờ thì ra cũng có nhiều mặt của một vấn đề “Muốn có du khách đông để phát triển du lịch thì phải có cái gì hấp dẫn “vừa rẻ lại vừa ngon” “vừa đẹp lại vừa lòng khách” thì sẽ hốt bạc cho huyện đảo thôi. Cách tính nào hay sẽ phát triễn bền vững và lâu dài có lợi cho dân cho nước.

Mời các bạn xem slideshow và phim sau đây,  tuy chưa đầy đủ như ý muốn, nhưng chắc là phần nào cũng  thấy được một số sinh hoat và cảnh đẹp của Đảo Phú Quốc.


XEM THÊM HÌNH ẢNH PHÚ QUỐC (Click vào đây)



BÀI ĐỌC THÊM:
Sự thật về "Bà Lớn Tướng" Lê Kim Định
BaoMoi 10/07/2014 12:35 00 Tin gốc 
Theo câu chuyện đó thì, lúc Nguyễn Trung Trực bị Pháp đánh gắt, ông di binh về Phú Quốc xây dựng căn cứ tại bãi Hàm Ninh. Vợ ngài tên là Điều nhưng được mọi người gọi là Bà Lớn Tướng cũng theo ra Phú Quốc cùng ngài tham gia kháng chiến. Lúc ấy bà vừa hạ sinh một công tử.

Ngôi mộ vẫn còn nguyên hài cốt Bà.
Căn cứ chưa xây xong, quân Pháp đã đưa quân ra đánh. Nguyễn Trung Trực chia 2 cánh quân lùi về bắc đảo hoang vu tạo bẫy gọng kìm chờ  quân Pháp tiến vào. Một cánh quân do bà Điều chỉ huy đóng chốt tại cửa sông có nhiệm vụ nghi binh câu nhử quân Pháp từ biển tiến vào nhánh sông. Khi quân Pháp tiến sâu vào sông Cửa Cạn, Nguyễn Trung Trực sẽ chỉ huy cánh quân mai phục đánh tập hậu. Để an toàn cho công tử mới chào đời, bà Điều giao con cho Nguyễn Trung Trực giữ.

Nguyễn Trung Trực mới ra đảo nên không hiểu đặc tính cửa sông Cửa Cạn. Ở cửa sông này, mỗi khi triều dâng, sóng đẩy cát lấp cửa sông nhưng tàu bè vẫn ra vào được. Khi triều rút, nước từ sông đẩy cát ra biển nhưng tàu bè không thể ra vào. Quân Pháp tấn công đúng lúc triều rút, tàu nghi binh của bà Điều bị mắc cạn. Không nao núng, bà vẫn chỉ huy binh sỹ vừa chiến đấu vừa cho người móc cát để tàu lui vào nhánh sông.

Khi thấy tàu của phu nhân mắc cạn, Nguyễn Trung Trực nhận ra kế hoạch bị vỡ. Ông vội vã giấu đứa con trai sơ sinh vào một bọng cây cổ thụ (Hiện vẫn còn di tích ở Cửa Cạn) rồi chỉ huy binh sĩ xông ra giải cứu. Ra đến nơi thì bà đã hy sinh.

Bị quân Pháp đánh cấp tập, ông đành lui quân về bắc đảo (Ghềnh Dầu) để bảo toàn lực lượng. Trong cơn nguy biến, sinh mạng binh sĩ quan trọng hơn, ông đành lòng bỏ con ở lại bọng cây.

Mấy ngày sau, ông cố kỵ của Tư Ngây là một nghĩa binh thuộc hạ của Nguyễn Trung Trực đánh liều giả dạng ngư phủ vượt vòng vây quân Pháp trở ra Cửa Cạn để tìm con trai Nguyễn Trung Trực. Khi đến nơi, công tử đã không còn ở đó nữa. Ông đành ngậm ngùi kéo tử thi phu nhân Nguyễn Trung Trực đưa lên bãi biển hoang vu cách Cửa Cạn vài cây số mai táng tạm và khấn hứa sẽ dặn con cháu đời sau xây mộ khang trang cho bà…

Trong chính sử, không nhắc đến chuyện Nguyễn Trung Trực có vợ.

Tuy vậy, căn cứ vào các sử liệu của các nhà nghiên cứu trong thời gian gần đây đều có những chi tiết cho rằng, phu nhân của Nguyễn Trung Trực có tục danh là Điều hoặc Đỏ, mỹ danh là Lê Kim Định. Bà đã sát cánh bên ông trong các hoạt động kháng Pháp. Có nhiều nguồn khẳng định, bà đã từng bị Pháp bắt 2 lần giam tại Rạch Giá và đều được Nguyễn Trung Trực giải cứu thành công. Khi ông lui quân về Phú Quốc, bà Điều cũng được đi theo.

Vì bà là vợ chính thức nên dân địa phương Phú Quốc gọi là "Bà Lớn Tướng" chứ không phải vì bà có thân hình vạm vỡ.

Cũng theo các sử liệu này, mãi đến năm 1867, quân Pháp mới đánh ra Phú Quốc. Và "Bà Lớn Tướng" hy sinh tại Cửa Cạn là chi tiết có thật chứ không chỉ là truyền thuyết.

Với nhân dân Phú Quốc, sự kiện vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực xây dựng căn cứ kháng chiến ở địa phương là niềm tự hào khá sâu đậm. Đó cũng là câu chuyện liên quan đến nguyên do hình thành một cụm dân cư giữa vùng hoang tận Cửa Cạn từ những năm giữa cuối thế kỷ XIX…

Để làm rõ giai thoại lịch sử, chúng tôi rời thị trấn Dương Đông đi về hướng bắc đảo khoảng 10 km để đến núi Ông Lang rồi rẽ về hướng mép biển vào con đường độc đạo xuyên một bãi cát trắng và một cánh rừng sim vắng. Ngôi mộ nằm chơi vơi sát mép biển, giữa cánh rừng hoang. Ngôi mộ đã được bá tánh tự góp tiền xây một mái nhà che và cử một người thủ từ nhang khói, chăm sóc. Hàng năm, vào ngày Rằm tháng 8 (âm lịch), cư dân địa phương thường xuyên tổ chức cúng giỗ cho bà. Ông Tư Ngây đã qua đời ở tuổi 109, mang theo nhiều ký ức truyền đời.

Ngôi mộ "Bà Lớn Tướng Lê Kim Định" không có dấu hiệu được chính quyền địa phương tu bổ, chăm sóc. Theo một số người dân chúng tôi gặp thì họ đều có chung lời đề nghị, đó là một di tích lịch sử cần bảo tồn và duy trì


Huyền bí ‘cây ma’ bị cô gái trẻ nhập hồn ở sân bay Phú Quốc
Đăng Bởi Một Thế Giới - 06:00 17-03-2014

Sân bay Phú Quốc (Kiên Giang) nằm thế tựa núi trong một không gian xanh và thoáng đẹp. Ở giữa sân bay rộng lớn có một cây cao đứng đơn độc một mình ngay cạnh đường băng được người dân gọi là “cây thần” hoặc “cây ma” vì mang trong mình những câu chuyện thần bí.

Những câu chuyện có thật hoặc thêu dệt ngày một nhiều xung quanh cây lạ này thu hút cả du khách lẫn người bản địa. Nhiều ngày lưu lại ở Phú Quốc, gặp mười người thì chín người rành rọt về cây thần ở Phú Quốc. Dù nằm biệt lập giữa sân bay không nhiều người vào được. Nhưng “sự tích” về nó hầu như không ai không biết.

Cây thần hay ma ám?
“Cây thần đó, thiêng lắm à nghen. Người dân ai cũng kiêng nể cây này”- ông Đào Mẫn, 59 tuổi, một người sống lâu năm ở Phú Quốc lởi xởi khi tiếp chuyện phóng viên.
Ông kể: Cây này tồn tại đã rất lâu rồi. Hồi trước ai cũng nghĩ nó là loại cây bình thường. Mãi đến khi dự án sân bay mới khởi công mới xảy ra nhiều chuyện kỳ lạ. “Hồi trước họ đốn hạ cả rừng cây để làm sân bay. Chỉ duy nhất cây này không đốn được”- ông hồ hởi kể tiếp.
Loài cây này thuộc loại cây hoa sữa. Ngày trước, loài cây này sống san sát nhau. Tất cả các cây đều được đốn hạ. Chỉ duy nhất cây này không đốn được. Khi san ủi mặt bằng để xây dựng sân bay, lúc xe máy ủi sắp ủi cây này thì chiếc xe chết máy. Lần lượt nhiều chiếc xe khác được điều đến để thay thế. Tuy nhiên, điều lạ lùng lặp lại, bất cứ chiếc xe cẩu nào chạm vào cái cây đều hư hỏng, chiếc thì đứt cáp truyền lực, chiếc thì vỡ cả béc dầu, không thể nào vận hành được!?.
“Người ta dùng máy cưa không chạy, mang búa rìu đến chặt thì gặp lớp vỏ trơn cứng, bị bạt ra không tài nào chặt được. Hồi đó tui với nhiều người mần ăn ở khu vực này rành lắm”- ông khẳng định.
Cũng theo lời ông Mẫn, lúc đó chủ thi công công trình đã cúng heo quay, thậm chí mời thầy cúng tới làm lễ nhưng cũng không thệ đốn hạ. Chủ thầu ngán ngẩm quyết định để nguyên cây này. Vì cái cây nằm choi loi giữa sân bay nên người dân Phú Quốc quen miệng gọi luôn là “cây Choi Loi” cho đến bây giờ.

Ngoài “sự tích” cây thần, loại cây này còn được người dân truyền miệng rất nhiều câu chuyện khác. Một trong số đó là một giả thuyết rất...huyền bí: Loài cây này bị một cô gái nhập hồn. Có chuyện kể rằng ngày xưa ông chủ khu đất nầy có nhờ thầy triệu linh hồn một cô gái về đây để giữ đất.  Bất cứ chiếc xe cẩu nào chạm vào cái cây đều hư hỏng, chiếc thì đứt cáp truyền lực, chiếc thì vỡ cả béc dầu, không thể nào vận hành được!?
Chuyện khác lại nói cây này mọc trên mộ một cô gái trẻ, trong khu vực nầy hiện vẫn còn nhiều mồ mả do không có người thân hoặc thân nhân ở nước ngoài.
Ông xe ôm Trương Văn Đời hành nghiệp ở sân bay Phú Quốc, cũng là một người rành rọt loài cây này. Ông không phủ nhận cũng không khẳng định những chuyện thần bí liên quan đến nó. Nhưng ông xác nhận với chúng tôi những câu chuyện còn “rùng rợn” hơn thế.
Theo ông Đời, nhiều người tin rằng cái cây này bị ma ám thật. Cả sân bay ai cũng sợ cái cây này. Kể cả bảo vệ sân bay khu vực gần cái cây khi vào ca trực đêm cũng phải bố trí 3 người trở lên. Chưa có bảo vệ nào dám trực một mình gần cây ấy. Nhiều bảo vệ khẳng định giữa khuya thường nghe tiếng con gái sau lưng nhưng khi giật mình quay lại thì không thấy ai cả.
 “Dân đây còn đồn đã có người bị cây đó ám rồi đó”- ông Đời nói. Theo câu chuyện người dân truyền tai nhau, mới gần đây, hai nữ nhân viên đang dọn dẹp ở khu sân bay quốc tế thì bỗng nghe có tiếng hát liền quay sang hỏi lại người kia nhưng chị này cũng ngớ người không hiểu ai hát giữa trưa thanh vắng. Người này bất ngờ đổ bệnh tâm thần sau đó, đến nay vẫn chưa khỏi (!?). Từ đó, càng nhiều lời đồn ai oán về cây kỳ lạ này.

Ông Trương Văn Đời nói: “Dân Phú Quốc ai cũng tin cây này bị ma ám”
Sự thật và huyễn hoặc
Dù không mấy tin những câu chuyện thiếu cơ sở đó. Nhưng nhiều ngày lưu lại ở sân bay Phú Quốc thăm thú và quan sát “cây thần”, chúng tôi không khỏi những cảm giác là lạ. Cái cây không quá to và cao, thậm chí còn mảnh khảnh, có nhiều cành nhỏ chìa ra hai bên rất uyển chuyển. Dù giữa vùng nắng gió nhưng lá cây xanh ngắt và bóng mượt. Chúng tôi cũng không khỏi liên tưởng về hình ảnh cô gái thanh xuân!
Tìm hiểu chúng tôi được biết, sân bay Phú Quốc có đường băng rộng 45 mét và dài đến 3 cây số. Bên cạnh là đường lăn song song rộng 23 mét. Cả sân bay rất rộng thường im ắng vì mật độ các chuyến bay chưa được khai thác nhiều. Những trưa đứng bóng hoặc đêm tối, loài cây ấy một mình lừng lững giữa sân bay, cô độc và toát lên vẻ huyền bí nhưng lôi cuốn và không đáng sợ so với những gì được nghe kể.
Dù không biết những câu chuyện thần bí có thật hay không, nhưng cây “Choi Loi” vẫn là một chi tiết thú vị lôi cuốn du khách lẫn cư dân đảo ngọc Phú Quốc.
Không chỉ người dân, kể cả nhiều nhân viên sân bay cũng kể vanh vách những câu chuyện na ná nhau như thế. Mang câu chuyện hỏi anh Nguyễn Hoàng Phong, cán bộ Đài không lưu của sân bay, anh cười hiền nói: “Những chuyện đó đồn đại lâu rồi. Người tin kẻ không, chẳng biết sao mà lần”.

Chúng tôi đem việc không đốn hạ cây để chất vấn về các giả thiết huyền bí thì anh Phong khẳng định cây này không nằm cách đường băng vài chục mét. Về nguyên tắc cây không ảnh hưởng gì đến việc cất-hạ cánh, nên việc đốn bỏ cây này không quá quan trọng.
Anh Phong xác nhận trước đây việc đốn hạ cái cây này có khó khăn nên đơn vị san lấp để luôn như vậy. Còn có nghiêm trọng như trong câu chuyện hay không thì chỉ người trong cuộc mới biết được. “Thực chất trước đây dưới gốc cây có bàn thờ cúng. Nên những câu chuyện huyền bí vì thế mà phát sinh nhiều”- anh Phong phân tích.
Vị trí sân bay hiện tại trước đây thuộc xã Dương Tơ. Ở khu vực có “cây thần” ngày trước đông dân cư sinh sống. Họ có lập bàn thờ ở gốc cây đó để thờ thần hoàng, thổ địa. Người dân thắp nhang thờ cúng nhiều và rất tôn sùng cây này.
Đến tận bây giờ, người dân và nhân viên sân bay thỉnh thoảng vẫn thắp nhang cúng bái dưới gốc cây Choi Loi. Dù không biết những câu chuyện thần bí có thật hay không, nhưng cây “Choi Loi” vẫn là một chi tiết thú vị lôi cuốn du khách lẫn cư dân đảo ngọc Phú Quốc.


Không có nhận xét nào: