Nói đến “cây trụ đồng” bóng đá TAM LANG, thì từ Bắc vô Nam, từ chế độ VNCH cho đến CHXHCN ai ai cũng đều biết anh và cũng ham mộ tài đức anh, ít ai biết anh sinh ra ở đâu? Và tại sao có cái tên giống hoàng tộc? Có hai họ và là con thứ mấy trong gia đình?
Một dịp tình cờ, tôi gặp được anh ruột của Tam Lang tại Virginia , Hoa Kỳ là anh Phạm Huỳnh Long Nhi. Trong câu chuyện vui về bóng tròn tôi được biết thêm một vài chi tiết khá thú vị ngoài lề về anh Tam Lang, mời các bạn theo dõi;
NƠI SINH QUÁN CỦA TAM LANG? Ông thân sinh của Tam Lang sau khi tốt nghiệp tiểu học (Thời kỳ thuộc địa, tiếng Pháp được dạy như sinh ngữ chính) tại tỉnh Gò Công, Đã lên Sài gòn xin được vào ngành cảnh sát đô thành của Nhà nước Pháp. Sau đó Ông dâng lịnh cha mẹ cưới vợ tại Gò Công và được Nhà nước Pháp cấp cho một căn nhà tại Chợ lớn trên đường Trần Hưng Đạo ngày nay. Tam Lang được sinh ra tại đây. Tam Lang tên thật là Phạm Huỳnh Tam Lang, sinh ngày 14 tháng 2 năm 1942 nhằm ngày 29 tháng 12 năm Tân Tỵ, tháng Tân Sửu ngày Mậu Tuất lúc 6 giờ 30 sáng tại Chợ Lớn (chứ không phải Gò Công như nhiều báo chí đã đăng), con của Ông Phạm văn Đạo và Bà Nguyễn Thị Cao (cả hai ông bà đều sinh quán tại Gò Công). Khi Ông thân của Tam Lang được thăng lên cảnh sát chánh ngạch hạng nhì và chuyển nhà về Cư xá Đô Thành ở Sài gòn (nay là đường Điện Biên Phủ) thì không bao lâu cuộc chiến chống Pháp bùng nổ. Năm 1945 ,-lúc đó Tam Lang mới 3 tuổi, ông thân của Tam Lang cũng như bao nhiêu người yêu nước khác, cùng đứng lên tham gia kháng chiến chống đế quốc Pháp. Ông rời hàng ngũ cảnh sát Pháp, bỏ lại nhà cửa, tài sản, đưa vợ con trở về Gò Công. Ông đã được Phong trào Việt Minh giao cho nhiệm vụ Trưởng ban quốc gia tự vệ cuộc tỉnh Gò Công. Sau đó quân Pháp với lực lượng hùng hậu trở lại tấn công quân kháng chiến, quân Việt Minh phải rút vào sâu trong các vùng hẻo lánh ở nông thôn và hải đảo. Tam Lang theo mẹ tản cư về Xóm Bờ Lễ, Bình Đại, Cù lao Thừ Đức. Năm 1946 khi hay tin Ông thân của Tam Lang bị Pháp bắt và đã hy sinh tại khám đường Mỹ Tho ngày 27/02/1946 tức ngày 26 tháng giêng năm Bính Tuất, mẹ của Tam Lang đưa con về tạm trú tại nhà người em của bà tại Vĩnh Lợi (nay là Hoà Đồng). Lần hồi, đâu đó yên ổn mẹ anh mới hồi cư về nhà bà chị thứ tư còn được gọi là Bà Tư Tôm (nổi tiếng sản xuất bánh phồng tôm, mì tôm bằng phương pháp thủ công và vựa tôm khô để xuất lên Sài gòn mà có lẽ nhà văn Sơn Nam viết về Gò Công chưa từng biết đến) tại châu thành tỉnh lỵ Gò Công để kiếm kế sinh sống nuôi con. Như vậy tuổi ấu thơ, Tam Lang đã sống tại Gò Công và theo học hết bật tiểu học, rồi sau đó thi đậu vào trường trung học Pétrus Ký tại Sài gòn. Như vậy, anh đã sinh ra tại Chợ Lớn và ăn học tại Gò Công. Và cũng do biến cố lịch sử “tháng tám”, anh thường than phiền với báo chí là không biết mặt cha và cũng như mỗi khi cùng gia đình nhắc đến cha thì rất đau buồn vì không biết thân xác cha mình đã bị quân Pháp vùi dập nơi đâu?
CÁI TÊN HOÀNG TỘC? Gò Công có hai gia đình hoàng tộc: Ông Lễ Bộ Thượng Thư Phạm Đăng Hưng có đứa con gái đầu lòng là Phạm Thi Hằng ,-sanh ở Sơn Qui, Gò Công, được tuyễn vào cung để làm vợ Vua Thiệu Trị (Đời Vua thứ 3 của Nhà Nguyễn, tại ngôi từ 1841 đến 1847) tước vị Hoàng Hậu Từ Vũ, có con là Vua Tự Đức. Gia đình hoàng tộc thứ hai; Ông Nguyễn Hữu Hào quê quán Gò Công là một đại điền chủ có ruộng ở nhiều tỉnh miền Nam, có cô con gái thứ tên Mariette Jeannette Nguyễn Thị Hữu Lan, sanh tại Cầu Kho, Sài gòn du học tại Trường Couvent des Oiseaux ở Pháp đã gặp Hoàng đế Bảo Đại (vị vua thứ 13 cũng là vua cuối cùng của Triều Đại Nhà Nguyễn, trị vì 1926-1945). Sau đó hai người đã kết hôn và bà Nguyễn Thị Hữu Lan được tấn phong Hoàng Hậu lấy tước hiệu Nam Phương, hạ sanh con trai đầu lòng năm 1936 là Hoàng tử Bảo Long. Năm 1942, Vua Bảo Đại là vị vua đầu tiên về thăm Gò Công.
Vậy, Tam Lang có liên hệ gì đến các gia đình trên không? Mà có cái tên nghe như thuộc dòng dõi vua chúa quá vậy?
“Cha tôi mất lúc chúng tôi còn quá nhỏ nên không biết tánh tình người như thế nào, chỉ nghe mẹ tôi nói lại; Ông là con người thẳng thắng, thương người, thích bơi lội. Có một lần ông đang gác đường thì có một người Pháp đến gọi ông đến bắt một người Việt nghèo mua thuốc tây không có tiền trả. Ông đến hỏi người mua thuốc và sau đó móc tiến trả cho người Pháp, nhưng người Pháp nầy cự nự chỉ muốn bắt nhốt người mua thuốc. Ông bỏ đi không trả lời. Về cha tôi, tôi chỉ biết có chừng ấy mà thôi. Nhưng qua tiếp xúc sau nầy với các bác, các chú tôi thì tôi thấy đa số các bác và cô tôi đều nghiêm nghị nhưng cũng thích "tiếu lâm” lời anh Long Nhi kể. Chính vì thế không rõ là do óc hài hước hay ước vọng “khanh tướng” của ông Bảy Đạo nên mới có sự sáng tác của ông như sau; nguyên ông thân sinh của Tam Lang tên Đạo và là đứa con thứ bảy trong gia đình nên thường được mọi người gọi là Bảy Đạo, rồi thì tên nầy đã trở thành tên thông dụng mà bạn bè thường gọi ông. Đến lúc sanh con, ông nghĩ hoài không ra tên đẹp để đặt cho con, chợt nhớ lại người ta thường gọi mình là Bảy Đạo, nói lái thành Bảo Đại ,-chắc là do hào quang chói lọi của hoàng tộc Gò Công như kể trên đã ảnh hưởng đến tâm tư của ông, nên ông đặt tên con đầu lòng là Long Nhi tức rồng con (rồng là con vật tượng trưng cho vua) nhưng đây có nghĩa là rồng con tức thái tử chứ không dám là rồng lớn (Vua). Đứa con thứ hai là gái, ông đặt tên là Huỳnh Hoa (Theo truyền thuyết; Huỳnh Hoa là con gái Ngọc Hoàng Thượng Đế ở Đệ Nhị Thiên Cung, do lúc dâng rượu đánh rơi chén ngọc, nên bị đày xuống trần gian), đến đứa thứ ba là trai thì ông bí, nên thôi thì.. đứa đầu và thứ hai kể như nhứt lang, nhị lang (theo thứ tự các con nhà vua đều gọi là lang) thì đặt tên đứa thứ ba là Tam Lang là do nguyên ủy như thế chứ không dính líu gì về dòng dõi vua chúa, quan quyền.. Và cũng chẳng có liên hệ với họ Phạm Đăng của dòng tộc Phạm Đăng Hưng. Tuy nhiên điều ông Bảy Đạo âm thầm mơ ước cho con thành công trên đường đời đã trở thành hiện thực; Tam Lang đã vang danh trên các sân cỏ Việt Nam, Đông Nam Á và được quần chúng Việt Nam yêu mến như một “hoàng tử” của nền bóng đá nước nhà.
HAI HỌ PHẠM HUỲNH? Huỳnh ở đây là họ thật. Ở miền Nam gọi là Huỳnh, ở miền Bắc gọi là Hoàng chứ không phải là màu vàng theo chữ Hán Việt. Thông thường khi đặt tên con, người ta ghép hai họ cha và mẹ lại với nhau, nhưng ở đây mẹ của Tam Lang mang họ Nguyễn, vậy thì họ Huỳnh là họ của ai? Nguyên ông cố nội và bà cố nội của Tam Lang chết sớm, ông nội của Tam Lang họ Huỳnh được ông dượng họ Phạm nuôi, nên đổi họ thành Phạm. Từ đó chỉ riêng có ông Pham Văn Đạo còn nhớ gốc tích, nên đặt tên con kèm theo chữ Huỳnh. Vì vậy họ Phạm Huỳnh là để ghi nhớ máu mủ và công dưởng dục.
THỨ MẤY TRONG GIA ĐÌNH? Thường các bạn bè và cầu thủ hay gọi Tam Lang là “anh ba Lang” vì họ nghĩ chữ Hán Việt cho “tam” là “ba” nên gọi như vậy, chứ họ không biết rằng theo phong tục miền Nam, đứa con thứ nhứt được gọi là “hai” nên Tam Lang phải là “tư”. Cũng có điều lạ là chị của Tam Lang thứ ba, sanh năm 1940 qua đời năm 1946 vì thiếu thuốc điều trị trong thời kỳ Việt Minh. Vậy gọi Tam Lang là “anh tư Tam Lang” sao? Đúng chứ sao, nhưng nghe cũng hơi lạ tai và cũng không bao giờ sữa lại được vì thói quen của bạn bè..
Bài nầy giúp vui cho các bạn ái mộ Tam Lang “cũng được một phần nhỏ của trống canh” nhưng ý muốn nói lên được sự kế tục của vùng đất “địa linh thiên kiệt” từ sự hãnh diên những liên hệ mật thiết với chế độ quân chủ cho tới chế độ nhân dân làm chủ, người Gò Công lúc nào cũng có những nhân tài lỗi lạc tiếp nối nhau từ ngàn xưa cho tới ngàn sau/
PNHUT
Xin đọc tiếp các bài báo nói về Tam Lang sau năm 1975:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét