9/8/11

ANGKOR WAT-ANGKOR THOM. Kiến trúc điêu khắc tuyệt tác (Bài 083)


“Các bạn hướng dẫn nói: “Cảnh quang của buổi chiều với ánh dương “rực lửa” chói chan trên các áng mây ngủ sắc từ từ chìm dưới chân trời tây là đẹp tuyệt vời không đâu có.” Riêng tôi nhìn cảnh điêu tàn trong một buổi chiều xuống bất giác lòng thấy buồn man mác, tự hỏi: ‘người xưa đâu?.’”…


Mùa hè năm nay, 7 chị em trong phòng chúng tôi có cái may mắn được đề cử đi tham quan Bịnh viện CHỢ RẪY-PHNOM PENH của quốc gia CAMPUCHIA. Bịnh viện nước bạn được đặc quyền mang tên Chợ Rẫy qua chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Campuchia đã ký kết vào tháng 12/2009, trong đó bịnh viện Chợ Rẫy Saigon trợ giúp về mặt huấn luyện đào tạo y bác sĩ và chuyển giao công nghệ khám chữa bịnh chăm sóc sức khỏe cho nhân dân Khmer. Chuyến đi này bịnh viện bạn có nhã ý mời chúng tôi đi viếng Đế Thiên Đế Thích trước rồi sau đó sẽ trở về Nam Vang.

Chúng tôi lấy vé Air Mekong, hãng hàng không tư nhân mới thành lập năm 2010 đặt “bản doanh” tại Phú Quốc, đáp chuyến bay phản lực CRJ-900s từ phi trường Tân Sơn Nhất đến phi trường quốc tế Siem Reap-Angkor chưa đầy 1 tiếng đồng hồ, nếu đi đường bộ đoạn gần nhất phải mất 7 giờ 45 phút trải qua 519 kms, đoạn xa hơn là 712 kms. Sân bay quốc tế Siem Reap-Angkor là sân bay có tiêu chuẩn quốc tế, đứng hàng thứ hai sau sân bay quốc tế Pochentong ở Phnom Penh, được nhóm thiết kế Archetype vẻ kiểu nhà hành khách theo kiến trúc Khmer, có đường băng dài 2.550m, khánh thành ngày 28/08/2006. Chúng tôi được bạn cử người ra đón tại địa điểm lãnh hành lý của “chuyến bay đến” và hướng dẫn chúng tôi về khách sạn 4 sao Paradise Angkor Villa nằm trên quốc lộ số 6 để nghỉ ngơi. Khách sạn hiện đại, tiện nghi, phục vụ niềm nở chu đáo không thua gì các khách sạn ở Thủ đô, nằm giữa phi trường và Angkor Wat-Angkor Thom. Người phục vụ ở khách sạn nói được tiếng Việt và tiếng Anh.


ĐỒI PHNOM BAKHENG hay VƯƠNG QUỐC KHMER “YASODHARAPURA”.
14 giờ các bạn Campuchia đến đón chúng tôi đi làm thẻ nhận dạng để sử dụng trong suốt thời gian tham quan các di tích. Thuận đường các bạn đưa chúng tôi đến viếng đồi Phnom Bakheng, nằm giữa Angkor Wat về phía nam và Angkor Thom về phương bắc. Phnom Bakheng là trung tâm của vương quốc Khmer đầu tiên có tên Yasodharapura được xây dựng vào cuối thế kỷ thứ 9 trong thời vua Yasovarman (889-910) trị vì, có trước Angkor Wat trên 2 thế kỷ. Phnom Bakheng còn được xem như đền thờ đạo Hindu (Ấn giáo) dưới dạng “núi đền” vì người Khmer tin ngọn núi này là ngọn núi thiêng. Đồi cao 65 m, đường lên đồi không dốc lắm có bậc thang nhưng đi bộ cũng khá xa chúng tôi phải dừng lại ở lưng chừng đồi để nghỉ chân 15 phút. Ai không thích đi bộ mà muốn có cảm giác lạ thì thuê voi đưa lên. Dọc đường có những ban nhạc sử dụng nhạc khí cỗ truyền hòa tấu lên những bài nhạc quốc hồn quốc túy giúp du khách quên đi mệt mõi để thả hồn phiêu du vào thời vĩ vãng vàng son của đế chế Khmer!  

Du khách Âu Á đến tham quan khá đông lẫn lộn trong 7 chị em chúng tôi. Trên đỉnh đồi chỉ còn sót lại ngôi đền thờ thần Shiva đổ nát, chung quanh là những dấu tích của những thành quách hoang phế.  Đến đây mọi người dừng lại để chờ ngấm buổi hoàng hôn. Các bạn hướng dẫn nói: “Cảnh quang của buổi chiều với ánh dương “rực lửa” chói chan trên các áng mây ngủ sắc từ từ chìm dưới chân trời tây là đẹp tuyệt vời không đâu có.” Riêng tôi nhìn cảnh điêu tàn trong một buổi chiều xuống bất giác lòng thấy buồn man mác, tự hỏi: “người xưa đâu? Mà tháp thiêng cao đứng như buồn rầu.”  và miên mang nhớ đến hai câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan, tôi khe khẻ ngâm:

Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương

Thiệt là không có duyên, trời bắt đầu mưa lăm răm, chúng tôi đành phải quay xuống đồi trước 18 giờ, bỏ dỡ buổi hoàng hôn chờ đợi thưởng ngoạn.


THÀNH PHỐ SIEM REAP.
Các bạn biết chúng tôi đã mệt nên đưa chúng tôi đi 1 vòng thành phố Siem Reap để ngắm cảnh. Siem Reap tiếng Campuchia có nghĩa là “Xiêm bại trận”. Thành phố Siem Reap ngày nay, chia làm hai phố: phố có kiến trúc pha trộn kiểu thuộc địa và Trung Hoa được nhìn thấy ở khu phố cổ của Pháp và vòng quanh Chợ cũ. Nhóm mới tọa lạc dọc trên quốc lộ 6 gồm các nhà hàng khách sạn xây cất cao từng hiện đại kiểu phương tây nằm ở trung tâm điểm giữa phi trường và đền Angkor. Ở phố cổ có nhiều khách sạn nhỏ giá rẽ hơn khách sạn ở  phố mới, nhà hàng quán bar đủ loại đủ giá đầy rẩy khắp phố phường của thành phố Siem Reap vì tỉnh này sống nhờ vào du khách từ Năm Châu và quốc nội đến.  


Trước khi Ông Henri Mouhot phát hiện lại Angkor vào năm 1860 thì Siem Reap chỉ là một làng nhỏ. Năm 1907 thành phố này mới bắt đầu phát triển nhờ vào các đền đài Angkor thu hút khách du lịch. 


Từ 1975 dưới sự cai trị của Khmer đỏ, dân chúng di tản khỏi thành phố cho đến ngày Pol Pot chết năm 1998, Angkor bị lãng quên một lần nữa, không những vậy còn bị binh lính Pol Pot tàn phá các di tích, chính thức mở cửa lại vào năm 1990. Siem Reap là tỉnh lỵ có dân số 171.800 người, ngoại trừ du lịch đem lại nguồn thu khổng lồ cho tỉnh, dân chúng sống dựa vào nghề nông, nghề nuôi tằm dệt lụa, nghề chạm trổ tượng đá, nghề chài lưới và khu bảo tồn chim muông thú rừng trên hồ Tonlé Sap. 


Sáng nay từ phi trường về khách sạn, tôi thấy hai bên đường đồng ruộng mênh mông “cò bay thẳng cánh”, vào đến thành phố Siem Reap mà tôi cứ ngở đi về một quận huyện nhỏ nào bên Việt Nam; dân cư thưa thớt, nhịp độ sinh hoạt chậm chạp, yên bình không tấp nập vội vã như ở thành phố Saigon.


VŨ ĐIỆU APSARA.
Sau một vòng giới thiệu khái quát thành phố Siem Reap, các bạn Campuchia đưa chúng tôi đến dùng cơm tối tại nhà hàng Sophea Angkor Pich khá sang trọng trang trí và thiết kế phối hợp Khmer-ÂuChâu, phục vụ các món ăn Âu Á theo hình thức buffet.  Chúng tôi có cho phía bạn biết cảm tưởng là: “Món ăn ở đây ngon lắm!” Các bạn tươi cười, cho biết thêm: “Các nhà hàng ở thành phố này còn cung cấp nhiều món ăn theo khẩu vị như Ý, Ấn Độ, Pháp, Đức, Liên Xô, Thái, Nam Hàn, Nhựt và Miến Điện” “Thiệt là các món ẩm thực khá phong phú và hấp dẫn du khách quá đi, chớ hả?”

Giữa buổi cơm, chúng tôi được dự kháng buổi biểu diễn điệu múa cỗ điển Apsara. Vũ Apsara không đơn thuần chỉ là điệu vũ sử dụng cổ tay, bàn tay, ngón tay, chân, bàn chân một cách mềm mại, uyển chuyển mà còn là một “Vũ kịch” truyền đạt một câu truyện, trình diễn trước tòa án, trong một nghi lễ và sân khấu, đặc biệt trong “Vũ Lakhon Khol” vũ công nam còn mang mặt nạ. Theo các nhà nghiên cứu tây phương thì điệu vũ truyền thống này phát xuất từ thời Angkor hoặc trước đó nữa, để phục vụ cho cung đình (trong thời vua Jayavarman VII có 3.000 vũ nữ). Một số nhà bình luận khác lại chứng minh là vũ điệu này được du nhập từ Siam và biến thể theo cách Khmer. Dàn nhạc chơi cho vũ điệu này cơ bản phải có; mộc cầm (đàn gỏ trên phím cây), trống, kèn ôboa, chiêng cồng và các nhạc cụ khác.

Một bác sĩ của bịnh viện bạn góp vui, hỏi chúng tôi: “Các bạn có để ý bàn tay và các ngón tay của vũ nữ không? Các bạn nghĩ gì về các ngón tay của họ?”. Chúng tôi trả lời: “Dẽo quá là dẽo” “Không phải tôi hỏi về nghệ thuật mà hỏi về kinh tế đó!” Thấy chúng tôi ngớ ngẩn, ông chẩm rải trả lời luôn: “Này nhé, khi vũ nữ xòe bàn tay 5 ngón ra mà thu về chỉ có 3 ngón thiếu mất 2 có phải không? vì vậy dân gian chúng tôi luôn ví là dân Campuchia chơi sang; xài 5 ria mà thu vào chỉ có 3 ria, thâm thủng ngân sách gia đình là 2 ria rồi phải không?” Mọi người đều cười ồ.

Vũ điệu Apsara từ cung đình đã được mang ra trình diễn rộng rãi trước công chúng nên, thật là đáng tiếc nếu du khách nào đến Campuchia mà bỏ sót không tham dự buổi trình diễn vũ điệu độc đáo này. Vũ điệu Apsara được bình dân hóa thành vũ điệu Lam Thol, đã ăn sâu vào huyết thống của người Khmer nên nhân dân Campuchia rất yêu thích điệu vũ này. Từ thành thị đến nông thôn, trong các lễ hội, tiệc tùng, vui chơi chỉ cần cái trống “bập bùng” theo điệu Rumba chậm của tây phương là có người ra chào mời nhảy Lam Thol ngay,ai cũng ngứa tay ngứa chân không dằn được. Xong buổi cơm chiều, chúng tôi về đến khách sạn là 10 giờ 30.





Các quần thể kiến trúc điêu khắc của người Khmer là một “Di sản của Thế giới” được cơ quan UNESCO công nhận và bảo vệ, vậy thì Angkor Wat-Angkor Thom có được liệt kê vào danh sách kỳ quan của Thế giới không? Cách đánh giá các di sản trên thế giới còn tùy thuộc vào ý kiến quần chúng theo từng thời gian và theo từng nhóm quốc gia hay các tổ chức nên cũng chưa có sự nhứt trí toàn diện, để các bạn có sự nhận xét cho riêng mình về một di sản như thế nào được liệt vào danh sách kỳ quan của thế giới, chúng tôi xin giới thiệu 2 thời kỳ lượng định như sau;


Bảy kỳ quan cổ đại là những công trình kiến trúc điêu khắc thuộc thời kỳ cổ đại do ý kiến của nhà văn Hy Lạp ở thế kỷ thứ 2 TCN đề xướng, chỉ gồm các công trình kiến trúc điêu khắc quanh vùng Địa Trung Hải, vì thời kỳ này người Âu Châu tin rằng nơi này là trung tâm điểm của nền văn minh nhân loại.

Bảy kỳ quan thế giới mới được tổ chức phi lợi nhuận New Open World Corporation (NOWC) đặt trụ sở tại Thụy Sĩ tiến hành lấy ý kiến bình chọn qua thơ từ, điện thoại, internet để lấy ra 21 công trình trong di sản thế giới, rồi chính thức chọn ra 7 kỳ quan thế giới mới, trong đó quần thể Angkor được xếp hàng thứ 3 trong danh sách 23 kỳ quan lọt vào vòng bán kết. Tổ chức này không được cơ quan UNESCO nhìn nhận cũng như có ý kiến phản đối của nhiều quốc gia khác về cách bình chọn của NOWC, nhưng theo tôi thì đây cũng là cách đánh giá tương đối cao về một công trình kiến trúc nghệ thuật “lổi lạc” của xứ Chùa Tháp.

ĐỀN BAPHUON – ANGKOR THOM.
Ngày hôm sau chúng tôi ăn sáng ở khách sạn xong là các bạn đưa chúng tôi đi thăm khu Angkor Thom, điểm đến đầu tiên là Đền Baphuon.

Baphuon là ngôi đền thờ tọa lạc trong quần thể Angkor Thom, nằm về hướng tây bắc của Đền Bayon được xây dựng vào giữa thế kỷ thứ 11 đời vua Udayadityavarman II trị vì (1049-1065). Đền Baphuon có ba từng dựng theo hình núi để thờ thần Shiva của đạo Hindu, được liệt vào các đền thờ cấp quốc gia hùng vĩ chỉ sau đền Angkor Wat. Đến thế kỷ thứ 15, Baphuon được chuyển đổi thành đền thờ Phật. Bức tượng nổi tiếng Phật nằm có chiều cao 9 mét và chiếu dài 70 mét được tạc trên tường, ở tầng thứ hai bên mặt tây của đền. (Theo tài liệu tiếng Việt thì cho rằng bức tượng này chỉ dài có 40 mét). Ở điểm này chúng tôi xin lưu ý là các đời vua Campuchia mỗi ông theo một tín ngưỡng khác nhau; như đạo Hindu, đạo Phật đại thừa, đạo Phật nguyên thủy (Theravada=Tiểu thừa) vì vậy trong các đền thờ lẫn lộn các tượng thần với các tượng Phật. Xin các bạn đọc thêm bài liên kết trên vì nơi này chưa phục chế được toàn vẹn. Tranh thủ thời gian, các anh hướng dẫn đưa chúng tôi sang đền thờ kế đó.

ĐỀN BAYON – ANGKOR THOM
Xe đưa chúng tôi đến Đền Bayon nằm ở trung tâm quần thể Angkor Thom. Bayon là một ngôi đền nổi tiếng về kiến trúc điêu khắc và đa dạng về trang trí theo cách riêng của đền chùa Khmer tại Angkor ở Campuchia.

Bayon được xây dựng vào cuối thế kỷ thứ 12 và đầu thế kỷ thứ 13 như là đền thờ cấp quốc gia thời vua Jayavarman VII. Đền được xây dựng 3 từng với nhiều hình tháp tạc tượng đầu người có cái 4 mặt, cái 3 mặt, cái 2 mặt quay về các hướng khác nhau, vị trí các ngọn tháp đầu người cũng cao thấp khác nhau. Ngôi đền có 54 tháp với 216 khuôn mặt đá thanh thản ẩn dụ sự thông suốt và tha thứ cho mọi người. Riêng tôi có cảm giác như những gương mặt này lúc nào cũng theo dõi tôi từ tứ phía qua từng cử chỉ hành động của tôi, nghĩ như vậy tôi có cảm giác bất an, đúng như người hướng dẫn nói: “54 tháp đầu người tượng trưng cho 54 tỉnh trước đây của Campuchia và các mặt thần linh quay về bốn hướng để quan sát và che chở cho dân tộc Khmer.

Gương mặt của tượng đá đến bây giờ vẫn còn là đề tài tranh cải, có học giả cho là hiện thân của thần, có người nói là của Quán Thế Âm Bồ Tát, ngưới khác lại tin là mặt của vua Jayavarman VII. Nói thế nào cũng đúng vì vua Khmer tự cho mình là hóa thân của Thần hay của Phật mà mỗi đời vua theo một tôn giáo khác nhau như đã nói trên.

Ở từng dưới có hai bộ phù điêu rất ấn tượng khắc trên tường đá  dài trên 1 cây số, trình bày một sự kết hợp giữa  thần thoại, lịch sử và những cảnh trần tục.

Kiến trúc Bayon xây dựng bằng đá ong từng tản chồng lên nhau không có vật liệu kết dính như xi măng, nhưng các bức tranh điêu khắc trên tường lại giống như loại đá xanh, vì đi quá nhanh nên tôi cũng không thể nào kịp suy nghĩ để hỏi cho biết cặn kẻ.

Rời khỏi đền Bayon để đến Angkor Thom, trên đường đi các bạn Campuchia đưa chúng tôi ghé vào làng Atison để xem các người thợ thủ công tạc tượng Phật, tượng thần bằng đá, bằng gổ rất là công phu và tỉ mỉ từng động tác. Một đoạn đường nữa, chúng tôi vào thăm khu trồng dâu nuôi tằm được chứng kiến tận mắt cách nhuộm màu và dệt lụa với những hoa văn màu sắc rực rỡ theo thị hiếu văn hóa Khmer. Một điều thú vị mà tôi được biết là lá sầu đâu không phải chỉ để trị bịnh và làm gỏi để ăn, mà còn là một loại thuốc nhuộm cho ra màu xanh lơ tuyệt đẹp.

Nói chung ở hai nơi này đời sống của các người thợ làm theo lối thủ công cổ điển còn khá vất vã. Họ làm việc trong các xưởng nhỏ lợp tôn nóng bức, có thể thu nhập của họ còn khá ít ỏi, nhìn sắc diện và trang phục có một sự tương phản hết sức lớn so với những nhân viên ở các khách sạn nhà hàng sang trọng trên quốc lộ 6.


ANGKOR THOM (người Việt gọi là Đế Thích)
Angkor Thom tiếng Campuchia có nghĩa là Thành phố lớn hay Kinh Đô. Angkor Thom được vua Jayavarman VII xây dựng vào cuối thế kỷ XII, thành rộng 9 km2 bên trong có nhiều đền thờ có trước, trong và sau đời vua Jayavarman VII như đền Baphuon và Bayon đã kể trên. Khi vua Jayavarman VII lên ngôi, Angkor Wat đã bị quân Chiêm Thành chiếm đóng vào khoảng năm 1150,  Ông là người có công đánh đuổi quân Chiêm Thành ra khỏi bờ cỏi Campuchia, giải phóng đất nước đem lại thanh bình và xây dựng một đất nước Campuchia hùng mạnh.

Angkor Thom được dựng lên theo kiểu mẫu kiến trúc đá ong của đền Bayon. Kinh đô nằm về phía tây của dòng sông Siem Reap khoảng ¼ dặm, là nhánh sông phát xuất từ Biển Hồ. Cổng phía nam của Angkor Thom nằm cách thành phố Siem Reap 7.2 km về phía bắc, và cách cổng đền Angkor Wat 1.7 km cũng về phía Bắc. Những bức tường thành bao quanh kinh đô có chiều cao 8 mét, chiều dài mỗi mặt tường là 3 km tổng cộng 12 km chu vi, bao bọc bởi những hào sâu, bốn hướng có 4 cổng thành lớn với những tháp hình đầu người và đền Bayon nằm ở trung tâm.  Cổng phía nam là nơi được du khách đến viếng thường xuyên vì tiện đường vào.

Bên trong thành có một hệ thống kinh đào dẫn nước từ đông bắc về tây nam, khu đất bao bọc bởi tường thành có lẽ là những tòa nhà thế tục không còn tồn tại, thay vào đó là rừng cây.

Các di tích trong Angkor Thom nằm về phía tây hoặc phía đông của Quảng trường Chiến Thắng. Phía tây có Baphuon, Sân Voi (Terrace of the Elephants), Phimeanakas và Cung điện Hoàng Gia, Sân Vua Cùi (Terrace of The Leeper King), Tep Pranam và Preah Palilay, về phía đông có Prasats Suor Prat, đền Nam Khleang, đền Bắc Khleng và Preah Pithu.

Theo giả thuyết thì quan niệm của Vương triều Khmer; thần thánh mới xứng đáng được thờ trong đền xây bằng đá chắc chắn còn vua chỉ ở trong cung điện làm bằng gỗ hoặc tranh vì vậy theo thời gian các vật liệu này bị hư hỏng và sụp đỗ, nay chỉ còn sót lại các bức tường đổ nát.

Đây là kinh thành ngự trị lâu dài nhất và cũng là cuối cùng của Đế chế Khmer bởi, vào năm 1431 quân Xiêm xâm chiếm và tàn phá Angkor Wat-Angkor Thom, vua Khmer chạy về Phnom Penh. Angkor Wat-Angkor Thom đã bị bỏ hoang phế lâu ngày chìm mất trong rừng rậm.

Chúng tôi rời Angkor Thom trong thời tiết oi ả của buổi trưa hè, người nào cũng lộ vẻ mệt mỏi. Các bạn trong đoàn hướng dẫn biết ý kiếm chỗ cho chúng tôi nghỉ chân và dùng cơm trưa. Trên đường trở về phía nam Siem Reap, xe đã dừng lại một quán ăn cũng khá rộng rải, trang trí thanh nhã lịch sự và có máy lạnh. Các bạn Chợ Rẩy-PhnomPenh thết đãi chúng tôi món ăn đặc sản của người Khmer đó là món mắm bò hóc, là loại mắm làm bằng cá nước ngọt ướp tẩm gia vị và lưu giữ một cách khá đặc biệt trong những vại bằng sành kín nắp chôn sâu dưới lòng đất. Các bạn giới thiệu chúng tôi với chủ quán: “Đây là quý vị từ Bịnh viện Chợ Rẩy-Saigon sang giúp Bịnh viện-Phnom Penh, đề nghị nhà hàng làm cho vài món ăn đặc biệt pha chế bằng mắm bò hóc để các bạn thưởng thức.” Ông chủ quán xoa xoa hai bàn tay vui vẻ đáp lời: “Dạ, được, chúng tôi sẽ dùng mắm bò hóc gài đúng 2 năm làm mấy món cho quý khách dùng để nhớ đời” Các bạn giải thích thêm: “Mắm bò hóc làm để ăn thường ngày chỉ ướp cao lắm là 6 tháng nên còn vị khá mặn, không thơm dịu bằng loại để lâu năm, mắc tiền hơn.” Quả như rằng, món ăn làm bằng mắm bò hóc hôm đó khá ngon và lạ miệng nên trong 7 chị em chúng tôi ai nấy cũng tấm tắc khen: “ngon quá là ngon!”

Cơm trưa xong, lúc 13 giờ xe khởi hành đưa chúng tôi đi thăm Angkor Wat cách đó chừng 1.7 cây số. Cơm no, khí trời nóng nực, gió hiu hiu thổi vào hai bên kính xe, chúng tôi bắt đầu thiu thỉu đi vào giấc ngũ thì tài xế báo: “đến rồi”.



ANGKOR WAT (người Việt gọi là Đế Thiên)
Angkor Wat là đền thờ thần Vishnu của đạo Hindu, sau đổi thành đền thờ Phật, xây dựng bởi vua Suryavarman II (cai trị 1113-1150) ở thế kỷ thứ 12 được xem là trung tâm tôn giáo lớn nhất thế giới. Angkor Wat là đền thờ cấp quốc gia và cũng đồng thời là Thủ đô của người Khmer thời bấy giờ, công trình xây dựng là đỉnh cao nghệ thuật theo phong cách cổ điển của kiến trúc Khmer. Angkor Wat trở thành biểu tượng quốc gia được đính hình trên lá quốc kỳ của nước Campuchia ngày nay. Angkor Wat kết hợp 2 phương án kiến trúc cơ bản: kiểu kiến trúc đền theo hình núi và sau đó là kiểu trưng bày phù điêu theo lối đền chùa. Ngôi đền xứng đáng được nhân loại trên địa cầu khâm phục như là một kiến trúc hùng vĩ và hài hòa.

Angkor tiếng Khmer có nghĩa là “thành phố hay thủ đô”, Wat là “đền”. Angkor Wat nằm cách thành phố Siem Reap 5,5 km. Mặt chính của ngôi đền quay về hướng tây hướng mặt trời lặng, đây là một ngoại lệ so với đa số các đền chùa khác đều quay về hướng đông. Chu vi tường bao quanh đền dài 6 kms, tường dầy 1 mét, cao 4,5 mét,  ngăn cách bởi hào nước rộng 190 mét. Phía bắc của đến thờ là cung điện của hoàng gia như đã nói ở phần Angkor Thom về quan niệm của vương triều Khmer, nay là rừng rậm.

Đền Angkor Wat được chia làm 3 từng: từng 1 tượng trưng cho địa ngục, từng 2 là trần gian và từng ba là thiên đàng. Một cách đặc biệt đáng lưu tâm là ngôi đền được dựng lên bằng những khối đá tảng hình chữ nhựt gọt đẽo nhẵn như cẩm thạch mà không sử dụng chất kết dính, mỗi tảng đá, phải có sức nhiều người mới bê lên nổi. Ở hai đầu của tảng đá có hai hay 3 lỗ nhỏ, mỗi lỗ có đường kính 2,5-3 cm rỗng bên trong. Các nhà nghiên cứu nghi rằng các lỗ này được nêm bằng một cái mộng dấu kín bên trong nhưng không có gì chứng minh được việc ngờ vực này. Với một kiến trúc vĩ đại như Angkor Wat ở vào một thời đại chưa cơ khí hóa, mà tài liệu xây dựng lại không có nên người Khmer chỉ còn biết dựa vào truyền thuyết cho rằng “Ngày xưa, đêm đến, các tiên nữ khổng lồ hiện xuống dùng 2 đầu ngón tay của hai bàn tay nhắc bỗng tảng đá đặt lên để xây đền”.

Angkor Wat và Angkor Thom là những công trình xây dựng đại qui mô kết hợp điêu khắc chạm trổ phù điêu, tượng hình nghệ thuật đòi hỏi nhiều công sức của con người và năng khiếu thẩm mỹ cao. Các nhà nghiên cứu nghĩ rằng đá sa thạch xây dựng đền lấy từ núi Kulen cách đó 40 cây số về phía đông bắc, có thể đã được vận chuyển bằng voi, bè, giây thừng xơ dừa, ròng rọc và giàn giáo tre rồi dùng đường sông Siêm Reap đưa về. Theo các chuyên gia Âu châu tính toán một cách chi tiết thì các công đoạn từ chặt, bào, mài và các nghệ nhân có tay nghề cao chạm trổ để hoàn thành công trình xây dựng và điêu khắc ít ra phải mất 300 năm mới xong. Tuy nhiên, từ lúc vua Suryavarman II lên ngôi bắt đầu xây cất và hoàn thành công trình trong thời gian ngắn sau khi ông chết, không quá 40 năm.

Dĩ nhiên, do việc tiêu tốn ngân quỷ quốc gia quá mức cho công trình xây dựng các đền đài Angkor Wat – Angkor Thom, nhân dân Khmer bị buộc phải trả sưu cao thuế nặng vì vậy nên họ đã nổi loạn nhưng sử liệu Campuchia không nói rõ lắm về việc này.

Như đã trình bày trên, vào thế kỷ thứ 15 quân Siam (Thailand ngày nay) xăm chiếm Battambang và Siem Reap, các vua Khmer di đô về Phnom Penh. Thời kỳ người Pháp đô hộ Campuchia đã buộc Thailand trả lại vùng đất này cho dân tộc Khmer, sau đó ông Henri Mouhot mới tìm lại các đền đài này vào năm 1860.

Trong một thời gian quá ngắn mà chúng tôi phải xem, nghe giải thích cùng lúc nhiều kiến trúc đền đài đồ sộ qua nhiều triều đại Khmer lẫn lộn tôn giáo, thần thoại, lịch sử và cảnh trần tục thật sự làm tôi choáng ngộp và bối rối, đầu óc như muốn bị bảo hòa. Mong có lần khác trở lại, sẽ dành nhiều thì giờ  để chiêm ngưỡng “kỳ quan” này một cách sâu sắc và chụp nhiều ảnh đẹp hơn.

Ngày hôm sau chúng tôi về Thủ đô Nam Vang để thăm bịnh viện Chợ Rẩy-Phnom Penh cách Siem Reap 240 kms về phía đông, được dịp viếng Chùa Vàng và Chùa Bạc và ngày sau đó nữa trở về lại Việt Nam.

Chúng tôi không quên gởi lời chân thành cám ơn các bạn Campuchia của Bịnh viện Chợ Rẩy-Phnom Penh đã tiếp đãi chúng tôi hết sức nồng hậu.
BTU 


Ghi chú: Trong bài này chúng tôi có mượn vài hình ảnh trong Wikipedia và Google images để minh họa cho bài viết. Xin cám ơn các tác giả của ảnh.

MỜI XEM THÊM HÌNH (Click vào đây để xem, vì Picasa Web Albums không còn hoạt động)

             

2 nhận xét:

Hưng nói...

Anh , chị đến Đế Thiên-Đế Thích có ăn .....dế chưa ? Có cả một kỹ thuật bắt dế ( vì một ngày vùng đó tiêu thụ khoảng 2 tấn ) nếu bắt như ở VN ( đổ nước vào hang ) thì ...bạc đầu cũng chưa được 1/2 tấn.
Tôi mua một lon sữa bò (2 USD) và nhậu cũng hết 1/2 lít rượu.

Nặc danh nói...

Anh Hưng ơi! Có phải cách bắt dế cơm ở Campuchia như bài sau đây không? Nếu thấy không đúng xin anh vui lòng chỉ bảo cho cách bắt dế cơm nào hay hơn để nâng cao thêm kiến thức.Thành thật cám ơn trước. PN

http://baolamdong.vn/dulich/201109/Sang-Campuchia-an-con-trung-chien-2123988/