23/2/11

TAM LANG và VỢ ĐẾN THĂM HOA KỲ (Bài 065).


          Một số bạn bè và thân nhân ở các tiểu bang khác của Hoa Kỳ, mỗi khi gặp tôi thì thường sau câu chuyên thăm hỏi nhau, hay nhắc tới em tôi là Tam Lang và đặt câu hỏi “Sao không thấy Tam Lang sang đây chơi?”. Tôi trả lời “Tam Lang đã sang đây không phải một mình, mà cùng đi với vợ và ở chơi Hoa Kỳ gần cả tháng để đi thăm bạn bè, gia đình từ miền đông sang miền tây”. Lẽ dĩ nhiên trong lúc đối thoại bất chợt, tôi không nói hết được chi tiết chuyến đi của em tôi.
Và đồng thời một số bạn xem blog này cũng thắc mắc là không thấy hình ảnh của Tam Lang xuất hiện trên blog, phần này thì tôi ghi nhận là tôi có phần thiếu sót, ngay như trong bài 004 nói về “Tam Lang và những uẩn khúc chưa tiết lộ?” lại đăng hình Ba tôi mà không có hình Tam Lang. Cám ơn bạn bè và bà con đã luôn nhớ tới em tôi, nên nhân đây tôi xin nói ít lời về Tam Lang và một số ảnh chụp trong chuyến hai vợ chồng đến thăm gia đình tôi tại Virginia và bà con nội ngoại tại Hoa Kỳ cũng như một ít tin tức về em tôi.

Tháng 6 năm 2002, Tam Lang và vợ là Tô Thị Minh Hồng được anh Thanh H Nguyễn, CEO/President của Cty V-Tech Services, Inc ở Philadelphia mời sang du lịch Hoa Kỳ. Tất cả chi phi di chuyển, ăn ở, giải trí, anh Thanh đài thọ toàn bộ cho hai vợ chồng Tam Lang và đích thân anh hướng dẫn đưa đường cho hai vợ chồng Tam Lang đi thăm nhiều nơi tại Hoa Kỳ; từ Philadelphia, New Jersey, New York sang miền tây Santa Ana, California rồi Las Vegas.. Anh Thanh còn khá trẻ nguyên gốc người Gò Công Tây (Hòa Đồng cũ hay còn gọi là Vĩnh Lợi), anh rất ham mộ môn bóng tròn và mến trọng tài đức Tam Lang nên anh đã dành cho vợ chồng Tam Lang một sự ngưỡng mộ đầy ưu ái và nhiệt tâm. Lúc khởi đầu tôi chỉ được em tôi thông báo ngắn gọn: “sẽ đi Mỹ”, khi đến Hoa Kỳ Tam Lang đã điện thoại cho tôi đêm trước, thì sáng hôm sau ngày 09/06/2002 tôi chạy ra Nhà hàng 4 cô gái ở Eden thành phố Falls Church để đón vợ chồng Tam Lang và anh Thanh vào nhà tôi ở Springfield chơi. Tôi đã khẩn cấp báo tin ngay khi được điện thoại của Tam Lang cho bà con nội ngoại ở trong vùng Faifax County, Virginia, ai đến được thì đến để dùng cơm  thân mật mừng ngày hợp mặt gia đình tại nước ngoài, còn ai bận đi làm thì miễn. Thật quá là vui, tuy không đầy đủ nhưng tổng cộng đến 17 người tất cả, xin xem hình thì rõ. Có mặt chị Ba Thà (con trưởng của Bác Hai tôi) và con chị là vợ chồng Michel hay Lộc. Chị Út Nho (cũng con Bác Hai tôi) và con là Lang. Vợ chồng Thoại-Ngọc Anh (con Chị Bảy, cháu Dì Tư tôi) và con là Tuyền cùng vợ chồng Thanh. Gia đình tôi gồm có vợ chồng tôi và con là Anh Nguyên và Đoan Trang. Lâu ngày gặp lại nhau, ai cũng mừng rỡ tay bắt miệng cười hàn huyên như không muốn dứt, vừa nói chuyện, vừa chụp hình kỷ niệm, nhưng thời gian không ngừng lại, nên thấm thoát mà đã tới giờ vợ chồng Tam Lang phải cáo từ mọi người để đi theo chương trình du ngoạn của anh Thanh đã vạch ra trước. Tạm biệt nhau vậy!
Sang Cali thăm bạn bè thân quyến hơn 2 tuần. Gia đình con trai tôi, Anh Vũ từ Sacramento chạy xuống mừng chú thiếm tại Little Saigon, sau đó vợ chồng Tam Lang trở lại Virginia vào một buổi chiều để dự đêm chiêu đải của các cựu cầu thủ Cảng Saigon. Tam Lang  nhờ cựu cầu thủ Vĩnh (em Quang Kim Phụng, nguyên cầu thủ tuyển VN và Xi Măng Hà Tiên) đưa rướt giùm tôi ra Nhà hàng khiêu vũ Galaxy để cùng dự. Đêm đó vì vui tôi uống quá là uống. Vợ chồng Tam Lang đi theo anh Thanh trở về Philadelphia rồi sau đó bay về Việt Nam.

Thời gian Tam Lang sang thăm Hoa Kỳ cũng là lúc đúng tuổi về hưu tức không còn phụ trách Đội Cảng Saigon nữa. Ít lâu sau Tam Lang nhận huấn luyện Đội thiếu niên Thành Long. Theo yêu cầu của lãnh đạo thành phố, Tam Lang trở lại huấn luyện Đội CLB Thành phố. Do lớn tuổi, phần đi xa nhiều, phần thời tiết khắc nghiệt, công tác lại đòi hỏi vận dụng tối đa tâm trí và chịu dãi nắng dầm mưa với đội trên nhiều nẻo đường thi đấu, nên Tam Lang phát bịnh nặng và phải nhờ “Dì Tư” đưa vào bịnh viên Chợ Rẩy điều trị khá lâu, tiếp theo chữa bịnh tại Viện Y học dân tộc. Tin tức Tam Lang bịnh đã được báo chí Việt Nam tường thuật. Tình trạng sức khỏe của Tam Lang hiện nay tương đối đã hồi phục nhưng không thể nào sánh được như trước đây. Nói chung về diện mạo không thay đổi bao nhiêu so với hình ảnh chụp hồi sang Mỹ năm 2002.

Năm 2009 vừa qua, Tam Lang có báo trước cho tôi là các cựu cầu thủ của Saigon cũ ở Hoa Kỳ có dự định mời các anh em cựu cầu thủ bên nhà sang thi đấu giao hữu một vòng ở vài tiểu bang ở Hoa Kỳ và sẵn tham quan, nhưng giờ chót không hiểu sao không thực hiện được.

Mời các bạn và bà con xem hình Tam Lang và vợ chụp tại Hoa Kỳ năm 2002, tiếng nói của Tam Lang qua bài trả lời phỏng vấn trên đài RFI(Đài phát thanh Quốc tế Pháp) năm 2008 và đọc 2 bài báo của Tuổi Trẻ phát hành tại VN năm 2006 sau đây:

XEM THÊM ẢNH (Xin click vào đây để xem, vì Picasa Web Albums đã ngưng hoạt động)
LONG-NHI





Kèm theo đây 2 bài báo viết về bịnh tình của Tam lang:


Chủ Nhật, 27/08/200604:05
Phạm Huỳnh Tam Lang và nghiệp bóng đá:
“Dẫu lìa ngó ý, còn vương tơ lòng”
TT - Sự gắn bó tuy hai mà một giữa Tam Lang với bóng đá đã bị bẻ gãy cụp vì căn bệnh thấp khớp quái ác. Nhưng, như một chiếc ngó sen, tuy gãy đấy nhưng tơ lòng của con người nổi tiếng này vẫn vấn vương với bóng đá...
Bao năm tháng gắn bó với... quả bóng!
Phạm Huỳnh Tam Lang là một cái tên quá đỗi quen thuộc với những người yêu bóng đá VN. Tính từ khi xỏ giày chơi bóng đá học sinh ở Trường Pétrus Ký, đến nay ông đã có tròn nửa thế kỷ gắn bó với bóng đá.
Cuộc đời cầu thủ của ông khá là rực rỡ khi ngoài chiếc cúp vô địch Merdeka 1966, còn đoạt được nhiều tấm huy chương khác ở SEA Games. Sau khi treo giày, trong vai trò HLV, ông đã mang về cho đội Cảng Sài Gòn bốn chức vô địch quốc gia (1986, 1993-1994, 1997, 2001-2002) cùng hai danh hiệu vô địch cúp quốc gia (1992, 2000). Đó là chưa kể đến hàng chục ngôi vô địch ở các giải bóng đá khu vực phía Nam, giải vô địch TP.HCM, cúp liên cảng, Cúp truyền hình Bình Dương... Ở đội tuyển quốc gia, ông cũng là một trợ lý đắc lực cho các HLV ngoại để cùng nhau mang về cho VN những chiếc huy chương SEA Games, Tiger Cup.
Giã từ Cảng Sài Gòn cứ tưởng ông lui về ẩn dật. Nào ngờ lại thấy con người có dáng đi với cái lưng thẳng tắp không lẫn vào đâu được xuất hiện trên sân cỏ Thành Long để làm nhiệm vụ đào tạo trẻ. Rồi cũng nào ngờ lại thấy ông ngồi trên băng ghế huấn luyện đội CLB TP.HCM dự giải hạng nhì năm ngoái, rồi hạng nhất năm nay.
Đã qua khá xa cái tuổi 60 nhưng nom ông vẫn còn phong độ lắm. Vẫn cùng với các học trò trẻ rong ruổi trên đường thiên lý để đá giải và từ chối đề nghị của bầu Hưng là di chuyển bằng máy bay cho khỏe người. Nói đâu xa, năm ngoái ở trận chia tay Thế hệ vàng, trong trận đá mở màn ông còn chạy phom phom trong đội hình cựu tuyển thủ. Thậm chí cũng chỉ vài tháng trước, trên sân Thành Long, người ta vẫn còn thấy ông chạy tới chạy lui đá bóng với những đồng đội vang bóng một thời. Vậy mà...
Sáng 25-8, chúng tôi mang một túi trái cây, leo lên căn hộ nằm ở tầng hai chung cư Trần Phú để thăm ông. Thật ngỡ ngàng, trước mắt chúng tôi là Tam Lang đây ư? Ông đi từng bước khó nhọc ra mở cửa. Mái tóc tuy chưa nhiều "muối" nhưng đã xác xơ rất nhiều. Gương mặt ông hốc hác, kham khổ. Sau khi chủ lẫn khách cùng yên vị, ông nở một nụ cười méo xệch bảo:"Thế này là phước đức lắm rồi. Hơn nửa tháng trước tôi tưởng mình tiêu luôn, hết đi đứng được rồi chứ...".
Số là thành tích bết bát của đội CLB TP.HCM đã làm ông kiệt sức. Ở những lượt đấu cuối của giải hạng nhất, trong một chuyến rong ruổi ra miền Trung, bỗng dưng căn bệnh thấp khớp quái ác ở đâu sầm sập kéo đến làm hai đầu gối ông sưng vù, đỏ tấy, không thể đứng nổi chứ khoan nói là đi! Khi xe về đến đường Hùng Vương, ông phải ngồi ở lề đường chờ chị Hồng (vợ ông) ra chở về. Chưa hết, về đến chung cư phải nhờ mấy thanh niên lực lưỡng xốc nách dìu hai bên ông mới lên đến được căn hộ của mình trên lầu hai!
Với một người bình thường, bỗng dưng sáng ngủ dậy không thể đứng được đã là một nỗi kinh hoàng; thế thì nỗi kinh hoàng ấy sẽ nhân lên gấp bội đối với một cựu trung vệ khét tiếng châu Á như ông.
Nhưng cũng may, chạy chữa đủ thầy cuối cùng ông cũng nhúc nhắc đi lại được. Song, để trở lại với bóng đá trong vai trò HLV thì đó là điều mà ông chưa dám nghĩ đến vào lúc này. Vì vậy, ông đã chính thức đệ đơn đến CLB TP.HCM để xin nghỉ việc.
Vương tơ lòng...
Tam Lang là một người rất kiệm lời. Xưa nay hiếm có nhà báo nào ngồi trò chuyện với ông được quá một giờ. Vậy mà buổi sáng hôm ấy ông đã dành cho chúng tôi gần trọn buổi. Cũng dễ hiểu thôi, bình thường giờ ấy ông đang ở ngoài sân cỏ vui với công việc huấn luyện đám nhỏ. Còn giờ đây, vô ra chỉ thấy bốn bức tường, bà xã còn phải đi làm, con thì học ở xa. Và dĩ nhiên, câu chuyện của ông với chúng tôi vẫn chỉ loanh quanh đề tài bóng đá; cái chủ đề ông gắn bó nửa thế kỷ rồi mà vẫn khẳng định chưa bao giờ thấy ngán!
Đầu tiên, chúng tôi đặt ra giả thiết thứ nhất, đó là hai đầu gối sẽ hồi phục, không hành hạ nữa thì ông sẽ làm gì? Không một chút suy nghĩ, ông nói ngay: "Tôi sẽ tìm chỗ để xin làm huấn luyện nữa chứ làm gì. Nhưng lần này thì dứt khoát chỉ dạy cơ bản cho các em nhỏ thôi, không dính đến chuyện dẫn dắt thi đấu đỉnh cao nữa".
Giả thiết thứ hai mà chúng tôi đặt ra là tình huống xấu: hai chiếc đầu gối của ông không hoàn toàn bình phục thì sao? Nếu có một lời mời từ Liên đoàn Bóng đá TP.HCM chẳng hạn, để về ngồi văn phòng làm việc như một cán bộ chuyên trách của liên đoàn?
Một thoáng trầm ngâm, ông đáp: "Tôi cầu trời khấn Phật đừng bắt mình phải bị như thế. Còn trong trường hợp xấu, chỉ có thể đi lại chứ không thể làm công tác huấn luyện được thì chắc tôi cũng không làm việc ở liên đoàn đâu. Mình là dân cầu thủ, giải nghệ thì chuyển qua công tác huấn luyện, nói tóm lại là chỉ phù hợp trên sân bóng thôi. Mà nói thật, cho dù có yếu đến độ không xỏ giày ra sân để huấn luyện được thì tôi cũng còn nhiều việc để làm mà. Ví dụ như tôi sẽ dành nhiều thời gian hơn nữa cho việc chăm sóc các đồng nghiệp khó khăn".
Nói đến chuyện chăm sóc các đồng nghiệp khó khăn mới nhớ ông là đại diện cho Hội Cựu tuyển thủ miền Nam. Ông đã được anh em tín nhiệm bầu làm người đại diện, lập quĩ để tiếp nhận những món tiền từ các nhà hảo tâm ở khắp nơi, sau đó lên kế hoạch chăm lo các đồng nghiệp khó khăn hơn mình nhiều lần.
Vâng, đó cũng là một chuyện quan trọng của bóng đá, mà để làm được tốt cũng không phải là chuyện dễ. Ông tâm sự: "Quĩ của chúng tôi hiện chỉ còn vài ba chục triệu. Tết nhất, thấy có quá nhiều người khó khăn, vậy mà chỉ chăm lo được cho mỗi người 500.000, hay tối đa chỉ 1 triệu đồng thật chẳng ăn thua. Nhưng muốn nhiều hơn thì biết đào đâu ra!".
Loanh quanh chuyện đời, chuyện nghề của ông, của các cựu tuyển thủ khác, cuối cùng chúng tôi cũng đi đến chuyện tương lai bóng đá VN. Ở những lần gặp trước, khi đề cập đến đề tài này, ông chỉ thường đáp lại bằng một nụ cười lảng tránh. Còn lần này, ông hưởng ứng với một vẻ buồn buồn: "Nói thật là tôi chưa thấy lối ra cho bóng đá VN.
Trong tôi nhiều lúc cứ vang lên những câu hỏi rằng tại sao 40 năm trước người Nhật, người Hàn không bằng chúng ta, thế mà bây giờ họ lại bỏ chúng ta quá xa? Tại sao người Nhật chỉ cần 20 năm sau khi kết thúc chiến tranh là họ đã tổ chức được thế vận hội, đã đạt được nhiều thành tích thể thao đáng kể; còn chúng ta thì đã hơn 30 năm rồi vẫn chưa đạt được mục tiêu thấp nhất là đứng đầu bóng đá khu vực Đông Nam Á?
Đặt ra những câu hỏi như thế nhưng cũng chẳng tìm được câu trả lời hoàn chỉnh, đầy đủ. Tôi chỉ thấy được có nhiều việc nhỏ, rất nhỏ nhưng không hiểu tại sao ai cũng thấy nhưng chẳng ai chịu làm. Ví dụ như chuyện đào tạo cầu thủ trẻ chẳng hạn, ai cũng biết đó là khâu quyết định cho tương lai bóng đá VN nhưng làm vẫn không đến nơi đến chốn.
Tôi có nói với mấy anh phụ trách chuyện này và đưa ra một đề nghị nhỏ là song song với việc đào tạo phải tạo nhiều cơ hội cho lớp trẻ thi đấu. Chí ít giải hạng nhì phải hạn chế tuổi, đừng để mấy lão tướng quay trở lại chơi ở nơi đây, che hết mất lớp trẻ. Ai cũng thừa nhận đề xuất đó là đúng nhưng lại chẳng có ai chịu làm mới lạ!”.

HUY THỌ - SĨ HUYÊN

 Thứ Ba, 29/08/2006, 01:38
Nhật ký phóng viên
Vui, buồn với những cuộc điện thoại
TT - Ngày đầu tuần, ban thể thao Tuổi Trẻ bất ngờ nhận được nhiều cuộc điện thoại từ những bạn đọc yêu thể thao. Rất nhiều trong số đó là những lời hỏi thăm sức khỏe của HLV Phạm Huỳnh Tam Lang. Mọi người đã bày tỏ một sự lo lắng, thương cảm thật sự với nhân vật đã có nửa thế kỷ sống hết mình vì bóng đá VN.
Một bác sĩ Việt kiều ở Pháp về, đọc xong bài viết trên Tuổi Trẻ ngày chủ nhật "Dẫu lìa ngó ý, còn vương tơ lòng" đã vội liên lạc ngay với Tuổi Trẻ và đề nghị được tiếp xúc với HLV Tam Lang để chữa trị căn bệnh thấp khớp cho ông.
Hàng loạt bạn đọc khác bị bệnh này nhưng chữa trị hiệu quả cũng đề nghị được gặp ông để cung cấp các bài thuốc. Rồi có người như anh Phương, ở Vũng Tàu, đã gọi điện đề nghị "làm một cái gì đó" thật cụ thể để giúp đỡ HLV Tam Lang.
Xen lẫn với những cuộc điện thoại bày tỏ tình cảm với HLV Tam Lang là những lời chê trách VFF về chuyện tốn bạc tỉ mà chẳng thu được gì ở đội U-17. Đây không phải là lần đầu tiên VFF ném tiền qua cửa sổ, khi nhớ lại vụ đền bù hợp đồng cho HLV Letard, vụ đầu tư 600 triệu đồng cho bóng đá nữ Quảng Ngãi, vụ hàng trăm triệu đồng in sách để cất vào kho...
Tiếp nhận những cuộc điện thoại đầu tuần, thật vui và cũng thật buồn làm sao...!
TR.HUY


BÀI ĐÃ ĐĂNG:

Không có nhận xét nào: