26/2/11

ĐAU BỤNG CON RẮN (Bài 066)

Xin giới thiệu gia đình và bè bạn câu chuyện “Đau bụng con rắn” của Bác sĩ Lương Phán trích trong quyển sách nhỏ “Nói chuyện bệnh tật và thuốc men” do nhà xuất bản Tp HCM ấn hành năm 1985. Tôi nghĩ là  sách được tái bản lại, vì nếu tôi nhớ không lầm, thì tôi đã đọc được quyển sách này trong thời miền nam còn  chế độ VNCH vào những thập niên 60-70. Bs Phán đã vận dụng văn chương một cách tài tình để hướng dẫn người dân quê hiểu biết thêm về tây y, tránh bị tử vong một cách đáng tiếc như lời nhà xuất bản trình bày nơi trang mở đầu “..trong cuộc sống hàng ngày do trình độ hiểu biết của một số người còn thấp cộng với tệ mê tín dị đoan chữa trị sai, nên không ít trường hợp không có bệnh lại mang bệnh, bệnh nhẹ thành nặng, bệnh có thể chữa khỏi lại bị chết oan uổng.” 

Ý tưởng viết chuyện ngắn để cảnh tỉnh người dân quê mùa chất phác hiểu ra cách phải đối phó với bệnh tật như thế nào là đúng?  thật là mới mẻ và sáng tạo trong giai đoạn ngành y tế còn quá hạn hẹp.


Với lối hành văn mộc mạc, giản dị đưa câu chuyện gần gũi với người dân nam bộ, người viết thành công  thâm nhập vào lòng người dân thôn dã để khuyến khích họ điều trị theo phương pháp tây y. Bài viết này đáng trân trọng lưu giữ như một cổ vật quý giá, để về sau con cháu còn tìm hiểu một thời dĩ vãng thiếu thốn đáng thương của một lớp người nghèo khó nơi thôn quê hẻo lánh. Mời đọc.
LONG-NHI


Thằng Đực ngồi nắn trâu bằng đất sét ngoài sân, chợt nhìn ra bờ mẫu rồi kêu lên:
-Má ơi má, tía về kìa!
Chị Năm đang lúi húi trong bếp, vội mắng con:
-Mầy nói láo, tao vả tét mép bây giờ!
Nhưng chập sau, chị nghe có tiếng người rửa chân ngoài mương rồi tiếng cây phảng và cây cù nèo quăng xuống đất. Chị lẩm bẩm:
-Chưa đứng bóng sao về sớm vậy cà?
Rồi chị bỏ nồi cơm vừa rế xong, bước ra ngoài nhà. Chị thấy chồng ôm bụng, mặt mày nhăn nhó, đi lom khom, liền hỏi:
-Gì vậy tía nó?
Anh Năm nhăn mặt trả lời:
-Đau bụng muốn đứt hơi lận!
Anh nói xong lại lên võng nằm. Vợ chồng Năm Chà làm tá điền cho Ông Hội đồng Nhành đã năm, sáu năm nay. Nhà anh ở cuối xóm điền tuy chỉ có một gian hai chái, nhưng anh sắp đặt rất vén khéo, gian giữa làm chỗ thờ phượng, phía trước lót bộ ván dầu cũ, chái bên mặt kê một cái chõng tre, chỗ ngủ cho gia đình, chái bên trái là nhà bếp. Tiếng là bếp chớ thật ra chỉ có sáu ông táo bằng đất nắn dụm lại.
Chị Năm lập tức trở vào bếp, lấy cái siêu bể vòi, múc nước bắc lên. Xong xuôi, chị quày quả trở ra hỏi chồng:
-Đau bụng có nhiều lắm không?
Năm Chà lặng thinh, nhăn nhó. Một lúc sau anh gật đầu chớ không trả lời. Chị vợ biết dư chồng mình vốn là người gan góc, giỏi chịu đựng. Anh không trả lời, chị cũng hiểu cơn đau của anh không phải là ít. Chị vội xuống nhà bếp tìm con dao chành rồi ra giồng gừng, đào lấy một củ gừng già, lúc trở vào chị bảo chồng:
-Chắc tía nó đau bụng gió. Lúc này trời độc lắm. Để tôi cạo gió cho.
Chị bảo anh Năm lên ván nằm rồi lấy chong đèn dầu lửa trên bàn thờ xuống thấm vào miếng gừng, cạo gió cho anh. Lưng anh Năm Chà bầm tím nhiều lằn dài và nghe cơn đau dịu bớt. Chị thấy chồng bớt đau cũng mừng, nên nói:
-Đau bụng gió mà! Gió quá trời nè.
Nhưng chỉ một lát sau Năm Chà thấy khó chịu trở lại, rồi trạo trụa, ụa mửa một hơi. Chi Năm lính quýnh, múc nước cho anh Năm súc miệng rồi đở anh nằm xuống, trong bụng thầm lo sợ đủ thứ. Chị quyét dưới đất chỗ anh mửa và nghỉ đến việc hồi sáng anh ăn cơm nếp trộn dừa sợ không tiêu. Chị tự bào chửa: “Lạ quá, nửa miếng dừa để từ hôm qua tôi đã treo trên giàn bếp và khi nạo tôi cũng đã bỏ hết lớp phía ngoài, vậy mà tía nó ăn còn trúng, chắc là bao tử yếu lắm!” Chị sang nhà ông Tám xin chút rượu đế, về nhà quậy thêm một muỗng đường cát mỡ gà đem cho chồng uống.
Chỉ một lát sau, Năm Chà cũng mửa ra hết. Lần này thì chị sợ quá mới chạy sang ông Tám hỏi coi phải làm sao? Ông Tám khuyên chị đến quán cóc của chú Xùi mua một chai lục thần thủy về cho chồng uống. Thật là thần dược, Năm Chà uống hết cả chai thì hết mửa một thời gian khá lâu mà nhờ vậy mà bớt đau bụng phần nào.
Nước trong siêu đã sôi từ hồi nào, chị Năm nhắc xuống để cho đi hơi bớt mới đổ vào một cái chai không. Chị xách chai nước đến bên anh Năm, hỏi:
-Tía nó đau ở đâu? Để tôi lăn chai nước nóng này lên cho bớt.
Năm Chà từ nãy giờ vẫn nằm nghiêng, co rút lại như con tôm kho tàu. Anh nghe vợ nói vậy, vội nằm ngửa ra và chỉ chỗ đau ở bụng dưới phía bên mặt. Chị Năm cẩn thận lăn chai nước nóng lên chỗ đó, hy vọng chồng sẽ đỡ đau phần nào. Năm Chà có vẻ dễ chịu hơn và bây giờ anh mới nói:
-Còn một bờ cỏ nữa, tôi tính dọn cho xong, nhưng nó đau gần đứt ruột đứt gan, rán không nổi.
Thấy chồng có mòi tươi tỉnh, chị Năm mừng lắm. Chị nói:
-Hồi nãy tía nó làm tôi hết hồn. Bây giờ bớt rồi để tôi nấu cháo cho tía nó ăn.
Ông Tám nhà kế bên nghe chộn rộn cũng chạy qua thăm hỏi và nói:
-Lóng này gió độc quá. Ở bên Chín Tỉnh hôm qua cũng ói mửa cả nhà.


            Ông Tám về rồi, nồi cháo chưa kịp sôi thì cơn đau bụng của Năm Chà lại nổi lên dữ dội. Lần này anh rên rỉ, lăn lộn như đàn bà chuyển bụng đẻ, khiến chị Năm quýnh quáng lên. Chị chạy ra sân réo ông Tám:
-Bác Tám ơi, bác Tám!
Ông Tám trở qua thấy anh Năm làm dữ như vậy thì bàn tới:
-Hay con Năm mày đi rước ông thầy Ba Sung coi.
Nguồn hy vọng chợt nổi lên trong lòng chị Năm, khi nghe nhắc tới tên thầy Ba. Chị quơ chiếc khăn tắm tiều đội lên đầu rồi nói:
-Bác làm ơn ở nhà với ảnh, cháu chạy đi rước thầy Ba.
Rồi chị réo thằng con trai:
-Đực ơi, vô nhà chơi!
Chị hy vọng cũng phải, bởi xóm này không ai không biết tiếng thầy Ba Sung. Trước kia không hiểu thầy làm nghề gì, ở đâu, nhưng từ khi đến xóm điền, thầy khoe đủ thứ nghề, nào là nghề võ, nghề gồng, ngải và đặc biệt là tài điều binh khiển tướng, trừ bắt quỷ ma.
Ban đầu thầy trổ tài cắt giác, làm bùa mắc xương, khoán dời, đôi khi còn lãnh đặt dao thớt vài cơn bịnh ngặt. Phước chủ may thầy, qua vài vụ, tiếng tăm thầy Ba Sung vang dội cả một vùng. Những giai thoại thầy Ba trị khỏi những chứng bệnh ngặt nghèo không ai ở xóm điền không biết. Những đêm tối trời, nghe tiếng trống tung tung, ở xa, dân làng cũng hình dung được cái cảnh thầy Ba đăng đàn bắt ấn, trục âm binh.
Tiếng chó sủa ngoài sân rồi tiếng lao xao đủ cho ông Tám đoán chừng chị Năm đã rước được thầy Ba. Ông kéo chiếc mền rách đắp lên mình Năm Chà rồi bước ra ngoài. Ông cúi đầu thật sâu để chào thầy Ba và rối rít mời thầy vào nhà. Thầy Ba Sung đáp lễ ông Tám rồi hỏi với giọng khẩn cấp:
            -Bệnh nhơn nằm ở đâu?
Đôi mắt thầy liếc ngang qua và thấy ngay Năm Chà nằm trên bộ ván rên hừ hừ. Thầy không cần hỏi thêm, liền ngồi xề xuống đó. Chị Năm lật đật kéo mền ra và nói:
            -Coi bộ ảnh nóng quá, thầy.
Thầy Ba đưa tay rờ vào bụng Năm Chà rồi chăm chú nhìn, bỗng thầy la lên hốt hoảng:
            -Chết rồi! Đích thị là nó.
Chị Năm xanh mặt xanh mày, run giọng hỏi:
            -Sao hả thầy?
Thầy Ba buông thõng một câu:
            -Chồng chị bị “đau bụng con rắn”!
            -Trời đất ơi! Con rắn làm sao?
Thầy Ba cất giọng âu lo:
-Nguy hiểm quá! Nhìn sắc mặt của ảnh tôi đã nghi bị ai khuấy phá. Thứ rắn này mà để cái đầu nó chạy giáp vòng bụng thì hết cứu.
Chị Năm thất kinh hồn vía.
`          -Quỷ thần ơi! Ai khuấy phá cho con rắn vào bụng anh Năm? Chắc là đứt ruột đứt gan hết.
Thầy Ba sợ gia chủ không tin lời mình nên vén áo Năm Chà lên chỉ cho coi “cái đầu con rắn”, nổi gò lên ở phía dưới bụng, bên tay mặt người bệnh:
            -Coi đi.. . Cái đầu của nó sờ sờ ra đó, không thấy sao? Đây nè. Thứ này dữ lắm.
Bác Tám cúi xuống nhìn, đôi mắt già hấp háy vụt sáng hẳn lên:
            -Dạ tôi thấy rồi thầy Ba. Hèn nào nó đau bán sống bán chết.
Chị Năm cũng nhìn thấy “cái đầu con rắn” nên chết điếng cả người. Chị năn nỉ thầy Ba:
            -Xin thầy nhỏ phước cứu giùm chồng tôi..
Chị nghẹn ngào không nói được hết câu. Tai họa ở đâu bất ngờ gieo xuống cái gia đình cùng khổ này. Anh Năm có bề nào mẹ con chị làm sao sống nổi?
Thầy Ba lặng thinh như suy nghiệm một vấn đề gì quan trọng lắm. Một lát thầy mới nói:
            -Cái thiệu của tôi là “trước trừ tà, sau phục dược” nhưng bệnh con rắn này để lâu không tiện. Tôi bắt buộc phải cắt và khoán trừ nó đi. Phải làm tức khắc bây giờ, còn chuyện tà ma thì tối hẳn hay.
Ba Sung chứng tỏ một ông thầy giỏi. Mới tới nhà gia chủ đã định bệnh trúng phóc. Nhìn sơ qua nét mặt người bệnh, thầy đã nắm được “cái đầu con rắn” trên da bụng! Chị Năm và những người hàng xóm đều đặt hết tin tưởng vào thầy. Họ chỉ thì thầm to nhỏ với nhau làm tăng thêm uy tín của thầy trong giờ phút nghiêm trọng đó. Thầy Ba ngồi chễm chệ trên bộ ván cất giọng chậm rãi:
            -Cái vong này tôi nói thiệt không phải hiền đâu, lơ mơ thì nó quật lại bỏ mạng. Gia chủ liệu phải quấy với binh tướng, chớ riêng tôi thì chẳng đòi hỏi gì.
Trong cơn bối rối, chị Năm chỉ còn biết vâng dạ và xin thầy Ba chỉ cho cách đền ơn âm binh. Thầy Ba không trả lời mà chú Sáu Thơ, người đi theo thầy Ba lại cất tiếng:
Có gì đâu thiếm Năm. Một thớt heo, mấy trăm bạc tiền tế và gà vịt, chè xôi. Cái lệ âm binh là vậy, thiếu lễ vật họ không phò trợ đâu. Chị Năm nghe tiếng chồng rên la đau đớn nên không còn suy tính gì hết. Chị bằng lòng ngay, dầu có phải vay nợ nần hay ở đợ nát đời chị cũng không từ.
Đến lúc đó thầy Ba mới mở gói đồ nghề và lấy ra đủ thứ binh tướng, giấy vàng, viết lông, son, mực tàu, v.v… Thầy liếc mắt nhìn da bụng anh Năm rồi nói:
            -Thứ rắn này dữ lắm. Mình cắt lộn đằng đuôi, nó chạy là đi đời.
Mọi người đều im lặng, thầy nói tiếp để chứng minh cho gia chủ biết là họ may mắn lắm mới gặp được thầy:
            -Hồi tháng trước lão Sáu Móm không biết nghề mà dám phụng mạng cắt con rắn cho Tư Chanh. Phải kỳ đó họ nhờ đến tôi thì đâu đến nỗi! Thứ bệnh này hễ biết rành thì dễ như ăn cơm, còn tay mơ, lãnh đủ.
Ba Sung cầm thử miểng chén lên xem rồi bảo lấy cây đèn cầy trên bàn thờ đốt lên cẩn thận soi lên bụng Năm Chà. Thầy cắt bốn năm vít chỗ đầu con rắn, nặn máu ra và khoán son đỏ, mực tàu giáp cả bụng Năm Chà. Thầy lại lấy giấy vàng ra viết cả một đạo bùa rồi bảo Sáu Thọ đem đốt, lấy tro pha trong tô nước lạnh cho Năm Chà uống. Người bệnh uống xong thì thầy Ba thở mạnh ra nói:
            -Rồi đó… một lát sẽ bớt liền! Bây giờ xin gia chủ lo đặt bàn, có dao thớt hẳn hoi, chiều tối tôi lại, không bắt cái vong này thì không tiệt được.
Chị Năm vâng dạ và tiễn thầy ra tới ngoài sân. Lúc trở vào chị thấy anh Năm đã nằm yên, cơn đau đã giảm bớt. Chị đến bên chồng, hỏi thăm bệnh. Anh Năm gượng cười đáp:
            -Thầy Ba hay thiệt! Coi bộ mười phần bớt bảy.
Chị vợ vui mừng, nói với chồng:
            -Thầy nói trúng bệnh quá, không hay sao được? Thôi để tôi lo việc cúng kiếng.
Chị đi vào trong và khi nghĩ đến cảnh nhà bần bạc thì chị đâm lo. Làm sao bây giờ? Bao năm qua gia dình chị sống thiếu trước hụt sau, chạy bữa sớm lo bữa chiều, vợ chồng làm việc quần quật suốt năm, suốt tháng mà con cái cũng không được lành lặn! Bây giờ tiền đâu để mua heo cúng lễ thầy Ba? Chị ra đứng sau hè, trong lòng hết sức âu lo. Chồng bớt bệnh chị mừng, nhưng lo không chạy ra tiền để cúng âm binh. Chợt có tiếng ông Tám gọi chị bên kia rào:
            -Năm à!
Chị ngước lên rồi đi về phía ông. Ông Tám có lẽ hiểu được tâm trạng chị nên nói:
            -Bây đừng có lo! Còn có tao! Thiếu hụt chút đỉnh qua tao tiếp. Phải lễ lộc đàng hoàng chứ đâu phải làm cho qua tang lề được.
Chiều hôm đó, nghe có tiếng trống tưng tưng từ cuối xóm, dân làng biết ngay đám “chữa” của thầy Ba bắt vong cho Năm Chà. Người hiếu kỳ trong xóm tới xem rất đông. Ai cũng lấy làm thán phục thầy Ba khi thầy biểu diễn cái màn nhai miểng chai rôm rốp, rồi dùng dao rạch lên cườm tay lấy máu vẽ bùa. Trẻ con phát khiếp vì những tiếng hét và giọng đọc thần chú ma quái của thầy. Đến màn thầy dùng roi mây đả tiên “quánh cái vong” trên mình Năm Chà thì thằng Đực khóc thét lên. Người ta phải dỗ nó và dẩn đi nơi khác.
Tàn canh một, thầy Ba bắt ấn, chụp cái vong trong tay rồi nhét vào cái tĩn không, dán bùa ếm lại. Thầy thở phào một cái đưa tay gạt mồ hôi rồi tuyến bố với bà con hàng xóm:
            -Tôi đã nhốt cái vong lại rồi, để tôi đưa nó vào am, cho nó tu hành. Lảng vảng trong làng này rồi phá phách không ai chịu nổi. Cái vong này dữ thiệt. Âm binh lơ mơ khó mà trị được nó.
Dân làng khiếp sợ: ai cũng sợ những vong hồn khuất mặt phá hại tới mình. Năm Chà nằm liệt giường liệt chiếu như thế đó không đáng lo sợ hay không? Nếu không gặp thầy Ba Sung chắc cái vong đã khiến con rắn chạy giáp vòng cái bụng. Chừng đó thì ngọc hoàng gọi về chầu!
Thầy Ba chữa xong thì tiệc rượu cũng đã bày ra, trước để khoản đãi thầy Ba và môn đệ, sau cũng mời bà con chú bác trong xóm, đã hết lòng hỗ trợ với âm binh. Rượu thịt no say, thầy Ba đã ngà ngà nên lớn tiếng bảo mọi người:
            -Nội ngày mai gia chủ sẽ đi phát như thường. Mạnh rồi có sao đâu? Nhớ đừng quên con heo cúng tổ, phiền hà lắm.
Nói xong thầy dẫn đồ đệ ra về, hùng dũng như lúc mới đến.


Quá nửa đêm, chị Năm bỗng giật mình tỉnh giấc. Hình như có tiếng chồng chị rên rỉ ở ngoài bộ ván. Chị tốc mùng dậy, đến bàn thờ khêu ngọn đèn dầu. Cơn đau trở lại hành hạ anh Năm Chà dữ dội hơn lúc ban ngày. Anh ôm bụng rên la như ai bứt từng đoạn ruột.
Chị Năm thất kinh hồn vía. Bây giờ mới thật không biết phải làm sao? Cơn bệnh anh Năm tưởng đâu đã qua khỏi, nào dè trở lại đột ngột giữa đêm khuya.
Tiếng gà xao xác trong xóm báo hiệu đêm sắp tàn. Tiếng chó tru vẳng lên thê thảm khiến chị Năm lo sợ. Điềm lành hay điềm dữ?
Bác Tám đã già nên ngủ rất sẩy thức, nghe chộn rộn bên nhà Năm Chà bác chạy sang, chừng thấy bệnh tình nguy kịch quá bác nói đại:
            -Rang muối đắp đở lên bụng nó thử coi. Để tao chạy đằng thầy giáo Huân, hỏi xem thầy có biết thuốc gì không?
Chị Năm sực nhớ đến thầy giáo, liền hối thúc bác Tám:
            -Bác đi giùm cháu! Thầy giáo biết thuốc tây, chắc có thể giúp mình được. Riết rồi điên cái đầu.
Bác Tám ra cửa thì chị vội rang muối, bọc vào trong khăn tắm tiều đắp cho anh Năm. Thầy giáo Huân đã nghe bác Tám kể rõ sự tình nên khi tới nhà liền vạch áo Năm Chà ra xem. Thầy phải kêu lên:
            -Thằng cha Ba Sung vẽ bùa đây phải không?
Chị Năm đáp ngay:
            -Dạ, hồi chiều thấy ảnh đau quá, tôi có đi rước thầy Ba tới khoán, cắt…
Giáo Huân xem xét chỗ đau rồi trầm ngâm nghĩ ngợi một lúc mới nói:
            -Coi bộ bệnh này nguy lắm, chạy chữa thuốc nam sợ không hết. Hay chị chở ảnh ra y tế quận xem sao. Tôi chưa hề nghe nói tới bệnh “đau bụng con rắn” bao giờ. Nếu Ba Sung chữa đúng bệnh thì đã hết rồi.
Chị Năm ấp úng phân trần:
            -Mình đau chân thì hả miệng chứ thật ra tôi cũng không biết tính sao!
Giáo Huân ôn tồn nói:
            -Bây giờ nghe lời tôi đi. Hãy chở ảnh đi ngay. Người cán sự y tế ngoài quận là bạn của tôi. Tôi viết vài chữ, chị cầm ra cho ảnh.
Bác Tám cũng bàn vô:
            -Thôi bây lo sửa soạn cho sớm, để tao vô biểu thằng Sạn với thằng lung gây bốn chèo đi cho mau.


            Anh cán sự y tế xem qua bệnh tình Năm Chà rồi ra dấu bảo thân nhân ra ngoài. Chị Năm hồi hộp lắm, nhưng chưa kịp hỏi, ông ta đã nói:
            -Tôi chắc ảnh đau ruột dư. Bệnh này phải mổ gấp, để lâu nguy hiểm.
            -Phải mổ sao thầy? Có thuốc gì làm ơn trị giùm, chớ mổ ảnh ra… Không biết có sao không?
Anh cán sự y tế mỉm cười trấn an chị:
            -Đừng sợ! Nếu quả tình là bệnh sưng ruột dư thì phải mổ mới khỏi được. Mổ ruột dư cũng dễ như thiến gà.
Rồi ông giảng thêm một đòn tâm lý:
            -Hồi tôi còn đi học trong nhà thương người ta vô mổ ruột dư nườm nượp, có chết ai đâu? Chỉ có những người đến trể, cái ruột dư thúi um lên, trong bụng đầy cả mủ mới chết. Chị nên nghe tôi chở ảnh đi.
Chị Năm vẫn còn lo sợ vì tiếng “mổ”, nhưng nhớ đến cơn đau vừa qua của chồng, chị không dám chần chờ thêm. Cứ chạy cho đủ thầy, đủ thuốc, dầu ảnh có mạng hệ nào, chị cũng đở ân hận.



            Bác sĩ vừa thấy cái bụng Năm Chà, đen quằn quịt thì ngơ ngác hỏi:
            -Cái gì thế này?
Chị Năm ngượng nghịu đáp:
            -Dạ… Thầy Ba ổng khoán.
Bác sĩ lắc đầu:
            -Đau ruột dư mà khoán cái nỗi gì?
Ông gọi mấy cô y tá rửa sạch cái bụng “rằn ri” của Năm Chà. Nhưng vẫn không hết. Còn một lõm ở bụng dưới phía bên mặt, da cứ đỏ ửng. Bác sĩ chỉ chỗ đó rồi hỏi chị Năm:
            -Sao đỏ như vậy?
Chị Năm ấp úng đáp:
            -Dạ bị hôm ảnh đau, tôi lăn chai nước nóng và đắp muối rang.
Bác sĩ thở ra:
            -Bậy quá! Phải chi có nước đá chị dằn lên, thì đỡ hơn. Ai lại lăn chai nước nóng và đắp muối rang. Trể một ngày nữa không tài nào cứu được. Mủ sẽ lan tràn khắp màng bụng, và chồng chị…
Ông lại lắc đầu. Tuy nhiên ông không muốn kéo dài sự lo sợ của thân nhân người bệnh nên nói:
            -Lát nữa tôi rạch chỗ này một lằn chừng bây dai để mủ trong bụng chảy ra. Chị hỏi ảnh có chịu không? Để tới mai thì tôi chạy. Trong bụng ảnh bây giờ có cả chén mủ là ít…Sao? Chịu mổ hay không?
Nghe câu hỏi nghiêm trọng của bác sĩ, chị Năm run lên, nhìn chồng nằm thiêm thiếp mặt mày nhăn nhó. Đã ba hôm rồi anh Năm không có cơm, cháo gì trong dạ, thiệt là tội. Chị Năm xót xa lắm. Chị lưỡng lự một lúc, rồi ngập ngùng:
            -Muôn ngàn sự mong nhờ bác sĩ chỉ biểu. Nhưng xin ông thầy cho tôi được hỏi. Vậy chớ lấy mủ ra, ông thầy tính bao nhiêu tiền?
Bác sĩ cười lớn lên:
            -Ở đây mổ không lấy tiền đâu! Bộ chị bị mấy thằng cha thầy bùa ăn tiền nhiều lắm rồi hả?
            -Dạ…Cũng chút đỉnh! Tại thấy “cái đầu con rắn” nổi lên chỗ bụng nè, nên tôi mới tin là ảnh đau bụng con rắn, và đã chịu cho người ta…
Bác sĩ thở dài trước sự suy nghĩ sai lầm của chị Năm nên giải thích luôn cho chị hiểu:
            -Đó là cái ruột phản ứng nên nổi vòng lên trên da bụng. Chớ rắn rít gì đâu?


            Hai mươi hôm sau, Năm Chà mạnh hẳn và trở về làng xóm. Cả xóm đều mừng, tới thăm không ngớt, gặp ai, chị Năm cũng kể lại những điều mắt thấy tai nghe về bệnh ruột dư… Chị chửi ông thầy Ba Sung biết cơ man nào mà kể?
Có người cắc cớ hỏi chị có “mần heo cúng tổ” không? Chị lớn tiếng:
            -Cúng gì? Tôi đi kiếm thằng chả tôi đòi tiền lại chớ cúng…

            Thầy Ba Sung nghe tin đó, liền bỏ trốn, mang theo cả lũ âm binh và ông…tướng/


Bài cùng một tác giả đã đăng trên blog này:

Không có nhận xét nào: