12/12/08

CON "CẦU TỰ" (Bài 009)


Bắt đầu vào câu chuyện tôi chợt nhớ lại;  bài nầy tôi viết không những chỉ để cho các con tôi đọc mà còn để cho các cháu tôi, chúng đều sanh ra tại Hoa Kỳ; vì vậy tôi cần viết thế nào cho chúng dễ dàng hiểu được những điều tôi  muốn diễn tả ra đây bằng ngôn ngữ tiếng Việt. Không thì một ngày nào đó, có cháu sẽ hỏi: “Cầu tự là gì vậy Daddy?” và “cầu tự có liên hệ gì với gia đình nhà mình?”, và các cái ‘được’ cái ‘mất’ gì xẩy ra trong việc cầu tự nầy?


            Người Việt chịu ảnh hưởng sâu sắc phong tục tập quán của Trung Hoa cũng là điều dễ hiểu vì, một phần là cùng chung biên giới phía bắc Việt Nam, một phần khác nước ta bị Tàu đô hộ gần cả ngàn năm; nên đa phần dân ta có xu hướng “trọng nam khinh nử”, đẻ con trai để nối dòng nối dõi thờ phụng tổ tiên, để thừa hưởng gia tài, và giữ họ cho đời sau, còn sanh ra toàn gái là vô phước vì gái đi lấy chồng, mất họ! Thế kỷ trước đây bên Tàu sanh ra gái bị quăng xuống sông hoặc phải bị bó chân ,-nếu là con nhà giàu có, còn ở Việt Nam, thì có tục “tảo hôn” là lấy vợ cho con trai còn “hỉ mũi  chưa sạch” với cô gái trên hai mươi tuổi để về săn sóc đút cơm, rửa đít cho “thằng chồng con nít”. Xem vậy, đứa con trai có một địa vị hết sức quan trọng trong đời sống của xã hội ta ngày xưa. Nên vợ chồng nào không có con trai phải đi chùa chiền cầu xin Trời Đất cho sanh được một đứa con trai, vì nếu không có con trai, gia đình sẽ cho người chồng lấy vợ lẽ hay cưới vợ khác. Do vậy việc cầu xin được con trai, trở thành lễ cầu tự rất tốn hao tiền của và công sức; như ăn chay nằm đất, đi lễ cúng kiến hết chùa nầy đến đền nọ v.v.. của hai vợ chồng và cũng đồng thời gây căng thẳng cho gia đình và dòng tộc hai họ, mà đau khổ nhất là người vợ bị gia đình bên chồng rẻ rúng. Thử đọc câu thơ sau:

Phép chay làm bảy đêm ngày.
Một người cầu tự, một người tụng kinh. Ch.Ba

Bước vào thế kỷ hai mươi, mặc dù nền văn minh đã thay đổi cuộc sống con người; nam nữ bình đẳng hơn, tập tục hủ lậu lần lượt bị bãi bỏ, dòng họ không còn ảnh hưởng mạnh mẽ vào cuộc sống gia đình nhưng trên phương diện nào đó các cặp vợ chồng vẫn còn ao ước sinh được con trai, có thể vì con trai tượng trưng sức mạnh, dễ thành công hơn trên đường đời?
Vợ chồng tôi sống trong một thời đại “tự do, dân chủ, bình đẳng bình quyền”, tự quyết định hôn nhân chớ không do cha mẹ cưới gả nghĩa là chúng tôi được hoàn toàn giải phóng khỏi thời kỳ phong kiến, tuy vậy tư tưởng ‘thích con trai’ vẫn còn lảng vảng đâu đó trong đầu làng xó chợ và ám ảnh ngay cả trong tâm tư thầm kín của chúng tôi! Số là lấy nhau chưa được bao lâu, vợ tôi sanh được một trai đầu lòng vào năm 1964, rồi hai năm sau 1966 sanh thêm một gái. Như vậy là quá ư hạnh phúc rồi còn gì, có trai có gái. Nhưng, ở trên đời luôn luôn có sự bất ngờ là con trai đầu lòng của chúng tôi lúc sanh ra bị ngộp, bác sĩ phải dùng máy hút đem ra, não bộ bị chấn thương nên đến hai tuổi mới ngồi dậy được, ba tuổi mới đứng dậy được một mình. Lúc nầy vợ tôi mới bắt đầu lo lắng, mặc dầu phải bận rộn săn sóc hai đứa bé mà đứa trai không được bình thường, nên trong lòng muốn có thêm một đứa con trai khác để gọi là lấp ‘khoảng trống con trai chưa trọn vẹn’. Chờ trên ba năm vẫn không thấy có thai, bà sốt ruột, không biết phải làm sao đây! Đi khám bịnh, bác sĩ bảo là bình thường : “cứ canh ngày, canh tháng rồi sẽ có”, nhưng ngày tháng cứ qua mà sự trông chờ không thấy đến! Nguyên vợ tôi có gốc người Hoa ở thế hệ thứ ba, cha ông còn có tên Tàu ‘Lường Cấm’, ‘Lường Xồi’; ông cố nội từ bên Tàu di dân sang định cư tại Bình Đại, Tỉnh Bến Tre trong thời kỳ Vua Thiệu Trị, cho người Hoa tị nạn chính trị (xem tiếp gia phả nhà họ Lương). Vợ tôi con nhà giàu có ở Cần Thơ ,-Hảng nước mắm Đồng Hương toạ lạc tại Bình Thuỷ phân phối nước mắm đi khắp miền tây là tài sản của ông nhạc gia tôi, dĩ nhiên bà vẫn còn trọng ‘dòng họ để kế nghiệp’ dù đó là họ của chồng, thì bà mới thấy làm tròn bổn phận người vợ. Những năm tháng ở tuổi học trò vợ tôi đã theo học tại các trường đạo như Providence Sóc Trăng, Régina Mundi Saigon, Notre-Dame du Lang Bian “Les Oiseaux” Đà Lạt, được gần gũi với đạo Thiên Chúa và bà đã ngộ về ‘tôn giáo ba ngôi’ nên đã xin được làm phép rữa tội để bước vào hàng ngũ các con cái Chúa. Từ điểm nầy, mỗi khi gặp khó khăn trong đời, bà thường cầu nguyện Đức Trinh Nữ Maria để được ơn phước cứu độ. Nơi bà thường lui tới để cầu nguyện hay ‘cầu tự’ là núi Đức Mẹ tại Nhà thờ Chúa Cứu Thế  đường Kỳ Đồng Sài gòn. Núi Đức Mẹ Nhà Thờ Chúa Cứu Thế  được xây trước nhà thờ về phía trái, lưng núi ngó vào dãy nhà Tu của các Cha, lúc nào cũng nghi ngút khói hương (Sau Cộng Đồng Vatican XX cho phép thờ cúng cha mẹ và đốt nhang đèn), và chung quanh núi Đức Mẹ dán không bíêt bao nhiêu ‘lời cảm tạ, lời biết ơn’.. trên các miếng gạch màu xanh vuông dài  chừng 4x6 tấc.  “Đức Mẹ ở đây linh lắm” các bổn đạo ai cũng nói như vậy, vợ tôi lại càng siêng năng cầu nguyện hơn cho được đứa con trai nữa. Đây là cầu tự theo tín ngưỡng của người Công giáo chăng? Cũng đơn giản và kín đáo! Sự cầu nguyện tha thiết cần mẫn cũng động lòng Thượng Đế; sáu năm sau kể từ lúc sanh cháu gái, vợ tôi hạ sanh một đứa con trai kháu khỉnh như sở nguyện, chúng tôi đặt tên cháu là:

PHẠM HUỲNH ANH VŨ
Sinh ngày 06 tháng 06 năm 1972 tại Nhà bảo sanh Hoà Bình số 101/4 Trần Hoàng Quân (Armand Rousseau) Ngã Sáu, Chợ Lớn.

Cha tôi đặt tên con theo từ phong kiến, để phù hợp thời đại tôi chọn tên con theo cái tinh anh của bản chất con người. Theo Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh thì Anh Vũ là anh tài và vũ dũng (brave). Lúc sinh ra cháu có sẵn một cái răng ,-theo khoa học thì do sanh dư tháng, nhưng theo truyền khẩu dân gian; ‘ngậm ngọc’ chung ra là quí tướng. Bà nội  cháu căn dặn; “chừng nào răng rụng phải đem quăng lên nóc nhà vào ban đêm, về sau cháu sẽ thành công lớn giống như chú Tam Lang của nó”. Ba đứa con sanh ra tôi đều túc trực  trước cửa phòng sanh; khi Vũ được đem ra phòng riêng, tôi quan sát rất kỹ xem cháu có bị tật nguyền gì không! Lúc vạch tấm tả để nhìn hai bàn tay thì Vũ  giựt mình quào tay tôi một cái, hoá ra móng tay nó khá dài vì sanh trễ mười ngày. Thấy mẹ tròn con vuông, xong xuôi đâu đó tôi dặn dò người làm là Sáu Gái vài câu rồi về nhà lo hai đứa lớn. Khuya đêm đó có tiếng đập cửa vội vã, tôi giựt mình thức giấc biết là có chuyện chẳng lành, chạy ra mở cửa thì Sáu Gái hổn hển nói: “Cô bị làm băng, cậu vào gấp đi.” Vội vàng mặt quần áo, tôi lấy xe phóng ngay vào bảo sanh viện. Bác sĩ đang tiếp máu cho vợ tôi, tôi cũng quên mất tên bà nầy vì thường vợ tôi đi khám bịnh với bác sĩ Huỳnh Ngọc Xuân (Giảng sư Đại Học Y Khoa Sài gòn, y sĩ điều trị tại Bịnh viện Chơ Rẫy) và em bà là bác sĩ Huỳnh Ngọc Tuyên (Nội khoa và sản phụ khoa, y sĩ điều trị bảo sanh viện Hùng Vương). Lần nầy đinh ninh là bs Tuyên sẽ đở đẻ cho vợ tôi nhưng thật không may bà bị bịnh ung thư não nên nhờ bác sĩ khác mới ra trường làm ở Bịnh viên Từ Dủ thay thế. Đến sáng vẫn không cầm được vết thương, vợ tôi kiệt sức. Tôi gọi điện thoại cầu cứu với anh ruột của vợ tôi là bác sĩ Lương Phán thì vợ anh là bác sĩ Nguyễn Thị Lợi vào trợ giúp bác sĩ của bảo sanh để vào máu vì mạch của vợ tôi đã lặng mất. Một lần nữa sự cố ‘cúp điện’ xẩy ra, tai hoạ đến dồn dập trong tình cảnh ngặt nghèo, thiệt là ‘phước bất trùng lai, hoạ vô đơn chí’. Tôi và anh vợ tôi Lương Huỳnh Tân chia nhau cấp cứu; anh chạy sang Viện Truyền Máu để mua máu, còn tôi phóng vào Bịnh viện Phước Kiến để xin anh vợ tôi cho vợ tôi được chuyễn vào bịnh viện của anh. Anh Phán phân giải cho tôi là bịnh viện anh không chuyên về sản khoa,  nếu rách trong cổ tử cung thì bịnh viện Phước Kiến không có loại kim may nầy, thấy tình hình khẩn cấp như chỉ mành treo chuông tôi quyết liệt xin anh; “Tôi là chồng của Thắm, tôi xin chịu hết trách nhiệm nếu vợ tôi có mệnh hệ nào miễn sao đưa được khẩn cấp vào đây để điều trị”. Thật tình tôi đâu có biết gì rành về y khoa! Hể là bác sĩ  mà là bác sĩ giám đốc có tiếng như anh thì cái gì mà chữa không được! Anh do dự một chút rồi quay sang anh Lương Học Sanh (anh thứ sáu của vợ tôi)  ,-trước đó anh Sanh đề nghị cho vợ tôi nhập viện, bị anh Phán từ chối, “Sanh ra lấy xe cấp cứu chở nó vào ngay đi”.  Tôi nghe thế, người như nhẹ nhổm. Hoá ra lúc chúng tôi lo di chuyễn Thắm vào bịnh viện Phước Kiến thì anh Phán cũng khẩn cấp mời bác sĩ giải phẩu của bịnh viện anh và cả bác sĩ giải phẩu giỏi ở Bịnh viện Chợ Rẩy là bác sĩ Trí sang. Tôi và các anh vợ tôi lo âu ngồi bên ngoài phòng mổ chờ đợi. Thời gian chậm chạp trôi qua kéo dài sự hồi hợp của mọi người, không ai nói vói ai một lời. Độ hơn hai tiếng đồng hồ, anh Phán xô của bước ra: “Xong rồi.. mọi chuyện đều tốt đẹp, chỉ là một vết thương nhỏ bên ngoài tử cung, nhưng phải tìm cho hết là không còn gì nữa và chờ cho hết ra máu.” Ai nấy đều thở phào, tôi thì cảm ơn rối rích. Còn Vũ được đem về nhà Cậu Sáu Sanh để mợ Yến (vợ sau) săn sóc giùm cháu sáu ngày. Sau khi xuất viện trở về nhà, vợ tôi bắt đầu có triệu chứng tâm thần do quá sợ hãi trong lúc sanh, từ đó phải vừa nuôi ba con vừa điều trị, có lúc phải nằm ở Trại tâm thần Bịnh viên Phước Kiến cả tháng. Tôi phải vào ra săn sóc vợ và con trong lúc vẫn phải phục vụ trong kho đạn Gò vấp phần lớn bị cấm trại 50%. Năm nầy tôi được thăng cấp đại úy trừ bị. Như vậy, lời nguyện cầu của vợ tôi được Thiên Chúa chuẩn nhận nhưng bù lại thân xác tâm hồn phải chịu biết bao nhiêu tổn thương cho đến ngày nay.
Cơ thể của Vũ phát triển bình thường, càng lớn càng ốm tong ốm teo vì chạy nhảy không ngừng. Mỗi lần vận động mệt nhừ hay đút đầu vào tủ lạnh cho mát nên luôn bị cảm, hai lần phải nhập viện Phước Kiến. Mẹ cháu ‘cưng’ cháu một cách đặc biệt, muốn gì được nấy, ngay trong những ngày sau ‘giải phóng’ đời sống vô cùng khốn khó, mà Vũ xin tiền là mẹ cháu cũng nhín ít nhiều cho. Khi đã ngủ riêng, vào giường Vũ luôn luôn mang theo một quyễn sách để kề bên gối mới chịu ngủ, đây là một thói quen ngộ nghỉnh. Cháu lên 3 tuổi, chế độ VNCH thất thủ, tướng Dương Văn Minh (Tổng Thống VNCH) đầu hàng Cộng sản miền Bắc.   Sĩ quan miền Nam được mời đi ‘ở tù’ với danh nghĩa là ‘học tập cải tạo’. Ngày tôi ra đi, cháu cảm thấy lạ không hiểu vì sao hôm nay tôi lại mang túi xách đùm đề, đứng kề bên mẹ đôi mắt lo âu bịnh rịnh vì thấy vợ tôi rưng rưng nước mắt “Ba đi vài hôm rồi về, con ỏ nhà ngoan nhe!” nói xong tôi vội vã bước ra khỏi nhà để tránh xúc động, theo ông bạn Lộc đang đứng chờ ngoài cửa, người luôn thúc bách tôi ‘đi sớm về sớm’.
Ngày tôi trở về  cháu đã 6 tuổi, tướng dong dỏng cao, đen đúa, mới đầu gặp lại tôi nó có chút bỡ ngỡ rồi sau đó nghe lời mẹ theo tôi về Ấp Xóm Thủ, Gò Công Đông Tỉnh Tiền Giang để cùng cha bị quản chế, nếm mùi ruộng rẫy và để hủ hỉ tình cha con sau bao năm cách biệt. Trưởng ấp và công an mới đầu còn e dè cấp bực đại úy của tôi vì chưa từng bao giờ gặp mặt tôi nhưng nhờ tên tuổi em tôi Tam Lang, mà họ có cảm tình. Họ thích món xúp trâu do tôi nấu và cũng đồng thời thích tửu lượng và cung cách nhậu của tôi nên họ khá dễ dãi, làm ngơ cho tôi đi đi về về thị xã Gò Công Xóm Thủ. Mỗi sáng tôi đạp xe chở Vũ về nhà mẹ tôi ở thị xã Gò Công, lo cho cháu ăn sáng rồi đưa cháu đi học ở Trường Tiểu Học Gò Công. Năm đó cháu mới bắt đầu năm học đầu tiên; học Lớp Một Trường Thị Xã Gò Công Đông. Cơm nước tôi lo buổi trưa, đi bán heo về Mẹ tôi lo buổi chiều. Cha con tôi nương tựa mẹ tôi hơn cả năm trời, sáng đi ra thị xã, chiều đi về Xóm Thủ. Hôm nào trời nắng ráo là mừng, còn mưa khi vào đến Xóm Thủ tôi phải gởi xe ở nhà người quen đầu xóm, rồi cõng Vũ lội sình trơn trợt trên các bờ ruộng vào nhà chị bà con bạn dì tôi ,-chị Đinh Thị Hường (chị làm kế toán cho Công Ty Nhà Đất của Pháp ở Sài gòn, hồi hương sau giải phóng, bảo lãnh tôi về quê để quản chế), cách xa đường cái hằng trăm thước. Đến nhà ,-ngôi nhà lợp lá xiêu vẹo, nền đất rộng chừng 18 mét vuông, nhiệm vụ của Vũ là đốt đèn dầu lửa, tôi dọn dẹp; trải chiếu trải mền trên bộ ván cũ kỷ rồi ngủ sớm nếu vào mùa đông, còn mùa hè thì chơi được một chút bên ngoài sân hay đi đặt lợp bắt cá con, có đêm một mình ra ruộng ngập nước soi đèn đâm cá lóc để Vũ ở nhà ngũ một mình, đôi khi cũng được nhiều cá lóc khá to.  Những ngày xã cắt tôi đi lao động: đắp đê ngăn nước biển ở Tân Thành, thì Vũ ở với bà nội. Thỉnh thoảng tôi đạp xe về Sài gòn để mua ít hàng; quần xà lỏn nylon dầu, viết máy cho học trò, về bán ở chợ Gò hay trong chợ làng  ,-giai đoạn ngăn sông cấm chợ, hên thì qua, xuôi thì trắng tay. Thời đó, dân làng họ buồn thời cuộc nên ngày nào cũng tụ tập nhậu nhẹt đen nghẹt trước hàng ba trên mười mấy căn phố liền với nhà mẹ tôi, họ uống toàn rượu đế. Tôi nẩy sinh ý kiến bán nước đá ‘giải nhiệt’ cho họ, thế là cha con tôi kẻ đong nước người bưng ly. Vũ giao ly đá cho khách và thâu tiền, mỗi ngày kiếm cho mẹ tôi cũng khá tiền. Lúc đầu lấy nước đá trong tủ lạnh ở nhà, sau nhu cầu càng ngày càng lớn, mẹ tôi phải mua thêm nước đá bên ngoài mới đủ cung cấp cho người tiêu thụ, nhờ vậy mà mẹ tôi có tiền đấp đổi qua ngày. Cứ thế kéo dài cuộc sống tạm bợ của cha con tôi ‘trong đường hầm chưa thấy ánh sáng’. Đến ngày xả chế, ấp trưởng và công an hợp dân lại tại cái đình gần đó để lấy ý kiến về mức độ thành khẩn, về năng suất tham gia lao động của tôi hầu đánh giá xem có xứng đáng phục hồi quyền công dân hay chưa? Cũng quên nói ở đây là khi đi học tập cải tạo còn quyền công dân lúc ra trường cải tạo thì mất quyền công dân. Đêm đó tôi không choVũ theo, dân làng tụ hợp cũng được vài chục người phần lớn mặt đồ đen, bên trong không đèn, bên ngoài ánh sáng trăng lờ mò. Sau khi các giới chức tuyên bố lý do buổi hợp là để xét xả chế cho tôi ,-chỉ có một mình tôi mà thôi, tới phần quần chúng góp ý, cả hội trường im phăng phắc đến lạnh mình; vì dân ở làng nầy đâu có ai biết tôi là ai, đã làm gì ở đâu mà có ý kiến! Sự chờ đợi nặng nề trong không khí âm u của một làng quê hẻo lánh như ngừng đọng, bỗng một giọng nam mạnh bạo phát biểu: “Tôi là Paul, tôi đã từng làm việc trên đồn điền với đại úy nầy lúc ông chưa bị động viên vào sĩ quan, tôi biết rõ ông là người lương thiện, hoà đồng với bạn bè, chưa từng làm hại ai, lấy tư cách người nông dân chân chính ở xóm nầy tôi xin bảo đảm với bà con, ông đại úy nguỵ nầy là người tốt nên xả chế và phục hồi quyền công dân cho ông, để ông trở về đời sống bình thường hầu làm ăn sinh sống nuôi vợ nuôi con. Bà con có đồng ý không?”.. “Đồng ý”, đa số dân làng bị thuyết phục bởi giọng nói rắn rỏi của anh Paul mà cùng đưa tay ủng hộ tôi. Sau nầy gặp lại anh Paul để tỏ lòng cám ơn mới biết anh có làm đồn điền Quản Lợi nhưng khác công tác và sau có đi lính VNCH. Định bụng có ngày sẽ mời anh chén tạc chén thù để tỏ lòng biết ơn nhưng anh đã tự vận vì buồn chuyện vợ con. Tôi cũng không quên tri ân chị tôi và đồng bào Xóm Thủ, vẫn còn chút tình thương chân chất của người miền nam đối với tôi, người ngả ngựa. Sau khi xả chế và tìm được việc làm ở Sài gòn cha con tôi mới trở lại sum hợp với gia đình, nhưng muốn lấy cái giấy xả chế  không phải dễ, phải đi tới đi lui, đi chầu đi chực, đi chạy đi chọt.. rồi mới có, bằng không cứ tiếp tục như còn quản chế.
Trở về Sài gòn, xin cho cháu vào học Trường  Trung Tiểu học Phan Sào Nam, điểm cao nên đến lớp 9 được chuyễn thẳng vào Trường Trung học Lê Hồng Phong (Pétrus Ký cũ) năm 1984 không qua thi tuyễn. Cháu luôn nhận được giấy khen thưởng từ khá, giỏi, tiên tiến đến hết niên học 1990 thì có giấy tờ chấp thuận cho phép cháu theo cha mẹ đi tị nạn chính trị tại Hoa Kỳ. Cháu đã hoàn thành xuất sắc lớp 12 tức tú tài 2 ngày xưa. Ngoài học văn hoá, vợ tôi còn dành dụm tiền cho cháu học piano như chị cháu, nhưng cháu học không được bao lâu, tự bỏ dở, chừng vợ tôi kiểm tra cháu, cháu thú thật không đi học rồi đem hết tiền trả lại. Sợ cháu không đủ sức khoẻ học hành, chúng tôi cho cháu ghi danh vào huấn luyện bóng tròn ở Sân Tao Đàn, lại cũng thủ vai trung vệ như chú nó. Tuy còn nhỏ mà cháu tập trung hết sức vào việc học văn hoá hơn các môn nghệ thuật. Đến Hoa Kỳ xin học lại High School Annandale, Fairfax, Virginia 1 năm để trau dồi thêm Anh ngữ (1990-1991). Các giáo viên thấy cháu quá giỏi toán lý hoá, nên khuyến khích cháu thi vào Community College để khỏi phí phạm thời gian. Cháu học ngày đêm trong 2 năm kể cả mùa hè cho đủ chứng chỉ để xin chuyễn vào Đại học. Virginia Tech nhận cháu trước, nhưng cháu chờ trường ‘top’; Georgia Tech gọi, cháu đi ngay. Sang Hoa Kỳ cháu ở với cha mẹ võn vẹn 3 năm rồi vào ở nội trú trong Đại học tại Atlanta, Tiểu bang Georgia cho đến ngày tốt nghiệp. Sự cố gắng không ngừng nghỉ trong học vấn của cháu đã được đền đáp bằng nhiều cấp bằng cao quí, xin xem các web sau để biết diễn tiến học hành của cháu và chức nghiệp hiện nay:


Để kết luận; cái ‘được’ cái ‘mất’ qua ‘cầu tự’ như đã trình bày trên, vợ chồng chúng tôi vô cùng hãnh diện từ hai bàn tay trắng không nhờ sự giúp đở nào, đã vương lên làm tấm gương sáng gieo niềm ‘tự tin vào sức mình’ cho các con và nhứt là Vũ để vượt qua mọi trở lực mà thành công trên đường đời. ‘Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền’/
LONG-NHI

Không có nhận xét nào: