29/5/12

CỤC THUỐC TRỊ NỌC RẮN ĐỘC. (Bài 111)

ÔNG NGOẠI TÔI

Ông ngoại tôi quê ở làng Thới Thuận (tục gọi Vũng Luôn, quận Bình Đại, tỉnh Bến Tre). Đất ven biển nghèo nên tìm đường di cư vào vùng phì nhiêu bằng cách ngược dòng sông Hậu đi vào những con rạch nhỏ nước ngọt rồi định cư tại làng Long Bình (tỉnh Rạch Giá lúc bấy giờ) khúc cuối cùng của Sông Cái Lớn, nơi hết dốc nên chảy ngoằn ngèo cùng nhiều voi, vịnh.

Làng Long Bình, ít người, không có phương tiện giao thông nào khác hơn ngoài ghe, xuồng. Dọc bờ sông là hàng dừa nước kế tiếp phía trong là một mảnh đất người ta lập vườn, kiểu trồng cây ăn trái bừa bãi, không có qui hoạch; về phía trong nữa là ruộng đất phì nhiêu với nhiều gò, vũng.

Ông tôi thuở nhỏ được học theo văn hoá Trung hoa tức học thuộc những sách cổ điển để thành một người gọi là có học thức. Theo chương trình, sau khi có vốn văn hoá rồi chỉ có hai con đường: y và bói toán (tử vi). Ông tôi chọn ngành Y và làm công cho một tiệm thuốc bắc (hiệu bán thuốc, bắt mạch trị bịnh của người Hoa). Học bắt mạch, viết toa với một ông thầy người Hoa gốc Phước kiến .

Khi về Long Bình, ông tôi là người trí thức lúc bấy giờ, lại đọc được chữ quốc ngữ nên trở thành người rất được kính nể và được Ban Hội tề bầu làm “hương cả” trong làng; vì mỗi lần có trác của quận về thì ông tôi đọc được chữ quốc ngữ,  giải thích cho Ban Hội tề rõ. Trụ sở làm việc gọi là nhà việc hay nhà làng. Nơi đó có bàn ghế để ban Hội tề họp. Một cái trống và một cái mõ. Mõ là một khúc gỗ cao một thước rưỡi, bít hai đầu, thân được khoét trống để làm thùng âm sắc gõ cho kêu. Nhà làng được một người ở giữ, dân gọi vị này là “ông trường xuyên” (nói trại từ “thường xuyên” tức là ở liên tục). Trống đánh dành để kêu gọi họp dân vào việc chích ngừa dịch tả và trái trời, (trái giống; chích ngừa mỗi năm một lần). Mõ thì dùng trong trường hợp nguy kịch và thường đánh to, hồi một (tức là đánh hết một hồi rồi gõ một cái thật to, rồi đánh tiếp).
        
Lệ trong làng hễ có mõ hồi một thì người dân phải đánh tiếp. Người dân dựng một tấm ván to thí dụ như ván ngủ trong nhà và lấy cây củi gõ vào làm mõ tiếp tục đoạn xóm này tới đoạn xóm kia, theo lệ thường là báo có cơn nguy cấp: rắn độc cắn, chìm ghe xuồng…

THẰNG NHỎ BỊ RẮN CẮN

Chuyện xảy ra khi tôi có độ mươi tuổi nhưng vẫn còn nhớ như ngày hôm qua. Một buổi sáng nọ, tôi ở chơi nhà ông ngoại bỗng dưng nghe tiếng mõ hồi một dài. Người dân đổ xô ra đường làng và tập trung về nhà ông ngoại tôi. Một lát sau, thấy từ ngoài ruộng một ông nông dân chạy vào cõng một thằng nhỏ cỡ tuổi tôi, hình như nó ngủ, mắt nhắm, nhưng lạ là miệng có nước bọt ở môi. Cha nó vừa qua khỏi hàng rào cây bông bụp ở bờ vệ đường thì có hai ba người chặn lại bảo to “không được vô nhà”. Sau này, tôi mới biết theo tín ngưỡng nếu bị rắn cắn mà đi ngang qua mái nhà là không cứu được. Có hai ba người chạy vô nhà bếp mang ra một tấm ván để ngoài sân cho thằng nhỏ nằm xuống. Tôi thấy nó dịu nhiễu, miệng đầy nước bọt, da xám sậm. Cha nó nói: “Tôi đang đào chuột, nó thấy ở phía trước có một cái hang tưởng ngách chuột nên đặt gót chân chặn ở đó. Một lát sau, tôi thấy nó đổi sắc mặt, xỉu, ngã xuống và ngay sau đó con rắn hổ trong hang nhảy vọt ra, chạy đi.

Ông ngoại tôi vạch xem vết cắn ở gót chân và gật đầu nói “rắn hổ đất” và gọi to vào nhà bếp cho một người dì mang ra nửa trái chanh đã cắt. Ông lấy miếng chanh chà lên chổ bị cắn và bảo: "Cho tao mượn một cây lông nhím". Đây là cây bằng thau to bằng cây xỉa răng hiện giờ nhưng dài hơn để các bà giữ búi tóc bới sau ót, có một đầu nhọn và một đầu có móc. Ông lấy đầu nhọn khều chỗ rắn cắn, thằng nhỏ không kêu đau. Ông lấy trong túi ra một cục đen như than bằng đầu ngón tay, đặt vào chỗ vết thương. Cục than này dính hít vào tại chỗ vết thương.

Ông quay lưng đi. Tôi lấy làm lạ. Một lát sau ông trở lại, miệng đang nhai gì ngổm ngoảm. Một người đứng gần hình như quen thuộc bảo to vào nhà bếp cho mượn chiếc đũa bếp nhỏ. Ông đó cầm hàm dưới thằng nhỏ, ngủ như mê, miệng đầy bọt. Ông bóp hàm, đút cây đũa bếp, nạy cho nó há miệng. Ông ngoại tôi lại gần quỳ gối xuống đất, nhổ những gì đang nhai vào miệng thằng nhỏ. Người phụ rút cây đũa bếp ra, bóp hàm để giúp nó nuốt được. Độ ba phút sau, nó nuốt nghe một cái ọt rồi từ từ mở mắt ra. Nó muốn lồm cồm ngồi dậy, mấy người xung quanh đè xuống không cho ngồi. Ông tôi đi vào nhà súc miệng sau đó trở ra bắt mạch cho nó. Độ một lát sau thấy nó tỉnh lại dần. Cục than ở vết thương cũng rớt ra. Ông tôi hô to vào nhà bếp để người dì đem ra ly rượu trắng. Ông bỏ cục than vào rượu. Mấy người xung quanh vui vẻ nói “máu nó xì ra kìa”, ông tôi lấy cục than rửa sạch bằng rượu, bỏ vào túi. Thằng nhỏ tỉnh lại, cha nó và mấy người xung quanh bảo nó “lạy ông hai lạy đi con!”. Nó quỳ trên tấm ván lạy ông tôi hai lạy rồi nó ôm cổ cha, được cõng về nhà. Mấy người hàng xóm vui vẻ ra về. Có một ông nhận định: "Chắc con rắn mới vừa ăn con chuột nên ít độc và ông Cả cứu thằng nhỏ rất mau".
                                               
CHẾ TẠO CỤC THUỐC RẮN

Năm đó gia đình trúng mùa, ông ngoại tôi đề nghị làm thêm vài cục thuốc rắn để trong nhà. Có dịp đi Sài Gòn, lòng tôi háo hức lắm. Đón tàu thuỷ lên Mỹ Tho chỉ ngủ một đêm và nửa ngày là tới. Từ bến tàu đến ga xe lửa chỉ độ trăm thước. Thế là mua vé đi Sài Gòn nhưng chỉ xuống ở Chợ lớn vì đây là chỗ “thần tiên”: ăn cơm Tàu, toàn tiệm Tàu mua bán. Có đi Sài Gòn thì lên xe điện viếng hãng “Sạt ne”, để đi thang máy cho biết.

Sáng hôm đó, ông ngoại, cha mẹ mình với đứa em đi trên đường “Marins” tức Trần Hưng Đạo bây giờ. Ôi vui ơi là vui! Ông ngoại dắt cả gia đình vào tiệm bán thuốc ba căn. To ơi là to! Xung quanh vách toàn là học tủ có khoen để kéo giống nhau, ở giữa tiệm là dụng cụ để xắt, tán, hay làm gì lĩnh khĩnh mình chẳng biết! Mình nhìn ông bán thuốc lấy làm lạ sao mà ổng kéo ngăn thuốc nào là đúng thứ thuốc ông muốn mà ngăn thuốc lại không ghi chữ, quả thật là tài. Ông ngoại đứng bên cạnh bàn người bán bảo cho mượn giấy và cây viết với mực tàu. Ông bán thuốc tò mò thấy ông già mặc áo dài màu đen cầm viết, thảo chữ nhanh nhẹn. Tay bán thuốc này vừa nhìn ông già vừa nhìn ông viết cười cười có vẻ phục lăn. Ông viết đầy hết miếng giấy trao cho người bán thuốc nó đọc qua cười cười rồi nói với cha mình một lát trở lại lấy. Ba mình đưa ông ngoại đến tiệm bán kiếng Mỹ Khoang mua cho ông ngoại cặp kiếng gọng vàng đựng trong hộp màu sáng trắng. Ối chà ông ngoại rất vừa bụng. Cả gia đình đi tiếp theo vài ba căn rồi đi vào tiệm sách to và bảo cho miếng giấy và cây viết. Ông viết mấy chữ rồi người bán sách mang ra hai cuốn sách dày đưa ông. Ông bảo được. Thấy vậy mẹ hỏi: “Sách gì vậy?”. Cha bảo: “Chắc sách thuốc”. Ông ngoại gật đầu vui vẻ bảo: “Sách hay, tên “Trung tây y học”… Trở lại tiệm thuốc bắc thì người bán thuốc bỏ xong hết thuốc vào một cái bao bột mì cũ của Pháp nhập cảng làm bánh mì, được lộn ngược cho không còn chữ in và hiệu. Nó đưa ra, mẹ mình định lấy. Ông ngoại không cho nói với mẹ: “Để thằng Tư (tức cha mình) cầm”; lúc đó mình được chín mười tuổi, thấy rất lấy làm lạ tại sao ông ngoại không cho mẹ cầm bao thuốc định đem về làm thuốc nọc rắn.

Về tới Long Bình ông trút ra trên bộ ván, ở nhà trên, nơi dành cho khách nghỉ. Không biết ông dặn gì mà cậu Năm xuống nhà bếp ra lệnh to: “Ba dặn không được lên nhà trên”. Lúc đó mình cũng lấy làm lạ: thường thường ở nhà bếp có bà ngoại cùng bốn người dì. Cậu năm dặn không cho lên nhà trên!

ÔNG NGOẠI TÔI CHẾ TẠO CỤC THUỐC RẮN

Hôm sau, thấy ông ngoại tôi ngồi bên cạnh đống thuốc và mở ra từng gói để kiểm tra, đưa vào cối để cậu tôi tán.

Đến một gói ông tôi nói “Đây rồi”. Thì ra có bốn năm cục trắng trắng bằng ngón tay cái, ông tôi đưa cho cậu tôi xem. Cậu trầm trồ: “Gạc nai cứng quá! Làm sao mà nó cắt được khéo như thế?”. Tôi ở bên cạnh hỏi: “Gạc nai là gì?”. Cậu tôi trả lời là “sừng con nai”. Mỗi con thú có đặc điểm là có một tên riêng;  trâu, bò, dê thì gọi là sừng; nai hươu thì gọi là gạc. Về màu cũng vậy; màu đen có con ngựa ô, con chó mực, con mèo mun; màu trắng có con ngựa bạch, con chó cò, con gà ác.

Mình thấy thú vị: chỉ hỏi có một tiếng mà được nghe dạy khá nhiều tiếng khác...

Rồi... sao thấy công việc người lớn cứ lung tung! Thấy cậu tôi ra ngoài sân bếp tìm trên giàn nồi một cái nồi mới chưa dùng, có nắp, rồi... sao mà... có kèm một dĩa đựng cám (thứ các dì nấu cháo cho heo ăn). Mình thấy sao mà rối ren qúa. Nghĩ mình không phải ở chổ này, nên “đi chổ khác chơi”!

Hôm sau, lại lạ kỳ hơn:tất cả đều dọn ra ngoài vườn của ông tôi. Vườn rất rộng, trên một khoảnh đất được che mát bằng mấy cây ăn trái có trải một tấm đệm trên đó có gối nằm, hai cái nóp; gần tấm đệm có một đóng un to tướng đang cháy có lên khói giống như đống un trong nhà để đuổi muỗi. Mình lấy làm lạ nhưng chỉ để quan sát coi mà thôi. Một lát sau thấy dì bảy bưng mâm cơm đi cửa sau nhà bếp lần theo đường mòn ngoài vườn đưa tới thềm nhà trên ra vườn; để mâm cơm trên một cái đôn, đưa bàn tay vào bên miệng và hú một cái. Mình thấy cậu năm từ chiếc đệm đến bưng mâm cơm ra đệm để mời ông ngoại đến ăn cơm với hai cậu. Lúc đi ra mình chặn đường hỏi tại sao dì bảy không mang mâm cơm  ra ngoài, để ông ngoại ăn. Cậu năm chỉ vào đóng un đang cháy có khói và nói trịnh trọng “cấm đàn bà lại gần”. Mình hỏi “tại sao?”. Cậu trả lời trịnh trọng: “Đàn bà họ ô trượt”. Lại gạn hỏi: “Ô trượt là gì?” là “dơ mình”. Lại gạn hỏi tiếp: nghĩa là gì? Lại bị gắt to “thằng này hỏi lắt léo qúa biết đường đâu trả lời”! Mình thấy coi bộ bớt thiện cảm, nên “đi chổ khác chơi”!

Khi mình trưởng thành, vấn đề này mình muốn sáng tỏ nên hỏi sự việc ra sao: “Trong qui trình chế tạo ra viên thuốc rắn thì mấy miếng gạc nai phải đun chậm chậm cho thành than. Trong lúc đun nó phải nằm trong môi trường thuốc: do đó trong cái nồi mới đựng thuốc phải dành chỗ để các cục gạc nai vào đó. Cái nắp nồi đậy lại muốn cho kín thì lấy cám trộn nước làm thành một loại hồ để trét cho kín. Tất cả để trong một đống trấu cháy chậm chậm như un muỗi.

Vài hôm sau, mình đến chơi thấy ông ngoại ngồi chỉnh tề trên bàn giữa, nơi ông ngồi biên toa thuốc, thấy có hai cậu ngồi đối mặt. Trên bàn thấy có mấy  cục than đen để trên tờ giấy trắng. Ông sâm soi từ cục rồi hỏi cậu hai: “có đúng ngày giờ hay không?”. Cậu hai trả lời kính cẩn “dạ đúng bảy ngày bảy đêm”. Ông tôi trịnh trọng gói lại trong giấy trắng và mang đi cất trong hộc tủ bàn thờ ông bà.

Thuở nhỏ, tôi thường thích nghe người lớn nói chuyện với  nhau. Một hôm, có bà cô “trong gia phả ở trang 12 số 2 cô Ba Hạnh có 4 con trong đó có Hai Kiểu”. Bà cô trách khéo ông ngoại rằng: “Anh có hai thằng con trai mà không truyền những bài thuốc hay lại”. Ông tôi trả lời: “Thằng nào bàn chân cũng bự cồ (tiếng lóng ngày nay là to đùng). Truyền cho nó, nó ăn tiền người ta mang thất đức suốt cả dòng họ”. Khi trưởng thành mình suy luận “Ông tôi coi tướng con bằng bàn chân” và cây thuốc chữa rắn cắn ông trồng ngoài vườn để hái lá nhai cứu thằng nhỏ không ai biết ở đâu và cây gì? Ông chết mang xuống dưới đất bí hiểm này vô cùng uổng tiếc”!.

THÀNH TÍCH VIÊN THUỐC NỌC RẮN

Năm đó tôi đã trưởng thành học lớp tú tài về nghỉ hè. Bữa đó sắp xếp tủ đựng thuốc, mẹ tôi đến chìa ra một gói giấy trắng bảo: “Mày cất cục thuốc rắn này cho tao; thường nó nằm ở tận cùng góc bên trái”. Trong lúc soạn tủ có một chai thuốc trống tôi bèn đem rửa phơi khô, đậy nắp lại dán miếng giấy trên nắp chai và quanh chai. Mẹ tôi nói; “Mấy hôm trước tao bị cá trê đâm sưng nhức quá chừng! tao bắt chước ông ngoại lấy nọc rắn khều chảy máu rồi lấy thuốc rắn đặt lên. Hai hôm sau hết nhức và bớt sưng lần lần".

Sau này tôi có người em út làm bác sĩ y khoa hành nghề ở Pháp, một hôm tôi đem câu chuyện này thuật lại nghe chơi. Cậu em bác sĩ này nói: “Lúc tôi bảy tám tuổi, anh Mười dắt lại nhà hàng xóm chơi và chọc con khỉ bị cắn ở tay. Về nhà không dám nói đến hai bữa sau khóc nói với mẹ. Mẹ tôi cũng khều chảy máu rồi đặt thuốc rắn và vài bữa sau lại khỏi”. Cách đây có trên 50 năm!  Ngày tháng trôi qua, câu chuyện mọi người quên dần!

Đến những năm 50 đầu thế kỷ trước, tôi làm giám đốc và quản lý chuyên môn cho bệnh viện tư nhân của  người Hoa gọi “Nhà thương Phước Kiến”. Một bữa nọ khoảng đầu buổi xế, y tá chạy qua nhà gọi: “có một người bị rắn cắn chở vào nhà thương mình”. Đến xem thấy một anh chàng lực lưỡng, trên cánh tay có một ga rô bằng khăn mùi xoa. Cả gia đình đi theo và cho biết cả nhà đang soạn một đóng sắt cũ để ở kho, đột nhiên một con rắn nhảy vồ tới cắn cẳng tay anh này. Một người sáng ý lấy khăn mùi xoa thắt ga rô lại, mấy người còn lại ví đập con rắn bỏ vào túi ni lông đưa mình xem. Thì ra con rắn lục, hơi mập có lẽ mới vừa ăn con chuột. Mình nói với gia đình: “Thuốc tây làm gì có thuốc trị chỉ có một loại vắc xin nhưng ở ngoài đâu có ai bán chỉ có của nhà nước là viện Pasteur. Tôi vừa điện thoại nhưng hôm nay chiều chủ nhật không ai bắt máy”. Trong nhà có người có ý kiến là chở đến nhà thương Grall (nhà thương Pháp). Độ chiều, y tá qua cho hay người bị rắn cắn nhập viện nằm trên lầu B. Tôi vào phòng nghe mùi tanh tanh khó chịu. Người nhà than phiền đến bệnh viện họ gọi nhau bốn năm người Pháp nam có, nữ có, xúm nhau coi con rắn xuyên qua túi ni lông lật cái đầu nó, lật qua lật lại. Một lát có người mang đến cuốn sách hình toàn rắn ơi là rắn! Thấy họ bỏ bê người bị rắn cắn không ngó ngàng tới nên tụi tui mang về. (Tôi nghĩ chắc đang cho người đi tìm người giữ chìa khoá tủ thuốc  đặc biệt). Thấy trên tay nạn nhân vàng khè hỏi ra mới biết có mời ông thầy Tàu đến và tìm đâu ra được mật cọp mang vào thoa cho nạn nhân.

Mình suy nghĩ, người ta hết đường cứu chữa vậy mình hiến kế của mình nói ra cách chữa rắn cắn của ông ngoại mình. Ối chà!người ta mừng quá. Tôi bắt chước ông ngoại tôi nhưng thanh trùng sạch sẽ theo y học phương tây nặn máu và đặt cục thuốc rắn.

Trước khi đi ngủ tôi hay có thói quen đi một vòng kiểm tra bệnh viện; lúc đó khoảng 9 giờ thấy giường nạn nhân bị rắn cắn trống trơn. Hỏi y tá mới biết bệnh nhân thấy bớt nhức và khoẻ hơn. Nạn nhân nói thật là thần kỳ; sau đó cục thuốc tự rớt ra. Do lạ chổ khó ngủ nên tự về nhà. Sáng hôm sau hai vợ chồng dắt nhau đến khám, bà vợ vui cười rạn rở. Đó là thành tích cuối cùng của viên thuốc rắn; nay vẫn còn trong chai, từ lúc mẹ tôi đưa đến năm nầy là trên 80 năm! Tôi vẫn còn giữ.!
             
Bs LƯƠNG PHÁN (Viết vào lúc tuổi đã 92)


Nếu các bạn thích đề tài này, có thể đọc thêm các bài sau:

Không có nhận xét nào: