15/12/12

SỨC MẠNH SIÊU CƯỜNG QUỐC QUA GIÁO DỤC? (Bài 117)

Nhìn Hoa Kỳ dưới góc độ nào để hiểu được sức mạnh của một siêu cường quốc dẫn đầu thế giới mà sự thành hình một quốc gia trẻ trung trong vùng bắc Mỹ mới hơn hai thế kỷ. Để trở thành  một siêu cường quốc lẽ dỉ nhiên phải có nhiều nguyên nhân khách quan và điều kiện rất đa dạng của địa lý thiên nhiên cấu thành,  cho nên với một bài viết ngắn ngủi như vầy không thể nào lột tả hết ở đây được đầy đủ ý nghĩa. Tôi chỉ xin góp nhặt một ít hiểu biết nhỏ về khía cạnh học vấn mà tôi đã trải qua  để các bạn cùng suy nghĩ và nghiền ngẫm.

Trên thế giới, nước nào cũng trọng nhân tài vì nhân tài là nguồn tài nguyên “trí thức” vô giá mà biết khai thác đúng mức sẽ đem lại nguồn lợi vô tận cho quốc gia. Biết thì ai cũng biết vậy chứ ít có nước nào thực tiễn tìm kiếm, nuôi dưỡng và sử dụng nhân tài một cách triệt để như quốc gia Hoa Kỳ. Đây là những mẫu chuyện thật của tôi và gia đình.

Tôi đến Hoa Kỳ vào năm 1990 lúc đó tuổi cũng đã 53 rồi còn học hành gì nữa? Nhưng vì nghe và nói không được đúng tiếng Mỹ, tôi quá lo lắng không biết làm sao hòa nhập vào xã hội này được để mà tìm công việc sinh sống. Những ngày đầu tiếp xúc với nhân viên chính phủ tôi nói tôi nghe chứ họ có ai hiểu tôi nói gì đâu! Còn họ nói thì tôi nghe chữ được chữ không, mặc dù tôi đã qua được lớp học ESL (Anh ngữ là sinh ngữ thứ hai) dành cho người tị nạn mới tới nhưng đâu vẫn hoàn đó “ù ù cạc cạc”, tức mình tôi quyết định  thi vào đại học.

Hoa Kỳ lá xứ sở lúc nào cũng nhắc đi nhắc lại câu “cơ hội đồng điều dành cho mọi người”, cái cơ hội ấy thấy được trong các đại học; người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên muốn vào đại học không cần phải chứng minh học vấn ở bậc trung học, chỉ cần thi phần kiểm tra Anh văn nghe, đọc và hiểu cơ bản tiếng Anh để sắp xếp lớp học. Đậu thấp thì học đọcviết nhiếu hơn, còn ngược lại đậu Anh ngữ cao thì lấy lớp chính mà mình thích. Phương pháp học là trước tiên chọn ngành học, rồi chọn môn học đã quy định trong chương trình, không học theo năm mà học theo chứng chỉ. Học xong môn nào thì thi lấy kết quả phần đó không phải chờ tới cuối năm mới dồn lại thi chung một lần.  Cộng đủ chứng chỉ đòi hỏi thì kể như đậu, ra trường, rất tiện lợi cho người học dễ chuẩn bị thời gian làm thêm kiếm sống. Hồi còn ở Việt Nam, nhiều bạn bè nói ở Mỹ học dễ lắm vì thi ABC khoanh đâu có gì khó đâu? Nhầm to các bạn ơi! Thí dụ như một bài văn đọc có 4 câu hỏi, mỗi câu ABC khoanh đúng được 25 điểm, cần trả lời đúng phải có tối thiểu 75 điểm mà câu trả lời nào cũng gần giống nhau 90%, nếu đọc và hiểu không rõ sẽ trợt ngay. Nếu các bạn sai 2 câu là rớt rồi. Môn nào rớt thì học lại lần 2, mà học lần hai sẽ bị bớt điểm, nên hể càng rớt thì càng gian nan có nghĩa là đòi hỏi trình độ môn đó phải được học và hiểu chính xác. Có một điểm cần chú ý là bài tập cho mỗi môn nhiều vô kể làm cả ngày chưa xong, có làm bài tập nhiều thì nhớ mới dai và cũng là phần được các cô thầy giáo dùng để vớt điểm cho sinh viên nếu bài thi cuối môn hơi yếu.

Năm 1992 tôi làm đơn xin Chính phủ liên bang Hoa Kỳ trợ cấp tài chính để vào học đại học lúc đó lương bổng của tôi còn quá thấp vì đi làm chẳng được bao nhiêu, nên được liệt vào loại người nghèo nhưng phải có thường trú nhân và phải ở trong tiểu bang tròn 1 năm. Chính phủ đồng ý cấp cho tôi năm đầu 7.580 USD trong này có vay Perking Loan 2.600 USD (tiền lời 5% trả làm 113 lần sau khi ra trường) còn lại là tiền “học bổng cho người nghèo” chớ không phải loại học bổng cho người xuất sắc. Nhận được số tiền thưởng tôi bật ngửa, thiệt là bất ngờ, không ai biết học vấn của tôi ra sao cả, mà cũng chẳng ai hỏi tôi có thể học được hay gãy gánh giữa đường? mà lúc đó tôi cũng chưa đậu vào đại học, lạ chưa? Sau đó mới vượt qua phần thi Anh văn, thế là tôi nghỉ làm theo học đại học. Học được hai năm tôi đành bỏ học vì hoàn cảnh gia đình, mẹ tôi già yếu đang sống bên Việt Nam cần sự giúp đở, phần khác hai con tôi đang theo học đại học cũng được Chính phủ yểm trợ tài chính, gia đình còn lại không đủ sống thế là tôi đành gác bút. Điều tôi muốn nói ở đây là chính phủ Hoa Kỳ tạo điều kiện để phát triển tài năng đồng đều cho mọi người bất phân tuổi tác, thành phần, bỏ học ngang xương mà cũng không bị buộc bồi thường tiền học vì không có cam kết nào đặt ra trước khi ký đơn theo học, như các bạn thấy đó.

Trong hai năm theo học đại học, lần đầu tiên tôi đã chứng kiến được sự khách quan đánh giá sinh viên của một cô giáo người Mỹ trắng với một sinh viên người gốc Liberia mà tới giờ này tôi vẫn còn khâm phục nền giáo dục vừa chân chính vừa tìm tòi nhân tài đặt đúng vị trí cho người sinh viên của các đại học Hoa Kỳ. Ngày đầu tiên lên lớp trên, các sinh viên phải viết lại một bài luận văn trước khi vào học với cô giáo mới để cô kiểm tra nắm chắc trình độ mỗi người. Hôm đó tôi ngồi gần một sinh viên nữ người Phi châu còn khá trẻ, da ngăm đen, khi tôi viết vừa đủ một trang giấy thì cô ấy đã viết hai trang, khi tôi xong hai trang giấy để kết thúc bài luận, nhìn sang cô ấy thì cô ấy đã viết đầy mấy tờ. “Đáng nể thật” tôi tự nhủ. Nhìn sang, cô ấy mỉm cười, tôi hỏi “Cô viết tiếng Anh nhanh thế? Xin lỗi cô người nước nào vậy?” Cô vui vẻ trả lời “Tôi người Liberia, học tiếng Anh từ nhỏ” À có thế chứ, hèn chi cô viết không ngừng nghỉ. Tôi tò mò hỏi tiếp “Thế bên nước cô, cô đã học tới đâu rồi, đi làm chưa?” Cô trả lời “Tôi là sinh viên đại hoc Y khoa” Nói vừa tới đó thì cô giáo tiến đến cô sinh viên Liberia và gọi tên cô rồi nói “Lớp này không phải là lớp của chị, trình độ của chị ở lớp trên” Rồi cô giáo đưa cô bé này đi liền ra ngoài.

Cô giáo là người Mỹ da trắng thi hành chức nghiệp một cách tinh tế trung thực, không kỳ thị, không phân biệt giai cấp tuổi tác đánh giá trình độ sinh viên theo mức độ học thức một cách chuyên nghiệp.
Con tôi, Anh Vũ là một học sinh được chuyển thẳng, vừa xong lớp 12 Trường Lê Hồng Phong (Pétrus Ký cũ) đến Hoa Kỳ cháu xin ở lại học lớp 11, mục đích của cháu là muốn trau dồi Anh ngữ cho thiệt giỏi để lên đại học "thuận bườm xuôi gió". Trong vài tháng học ở Trường Trung học Annandale các giáo viên đã tuyễn cháu vào lớp toán chuyên để đi thi đấu với các trường khác trong quận Fairfax có nghĩa là các thầy cô đã khám phá được khả năng của cháu. Gần cuối khóa học cô giáo phụ trách gọi cháu lên phỏng vấn “Em cho biết thật sự bên Việt Nam em đã học lớp mấy rồi? Tôi hỏi là để giúp hướng dẫn em trong việc học hành em đừng giấu diếm” Con tôi thật thà báo “Cháu đã đậu lớp 12 rồi”. Cô tiếp “Đúng như chúng tôi suy nghĩ, vậy thì thế này; 1 là nếu em muốn lấy bằng tốt nghiệp trung học rồi thôi không học nữa thì ở lại, 2 theo  chúng tôi em nên thi vào đại học để việc học của em không bị chậm trễ, chúng tôi thấy em có nhiều triển vọng thành đạt cao hơn về sau, em nên đi lên đừng ở lại, chúng tôi bảo đảm em có đủ khả năng thành công”. 

Hai cách thúc đẩy người sinh viên vào đúng vị trí học vấn của họ như trên, nếu mọi giáo viên có trí tuệ sáng suốt đều làm như vậy từ  thấp lên cao trên các bậc thang của ngành giáo dục thì làm sao mà tài năng không sớm phát triển, đất nước không sớm giàu mạnh! Các bạn thấy dễ hay khó làm được như vậy? Tôi nghĩ khó lắm vì cái này đòi hỏi trình độ nhận thức rất cao, phải được sống trong một xã hội công bằng và phải có một đời sống vật chất đầy đủ đồng đều cho mọi người thì mới phát huy được tính khách quan sàng lọc năng khiếu từ cấp thấp lên cao.

Tôi vừa mở đầu cho người sinh viên muốn vào học đại học quá ư là dễ dàng, mặt khác tôi muốn đề cập đến học đại học để ra bachelor degree (cử nhân hay kỹ sư) và lấy PH.D. (tiến sĩ) không qua Master (Thạc sĩ) của nhiều sinh viên ưu tú được các giáo sư xin chuyển thẳng để làm nghiên cứu.

Trong câu chuyện với bạn bè Việt kiều lâu năm ở Mỹ tôi nói về chuyện con tôi học tiến sĩ không qua Master, họ cho rằng tôi nói “đùa” sau đó tôi có nói lại cho con tôi nghe, nó bảo sự thật là như vậy, nếu muốn có master thì con chỉ cần làm cái luận án là xong. Và nó đã làm thật, sau đó cho tôi hay “Con có master rồi đó, Trường gởi về nhà cho con” nó không cần đến dự lễ phát bằng.

TẠM KẾT.
Nói về nền giáo dục Hoa Kỳ thì thật là "mênh mông vô bờ bến", nhưng phải hiểu rằng người Mỹ rất thực tế, họ làm cái gì cũng có kế hoạch chính xác dựa trên nhu cầu hiện đại hóa chứ không bảo thủ từ chương. Mặt khác, luôn được cha mẹ phụ huynh và báo chí không ngừng đóng góp ý kiến để hiệu chỉnh chương trình giáo dục luôn giữ vị trí tiên phong trên thế giới. Sự tiến hóa của con người không "dừng bước", nên những công trình cần thiết cho đào tạo nhất là nghiên cứu thì bao nhiêu tiền Chính phủ và các công ty tư nhân cũng đổ vô, người làm nghiên cứu cũng cực lực cạnh tranh với đồng nghiệp, với các ngành nghề khác nhau để sinh tồn, chậm một bước là đã thất bại chứ đừng nói dừng lại "chờ xem" là hỏng cả cuộc đời. Tương lai nước Mỹ phần lớn "đặt nền móng" trên khoa học làm "vốn chát xám" để trở thành siêu cường, không dựa trên tài nguyên thiên nhiên làm nguồn sinh lợi, cái đó chỉ là phần chìm chứ không phải phần nổi. 
L.N.

Không có nhận xét nào: