Bài này của tác giả LÊ PHƯƠNG đăng
trên báo mạng VnExpress ngày 31/12/2013 nơi mục ĐỜI SỐNG-‘Nhịp Sống’, chúng tôi
xin đăng lại nguyên văn để làm một tài liệu kỷ niệm cho gia đình và cũng đồng
thời phổ biến cho bà con, bạn bè không kịp theo dõi báo chí, sẽ có dịp cập nhật
tin tức nhắc nhở về Tam Lang nơi đây. Cám ơn tác giả. L.N.
Tuổi già của cựu cầu thủ lừng danh
Việt Nam
Tuổi ngoài thất thập, cựu huấn luyện
viên bóng đá Phạm Huỳnh Tam Lang một ngày 3 cữ thuốc trị bệnh gút, ấm êm với vợ
trong nếp nhà nhỏ. Trí nhớ giảm nhưng ký ức về một thời xông pha sân cỏ vẫn vẹn
nguyên trong ông.
Nhận phần thuốc buổi sáng từ tay vợ, danh thủ lừng lẫy một thời chậm rãi uống hết. 7 năm nay, bệnh gút khiến cử động của ông khó khăn, phải bầu bạn với thuốc men liên tục.
Nhận phần thuốc buổi sáng từ tay vợ, danh thủ lừng lẫy một thời chậm rãi uống hết. 7 năm nay, bệnh gút khiến cử động của ông khó khăn, phải bầu bạn với thuốc men liên tục.
Từng là cầu thủ nổi tiếng của Việt
Nam, giữ vai trò thủ quân giành cúp Merdeka năm 1966 và vô số giải thưởng khác,
là huấn luyện viên trưởng đội bóng Cảng Sài Gòn, huấn luyện viên Đội tuyển quốc
gia Việt Nam, Phạm Huỳnh Tam Lang được coi là một trong những trung vệ xuất sắc
nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam và châu Á. Nổi tiếng với lối chơi tài hoa,
phong thái điềm đạm, đức độ, ông là một trong số ít cầu thủ và huấn luyện viên
nhận được sự nể trọng của người hâm mộ lẫn giới chuyên môn.
Ngày nay trí nhớ kém hẳn do tuổi
tác và sử dụng quá nhiều thuốc, những chuyện vừa xảy ra có thể ông quên ngay,
nhưng ký ức xa xưa về bóng đá thì ông vẫn lưu giữ vẹn nguyên. Đó là những tháng
ngày chàng trai đất Gò Công (Tiền Giang) đội mưa nắng luyện tập cùng trái bóng
tròn với bạn bè ở quê. Với lối đá điêu luyện, nhiệt huyết, "bọ cạp"
Tam Lang từ đội bóng sân trường mau chóng bén duyên sân cỏ đội tỉnh rồi đội
bóng quốc gia. Đó còn là ký ức về chiếc cúp vô địch giải đấu danh tiếng
Merdeka, quy tụ những đội mạnh nhất của châu Á mà khi ấy việc được mời tham dự
giải đã là vinh dự.
Với ông, khoảnh khắc được sống
trong vòng tay của người hâm mộ, được khán giả yêu thương, tràn xuống sân ôm chặt,
tung hô, sân vận động lúc nào cũng chật kín khán giả cả 4 khán đài... là những
ký ức không thể nào quên.
Nửa thế kỷ trong nghề, chứng kiến
không ít thăng trầm của bóng đá nước nhà, có cả những người quý mến và không ít
những nhận xét nghiệt ngã, Phạm Huỳnh Tam Lang vẫn âm thầm cống hiến, bình thản
chấp nhận mọi thứ như bản tính vốn có của mình, để mọi thứ cho thời gian phán
xét.
Sau khi về hưu, lúc bệnh chưa trở nặng,
ông là một trong những người âm thầm đứng ra kêu gọi các cựu tuyển thủ đến với
nhau để tập luyện, chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống hiện tại, thành lập hội
tương tế cựu cầu thủ...
Tuổi già của ông Phạm Huỳnh Tam
Lang là niềm hạnh phúc đơn sơ bên người vợ hiền. Bà Tô Thị Minh Hồng, người vợ
gắn bó gần 30 năm, đã giúp ông yên tâm cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp quần
đùi áo số.
Phạm Huỳnh Tam Lang và người vợ đã
gắn bó hơn 30 năm qua. Ảnh: NVCC.
Trước bà Minh Hồng, chàng cầu thủ
điển trai, tài hoa ngày nào từng gặp tiếng sét ái tình với nghệ sĩ Bạch Tuyết,
người được mệnh danh là "cải lương chi bảo" thời bấy giờ. Hai người kết
hôn sau hơn một năm hẹn hò và chia tay sau 7 năm chung sống. Đến tuổi 40,
"nghệ sĩ sân cỏ" Tam Lang lập gia đình với người vợ kém ông 15 tuổi,
sinh được một con gái đi du học ngành dược và đã ra trường đi làm tại
Australia. Nghệ sĩ Bạch Tuyết cũng lập gia đình và có một con trai. Hai gia
đình hiện vẫn giữ mối quan hệ bạn bè thân thiết.
Không có cuộc sống giàu sang phú
quý nhưng vợ chồng ông Tam Lang đều hài lòng với hạnh phúc giản dị của mình và
cùng gìn giữ những ký ức đẹp. Sắp xếp ngăn nắp những kỷ niệm chương, cất giữ từng
album ảnh, từng bài báo về chồng, bà Minh Hồng thú nhận thời trẻ vốn không ghiền
bóng đá, không biết nhiều đến hào quang, sự nổi tiếng của chồng mà cảm mến ông
từ tính điềm đạm, hiền hòa.
Sự nghiệp của người cầu thủ gắn liền
với những chuyến đi xa nhà, bao nhiêu năm một tay bà Minh Hồng đảm đang việc
nhà để ông trọn vẹn cống hiến cho bóng đá. Đặc biệt là sau những chuyến đi theo
cổ vũ, sát cánh cùng những trận đấu của chồng, bà lại mê bóng đá lúc nào không
hay. Dần dà những câu chuyện liên quan đến bóng đá, bà đều nói chuyện, bàn luận
rất sâu sắc.
Trở về với nhịp sống bình yên tuổi
già, danh thủ lừng lẫy vẫn đau đáu vì đâu đó vẫn còn những câu chuyện khiến
khán giả mất lòng tin vào cầu thủ, người hâm mộ thất vọng với môn thể thao vua.
"Khi ấy mỗi lần vào sân ai nấy
lăn xả hết mình với một khí thế hừng hực, đặt tình yêu bóng đá lên trên hết chứ
không phải là lợi ích cá nhân. Thời đó không có chuyện chuyển nhượng, các cầu
thủ được đãi ngộ như nhau nên lúc vào sân chỉ biết dồn hết tâm sức vào trái
bóng, vì tinh thần thể thao, vì sự tin yêu cổ vũ của người hâm mộ mà cố gắng hết
mình", cựu danh thủ hồi tưởng.
Sinh năm 1942 tại Gò Công (Tiền
Giang), Phạm Huỳnh Tam Lang tham gia đá bóng từ khi còn ngồi trong ghế nhà trường.
18 tuổi, Tam Lang được gọi vào đội tuyển miền Nam . Ông sớm chiếm được vị trí trong đội
hình chính thức và dần giữ vai thủ quân của đội tuyển miền Nam .
Năm 1966, Tam Lang trong vai trò
trung vệ đội trưởng của đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam và cùng đội tuyển giành được cúp
Merdeka. Trong năm này, ông đã được mời vào đội tuyển "Ngôi sao châu
Á".
Năm 1981, ông được ngành Thể dục thể
thao TP HCM cử đi tu nghiệp lớp huấn luyện viên quốc tế tại Đức. Kết thúc khóa
học, Tam Lang nhận bằng huấn luyện viên bóng đá loại ưu.
Trên cương vị huấn luyện viên, Phạm
Huỳnh Tam Lang giành phần lớn sự nghiệp của mình ở đội Cảng Sài Gòn và giành được
nhiều danh hiệu quan trọng nhất trong lịch sử của đội này, với nhiều lần giữ vững
danh hiệu vô địch. Ông nhiều lần được các huấn luyện viên nước ngoài mời vào vị
trí trợ lý huấn luyện viên của đội tuyển Việt Nam . Ông cũng đảm nhận vai trò huấn
luyện viên đội tuyển ở các giải SEA Games và Tiger Cup.
Năm 2003, Tam Lang chính thức giã từ
sự nghiệp huấn luyện viên. Ông được AFC trao kỷ niệm chương vì sự cống hiến
trong suốt 50 năm với bóng đá Việt Nam và khu vực.
Năm 2013, ông được nhận giải thưởng
“Vinh danh Fair Play” nhằm tôn vinh những cá nhân tiêu biểu thể hiện tinh thần
Fair Play do một tờ báo trao tặng.
Lê Phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét