11/7/14

CỤ BÀ ÁI MỘ CAO TUỔI VÀ CÁM ƠN “HỌA SĨ” TÀI HOA(Bà 141)

CĐV đặc biệt của cố danh thủ Tam Lang
THỨ 6, 06/06/2014 04:13:49 (GMT+7)
TT - Những ngày qua tại Nhà tang lễ TP.HCM, hình ảnh bà cụ 94 tuổi Dương Thị Kim đã để lại nhiều cảm xúc trong số những người đến viếng cựu danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang...
Sợ con cháu không cho đến viếng vì tuổi cao và quãng đường đi khá xa, bà Kim đã lén đón xe ôm từ nhà ở đường Phạm Văn Chí (Q.6) đến Nhà tang lễ TP. Bà đến viếng không chỉ với tấm lòng tiếc thương vô hạn người cầu thủ mà mình rất yêu mến, mà còn đem theo những bức ảnh bà lưu giữ cẩn trọng khi có dịp chụp chung cùng cựu danh thủ Tam Lang trước kia.
Trong đó, có tấm ảnh bà ra sân bay Tân Sơn Nhất đón ông Tam Lang cùng các cầu thủ đội tuyển bóng đá VN như Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Minh Quang... trở về sau Tiger Cup, mà bà bảo rằng lâu quá rồi nên không còn nhớ là năm nào. Xem những tấm ảnh đó, vợ cố danh thủ Tam Lang - bà Minh Hồng - cũng không khỏi bất ngờ vì có những tấm ảnh đã rất lâu chứa đựng nhiều kỷ niệm về một thời thi đấu và huấn luyện của chồng mình. Bà Minh Hồng nói: “Tôi rất khâm phục khi chứng kiến niềm đam mê bóng đá và tình cảm mà cô Kim dành cho anh Tam Lang. Không dễ gì có người phụ nữ mê bóng đá như thế và bất chấp tuổi tác...”.
Bà Kim kể bà và ông Tam Lang gặp nhau khá nhiều lần và lần cuối cùng bà gặp là khi tình cờ cùng tham dự lễ khai trương một sân cỏ nhân tạo ở Q.8. Khi đó biết ông Tam Lang bị bệnh, bà hỏi thăm và được ông trả lời: “Dạ con bình thường thôi, nay mệt mai khỏe”. Bà Kim bảo thấy ông Tam Lang lúc đó cũng khỏe, vậy mà đùng một cái lại nghe ông mất khiến bà không khỏi bất ngờ và thương xót cho một tượng đài của bóng đá VN. Bà nói: “Tam Lang được nhiều người quý mến lắm. Nên nghe nó mất, ai cũng xôn xao. Đám con cháu tôi trưa 2-6 khi nghe Tam Lang mất cũng lập tức báo cho tôi trong tâm trạng ngờ vực về thông tin này”.
Trong suy nghĩ của bà Kim, ông Tam Lang không chỉ đá bóng giỏi mà còn rất đạo đức nên được rất nhiều người yêu mến. Bà kể: “Hồi xưa tôi đi xem bóng đá vì nghe Tam Lang đá bóng hay lắm. Đi xem rồi mới thấy đúng thiệt, hay quá trời, ai ngồi trên sân bóng cũng vỗ tay rần rần mỗi khi Tam Lang truy cản và lấy được bóng từ chân đối thủ. Có dịp gặp Tam Lang ở ngoài khi đi đưa tiễn hoặc đón nó thi đấu trở về, thấy Tam Lang ăn nói tử tế không chỉ với người lớn mà còn cả với người nhỏ hơn mình nên càng cảm mến. Khi làm huấn luyện, tôi thấy cầu thủ cũng quý Tam Lang lắm: thưa gửi một tiếng chú, hai tiếng chú. Tam Lang quý người hâm mộ lắm, như tôi có lần vào sân Thống Nhất xem bóng đá không có vé, Tam Lang khi đó đã là HLV thấy vậy liền nắm tay dẫn tôi vào sân”.
Không chỉ đi viếng và ngồi hơn cả giờ để nói chuyện với gia đình cựu danh thủ Tam Lang chiều 4-6, bà Kim còn bảo mình sẽ lại lên Nhà tang lễ TP vào sáng 6-6 để cùng mọi người đưa cựu danh thủ Tam Lang đến nơi an nghỉ cuối cùng.
7g30 sáng nay (6-6), gia đình cố danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang và ban tổ chức lễ tang sẽ làm lễ tại Nhà tang lễ TP.HCM trước khi đưa ông đi an táng tại nghĩa trang Đa Phước (Bình Chánh).
Trên đường di quan, xe chở linh cữu ông Tam Lang sẽ ghé vào sân Thống Nhất trong vài phút để chào tạm biệt sân thi đấu mà ông từng gắn bó trong thời gian dài, cũng như giúp người hâm mộ có thể bày tỏ tình cảm của mình với ông.
NGUYÊN KHÔI

Cám ơn ông, 'họa sĩ' tài hoa của bóng đá Sài Gòn
03/06/2014 16:22
(TNO) Vậy là HLV Phạm Huỳnh Tam Lang, người viết lên những trang sử đẹp cho bóng đá Sài Gòn trên cả cương vị cầu thủ lẫn HLV, đã ra đi.
Không chỉ đẹp về thành tích (1 chức vô địch Cúp Merdeka trong vai trò cầu thủ và 4 chức Vô địch Quốc gia (VĐQG), 2 Cúp Quốc gia khi làm HLV cho Cảng Sài Gòn) mà ông còn khiến người hâm mộ bóng đá Sài Gòn mê mẩn ăn, ngủ cùng thứ bóng đá đẹp trong suốt thời gian dài. Cái đẹp, cái say bóng đá mà ông đem lại có lẽ sẽ còn được người hâm mộ bóng đá Sài Gòn nói riêng và cả nước nói chung nhớ mãi.
Có lẽ ít người biết, để làm nên cái đẹp đó, ông cũng đã phải trải qua biết bao thăng trầm trong sự nghiệp cầm quân. Chính thức về dẫn dắt Cảng Sài Gòn (CSG) từ năm 1983, cũng là thời điểm ông tiếp nhận lứa cầu thủ trẻ tốt nghiệp trường Năng khiếu nghiệp vụ đầu tiên của TP.HCM như Đặng Trần Chỉnh, Hà Vương Ngầu Nai, Võ Hoàng Tân, Phạm Văn Tám…, cộng với những tài năng trẻ do ông phát hiện như Phan Hữu Phát, Nguyễn Thanh Tùng…, ông đã khiến CSG lột xác trong lối chơi tại giải VĐQG. Nhưng cũng từ đây, áp lực thành tích phải VĐQG của lãnh đạo ngành TDTT thành phố càng lớn vì từ khi giải chính thức ra đời (1980) các chức vô địch đều thuộc về các đội bóng miền Bắc.
Hai mùa bóng 1984 và 1985 đội CSG của ông đều không thể vào đến bán kết, nhưng không vì thế mà người hâm mộ bóng đá quay lưng lại với ông và CSG. Trái lại, cho dù đội có thi đấu tận Cần Thơ hoặc Long Xuyên, họ luôn đồng hành cùng đội bằng xe đò, xe gắn máy, dù phải dầm mưa dãi nắng, miễn sao được chứng kiến thứ bóng đá quyến rũ do ông tạo nên.
Đến mùa giải 1986, mùa bóng đầu tiên tổ chức vòng chung kết ở khu vực phía Nam, sau trận mở màn vòng chung kết bằng trận thắng 2-0 trước CLB Quân đội ở sân Long Xuyên, đường đến chức vô địch đã mở ra với ông và các học trò. Đến trận thứ hai gặp đương kim vô địch Công nghiệp Hà Nam Ninh trên sân Thống Nhất, khi lọt được vào sân tôi mới thấy hết được tình yêu mà người hâm bóng đá Sài Gòn dành cho ông và đội bóng. Trận đấu đến 15 giờ 30 mới diễn ra nhưng dù vào sân từ 13 giờ 30 tôi không còn tìm được một chỗ để ngồi, kể cả đường piste của sân, nên đành đứng đu trên hàng ràng rào giữa khán đài C-D để xem cho đến hết trận. Nhưng với nhiều người không thể vào sân được, tôi như thế còn là may mắn.
Và không phụ lòng người hâm mộ, CSG đã giành chiến thắng nghẹt thở bằng loạt sút luân lưu 11m sau khi hai hiệp chính và phụ hòa nhau 1-1. Trận thắng này cũng quyết định chức VĐQG cho CSG trong năm này, chức VĐQG đầu tiên của các đội bóng phía Nam.
Đây cũng là thời điểm ông tạo cho CSG “bộ tứ huyền ảo” nơi tuyến giữa, với Đặng Trần Chỉnh, Nguyễn Thanh Tùng, Nguyễn Văn Hòa và Hà Vương Ngầu Nại. Thậm chí bộ tứ này từng được người hâm mộ bóng đá Sài Gòn ví với bộ tứ huyền ảo của tuyển Pháp thời đó là Platini, Tigana, Fernandez và Giresse.
Cũng nhờ ông mà bóng đá Việt Nam có được những tiền vệ xuất sắc và tài hoa như Lư Đình Tuấn và Hồ Văn Lợi, bởi nếu không có ông, có lẽ chẳng ai biết đến họ. Với Lư Đình Tuấn, sau khi bị trường năng khiếu nghiệp vụ chê vì thể hình quá nhỏ, dù kỹ thuật có thừa, anh về tập cùng HLV Tam Lang. Và chỉ thời điểm ngắn sau đó, Tuấn đã có chân trong đội hình CSG khi mới 17 tuổi. Còn Hồ Văn Lợi đến với CSG trong vài trò cậu bé lượm bóng cho các đàn anh, nhưng với tài nhìn người của HLV Tam Lang cũng như nghị lực của chính bản thân, Lợi đã tỏa sáng trên sân cỏ cả nước.
Trong cương vị HLV, bất cứ trận đấu nào ông dẫn dắt, chưa một ai thấy ông ra đường biên tranh cãi với trọng tài về những quyết định đúng sai, cũng chẳng ai thấy ông văng tục với học trò hoặc hô hào cầu thủ của mình lao vào triệt hạ đối phương. Thay vào đó ông truyền lại cho những học trò như Nguyễn Phúc, Hồ Văn Tam… những cú ngã người tắc bóng có một không hai. Chính tiền đạo số 1 Việt Nam đầu thập niên 1980 là Cao Cường từng cho biết ông ngán nhất nhưng cú xoạc bóng của trung vệ Nguyễn Phúc, bởi nó không hề khiến đối phương dính chấn thương mà có thể giành lại bóng dễ dàng.
Có một câu chuyện thú vị về tính kỷ luật nghiêm khắc của ông đã lan truyền trong các thế hệ cầu thủ của CSG. Đó là trong một chuyến hành quân thi đấu ở tỉnh xa, do quá ghiền thuốc lá, một nhóm 3, 4 cầu thủ âm thầm rủ nhau xuống cuối xe ca để hút thuốc. Không may cả nhóm bị HLV Tam Lang phát hiện. Thế là trong trận đấu ngày hôm sau các cầu thủ này phải chịu án kỷ luật không được ra sân dù đây là trận đấu khá quan trọng.
Sự bình tĩnh, nét hào hoa, phong độ của ông nhờ đó luôn được các học trò kính phục. Trong lần trò chuyện cùng ông tại Trung tâm Thành Long sau khi chia tay CSG, ông từng khẳng định chính đạo đức của cầu thủ sẽ làm nên bóng đá đẹp, đẹp cả trên sân lẫn ngoài đời. Đây cũng là điều mà bóng đá trong nước ngày nay lại đang quá thiếu thốn.
Cũng từ khi ông chia tay CSG, bóng đá Sài Gòn không chỉ mất luôn thương hiệu “đẹp” truyền thống mà còn mất luôn cái tên trên bản đồ bóng đá nước nhà.
Và cũng từ khi ông chia tay CSG, người hâm mộ bóng đá Sài Gòn cũng nguội dần nhiệt huyết với trái bóng tròn, mất đi những màn la hét đến khản cổ trên sân bóng.
Vì vậy, xin cám ơn ông, người “họa sĩ” tài hoa của bóng đá Sài Gòn, vì đã từng đem lại cho chúng tôi những bức tranh bóng đá tuyệt đẹp, nhưng giây phút thăng trầm, những khoảnh khắc thăng hoa trong từng trận bóng trong quá khứ.
Xin vĩnh biệt ông.
Quốc Bảo

Cộng đồng mạng thương tiếc HLV Tam Lang
02/06/2014 17:19
(TNO) Trên khắp các diễn đàn và trang mạng xã hội rất nhiều người đã dành lời thương tiếc với sự ra đi của HLV Phạm Huỳnh Tam Lang, một trong những huyền thoại của bóng đá Việt Nam.
Nhiều bạn đã tỏ ra rất bất ngờ với thông tin này như bạn Bờm chia sẻ trên Facebook: Hôm trước lên thời sự thấy ông hom hem ốm yếu lắm rồi. Ông ra đi nhanh quá. Mong ông yên nghỉ”.
Không ít bạn trẻ dù chưa từng được xem cựu danh thủ thi đấu, chỉ biết ông qua những lời kể và bài báo nhưng vẫn dành cho ông một sự kính trong lớn.
Bạn T.Đ chia sẻ trên Facebook: “Mình 21 tuổi, chỉ biết đến ông khi được cha mình kể. Khâm phục ông, tượng đài của bóng đá Việt Nam”.
Hay bạn T.V. Anh bình luận: “Chưa bao giờ được xem bác thi đấu nhưng được bác đến bác qua lời của rất nhiều những thế hệ người yêu bóng đá Việt Nam và cháu cũng đặc biệt ngưỡng mộ những đóng góp của bác cho nền thể thao nước nhà. Mong bác ra đi thanh thản”.
Bạn C.Bum chia sẻ mất mát lớn này của bóng đá Việt Nam: “Bác Tam Lang là một trong rất ít cầu thủ VN được mọi người tôn trọng cả về tài lẫn đức trong và ngoài sân cỏ. Từ con người đến nhân cách, có thể nói ông chính là Beckenbauer của Việt Nam, một người thầy lớn của bóng đá Việt Nam
Những người từng may mắn được HLV Tam Lang chỉ bảo càng nhớ đến nhân cách lớn của bóng đá này.
“Người thầy, người chú đáng kính đã vĩnh viễn ra đi. Sẽ mãi nhớ những ngày đầu được chú dạy bảo, một độc giả tên Hiếu bình luận.
Bạn C. Nguyễn cũng ngậm ngùi: “Năm mình 17 tuổi, mình được tham gia một lớp đào tạo bóng đá và đã được gặp thầy Lang khi lần đầu dự tuyển! Yên nghĩ thầy nhé!”
HLV Phạm Huỳnh Tam Lang là một trong những nhân vật huyền thoại của bóng đá Việt Nam khi giành nhiều được thành công trong vai trò là một trung vệ tài hoa của Cảng Sài Gòn và đội tuyển miền Nam Việt Nam cũng như là HLV trưởng của đội tuyển Việt Nam.
Ông qua đời vào sáng ngày 2.6 do đột quỵ, hưởng thọ 72 tuổi.
Quỳnh Như

Tiếc nhớ Tam Lang
(LĐ) - Số 126 VŨ HÙNG - 12:40 PM, 03/06/2014
Cựu danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang đã ra đi sau cơn đột quỵ sáng 2.6 làm nhiều người hâm mộ bất ngờ, dù nhiều tháng nay bệnh gout đã làm ông đi lại khó khăn... 
Từ Ngôi sao Châu Á
Đã từ rất lâu, cái tên Phạm Huỳnh Tam Lang đã trở thành quen thuộc với giới hâm mộ túc cầu giáo cả nước. Ông từng là cựu cầu thủ của đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam Cộng hòa, rồi là nguyên Huấn luyện viên trưởng Câu lạc bộ bóng đá Cảng Sài Gòn và nguyên là huấn luyện viên ĐTQG Việt Nam. Phạm Huỳnh Tam Lang được coi là một trong những trung vệ xuất sắc trong lịch sử bóng đá Việt Nam và Châu Á.
Phạm Huỳnh Tam Lang sinh ngày 14.2.1942 tại Gò Công, Tiền Giang, Việt Nam. Cha ông là liệt sĩ chống Pháp, hy sinh năm 1945. Khi còn là học sinh, ông thi đấu cho đội tuyển của Trường Trung học Petrus Ký (nay là Trường Lê Hồng Phong). Năm 1957, lúc mới 15 tuổi, ông vào thi đấu ở đội Ngôi Sao Chợ Lớn. Bóng đá đã tạo ra số phận và sự nghiệp của Phạm Huỳnh Tam Lang. Vì đam mê khiến anh bỏ dự định vào đại học để chuyển sang sự nghiệp bóng đá. Năm 1960, khi 18 tuổi, Tam Lang được gọi vào đội tuyển miền Nam. Ông sớm chiếm được vị trí trong đội hình chính thức và dần giữ vai thủ quân của đội tuyển miền Nam.
Năm 1966, Tam Lang trong vai trò trung vệ đội trưởng của đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam Cộng hòa, ông cùng đội tuyển đã giành được Cúp Merdeka. Trong năm này, ông và cựu danh thủ Đỗ Thới Vinh đã được mời vào đội tuyển "Ngôi sao Châu Á". Ở cấp câu lạc bộ, Tam Lang từng chơi cho các đội bóng lừng danh thời bấy giờ như AJS (Association de la Jeunesse sporttive) và Cảng Sài Gòn. Năm 1981, ông được ngành TDTT TP.Hồ Chí Minh cử đi tu nghiệp lớp huấn luyện viên quốc tế tại Cộng hòa Dân chủ Đức. Kết thúc khóa học, Tam Lang nhận được bằng huấn luyện viên bóng đá loại ưu.

Sự tận tụy của người thầy
Trên cương vị huấn luyện viên, Tam Lang dành phần lớn sự nghiệp của mình ở đội Cảng Sài Gòn và giành được nhiều danh hiệu quan trọng nhất trong lịch sử của đội này. Ông góp công lớn mang về cho đội bốn chức vô địch vào các mùa bóng: 1986, 1993-1994, 1997, 2001-2002 và hai danh hiệu vô địch Cúp quốc gia 1992 và 2000, cùng hàng chục ngôi vô địch ở các giải bóng đá khu vực phía nam. Ông cũng nhiều lần được các huấn luyện viên nước ngoài mời vào vị trí trợ lý huấn luyện viên của đội tuyển Việt Nam. Ông cũng đảm nhận vai trò huấn luyện viên đội tuyển ở các giải SEA Games và Tiger Cup.
Năm 2003, sau khi đội bóng Cảng Sài Gòn bị xuống hạng, Tam Lang cũng chính thức giã từ sự nghiệp huấn luyện viên, kết thúc 28 năm nắm đội Cảng Sài Gòn. Ông đã tạo ra một thời kỳ lịch sử quan trọng của đội bóng này. Sau khi rời Cảng Sài Gòn, Tam Lang được mời về với Câu lạc bộ bóng đá TP. Hồ Chí Minh để huấn luyện cho các cầu thủ trẻ. Lứa cầu thủ trẻ tài năng này đã thăng hạng nhất ngay sau đó.
Nhưng đáng nhớ nhất với ông chính là nỗi đau khi Cảng Sài Gòn rớt hạng năm 2003, một năm sau ngày đoạt chức vô địch. Sau lúc đưa Cảng Sài Gòn đến với chức vô địch thứ ba trong lịch sử CLB, ông xin rút để giữ chân cố vấn kỹ thuật nhưng lãnh đạo không đồng ý. Đến lúc rớt hạng thì trách nhiệm trút hết lên đầu và ông bị quy kết là nguyên nhân chính khiến CLB rớt hạng. 
Trong cuộc đời mình ông cũng không bao giờ quên thất bại cay đắng trong ba năm liền của bóng đá VN khi làm trợ lý cho HLV Alfred Riedl ở Tiger Cup 1998, SEA Games 1999 và Tiger Cup 2000. Đó là những cột mốc mà chúng ta đánh rơi chức vô địch ngay trong tầm tay. Tất nhiên buồn nhiều mà vui cũng nhiều, vui nhất là việc ông đã giúp bóng đá nước nhà có được những cầu thủ tài hoa, đi lên bằng chính tài năng bẩm sinh như Lư Đình Tuấn, Hồ Văn Lợi, Nguyễn Minh Phương, Nguyễn Văn Khải...
Ông Tam Lang từng bộc bạch: “Bóng đá đã giúp tôi thành danh. Qua bóng đá tôi may mắn được nhiều người biết đến. Nhiều khi cần làm một việc gì đó tự nhiên có người yêu quý giúp đỡ. Những cổ động viên, những khán giả yêu mến đôi khi gặp trên đường mọi người nhận ra, "ới" một tiếng - niềm hạnh phúc mà với tôi không gì sánh được”.

06-14-201410:05 PM
Phạm Huỳnh Tam Lang sinh ngày 14/02/1942 là một tuyển thủ nổi tiếng với lối chơi hào hoa và cũng là một trong những huyền thoại của nền túc cầu miền nam Việt Nam. Trong vai trò trung vệ, ông được nhiều nhà bình luận bóng đá tại Sài Gòn thời ấy xem như là một Beckenbauer của Việt Nam
. Khi còn là học sinh, ông là thành viên của đội tuyển của trường Trung học Petrus Ký. Năm 1957, ông được chọn vào đội Ngôi Sao Chợ Lớn lúc vừa tròn 15 tuổi. Năm 1961, ông đá cho đội Việt Nam Thương Tín. Từ năm 1962 đến 1975, ông đá cho đội Cảnh Sát Quốc Gia (AJS). Năm 1966, trong cương vị thủ quân, ông đã dẫn dắt đội tuyển quốc gia VNCH đến chức vô địch cúp MERDEKA. Cũng trong năm này, ông và tiền vệ kiến tạo lừng danh Đỗ Thới Vinh được mời vào đội tuyển các ngôi sao của Châu Á.
Sau 1975, ông là thủ quân của đội Cảng Sài Gòn. Khi giã từ sân cỏ, ông trở thành Huấn Luyện Viên của đội Cảng Sài Gòn, rồi được chọn là Huấn Luyện Viên của đội tuyển Việt Nam.
Cùng với những tuyển thủ lừng danh như Lại Văn Ngôn, Phạm Văn Lắm, Đỗ Thới Vinh, Dương Văn Thà, Nguyễn Văn Ngôn, Trương Văn Tư, Hồ Thanh Cang, Cù Sinh, Cù Hè, Võ Thành Sơn, và Phạm Văn Rạng, tên tuổi của Phạm Quỳnh Tam Lang đã gắn liền với những thời kỳ vàng son của đội tuyển quốc gia Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975.
Người tuyển thủ tài hoa này đã vĩnh viễn ra đi vào sáng ngày 02/06/2014 tại bệnh viên Chợ Rẫy, hưởng thọ 72 tuổi.

Theo Tim Pham/Blog

Không có nhận xét nào: