30/7/09

NGHỈ HÈ TRÊN HỒ TAHOE (Bài 030)


Từ ngày con út chúng tôi chuyển việc làm về UC DAVIS ở Sacramento, California, vợ chồng tôi đã khăn gói đến thăm gia đình cháu 3 lần, -ngoại trừ vợ tôi, đến 4 lần, lần nào các con tôi cũng đưa chúng tôi đi thăm viếng một số nơi có nhiều du khách yêu thích Sacramento.
Năm nay, chúng tôi đến Sacramento vào mùa hè, hy vọng có nhiều thời gian cho cha mẹ sum hợp con cháu và tâm sự được nhiều hơn, nhưng con tôi tuy nghỉ hè song còn phải làm thêm kỷ thuật cho một Công ty 4 ngày một tuần, nên cũng không mấy rảnh rỗi. Mặc dầu vậy, cháu cũng cố gắng đưa vợ chồng chúng tôi đi viếng Golden Gate Park ở San Francisco và tuần sau đó đưa chúng tôi đi nghỉ hè trên HỒ TAHOE. Hồ nầy đã làm cho tôi có nhiều ấn tượng tốt đẹp về thiên nhiên hữu tình; giữa một vùng nước  trời nối liền rừng núi xanh thẩm một màu trải dài trên bãi cát vàng như vô tận. Được chiêm ngưỡng cảnh đẹp thì như “rượu vô lời phải ra”, xin ghi lại vài hàng sau đây cho phỉ tình.
Ngày 18 tháng 7, ăn sáng xong, chúng tôi khởi sự lên đường, lúc đó cũng gần 10 giờ sáng Cali. Tuy quen đường nhưng các con tôi vẫn chuẩn bị hành trang, địa điểm tham quan; từ West Sacramento chạy bọc theo Cảng Sacto, qua khỏi thành phố Cảng, tiến vào xa lộ cao tốc 80 thẳng hướng đi hồ Tahoe. Điểm đến là Kings Beach nằm về phía bắc hồ Tahoe thuộc địa phận California, có lẽ là bãi lớn nhứt. Hồ Tahoe có 2/3 thuộc Tiểu ban Cali còn lại 1/3 thuộc Tiểu ban Nevada. Xa lộ cao tốc 80 khá rộng; 3 đường đi, 3 đường về. Đường phẳng lì quang đãng, hai bên đường là các đồng cỏ vàng hực mênh mông, điểm vài bụi cậy xanh trơ trọi giữa nắng hè gay gắt. Gấn về phía bắc, rừng thông bắt đầu xuất hiện, lúc rậm rạp sát đường, lúc xa xa trên các ngọn núi dài liên tục hết dãy nầy nối theo dãy khác. Đường chạy thông thoáng, lên dốc càng ngày càng cao hơn. Đặc điểm là các nhà vệ sinh công cộng dọc đường đều treo bảng “đóng cửa”, cũng không lấy gì làm lạ; năm nay ngân sách Tiểu bang California thâm thủng 26 tỉ nên mọi việc tiêu xài đều phải hạn chế, nếu cần ‘xả gió” thì cứ vào các cây xăng hay tiệm cà phê cũng dễ dàng thôi. Từ địa điểm nhà con tôi ở West Sacto đến Kings Beach phải chạy 122.6 miles và trung bình mất khoảng 2 giờ. Trước khi gần đến exit 267 chúng tôi chạy ngang Lake Donner; hồ nầy hơi nhỏ; 3 miles chiều dài và ¾ mile chiều ngang, ở độ cao 5,935.8 miles trên mực nước  biển, độ sâu nhất của hồ là 328 feet, cũng khá nhiều người đang chơi thuyền trên hồ. Vào Exit 267, có nhiều đường rẽ đã sửa lại mới nên chúng tôi lọt vào một thành phố thật nhỏ, giống như những thành phố thời kỳ cow boy tìm vàng, khá khang trang ngăn nắp với đầy đủ cửa hàng cung cấp những gì khách cần. Chúng tôi tìm đến một nhà hàng Mỹ dễ thương không kém phần sang trọng để dùng cơm trưa, đồ ăn thật là ngon, khách phần lớn có tuổi; trang phục thanh nhã lịch lãm. Dùng bửa xong chúng tôi tìm đường đến Kings Beach (điểm A trên bản đồ kèm bên). Gần đến Hồ, không biết bao nhiêu là nhà chạy dọc hai bên đường; Motel, Resort, khách sạn đủ loại, đủ giá, đủ kiểu, du khách mặc đồ ngắn đi lại, nằm ngối thảnh thơi, thong dong. Tìm chỗ đâu xe xong, chúng tôi mang đồ cắm trại, quần áo tắm ra bãi Kings Beach; trước mặt tôi là một dãy cát vàng rực rỡ chạy dài từ hướng bắc về hướng nam xa hút tầm nhìn. Thoáng nhìn bãi cát vàng có thể lầm tưởng là bờ biển nào đó! Nước hồ trong xanh, bao quanh bởi các ngọn núi trùng trùng, về phía bắc hồ vài cụm mây trắng đùn lên rồi đứt quãng bởi bầu trời xanh thăm thẳm chiếm cả một vùng không gian rộng lớn. Tôi cố gắng nhìn phía bên kia bờ Carson City, Neveda nhưng chỉ thấy bờ nước và núi lờ mờ. Liều trại dựng ngổn ngang trên bãi cát vàng sát bờ hồ, dưới các tàn cây. Kẻ nằm, người ngồi phơi nắng với quần áo tắm hai mảnh, một mảnh. Trên bờ dưới nước lao xao rộn ràng, tàu thuyền, xuồng máy phóng chạy tóe nước trông thật là vui mắt với những cánh dù đủ màu do tàu kéo bay lơ lửng trên không trung.

Sau khi đã bơi lội, chúng tôi thu dọn đồ đạc, tắm rửa lại rồi lên xe để đi về hướng nam của hồ Tahoe ngoạn cảnh. Từ Kings Beach vòng về phía nam hồ Tahoe mất 39.9 mi, trên 1 giờ chạy xe. Chúng tôi dừng lại Emerald Bay để ngắm cảnh (điểm B trên bản đồ kèm trên), Vịnh nầy chạy ra hồ Tahoe, cảnh trí đẹp tuyệt vòi. Từ trên cao 6.900 ft nhìn xuống mặt nước của Vịnh qua các cây thông cổ thụ; tàu thuyền tới lui không dứt. Hòn đảo Fannette Island nằm chơi vơi cô đơn giữa dòng nước, một ngôi cổ thành nhỏ sừng sửng trên đảo như một pháo đài đã hoang phế*. Tâm hồn tôi như treo lơ lửng giửa nước và trời, hơi thở lặng mất để chợt nhẹ nhàng như luồng gió vỗ cánh giữa trời nước bao la. Ngắm cảnh ở nhiều vị trí khác nhau mà vẫn chưa thấy thỏa mãn; vì nơi nào cũng cho thấy một cảnh đẹp đặc sắc. Thời giờ có hạn, muốn về, nhưng tâm hồn còn quyến luyến không nở rời, hai ba lần các con nhắc nhở, cuối cùng đành tạm biệt để hẹn lại lần khác. Đã 6 giờ chiều rồi còn gì, các con tôi chạy vào một thành phố nhỏ trên đường về và chọn nhà hàng Thái lan để dừng chân dùng cơm. Nhà hàng đơn giản, trưng bày bàn ghế, tranh ảnh theo màu sắc Thái nên cũng lạ mắt, một vài phụ nữ Thái tiếp khách, còn lại toàn người Mỹ trắng phục vụ. Đồ ăn tương đối ngon như các nhà hàng Thái ở Thủ đô.
Con tôi lấy đường 50 để trở về Sacramento (gần hơn trở lại xa lộ cao tốc 80), phải chạy khoảng 85.1 mi và mất chừng trên 1 tiếng đồng hồ một chút. Xa lộ 50 chỉ có 2 đường chạy, một đi một về, thỉnh thoảng được thêm 1 đường phụ ngắn để tạm dừng xe. Bên đường về nằm trong vách núi, bên đường đến sát vực thẳm; đôi chỗ không có hàng rào sắt chắn lại trông thật hồi hợp, ớn người. Xe xuống dốc không cần đạp “ga” mà cứ chạy ào ào, con tôi kèm thắng liên tục, xe nào qua mặt nó cứ nép vào bờ trống, cho qua. Về đến nhà trời đã tối, tôi vội lấy máy quay phim, chụp hình xem lại coi có đầy đủ và tốt không, thôi thì OK được các hình ảnh khá lạ mắt và đẹp (kèm slide show dưới bài nầy), thỏa mãn vô cùng.
Một chuyến nghỉ hè khá thú vị và khó quên nhưng, đồng thời cũng không quên cám ơn các con tôi đã chu đáo chuẩn bị một chuyến đi chơi hoàn hảo/
________________________________________________________
*Fannette Island được Bà Lora Josephine Knight mua lại năm 1928, và do kiến trúc sư Vikingsholm người Bắc Âu vẽ mẫu thu nhỏ của một lâu đài ở Âu châu. Bà Night dùng nơi nầy để tiếp trà các khách của Bà, nên có tên là “Nhà trà”. Nhà đã bị hủy hoaị những năm gần đây, chỉ còn trơ lại tường đá bao quanh, bên trong; một lò sưởi năm ở góc, môt bàn bằng cây với 4 ghế ngồi.
  
Vài đặc điểm  của hồ:
Hồ Tahoe là hồ nước ngọt (định nghĩa nước ngọt là nước chứa ít hơn 0,5 phần nghìn các loại muối hòa tan). Nước hồ được xem là rất tinh khiết. Tuyết, mưa, các dòng suối đổ nước về hồ ở phía nam và hồ xả nước ra sông Truckee River chảy về hướng đông bắc qua thành phố Reno để vào hồ Pyramid bên Tiểu ban Nevada.
Hồ được hình thành từ 2 triệu năm về trước hay nhiều năm hơn nửa, nằm ở Dãy núi Sierra Nevada. Một số các đỉnh núi cao của hồ Tahoe gồm có Freel Peak cao 10.891 ft (3.320 m), Monument Peak cao 10.067 ft (3.068 m), Pyramid Peak cao 9.983 ft (3.043 m), và Mt. Tallac cao 9.735 ft (2.967 m).
Chiều dài (bắc-nam) 22 mi (35 km).
Chiều rộng (đông-tây) 12 mi (19 km).
Diện tích 191 sp mi (495 km2).
Độ sâu tối đa 1.645 ft (501 m).
Độ sâu trung bình 1.000 ft (305 m).
Dung tích 122.160.280 acre feet (151 km3).
Chiều dài bờ 71 mi (114 km).
Cao độ 6.229 ft (1.899 m).
Độ lạnh của nước 40-50oF (4,5-10oC) trong tháng 2 và 3.
Độ ấm của nước 60-70oF (18-21oC) trong tháng 8 và 9.
Dưới độ sâu 600-700 ft (183-213 m) nhiệt độ nước giữ ở mức 39oF (4oC).
Hố Tahoe là hồ sâu thứ 2 ở Hoa Kỳ, chỉ sau Hồ Crater ở Oragon với độ sâu 1.949 ft (594 m), nhưng lại là hồ có kích cở lớn nhất tại Hoa Kỳ. là hồ thứ 16 có độ sâu nhứt Thế giới và là hồ thứ 15 có độ sâu trung bình của Thế giới.

Để có một so sánh với Hồ sâu nhứt Thế giới là HỒ BAIKAL ở miền nam Siberia Russia: Độ sâu 5.390 ft (1.642 m). Chiều dài 395 mi (636 km), chiều rộng 49 mi (79 km), diện tích 12.248 sp mi (31.700 km2), dung tích  5.700 cu mi (23.615 km3)
LONG-NHI

XEM HÌNH ẢNH (Click vào đây để xem, vì Picasa Web Albums đã ngưng hoạt động)

Không có nhận xét nào: