Theo thông lệ, cứ mỗi Mùa Giáng Sinh các con chúng tôi đều trở về sum hợp gia đình và cùng đi dự Lễ nửa khuya tại Nhà Thờ St Michael ở Virginia, nhưng năm nay các cháu đổi chương trình. Gia đình Anh Vũ từ Sacramento California đã bàn bạc với gia đình Đoan Trang ở Washington DC, cùng đồng ý đổi địa điểm hưởng Lễ Giáng Sinh về thành phố New York. Thôi thì các con muốn sao mình theo vậy.
Với Đoan Trang và Anh Vũ thì đây là lần thứ hai các cháu trở lại New York sau hơn 20 năm kể từ lần đầu tiên chúng tôi đặt chân xuống đất nước Hoa Kỳ tại phi trường John F Kennedy International Airport, New York ngày 26/06/1990 và ngủ đêm tại một Motel gần đó để rồi sáng hôm sau bay tiếp về Virginia. Riêng vợ chồng tôi và cháu Anh Nguyên thì đây là lần thứ ba, lần thứ hai chúng tôi đi theo đoàn du lịch của hai cháu Thanh Lang tổ chức viếng New York ngày 16/09/2002 (một năm sau ngày World Trade Building bị tấn công 11/09/2001); chạy vòng khu Manhattan để xem ground 0 của WTB đã được dọn dẹp sạch sẽ, viếng Nữ thần Tự Do, nhưng phần lớn ở chơi và mua sắm tại China Town.
Lần nầy, chúng tôi chia làm 2 toán đến thăm lại New York và ở qua đêm tại Manhattan; gia đình Vi-Vũ-Hà Khanh dùng xe lửa tốc hành từ DC đi NY ngày 24/12/09 để trải nghiệm thú đi xe lửa tại Hoa Kỳ, Trang-Phước-Mai Trang đưa chúng tôi và Anh Nguyên đi đường bộ đến NY ngày 25/12/09. Cả hai toán tính thời gian di chuyễn đều tương đương mất 4 tiếng ½. Gia đình Vũ ở khách sạn trên đường 7th Ave, còn toán chúng tôi ngụ tại Crowne Plaza-1605 Broadway-NY10019, cả hai đều ở gần Times Square. Phước khá rành đường, đến đúng ngay khách sạn đã đặt trước. Giao xe cho nhân viên khách sạn, Phước lo mọi thủ tục nhận phòng. Gia đình Trang ở lầu 22-P27, chúng tôi ở lầu 37- P18. Khách sạn có 40 từng, thang máy chạy với tốc độ khá nhanh ‘ù cả tai’, đứng trên phòng nhìn xuống các building chung quanh có cảm giác “lạnh chân”.
Sau khi ổn định mọi việc, chúng tôi rời khách sạn ra phố tìm cái gì để ăn. Trời mưa lất phất, đường phố nhạt nhòa vần vũ mây che, nhiệt độ ở độ âm C. Xe cộ lưu thông chậm chạp, nhưng du khách tấp nập trên các lề đường, tiệm tạp hóa, tiệm thời trang, tiệm ăn. Ai cũng khoác quần áo lạnh và nón phủ kín người, đủ sắc, đủ màu. Người thì ăn mặc rất thời trang, kẻ vận đồ đơn giản, giàu nghèo lẫn lộn, đủ màu da, đủ ngôn ngữ khác nhau mà tôi chỉ nhận ra được rất nhiều người (không kể tiếng Mỹ) nói tiếng Pháp, một ít tiếng Liên xô, tiếng Nhật, tiếng Tàu, tiếng Tây Ban Nha ngoài ra còn nhiều ngôn ngữ khác tôi không biết hết. New York y như một thành phố quốc tế. Chúng tôi vào tiêm ăn McDonald trước Công trường Times Square; người như “nêm”, từ dưới đất lên đến trên lầu không có một bàn nào trống. Phước lo đặt món ăn, còn chúng tôi đi tìm bàn, tìm ghế. Rồi cuối cùng cũng chiếm được một chỗ khá lý tưởng sát mặt tiền, có kín nhìn ra công trường Times Square . Chúng tôi vừa ăn vừa ngắm người qua kẻ lại; nhân viên quảng cáo chào mời du khách, một hai vũ nữ quần đỏ áo đen bó sát người mời gọi đến xem họ trình diễn về đêm. Chung quanh Times Square không biết bao nhiêu bản quảng cáo điện tử khổng lồ lấp lánh màu sắc rực rỡ với những hình ảnh tài tử, người mẫu, xe cộ kiểu mới, bánh kẹo màu mè lạ mắt, cái chạy lên, cái chạy xuống, cái chớp, cái nháng làm hoa mắt người xem. Sau đó chúng tôi trở về phòng nghỉ ngơi để tối lại đi xem Cây Giáng sinh Rockefeller.
CÂY THÔNG GIÁNG SINH CỦA TRUNG TÂM ROCKEFELLER TẠI NEW YORK (THE ROCKEFELLER CENTER CHRISTMAS TREE).
Trung Tâm thương mại Rockefeller nằm giữa đường W 48th St và W 51th St. Manhattan bao gồm 19 cao ốc chiếm một diện tích 22 acres (89.000m2).
Chúng tôi rời khách sạn khi thành phố lên đèn, đi dọc theo đường thứ 48 West về hướng đông nam để đến xem cây thông Rockefeller. Các cửa hàng dài theo hai bên đường chói chang ánh sáng phô bài đủ loại hàng hóa hấp dẫn; máy chụp hình, quần áo túi xách thời trang, đồng hồ, tranh ảnh, đồ kỷ niệm, bánh kẹo thực phẩm không thiếu thứ chi, từ trong cửa hàng tràn ra cả lề đường, ngoài ra còn những phòng ca nhạc, các show biểu diễn vũ v.v.. Giá cả hàng hóa tương đối rẻ.
Người người háo hức đổ về hướng Trung Tâm Rockefeller trong trật tự và lịch sự. Trời khá lạnh, dưới 32 độ F, mặc đồ lạnh phải mang thêm bao tay và đội nón trùm đầu. Chúng tôi đi khoảng hai khu phố là tới nơi.
Đây là Cây thông Giáng sinh nổi tiếng trên thế giới được thấp sáng lên tại Trung tâm Rockefeller hôm thứ tư 2 tháng 12 năm 2009 lúc 8:55 tối bởi Ông Thị Trưởng Michael Bloomberg.. Cây thông nầy có truyền thống 77 năm khởi đầu từ năm xây dựng Trung tâm Rockefeller 1931 (thời kỳ đại khủng hoản kinh tế), Giáng sinh năm đó các công nhân xây dựng đã tổ chức mừng Giáng sinh; họ dựng một cây thông thuộc giống bắc Mỹ và trang trí bằng những chùm cây nham lê (cranberries), những vòng hoa giấy thậm chí cả những lon thiếc. Về sau thì mỗi năm cây Giáng Sinh nầy được tuyển lựa trong các rừng thông và trang trí càng ngày càng cầu kỳ để thu hút khách du lịch và khách hàng mua sắm trong dịp Giáng sinh.
Cứ mỗi năm vào tháng 11, người quản lý các vườn cây của Trung tâm Rokefeller, phải dùng phi cơ bay đi tìm cây thông đúng tiêu chuẩn ,-thường là loại thông Na Uy, trên không phận các tiểu bang Connecticut, Vermont, Ohio, New Jersey và đôi khi cả Ottawa của Canada để chọn cây tốt nhất, cao từ 75 đến 90 feet (23 đến 27m).
Năm nay Cây Giáng Sinh Rokefeller Center là một cây thông Na Uy cao 76 feet chọn từ Easton, Connecticut . Cây thông nặng 10 tấn, dài 23 m được cắt hôm 11-11-2009 đưa về New York trên đoạn đường dài 50 dậm (85 km). Các chuyên viên phải mất 3 tuần lễ mới dựng được cây thông vào vị trí ổn định, mắc khoảng 5 dậm (8 km) dây đèn, mang trên 30.000 bóng đèn đủ màu và nhiều đồ trang trí khác. Đặc biệt trên ngọn cây đặt một ngôi sao pha lê có đường kính 9.5 feet (3 m) và nặng 550 lbs (249.5 kg) do hãng pha lê Swarovski của Áo sản xuất và nghệ nhân Michael Hammers, người Đức sáng tạo.
Đến nơi du khách quá đông, không phân biệt được ai với ai, chúng tôi phải liện lạc bằng điện thoại cầm tay mới khỏi lạc nhau. Theo lời phát ngôn viên Keith Douglas của Rockefeller Center thì trong mấy ngày nầy có khoảng 750.000 người đến mỗi ngày. Mạnh ai nấy quay phim chụp hình, nói cười vui vẻ như được mãn nguyện vì đã chứng kiến tận mắt cây thông Giáng sinh vĩ đại chưa từng được mục kích bao giờ! Bốn năm phút thì đèn trên cây thông chóp nhoáng một lần. Gia đình Vũ đến trễ mà Vũ lại không mang bao tay nên lạnh chịu không nổi, phải vội vàng chạy mua bao tay trong tiệm gần đó.
Sau đó Vi Vũ mời tất cả chúng tôi vào nhà hàng ‘Saigon 48’ để ăn mừng Giáng sinh và đoàn tụ gia đình đồng thòi kỷ niệm nơi đã đặt chân xuống Hòa Kỳ 19 năm 5 tháng trước đây. Vũ gọi cho tôi 1 ly cognac Remy Martin và nước suối Ý. Ngồi trong nhà hàng nhỏ; ấm cúng uống cognac pha soda, sao mà nó ngon thế!. Nhà hàng mang tên Việt Nam nằm trên đường 48 mà món ăn nửa Tàu, nửa Tây, nửa Thái không giống VN chút nào, song món ăn cũng vừa miệng. Nhà hàng nầy của người Hoa, tính tiền xong bà chủ hỏi con dâu tôi “Ăn ngon không? Có làm đúng món ăn VN không?”. Con dâu tôi phỉnh cho một câu: “Ngon lắm, giống y Việt Nam .” Bà chủ khoái chí cười: “Vậy mà bọn VN vào đây bảo tao nấu đồ VN không ra VN.”
Trở về phòng, lạ chỗ khó ngủ, chúng tôi thức dậy trễ. Bên ngoài mưa tiếp tục rả rích, mây mù âm u. Trang dự đinh đi China Town nhưng thấy thời gian không còn nhiều nên quyết định quay về Virginia . Phước lo thủ tục trả phòng và thanh toán cho khách sạn.
Rời Manhattan lúc 12 giờ trưa. Trên đường về mưa nặng hột, tầm nhìn không được xa, vừa ra khỏi New York là giao thông tắc nghẽn, xe cộ đùn cục, chạy chậm như rùa bò. Lại kiếm chỗ vào ăn trưa dọc đường. Trở ra xa lộ cao tốc 95 vẫn chạy ‘từ từ thắng điểm’. Đến cảng Baltimore , Maryland đèn thành phố lờ mờ chập chờn trong mưa bụi, người nào cũng uể oải. Phước thấm mệt để Trang thay tay lái. Về đến nhà chúng tôi đã 9 giờ tối, gia đình Trang còn phải tiếp tục về DC. Gia đình Vũ đi xe lửa về sau thì tới DC trước và nghỉ lại khách sạn ngoài đó, để sáng hôm sau đi xem Cây Thông Giáng Sinh Quốc Gia.
CÂY THÔNG GIÁNG SINH QUỐC GIA TẠI WASHINGTON D.C.
(THE NATIONAL CHRISTMAS TREE)
Ngày thứ năm 3 tháng 12 năm 2009 từ trong tòa Bạch Ốc, Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama và hai con gái Malia và Sasha đã giúp Tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ, Barack Obama bấm nút điện tử điều khiển từ xa để thấp đèn cây thông Giáng sinh Quốc Gia truyền thống. TT Obama và toàn thể khán giả tham dự bên cây thông đã đếm ngược từ 5 tới 1 để khởi động nối mạch các bóng đèn đỏ và vàng trang trí trên cây thông Giáng sinh. TT Obama la lên: “đèn cháy rồi.”, lúc ấy là 8:55 chiều. Các đài truyền hình đều đồng loạt chiếu các diễn tiến buổi lễ. Sau khi đèn được thắp sáng thì ca sĩ Cheryl Crow chào mừng buổi lễ khánh thành cây giáng sinh của TT Obama bằng một bài ca “Jingle Bell Rock” rất sôi động và các buổi trình diễn ca nhạc trong lễ hội Giáng sinh kéo dài suốt tháng.
Cây thông Giáng sinh quốc gia là loại cây thông Colorado xanh dương, cao 40-foot được Sở Công viên Quốc gia tìm được ở tiểu bang Pennsylvania và mang về trồng lại trong công viên Ellipse, rộng 52 mẫu Anh (210.000m2) nằm ở phía nam tòa Bạch Ốc vào ngày 20 tháng 10 năm 1978, còn lại đến ngày nay. Ngoài ra còn những cây thông nhỏ tượng trưng cho 50 tiểu bang, 5 vùng lãnh thổ và District of Columbia của Hoa Kỳ làm biểu tượng con đường dẫn đến hòa bình. Năm nay Công ty GE đã trang trí từ ngọn đến chân cây thông bằng những bóng đèn tiết kiệm năng lượng LED tiêu thụ điện năng 6.000 watts, so với năm rồi là 18.000 watts và 40.000 watts của những năm trước đó. Các loại đèn gồm có; một ngôi sao 42-inch trên ngọn cây, 42 ngôi sao vàng 12-inch có từ năm 2008, 42 ngôi sao trắng loại 15 và 20-inch có từ năm 2004, và 54 ngôi sao gồm vàng-đỏ 18-inch, 24-inch và 30 ngôi sao xẹt loại 30-inch có từ năm 1998.
Sơ lược về nguồn gốc cây thông Giáng sinh quốc gia:
Tháng 11 năm 1923, đệ nhất phu nhân Grace Coolidge đã cho phép Trường công lập Quận Columbia dựng cây Giáng sinh trong công viên Ellipse ở phía nam Nhà Trắng. Các nhà tổ chức đã đặt tên là “Cây Giáng Sinh Quốc Gia”. Lúc 5:00 giờ chiều mùa Giáng sinh năm ấy, Tổng thống Calvin Coolidge (Tổng thống thứ 30 của Hoa Kỳ) đi từ Nhà Trắng ra công viên Ellipse để bấm nút điện phát sáng cây thông bắc Mỹ 48-foot trước sự chứng kiến tại chỗ của 3.000 khán giả nhiệt tình theo dõi. Cây thông nầy được trường đại học Middlebury mang từ quê hương của TT ở tiểu bang Vermont đến tặng.
Từ năm 1924-1953 sử dụng cây thông sống trồng tại các địa điểm khác nhau xung quanh và trên nền Nhà Trắng, được thắp sáng để mừng Giáng sinh.
Đến năm 1954 thì cây thông được trở lại trồng trên khu Ellipse để cử hành lễ Giáng sinh. Các nhóm thị dân và doanh nghiệp địa phương tạo ra ‘Đám rước Lễ Giáng sinh của Hòa bình”. Thêm những cây thông sống nhỏ trồng chung quanh để tượng trưng các tiểu bang và lãnh thổ Hoa Kỳ.
Tháng 12, 1954, Tổng thống Dwight D. Eisenhower thắp sáng cây thông Giáng sinh chặt sẵn do dân chúng Michigan tặng. Thông lệ nầy được tiếp tục cho đến hết năm 1973.
Ngày 20 tháng 10 năm 1978 thì cây thông Giáng sinh là một cây sống lấy từ Pennsylvania trồng lại trong công viên Ellipse cho đến ngày nay, như đã nói ở trên.
Năm 1941, Thủ tướng Winston Churchill của Anh Quốc đến Nhà Trắng để họp Hội Đồng chiến tranh với Tổng thống Franklin Delano Roosevelt và dự Lễ Giáng Sinh, nhưng do các hạn chế bởi chiến tranh Thế giới II, Tòa Bạch Ốc không mua sắm thêm các nhu liệu cho cây Giáng sinh chỉ sử dụng đồ cũ cùng với các đóng góp của học sinh để trang trí và cây Giáng sinh cũng không được thắp đèn vì lý do an ninh.
Sau vụ mưu sát tháng 3 năm 1981, để bạo vệ an toàn, Tổng thống Ronald Reagan phải đứng trong Cổng phía nam Nhà Trắng sử dụng điều khiển từ xa để thắp đèn cho Cây Giáng Sinh Quốc Gia. Tổng thống George Herbert Walker Bush lại tiếp tục truyền thống nầy vào năm 1989 cho đến ngày nay.
Năm 1995, lần đầu tiên cây Giáng sinh Quốc Gia đã được thắp sáng bằng năng lượng mặt trời. Năm 2007, đèn LED đã đưa vào thay thế cho bóng đèn.
Giáng sinh 2009 năm nay, các con chúng tôi đã cùng thỏa hiệp được một ý kiến chung là nhân dịp đoàn tựu gia đình thì đồng thời cùng đi vui chơi tìm hiểu thêm về văn hóa truyền thống của đất nước Hoa Kỳ đa chủng tộc nhưng hài hòa trong tự do và bình đẳng. Ý kiến thật hay! Chúng tôi tuy tuổi đã cao nhưng vẫn thấy cần phải học và hỏi nhiều điều hơn nữa về một đất nước đứng hàng đầu trên thế giới nầy, để khỏi phải làm ‘ếch ngồi đáy giếng’.
Cám ơn các con, đã cho chúng tôi những ngày vui đầy ý nghĩa/
XEM HÌNH ẢNH (Click vào đây để xem, vì Picasa Web Albums không còn hoạt động)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét