14/3/10

NHẠC SĨ ANH VIỆT VÀ NHỮNG KỶ NIỆM KHÓ QUÊN (Bài 044)


Hôm nay 14 tháng 3 là ngày tưởng niệm năm thứ hai của cố nhạc sĩ Anh Việt và cũng là Đại tá Trần Văn Trọng, Cục Trưởng Cục Quân Cụ Việt Nam Cộng Hòa đã ra đi về cõi vĩnh hằng. Nhớ đến ông là tôi nhớ lại một vài kỷ niệm khó quên của riêng tôi về ông; cứ mỗi khi nghe âm thanh bài nhạc “Bến cũ” trổi lên thì lòng tôi thấy vô cùng áy náy, nặng trĩu cũng như những lúc xem các trận bóng chuyền trên TV thì tôi nhớ như in gương măt mệt mỏi, bất động của ông sau các trận tranh cúp bóng chuyền sĩ quan Quân cụ. Để giải tỏa nỗi niềm riêng chôn chặt trong lòng tôi trên 40 năm, tôi xin viết  ra đây vài hàng gọi là đốt lên một nén hương tưởng niệm lòng bao dung của người đã khuất;

Năm 1965 tôi bị động viên vào Trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức. Sau 4 tháng huấn luyện cơ bản về bộ binh, tôi đã được chuyển về ngành Quân cụ lẽ dĩ nhiên phải qua trắc nghiệm tâm lý của Bộ Tổng Tham Mưu, để tiếp tục học về công xa, cơ khí 1 tháng và sau đó tôi được cấp trên phân loại đi chuyên ngành đạn dược. Chúng tôi là sinh Viên Sĩ Quan khóa 20 là khóa đầu tiên học và ăn ở tại Trường Quân Cụ, Hạnh Thông Tây Gò Vắp. Nghe tới tên Hạnh Thông Tây là dân Saigon liên tưởng ngay tới ngã ba Chú Ía vì ngã ba Chú Ía là xóm "thanh lâu" có tiếng của Thủ Đô VNCH. Khóa nầy các sinh viên sĩ quan đã làm các ông thượng sĩ gác đồn canh của Trường rầu ‘thúi ruột’ vì sinh viên sĩ quan luôn vắng mặt về đêm. Họ trốn trại đi chơi thường về khuya, thậm chí có người tới sáng mới ló mặt về tới đồn canh. Khóa 20 là khóa sĩ quan gần như bị “tổng động viên” trong thời Thủ tướng Trần Văn Hương. Thời kỳ này nếu có lịnh gọi nhập ngũ vào sĩ quan trừ bị mà không trình diện, sẽ bị phạt đi lính binh nhì ở Trung tâm huấn luyện binh sĩ Quang Trung, vì vậy toàn thể sinh viên sĩ quan đa số là những người đã đi làm việc nhiều năm trong các công sở hoặc công ty tư nhân nên họ là những người có nhiều kinh nghiệm sống và mặt khác cũng có quen lớn lãnh đạo trong chính phủ và quân đội, nên họ có thái độ “tỉnh queo như con ruồi”!
Lúc đó Liên đoàn trưỏng Liên Đoàn  khóa sinh là ông đại úy Nhàn, người đứng đắn nghiêm nghị nhưng lại dễ dãi và sĩ quan phụ trách SVSQ là thiếu úy Tồn, ông có tướng đi phục phịch nặng nề giọng nói lại khàn khàn, tuy hay la nhưng cũng hiền khô. Đôi khi có việc phải đối đầu với anh em khóa sinh, ông ra lịnh nhưng anh em khóa sinh không chấp hành thì ông lầu bầu mấy tiếng rồi bỏ đi báo cáo lên trên, thế là hết chuyện. Đại khái như  vào một buổi chiều, tôi không nhớ rõ là chúng tôi bị phạt về việc gì?  đại úy Nhàn đứng trong văn phòng nhìn ra xem ông thiếu úy Tồn thi hành lịnh phạt chúng tôi. Khởi đầu thiếu úy Tồn ra lịnh cho chúng tôi sắp hàng 1 trước sân cờ, chúng tôi thi hành sau đó Ông phát lịnh “chạy”. Tất cả đứng im, không ai chạy. Lịnh thêm lần 2 lần 3, các sinh viên vẫn đứng trơ trơ như trời trồng. Ông bỡ ngỡ một chút rồi lào khào nói:
 “Phạt chạy không chạy há!” “Ờ! Không chạy thì đứng đó phơi nắng hé!”.
Mọi người im re, không ai nhúc nhích. Thiếu úy Tồn thấy bất lực lui vào trong rù rì với Đại úy Nhàn. Các sinh viên sĩ quan lúc đó cũng trạc tuổi các huấn luyện viện. Trong hàng bị phạt có các sinh viên Thuận, Mỹ, Phúc đều to con vạm vỡ, hăm các bạn đứng trước mình “Thằng nào chạy, tối nay tao trùm mền đó nghen!”. Tay Quý đứng đầu hàng cao lêu nghêu như cây tre miễu, tính tình trầm lặng ít nói không động đậy mặt nghểnh cao về 1 phía khác như không nghe thấy lời đe dọa của bạn bè cũng như không hay biết gì lịnh chỉ huy đã ban ra. Nhiều chuyện sẩy ra khá tức cười nhưng nói chung anh em trong khóa đều là người tốt có học thức, nên không có chuyện gì đáng tiếc. Các huấn luyện viên cũng biết là các sinh viên sĩ quan này ở thế “không muốn cũng phải thi hành luật quốc gia” mà vào đây, nên đôi khi các ông cũng châm chế làm ngơ không áp dụng kỷ luật sắt.
Lúc đó Trung tá Từ Nguyên Quang là Hiệu trưởng Trường và các sĩ quan huấn luyên có Trung úy Quang, Trung úy Kịch, Trung úy Lộc, Trung úy Phương và một vài người nữa tôi đã quên tên phụ trách anh em khóa 20. Tuy khóa chia ra nhiều ngành khác nhau như công xa, cơ khí, đạn dược nhưng sinh hoạt chung. Các bạn biết tôi là nhạc sĩ tài tử nên giao phụ trách văn nghệ, việc đầu tiên là tập cho các bạn ca bài Quân Cụ Hành Khúc của nhạc sĩ Anh Việt và vài bản hùng ca khác để ca trong các buổi sinh hoạt trong quân trường và  phụ trách tổ chức chương trình văn nghệ cho buổi tiệc mãn khóa sĩ quan làm sao cũng phải có sự góp mặt của vài ca sĩ nổi tiếng của Thủ đô để làm long trọng cho buổi tiệc mãn khóa.
Trước khi mãn khóa vài tuần tôi được cắt cử đi tìm ca sĩ, ban nhạc để lên chương trình làm tiệc ra trường. Các bạn khác thì được phân công trang trí kỳ đài, cờ xí, phần khác lo đặt tiệc, trang hoàng sân khấu, thuê mượn bàn ghế v.v.., mỗi người một việc; vừa dọn bài thi, vừa lo tổ chức buổi lễ ra trường hết sức bận rộn. Phần tôi phải liên hệ ngay với nhạc sĩ Minh Kỳ (Trưởng Ban Văn nghệ Cảnh Sát Quốc Gia), nhạc sĩ Huỳnh Anh (trưởng ban nhạc nhà hàng Maxime), nhạc sĩ Hoàng Liêm (Trưởng Ban nhạc Paramouth) và nhạc sĩ Lê Dinh (Đài phát thanh Saigon) để tìm ký hơp đồng với một số ca nhạc sĩ có tên tuổi đương thời. Nhờ các anh, tôi đã thiết lập được 1 danh sách ca sĩ hoàn hảo, ưng ý các huấn luyện viên và bạn bè. Tôi mời được nhiều ca sĩ nổi tiếng thời kỳ đó đa số là nữ, đặc biệt là 1 ca sĩ nam đang lên với những bài ca về lính do anh sáng tác và tự trình diễn, đó là ca nhạc sĩ TTT, N. T. (ca nhạc sĩ này đã qua đời nên cho phép tôi không nêu rõ tên anh)
Trong buổi thương lượng để hợp đồng với ca nhạc sĩ N.T., tôi có đề nghị với anh là sẽ hát cho chương trình mãn khóa của chúng tôi  bài ca “Bến cũ” của nhạc sĩ Anh Việt vì trong chương trình mãn khóa của chúng tôi có đại tá Trần Văn Trọng chủ tọa, còn lại thì anh muốn hát bài gì tôi cũng đồng ‎‎ý. Anh N.T. thỏa thuận sẽ ca  bài Bến củ của nhạc sĩ Anh Việt và 1 bài của chính anh sáng tác.  Chúng tôi nhất trí với nhau về nội dung trao đổi kể cả tiền thù lao một cách vui vẻ và tin cậy lẫn nhau. Thế là tôi lên chương trình buổi tiệc ra trường kèm theo các tiết mục ca nhạc giúp vui một cách trịnh trọng trên các tấm thiệp in ấn màu mè trang nhã. Các bạn tôi duyệt chương trình thấy cũng hỉ hả với các ca nhạc sĩ tên tuổi đương thời, với những bài ca được công chúng ái mộ, ban nhạc cũng không chê vào đâu được và nhất là trong chương trình có bài ca của nhạc sĩ Anh Việt, thôi thì như vậy là tuyệt rồi.

Sáng hôm đó làm lễ ra trường sĩ quan Quân cụ khóa 20 ngay tại Trường Quân Cụ, tất cả chúng tôi đều mặc đồ đại lễ, từ đầu đến chân một màu trắng toát. Hai sinh viên thủ khoa cho hai ngành; một cho cơ khí-quân xa và 1 cho đạn dược. Nếu tôi nhớ không lầm thì buổi lễ ấy diễn ra vào mùa thu năm 1965, thật trang nghiêm với sự chủ tọa của các sĩ quan lãnh đạo nghành, trường, liên đoàn Quân cụ và các sĩ quan huấn luyện viên v.v.. Chúng tôi đã trình diễn ăn khớp mọi động tác đã được chỉ đạo tập luyện nhiều tuần trước, nhất là đồng ca bài Quân cụ hành khúc của nhạc sĩ Anh Việt một cách hùng dũng và nhịp nhàng, ngưng nghỉ ăn khớp, tiếng ca ấm áp oai hùng, lẫm liệt, càng làm tăng hào khí bài hát. Bài hùng ca vô cùng sống động, quan khách tham dự  im như tờ, đến lúc tiếng đồng ca dừng hẳn, không thấy người nào lay động. Sau đó theo hướng dẫn của xướng ngôn viên, đại tá Trọng đã đến gắn cấp bực chuẩn úy cho chúng tôi, buổi lễ bế mạc và hẹn chiều dự tiệc ra trường. Nghi lễ ra trường buổi sáng hôm đó diễn tiến đúng như kế hoạch, thật trang nghiêm, đúng quân cách của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, thành công mỹ mãn.

Buổi tiệc mừng ngày ra trường tối hôm đó được chuẩn bị khá là chu đáo; bàn ăn được trải nắp bàn thẳng nếp sang trọng, thức ăn do nhà hàng tàu cung cấp tuyệt hảo hạng. Đặc biệt dựng được một sân khấu vừa đủ để trình diễn ca nhạc nhẹ với đầy đủ đèn màu, hệ thống âm thanh, màn sân khấu, thật là hết ý?
Quan khách có mặt đầy đủ, rồi thì diễn văn chào mừng của Hiệu trưởng Trường Quân Cụ, Trung tá Từ nguyên Quang, đáp từ của đại diện sinh viên sĩ quan chuẫn úy Cần. Quan khách đa số ít ai chú ý vào các bài diễn văn mà ai cũng biết trước là theo “thủ tục”, họ chăm chú vào các ca sĩ nữ lộng lẫy trong áo dài màu sặc sỡ, mini jupe.. Tôi bận rộn đảm trách phần việc tiếp đón ca sĩ, sắp xếp chỗ ngồi cho họ, nhắc họ theo thứ tự chương trình đã sắp sẵn để lên biểu diễn. Người giới thiệu chương trình ca nhạc không phải là tôi. Mấy màn đầu dành cho các ca sĩ nữ ca nhạc trẻ; tiếng ca nức nở kích động chơi vơi, uống éo trong điệu nhảy hòa theo tiếng kèn, tiếng trống, tiếng đàn làm cho mọi người ‘hồn siêu phách lạc”. Mỗi lần chấm dứt một bài hát,  tiếng vỗ tay không dứt. Thỏa quá! Đạt lắm rồi?
Đến bài “Bến cũ” của nhạc sĩ Anh Việt, N.T. bước ra sân khấu, tự giới thiệu bài hát của anh sáng tác rồi anh hát. Tôi giựt nẩy mình, tự hỏi “Thế này là sao? anh đã hứa với tôi là anh ca bài Bến cũ trước cơ mà!” Tim tôi bắt đầu đập mạnh vì thấy chương trình bị đảo lộn không theo như sắp xếp, có nghĩa là có sự vi phạm “luật chơi”? Ca nhạc sĩ N.T. là ca sĩ mới vừa nổi trong làng âm nhạc Miền Nam. Hết bản nhạc, N.T. bước vào trong, tôi lập tức tiến đến bên anh và hỏi anh ngay:
“Sao anh không ca bài Bến cũ vậy?” Anh nhẹ nhàng trả lời: 
“Em đâu có nhớ lời.” Tôi gặng hỏi: 
“Thế sao anh hứa với tôi hôm buổi đầu tôi gặp anh là anh sẽ ca kia mà?” 
“Em xin lỗi, em quên lời, không ca được” Tôi nói tiếp:
“Anh xin lỗi khán gỉa đi chớ?” N.T. làm thinh. 
Tôi rụng rời tay chân, tới đường cùng tôi vội nghĩ xem phải làm sao để gỡ gạc cho chương trình mà không mang tội thất hứa và thất lễ với đại tá Trọng đang ngồi dưới hàng ghế danh dự. Tôi chạy đến bàn các ca sĩ để hỏi xem có cô nào có thể ca bài Bến cũ được không? Tôi sẽ trả thêm thù lao? Nhưng hởi ơi! Các ca sĩ nữ tôi mời đều là ca sĩ chuyên về nhạc trẻ, hỏi nhạc âu mỹ thì họ rành chứ nhạc tiền chiến Việt Nam họ ú ớ! Thôi phen này tôi bị một vố  quá đau, hồi thuở giờ có đi làm “bầu gánh” lần nào đâu mà biết có chuyện lạ kỳ như vầy? Hứa ca mà không ca tôi cũng vẫn phải trả tiền, không một lời cải cọ sinh sự vì đó không phải là bản tính của tôi. Tôi nghĩ có làm gì đi nữa thì mọi chuyện cũng đã rồi, mọi sự việc đáng tiếc xảy ra tôi đành hoàn toàn chịu trách nhiệm chứ biết làm sao? Sự sai sót “thất hứa” này tôi không biết làm sao đính chánh? Trong lòng phập phòng lo âu vì cái danh dự của nhạc sĩ Anh Việt bị giỡn mặt như vầy sẽ có hậu quả như thế nào về sau cho tôi vì chính Ông là Cục trưởng cục Quân cụ là người lãnh đạo một ngành tiếp vận đâu phải nhỏ, lại là chỉ huy cao cấp nhứt của tôi! Chết thật! làm sao bây giờ? Câu hỏi này đeo đẳng theo tôi nhiều năm trong suốt thời kỳ tôi làm sĩ quan quân cụ, lúc nào cũng chờ nghe đâu đó một lòi trách móc qua cửa miệng của một sĩ quan cấp trên nào đó về vấn đề bài ca “Bến cũ” đã không trọn vẹn được hát ra trong ngày hôm đó.

Tuyệt nhiên không? Cho tới ngày tản hàng 30/4/1975 cũng không thấy ai có một lời nào đá động đến bài ca Bến cũ sao không được hát trong buổi tiệc ngày đó, dù là một lời trách móc nhẹ nhàng, có lẽ mọi chuyện đã được nhạc sĩ Anh Việt âm thầm tha thứ  rồi? Thật tâm tôi vô cùng khâm phục tấm lòng rộng lượng của người nhạc sĩ đàn anh Anh Việt, ông đã thông cảm được những người muốn làm vui lòng ông mà không chuyên nghiệp làm bầu nên đã gãy gánh nữa chừng trong ngày vui của anh em khóa sĩ quan trừ bị đầu tiên đào tạo tại trường Quân cụ?


            Ba chuẩn úy gồm 2 thủ khoa: Chuẩn úy Nguyễn Văn Cần, thủ khoa cơ khí công xa, tôi Phạm Huỳnh Long Nhi, thủ khoa đạn dược và chuẩn úy Quách Xuân Hà, đậu cao, được chọn vùng công tác, chúng tôi đã chọn về Liên Đoàn 83 yểm trợ quân cụ đóng sát Cục Quân Cụ, trên đường Trần quốc Toản cũ, nay là đường 3 tháng 2, Quận 10, Saigon. Ngày đầu tiên 3 chúng tôi vào trình diện Liên Đoàn trưởng Nguyễn Hồng Đài, ông lớn tiếng chỉ ngay mặt tôi:
“Anh của Tam Lang hả! biết đá banh không?”
Tôi nghiêm chỉnh trả lời : 
“Dạ biết nhưng không chuyên.”
“Được.” Ông tiếp, “ Biết đánh bóng chuyền không?”
“Dạ biết chơi, nhưng không hay lắm.”  
“Vậy là tốt, về Liên đoàn này là phải biết chơi thể thao.”
Mới giáo đầu tuồng, ông không hỏi chuyện học hành chuyên môn như thế nào, mà cũng không đá động gì với hai bạn tôi,  làm tôi vừa ngạc nhiên vừa lo lắng: “Rồi đây ông muốn cho tôi làm gì về thể thao đây?”

Chúng tôi nhận sự vụ lịnh về các đơn vị gần Saigon, riêng tôi thì khỏi cần phải chọn vì chỉ có một đơn vị duy nhất đóng tại Saigon, đó là Kho đạn Gò Vắp. Về nhận công tác tại Kho 531 đạn được, tôi được cắt cử đi thanh tra các đơn vị chung quanh Saigon, Thủ Đức, Binh Dương liên miên.  Chẳng bao lâu sau, có lịnh Liên đoàn trưởng triệu hồi lên dợt bóng chuyền để thi đấu tranh giải Sĩ quan quân cụ, từ đó chấm dứt đi công tác xa. Tham gia tập dợt bóng chuyền, tôi chơi rất ăn ý với một người là anh thiếu úy Trần Tăng Chuân, anh nâng banh hết chê. Anh biết ý tôi, banh dù khó cở nào, anh cũng đưa được là là trên mặt lưới, tôi chỉ cần nhanh nhẹn phóng người lên đập mạnh là làm bàn. Mười trái banh anh nâng chính xác gần 8 trái, có khi bằng hai nắm tay từ dưới thấp ngang lưng nâng banh lên, có khi anh búng banh bằng 10 đầu ngón tay từ trên cao 1 cách nhẹ nhàng, ngoài ra anh còn chắn banh đối phương rất hiệu quả. Chúng tôi luôn thắng cho liên đoàn nhiều trận và đoạt rất nhiều cúp. Các giải tranh thường tổ chức vào ngày Lễ Thánh tổ ngành quân cụ hay Tết. Thường là chúng tôi thắng hết các nơi khác để cuối cùng đối diện với sĩ quan Cục Quân cụ. Tới trận đấu chung kết này, tôi và anh Chuân rất e ngại vì bên Đội Cục Quân Cụ không trận nào là không có đại tá Trọng, ông tuy bận rộn giải quyết nhiều việc trong ngành nhưng rất đam mê thể thao. Tướng ông lúc đó cũng khá đẫy đà, gương mặt hình chữ điền nghiêm nghị, tụi tôi nhìn thấy ông là “khớp” không những vì gương mặt mà còn vì cấp bực và vị trí lãnh đạo của ông trong nghành. Trong lòng tôi nghĩ “Lôi thôi ông phán 1 cái là chắc hết chỗ sống quá?” Nhưng bù lại khi ông cười thì gương mặt ông trở nên hiền hậu, chất phát dễ mến làm sao?
Cứ mỗi lần vào trận đấu với Cục Quân Cụ, thì Trung tá Nguyễn Hồng Đài luôn miệng cười to nói lớn với Đại tá Trọng một cách thân tình, Đại tá Trọng thì nói ít. Anh Chuân và tôi có ý định muốn thả cho bên Cục thắng, nhưng ông Đài đứng trong hàng đâu dễ gì chịu, ông vừa thấy trái banh anh Chuân nâng lên là ông đã la to “Đập Nhi!” tôi giựt mình nhảy lên làm bàn. Ông Đài tiếp tục la “Thắng, chắc ăn mà!”. Ông còn chọc giận ông Trọng nhiều chuyện. Tôi với anh Chuân nhiều khi cũng không biết làm sao để thua, một phần phải nương tay đưa banh qua lại kéo dài trận đấu cho vui vẻ đôi bên. Chúng tôi đã quá quen trận mạc thi đấu với các đội hạng nhứt ở Thành phố Saigon, nên thi đấu với sĩ quan không phải là đối thủ của chúng tôi. Khi về Kho 531 thấy anh em hạ sĩ quan và binh sĩ thích chơi bóng chuyền, tôi đã xin chỉ huy trưởng xây dựng sân, cung cấp banh để anh em tập luyên. Thấy anh em chơi khá tôi mời huấn luyện viên tập luyện thêm, cho đi đánh giao hữu các đơn vị chung quanh, khá rồi đăng ký tranh giải hạng nhứt ở sân Phan Đình Phùng Saigon với tên đội là Trần Khánh Dư. Nói chung chúng tôi có tập luyện thường xuyên, có thể lực nên thi đấu với sĩ quan trong ngành luôn trên đẳng cấp. Thấy đại tá Cục Trưởng yêu thể thao chúng tôi có ý nể vì, nên cố gắng lèo lái trận đấu khéo léo làm sao để ông luôn thấy ông hứng thú cùng chơi bóng chuyền để tăng cường sức khỏe. Phải nói là tuy lớn tuổi, nhưng Cục trưởng chơi với tụi trẻ như chúng tôi thật tận tình, không cau có, quạu quọ, và luôn chơi suốt trận đấu. Sau mỗi trận bóng chuyền kết thúc, ông ngồi bên sân thừ người, mệt mỏi, bất động. Tôi và anh Chuân thấy vậy sợ quá, len lén chuồng mất.

            Bây giờ ngồi ôn lại những kỷ niệm sống trong khói lửa chiến tranh của quê hương, lòng ngâm ngùi nhớ tới những ngày vui buồn, những ngày gian khổ trong quân ngũ thì không bao giơ quên được Bến cũ của Anh Việt, không quên được những trận bóng chuyền với Cục Trưởng và Liên đoàn trưởng Liên đoàn 83. Tuy rằng chưa bao giờ trực tiếp nói chuyện với Cục trưởng nhưng lúc nào tôi cũng quý trọng ông như một thần tượng âm nhạc của thuở tôi còn ở tuổi đôi mươi và tấm lòng tha thứ của ông trong ngày đó Bến cũ không được hát như đã in trên giấy trắng mực đen, mà ông không có một lời phàn nàn hay trách cứ. Qua khói hương, xin tưởng niệm ông với tấm lòng chân tình đầy thương mến/

LONG-NHI

1 nhận xét:

Huỳnh Ngân Lương nói...

From: Huynh Ngan LUONG (luong.dr@gmail.com)
Sent: Thu 7/14/11 8:01 AM
To: Long-Nhi Pham (longnhipham@hotmail.com)

Anh Nhi thân mến,
Hôm nay nằm ở nhà dưỡng bịnh lên Blog của anh đọc lại tất cả các bài.
Bài làm em đánh độn và thích cách hành văn nhất là bài tưởng niệm
Nhạc sĩ Anh Việt

Hoan hô anh
Hai em thăm cả nhà
Ngân & Nga