Ở trên đời cái gì có nhiều ta coi thường, cái gì hiếm thấy ta lấy làm quý. Do lẽ đó tôi muốn được giới thiệu đến các bạn đang ở Hoa Kỳ thích câu cá; về con cá đầu rắn to “khủng long” để mà “ước ao” được trúng câu và các bạn ở Việt Nam phải rùn mình nếu được nó táp phải lưởi câu của mình thì không đứt dây cũng gãy cần.
Trong 12 năm đầu định cư ở Hoa Kỳ, tôi chưa từng bao giờ nghe nói đến con cá đầu rắn. Mùa hè năm 2002 bỗng nhiên các người câu cá báo tin là họ câu được cá lạ ở hồ Crofton, tiểu bang Maryland, cách 20 dặm (32 kms) về phía đông bắc của Washington DC. Lập tức các nhà sinh vật học bắt tay tìm hiểu để nhận dạng loại cá lạ. Họ đi đến kết luận đó là loại “cá đầu rắn miền Bắc”, còn có tên “channa argus” là loại cá sinh sống ở Á Châu. Các báo chí đồng loạt loan tin con cá này cho dân chúng Mỹ biết, ngay như “The Washington Post” là tờ báo lớn nhất của vùng Washington DC, Virginia và Maryland chuyên về chính trị, cũng đã dành hẳn một bài đăng trên trang nhất viết về con cá đầu rắn. Nói như vậy để thấy mức độ quan trọng của sự xuất hiện “con cá đầu rắn miền Bắc” đã làm cho dân chúng toàn quốc Hoa Kỳ phải lo âu. Con cá đầu rắn là loại háo ăn đứng hàng đầu trong những loài ăn thịt, nó ăn 90% các loài cá, côn trùng, giáp xác và cây cỏ, không có đối thủ kình địch với nó, sống ở nhiệt độ 0 đến 30 độ C, trong bùn sình, sinh sản rất nhanh, ra khỏi nước có thể sống trên mặt đất 4 ngày. Người Hoa kỳ lo sợ chúng sẽ tiêu diệt hết cá nước ngọt ở bắc Mỹ, nên Cơ quan thủy sản Hoa Kỳ vào ngày 18 tháng 8 đã dùng hóa chất diệt cỏ thả xuống hồ Crofton 2 lần để “làm sạch” cá đầu rắn, và họ cũng khuyến khích, thưởng tiền cho những người câu cá, nếu bắt được và giết chết chúng.
Qua điều tra nguồn gốc xuất hiện của giống vật này, Chính quyền mới biết nguyên nhân sở dĩ có cá đầu rắn là do một cư dân địa phương có người em gái bị bịnh, tin vào phương thuốc dân gian ở Hong Kong, nên đặt mua một đôi cá đầu rắn ở thị trường New York để đem về nấu cháo cho em ông ăn trị bịnh. Cá về tới thì em ông đã hết bịnh, ông phải giữ chúng lại trong một bể cá và nuôi chúng bằng “cá cảnh vàng”, quá tốn kém nên ông đem thả chúng xuống hồ.
13 tiểu bang Hoa kỳ cấm nhập và nuôi cá đầu rắn, riêng tiểu bang Maryland , Virginia và quận Columbia được nuôi nhưng không được thả xuống sông, hồ. Trường hợp người thả cá nói trên không vi phạm luật vì thời gian đó chưa có luật ban hành.
Ngày nay, cá đầu rắn tìm thấy ở Maryland , California , Florida . Lẻ tẻ vài nơi như tiểu bang Main , Massachusetts , Rhode Island và Hawaii có người cũng câu được cá đầu rắn.
Sở dĩ tôi nói dài dòng để các bạn biết sơ qua, tại sao người Hoa Kỳ sợ hải cá đầu rắn vì mục đích chính là bảo vệ nguồn tài nguyên cá nước ngọt của họ cho được an toàn. Đầu tiên khi tôi đọc cái tên cá đầu rắn (snakehead) tôi hết sức bỡ ngỡ không hiểu là cá gì? Sau mới vỡ lẽ ra đó là cá lóc bên nhà, nhiều miền ở trong nước còn có nhiều tên khác nhau như cá quả, cá chuối, cá xộp..
Như vậy mặc dù Cơ quan thủy sản ở tiểu bang Maryland muốn tận diệt các con cá lóc nhưng không được, chúng vẫn còn phát triển và bành trướng dài theo các đầm lầy dọc theo sông Potomac .
Bằng cớ là trung tuần tháng 7, năm 2011 Chú Tuấn và con đã đi câu ở vùng Fort Belvoir, Virginia là vùng nước nông gần bờ với nhiều cây ngập nước lắp xắp, cháu Thông trong khi rê mồi ếch giả trên mặt nước thì một con cá táp mồi và giựt mạnh, mặc dù là dân chơi bóng đá khá cứng cháu cũng phải mất thăng bằng không kềm được. Ba cháu phải phụ thả dây rồi cuốn dây nhiều lần làm cho con cá mệt đừ mới đưa nó lên được trên xuồng, hai cha con phải mất rất nhiều thời gian và sức lực.
Con cá đầu rắn hay cá lóc này:
Nặng: 12 lbs = 5,443 kgs.
Chiều dài: 35 inches = 0,889 mét.
Gia đình chú Tuấn Cô Hảo ở đâu mặt nhà tôi, là đôi vợ chồng có học thức hay giúp hàng xóm trong mọi công việc nặng nhọc, nhất là những người lớn tuổi. Con chú thiếm học văn hóa giỏi, thích âm nhạc, mê thể thao vì vậy gia đình chúng tôi có nhiều cảm tình với gia dình chú thiếm. Thỉnh thoảng gặp nhau, chúng tôi thường hỏi thăm sức khỏe và sinh hoạt của nhau nên được biết cháu Thông câu được con cá lóc to “khủng long”, tôi vội xin phép được đăng lên blog cho các bạn ở Hoa Kỳ chứng kiến và nghe khứu giác bốc mùi cá lóc nướng trui chơi và các bạn ở Việt Nam phải giựt mình đúng là cá “khủng khiếp”. Như đã nói ở trên “cái gì hiếm là quý”, con cá này ít khi thấy ở Hoa Kỳ nên tôi trân trọng hình ảnh của nó lắm vậy, phải không các bạn?
LONG-NHI
Mời các bạn xem phim “cá đầu rắn” hay cá lóc của National Geographic.
1 nhận xét:
Hello Chu Long,
We are really enjoying your website very much. I just forwarded the link to my brothers and friends.
Thank you very much.
Chau Tuan
Đăng nhận xét