2/10/11

SÀI GÒN CÓ GÌ LẠ KHÔNG ANH? (Bài 091)

Bài viết sau đây của một Bác sĩ Việt Kiều Pháp đăng trên bản tin CURSILLO-Paris-France số 162 phát hành tháng 9,2011. EML (là tên viết tắt của ông) du học và hành nghề Y tại Paris gần tròn 50 năm.  Trong suốt thời gian ở nước ngoài, EML chỉ trở về Việt Nam chưa tới 5 lần vậy mà khi về hưu ông đã quyết định về hẳn Việt Nam sống cuộc đời còn lại để làm việc từ thiện phục vụ bịnh nhân và người nghèo miễn phí. Gần đây ông bị thoái hóa cột sống cổ làm hai tay khó cử động nhưng ông cũng đã nhờ bác sĩ giải phẩu ở Sài Gòn điều trị và làm phẩu thuật. Với đức tin tôn giáo mãnh liệt, ông đang cố gắng vượt qua những khó khăn để thi hành sứ mạng đem lại tình yêu thương cho mọi người Việt cơ hàn. Chúc EML đạt được ý định như sở nguyện.   LONG-NHI


 Vắng Paris hơn 2 năm nay mỗi khi “về” Pháp đi trợ tá tôi được nhiều anh chị tiếp đón rất niềm nở, trao đổi nhau bằng những vòng tay siết chặt tỏ tình cảm huynh đệ thân thương khó tả, thường với câu chào hỏi này, nó không thể hiện tất cả nội dung, mà câu trả lời cũng không mấy rõ. Xin nhờ tờ “báo nhà” để có dịp chia sẻ về cuộc sống của một Cursillista ở Sài gòn. Cái nhìn dĩ nhiên rất khiếm diện và chủ quan, kính xin quý cha quý tu sĩ và anh chị em thân thương bỏ qua cho những sai lầm hẳn có.

THA THỨ VÀ BỎ QUA
Một vết thương thể lý thường còn để lại vết thẹo, một khuyết tật hay nặng hơn một hay nhiều tang tóc, một vết thương tâm lý có khi ghi sâu vào tâm trí nạn nhân suốt đời. Trong đời sống hằng ngày, trong gia đình, giữa bạn bè, nơi làm việc, giáo xứ, hay PT, không thiếu chi những tình huống khó xử giữa tha thứ để được thứ tha. Một lời nói xấu tai hại, một cử chỉ khinh miệt vô tình hay hữu ý, thái độ gây bè phái, một hành động bất trung…

Sách Huấn Ca trong bài đọc 1 chúa nhật XXIV TN Chúa có cho thêm một phương pháp tâm lý mà người Việt chúng ta thường hay nói: Hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha (Hc 28.2). Thật ra xóa bỏ hết cả “sai trái”, dù với ơn Chúa lắm khi cũng rất khó, nhưng bỏ qua để nối lại một tương quan mới, thì có thể trong tầm tay của nhiều người hơn.

Cũng là một cơ may, Chúa ban cho dân tộc chúng ta, Giáo Hội Việt Nam chúng ta có nhiều sáng suốt của “người kế toán khôn ngoan”, khả năng bỏ qua thì mới sống nổi những năm đen tối, trong hiện tại lại còn có khi tìm được cho chính mình và cho người thân cận hạnh phúc trong cuộc sống, phát triển Giáo Hội trong các chiều kích Chúa Kitô dạy. Có người đọc tới đây có thể thấy khó chịu vì “bỏ qua” ở đây đồng nghĩa với thụ động làm tê liệt các cố gắng tranh đấu cho hòa bình và công lý? Cũng cùng một chai nước nửa lưng nửa đầy, tôi xin mạn phép chia sẻ cái nhìn của người thấy chai nửa đầy, và kính trọng những người thấy cái chai nửa lưng.

SÙNG ĐẠO
Tôi ở quận 10 giữa 3 giáo xứ Bắc Hà đường Lý Thái Tổ; Đồng Tiến đường Thành Thái, và Vinh Sơn đường Ba tháng Hai, sau vài tháng đầu lưỡng lự, Chúa chọn cho tôi thuộc Giáo xứ Vinh Sơn 3/2, cha xứ là cha Giuse Trịnh Tín Ý, tôi không gọi là cha Chánh xứ vì ngài chỉ đơn thân độc mã cũng như các GX có ít hơn 2500 giáo dân không có cha Phó xứ mà ở Vinh Sơn chỉ có cha già đã về hưu hoặc một cha Dòng thỉnh thoảng đến phụ. Cha Ý đã chờ xem tôi gần 1 năm sau khi được các anh chị trong Hội Đồng Mục Vụ giới thiệu mới thật sự chấp nhận vơi tất cả lòng ưu ái thân tình và tín nhiệm như các anh chị trong GX. Cũng may mắn cho tôi, ngay từ khi quen biết các anh chị đã tự sắp xếp tôi phụ ban y tế giúp sức khỏe cho các cụ cao niên nghèo trong xóm. Trong gần một năm nhiều lần tôi cầu nguyện hỏi ý Chúa vì không hiểu thái độ lạnh lùng của cha, cho tới một hôm cha nhờ giúp một việc tế nhị, lo cho một gia đình gặp khó khăn lớn, nhờ ơn Chúa mọi việc sau đó cả cha mẹ và đứa con gái tìm lại lẽ phải và hạnh phúc. Ngày đó tôi đã cầu nguyện cảm tạ Thày Chí Thánh cho tôi kiên trì đọc đi đọc lại trong gần 1 năm Rollo Giáo Dân Trong Giáo Hội, và hình như tôi nghe Chúa nói: chính Ta đã chọn con.

Mỗi Chúa nhật có 3 Thánh Lễ: 6 giờ sáng cho cộng đồng, 7:15 đặc biệt cho giới trẻ, chiều 17:00 cho cộng đồng và giới trẻ. Tất cả Thánh Lễ kể cả hằng ngày mỗi chiều, nhà thờ chật ních giáo dân tham dự thật tích cực và sốt sắng. Nếu so sánh con số giáo dân của Giáo xứ thì chắc chắn là có khá nhiều người không thuộc GX Vinh Sơn nhưng đến đây dự Lễ vì thích nghe cha Ý giảng. Cha trạc 60, tóc để dài sau ót, hình như lúc trẻ cha có tiếng là linh mục Hip-pi, nay dáng đi và các động tác cũng còn rất “trẻ”.

Đặc biệt Thánh Lễ 7:15 ngày chúa nhật và buổi chiều 17:00 nhà thờ đầy chật giới trẻ. Khi cha nói: “mến chào các bạn trẻ, xin Chúa ban phúc lành cho các bạn trẻ” tôi hơi ngượng ngượng với mái tóc đã bạc… Khi giảng Cha đứng xuống giữa nhà thờ ngang với hàng ghế đầu, không khi nào xa Lời Chúa trong Phụng Vụ, nhưng ngài có một cách giảng thật độc đáo từ nội dung cho tới cách diễn tả, lời văn lưu loát ngôn từ thật dồi dào nhưng không chải chuốt đi thẳng vào lòng mỗi người, đặc biệt là giới trẻ. Thánh Lễ xong ra về mỗi người còn nhớ rõ nội dung và điều gì rất thực tế Chúa muốn áp dụng Lời Chúa trong cuộc sống.

Có một điều là sau bài giảng mọi người đứng lên vỗ tay tưng bừng tuyên xưng Đức tin. Chúa nhật nào cũng thế, nếu có Anh Sáu nhà mình chắc tóc trên đầu anh đều dựng đứng!

Thỉnh thoảng tôi cũng đi tham dự Thánh Lễ Lòng Thương Xót Chúa do cha Long chủ tế tại nhà thờ Chí Hòa mỗi trưa thứ năm. Ở đây cha xứ được đặc biệt hỗ trợ bằng một đội ngũ giới trẻ “áo xanh”, thường là những em đi hoang đàng được ơn trở lại, đầy nhiệt tình và khả năng cao giúp cha thực hiện nhiều chương trình bác ái và truyền giáo lớn lao chẳng những chung quanh Thành Phố mà cả vùng sâu vùng xa, không ngại giờ giấc và công sức. Người già đơn côi, phụ nữ muốn phá thai, hay không thể có con, bệnh nhân nghèo hoặc bệnh quá nặng các bác sĩ đã bó tay, xì ke ma túy, kẻ chết không ai cầu nguyện chôn cất, giúp học bỗng cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học v.v…

Phải thấy mới tin từ 8000 tới 10.000 người đứng ngồi từ trong cho tới tất cả chỗ nào có thể trong khuôn viên nhà thờ, tham dự Thánh Lễ thật sốt sắng và trật tự, mỗi lần được nghe thấy những nhân chứng được Lòng Thương Xót Chúa chữa lành, mặc cho sức nóng buổi trưa hay những ngày mưa gió. Có khi nghe nói có tới hai chục ngàn người tham dự trong trật tự và vẫn nghiêm túc lúc ra về cùng một lúc. Mỗi góc mỗi lúc luôn có những bạn trẻ “áo xanh” lúc nào cũng sẵn sàng vui vẻ tư vấn hoặc trợ giúp.

Kể từ năm nay cha Long chia ra dâng Lễ Lòng Thương Xót Chúa mỗi GX một lần trong tháng vì vậy tôi được tham dự thứ sáu đầu tháng tại nhà thờ Đồng Tiến gần nhà tôi và cũng là nơi để tro của gia đình tôi, cha mẹ, một người anh, và cũng là một Cursillista Sài Gòn ngày xưa thời bác Đào Văn và của chị Cursillista Agatha Linh khóa 21.

Trong giới hạn bài này không thể đề cập chi tiết hai biến cố có tầm quan trọng thật đặc biệt cho Giáo Hội VN: Đại Hội Dân Chúa 2010 và Công Nghị Giáo Phận 2011 mà hiện nay đâu đâu mọi Kitô hữu, trong các giáo xứ, 25 hội đoàn giáo dân cùng các linh mục, tu sĩ của Tổng Giáo Phận được mời gọi cầu nguyện và chuẩn bị thật chu đáo nhất là về mặt tâm linh cũng như nội dung thực tế. Người Chủ Chăn Giáo Phận kêu gọi mọi người “ý thức vượt qua khung nếp khép kín do hoàn cảnh xưa nay tạo ra, mở rộng sự hiệp thông trong GH, hòa nhập vào đời sống văn hóa xã hội, hướng đến chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô, vì sự sống mới của gia đình nhân loại cùng đất nước hôm nay” (Đức Hồng Y G.B. Phạm Minh Mẫn tháng 6/2011). Tôi chợt nghĩ tới dân Israel sau 40 năm lưu đày vượt qua sông Gio-đan tái lập nước Chúa.

HỌC ĐẠO
Ở nhiều nơi trong và ngoài Giáo Phận có nhiều lớp giảng dạy Thánh Kinh, Thần Học v.v.. Mỗi chiều thứ tư tôi đi học lớp Thánh Kinh ở Trung Tâm Mục Vụ đường Tôn Đức Thắng. Hiện nay tôi đang học lớp Thánh Vịnh, sau khi được học hai khóa Isaia và khóa Lãnh Đạo theo Thánh Phaolô năm ngoái với anh Giêrônimô Nguyễn văn Nội. Trung Tâm Mục Vụ Sài Gòn có những lớp giảng dạy thật có giá trị cho các thành viên tình nguyện của các cộng đoàn. Một tuyệt tác của Giáo Phận Sài Gòn mà một trong những người tích cực sáng lập là Đức Cha Phêrô Nguyễn văn Khảm, giám mục phụ tá cho Đức Hồng Y Tổng Gm G.B. Phạm Minh Mẫn.

Học không chỉ để thêm kiến thức mà điều chính là học để hiểu Chúa hơn, và để theo một lô gích, biết để yêu, khi yêu Chúa thì đi theo gót Ngài, bằng cách phục vụ Ngài, mà phục vụ ngài là phục vụ anh em, nhất là những anh em nghèo.

HÀNH ĐẠO
Tôi cố gắng hành đạo theo hai trục chính mà đầu tiên là theo Điều Răn Mới của Thày: “Thầy ban cho anh em điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau” (Gioan 13:34) Trục thứ hai được PT rèn luyện “Phúc Âm hóa bản thân và Phúc Âm hóa môi trường”.

Hai trục này tuy hai nhưng là một, nhất là cho một Cursillista chúng mình. Vì vậy nhờ ơn Chúa cuộc sống của tôi thật dồi dào mà cũng nhận được dồi dào ơn Chúa. Là đại diện cho một hội đoàn Pháp tôi cùng hai Việt Kiều cũ từ Bỉ và Bretagne về gần một lượt với tôi, chọn thật kỹ hai xã nghèo trong đồng bằng sông Cửu Long, phát tận tay vi tín dụng (micro crédit) cho các hộ nghèo, theo dõi và trợ giúp kỹ thuật làm ăn với sự cộng tác của một người bạn giáo sư Trường Đại Học Nông Lâm Thủ Đức. Thường là họ nuôi heo hoặc làm vườn cây ăn trái. Song song đó có một hội đoàn Pháp và Canada cho thêm tiền thực hiện hệ thống Biogaz, biến phân heo thành chất đốt vừa tiết kiệm cho người nông dân vừa bảo vệ môi trường.

Hai năm nay tất cả vi tín dụng được thu về đầy đủ để phát cho các hộ nghèo khác làm vốn vươn lên. Phải thấy tận mắt những gia đình hai năm trước nghèo xác xơ (huê lợi hằng tháng người duy nhất có việc làm là dưới 400.000 VNđ (13.3Euro), nay nhà cửa, con cái ăn mặc khá ra, mới cảm nhận được niềm vui của họ. Đó là một ân huệ ban thêm của Chúa vì khi đã có ơn đi làm việc bác ái, dù có kết quả hay không là niềm vui Chúa đã ban cho rồi.

Ngoài ra các hội đoàn từ thiện quen biết khắp nơi mời đi khám bệnh, phát thuốc, phát Thánh Kinh giúp rao giảng Lời Chúa vùng sâu vùng xa. Chỉ có sức khỏe giới hạn thôi chứ hành đạo kiểu này thì không thiếu gì dịp để sống vui. Trong các đoàn này không có nhiều bác sĩ đâu nhé, biết bao nhiêu việc khác cần những người không chuyên môn, tổ chức hậu cần, giao dịch, sắp xếp quà, thuốc phát cho đúng toa v.v…

Một bài học đầu tiên cho tôi sau hai năm đi xa PT Paris là lời Đức cố Hồng Y Nguyễn văn Thuận dạy “khi con đi theo Chúa chớ chạy theo công việc của Chúa”, một bài học đáng ghi nhớ. Một cách nào đó là nghĩ xa hơn nghĩa đen của câu: một tay nắm Chúa một tay nắm anh em với ý nghĩa là hiệp thông với anh em, vì Chúa với Chúa và trong Chúa. De Colores!

E.M.L.

Không có nhận xét nào: