1/4/19

TAM LANG: VỊ "VƯƠNG" TÀI ĐỨC VẸN TOÀN TRONG GIẢI QUỐC KHÁNH 1962 (Bài 156)

  Trận cầu giữa đội tuyển quốc gia VNCH và Thái Lan trên sân Cộng Hòa Saigon tranh giải Quốc Khánh 1962 đã xảy ra hỗn loạn trên nửa thế kỷ, có những vị lớn tuổi còn nhớ nhưng các bạn trẻ như con chúng tôi không bao giờ biết vì chúng sanh sau đẻ muộn. Trận cầu này để lại nhiều vấn đề đáng tiếc nhưng cũng nêu cao được hình ảnh thể thao cao thượng, -có người cũng gọi là "đạo đức" trong môn bóng tròn của Tam Lang. Tôi muốn kể lại một vài điều mắt thấy tai nghe, mà báo chí không dám đề cập đến vì sợ ảnh hưởng đến uy tín ngoại giao và tai tiếng có thể làm FIFA cấm tranh giải quốc tế.
     Trận đấu đổ vỡ vì các cầu thủ Thái Lan chơi quá thô bạo (có bài tường thuật của các nhà báo thể thao mà chúng tôi đính kèm theo đây) đã làm cho khán giả phẩn nộ tràn vào sân đánh cầu thủ Thái Lan mà người khơi màu đụng độ căng thẳng trận đấu là cầu thủ Yangyong,- nguyên thiếu tá không quân Hoàng gia Thái.


     Yangyong bị khán giả bao vây đánh hội đồng, chịu không thấu, anh phải trèo lên khán đài trung ương để tìm sự che chở của quan khách, nhưng lúc đó ông bộ trưởng Bộ Công Dân Vụ Ngô Trọng Hiếu cũng nóng tánh, đạp Yangyong xuống, thế là anh hết đường chạy. Tam Lang từ xa phải nhào tới ôm anh lại, Tam Lang cũng bị "vớt" mấy đấm, khán giả nổi nóng thấy vậy cũng ngừng tay.
     Nhờ thế, trận chiến "tay chân" binh gà nhà cũng nguội lại, và trật tự được vãn hồi. Tam Lang là thủ quân đội tuyển VNCH (vào độ tuổi 20) đã nêu cao tinh thần thể thao mã thượng trong thi đấu nhưng cũng đồng thời hiểu được lẽ phải của môn thể thao dễ đụng chạm mất bình tĩnh mà can thiệp đúng lúc để gỡ gạc lại tiếng tốt cho đội nhà, thật có mấy ai kiềm chế được vậy!
     Phóng viên của Thái Lan chụp được cảnh Tam Lang ôm Yangyong đã phổ biến trên báo chí Bangkok, vì thế về sau mỗi lần Tam Lang sang Thái thi đấu đều được đội Thái cư xử trọng thị.
     Xin các bạn xem tiếp hai bài báo dưới đây được đăng trong Thao Trường năm 1962 để biết rõ hơn chi tiết trận đấu đầy bạo lực.
     Tựa bài này ("vị "vương" tài đức vẹn toàn trong giải Quốc Khánh 1962) do ky giả Việt Tân viết trên báo Thao Trường năm 1962 chứ không phải chúng tôi đặt ra.
L.N.



NHỮNG ANH HÙNG GIẢI TÚC CẦU QUỐC KHÁNH 62
Của Việt Tân - Báo Thao Trường

...
LANG: ĐỆ NHẤT ANH HÙNG VIỆT-NAM
     Có thể gọi Lang là cầu thủ số 1 trong giải QKVN kỳ II. Anh đã biểu diễn xuất thần suốt các trận đấu, không một tí khuyết điểm, người trung ứng điển trai của làng cầu đất nước làm say sưa hầu hết mộ điệu giới Saigon. Nhìn lối đá diễm ảo và khoa học của anh có người phát biểu: "Đá như thế Lang dù chơi dưới màu cờ của một đoàn Âu châu hay Nam Mỹ cũng được trọng dụng như thường".
     Từ trận đầu tay VN-Indonesia Lang đã sáng tỏ và càng về sau Lang càng làm mọi người sướng thỏa thoả. Sướng thỏa vì Lang chơi đầu quá diễm tuyệt. Sướng thỏa vì không ai ngờ ở ngôi sao bắc đẩu túc cầu đó, xuất thân từ vườn hoa nghệ thuậ Á châu lại có những ngón nghề tân kỳ bên trời Âu Mỹ. Ở trận chung kết Lang đá hay đến làm ngơ ngẩn ngót 15.000 khán giả. Ngay những nhà dìu dắt, cầu thủ phòng hờ, ông bà đại sứ  Indonesia ngồi ngoài mỗi lần thấy bóng Tam Lang xuất hiện gây nghẹt ngòi tê liệt cả dàn trọng pháo Indonesia do Limisela dẫn dắt đều gật đầu tỏ vẻ khâm phục.
     Song song bên tài chăn dắt quả da thiên phú ấy, Lang còn là người cầu thủ đầy đủ đức độ. Giữa lúc cầu trường đang náo động cầu thủ Thái và ít nhiều cầu thủ Việt đang "ăn miếng trả miếng", Tam-Lang xuất hiện (không phải với quả đấm hồm sẳn) mà cầu thủ khả ái đó đã có mặt với vòng tay thân thiện. Vòng tay đã bao hẳn lấy một cầu thủ Thái giúp anh này khỏi bị ăn đòn. Hình ảnh này khỏi cần nói cũng đủ hiểu nó đẹp đến bực nào! Cho nên nếu ai muốn biết vị..."vương" tài đức vẹn toàn trong giải Q.K. năm nay chúng tôi xin mách là Tam Lang đấy!
...



Quây lại cuồn phim xô xác.
THỬ QUI ĐỊNH PHẦN TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI GÂY HẤN
của Thanh Thúy - Báo Thao Trường

         
   Giải túc cầu Quốc Khánh kỳ nhì (1962) đã bị hoen ố bởi cuộc xô xác trong sân cỏ có sự tích cực tham gia của một số khán giả... có quyền ưu tiên.
            Bảo "có quyền ưu tiên" vì những khán giả này thuộc hạng; hoặc có thiệp mời, hoặc vào cửa với giấy tờ riêng.
            Người ta thấy , ở phút 18 của hiệp nhì trong trận cầu Thái-Việt chiều 28-10-62 tả nội Thái là Yanyong  (mang số 12) tung một quả đấm vào mặt Nhung I. Anh này nằm sân.
            Sau đó là cuộc xô xác có sự tham gia rộng rải của một số khán giả.
            Chuyện đã xảy ra rỏ ràng như trắng với đen. Ai cũng thấy rằng chính Yanyong khai mào cho cuộc xô xác.
            Nếu chỉ có thế thì không cần phải kể lại vấn đề.
Nhưng ở đây có nhiều chi tiết cần phân tích lại để quy định đúng đắn vấn đề trách nhiệm.

                                    QUAY LẠI KHÚC PHIM
            Bắt buộc phải theo dõi trận đấu từng giây từng phút, chúng tôi đã không bỏ lỡ một cảnh diễn tiến nào của trận chiến.
            Prasant (số 7) dùng gối ấn vào bụng Nhung I, khiến anh này phải ngã gần vùng cấm địa. Sau đó Prasant rồi Yanyong có vài đụng chạm với Nhung I. Dĩ nhiên Nhung I không dằn được nóng tính, đó là chưa kể những lời xúi dục bên ngoài.
            Phút 18, giành banh, Nhung I "nhấn" vào ống quyển Yanyong. Anh này nóng hơn Nhung I nên mất bình tỉnh đấm vào mặt địch thủ và cúi xuống xoa vào chỗ đau ở chơn

                                    TRÁCH NHIỆM NGƯỜI LÀM NỔ CUỘC XÔ XÁT
            Đến đây chuyện đáng tiếc lớn có thể không xãy ra nếu để trọng tài đủ thì giờ trục xuất Yanyong.
            Trong cái nháy mắt, thúc đẩy bởi mối tình huynh đệ, Nhung II từ xa chạy đến đá vào đầu đối phương. Tiếp theo là trung phong Quang. Đấu thủ Thái phản ứng, một số khán giả xô xác nổ bùng, hổn loạn.
            Trong một cuộc tiếp xúc, trọng tài Kunradi (Indonesia) điều khiển trận đấu đã cho chúng tôi biết:
            -Tôi đã thổi ngưng trận chiến để trục xuất Yanyong và mời hai thủ quân đến để giàn xếp, nhưng khán giả đã không cho tôi đủ thì giờ.
           Như vậy, người ta thấy lỗi chán chường là của anh Yanyong (số 12), nhưng nếu Nhung II và Quang không quá nóng lòng, anh và đồng đội, chuyện đáng tiếc đã được hạn chế và không có hậu quả không hay tiếp theo.
            Tình huynh đệ và đồng đội đáng đề cao, nhưng cũng tùy trường hợp.
            Người ta cũng được biết là trong phúc trình gởi cho Tổng cục túc cấu thế giới (FIFA)  -vì là trận quốc tế giữa đội tuyển hai nước - trọng tài Kuntadi đã lờ không nói  đến chuyện thiếu an ninh vì khán giả lúc nào cũng có thể tràn vào sân. Nếu nói như thế sân Cộng Hòa sẽ bị cấm không cho tổ chức những trận quốc tế nữa.

                                    NHÀ DÌU DẮT THÁI PHÀN NÀN
            Ông Rangai nhà dìu dắt Thái, sáng hôm sau chuyện đáng tiếc cho biết:
            Cầu thủ đánh nhau trên sân cỏ, chúng tôi không nói gì vì là chuyện thông thường. Trọng tài sẽ giàn xếp. Chúng tôi phàn nàn nhứt là một người quay phim không liên hệ đến trận đấu lại đã xông vào đánh cầu thủ chúng tôi mở đầu cho số khán giả khác tràn vào.

                                    NHỮNG NGƯỜI CHỦ KÉM LỊCH LẢM
            Quay lại cuốn phim và vài chi tiết khác, người ta thấy trách nhiệm của ai là người gây nên chuyện đáng tiếc.
            Phần thiểu số khán giả có quyền... ưu tiên kia, người ta thấy những vị này đã quá nóng nảy. Binh vực hội nhà là một điều hay. Nhưng binh vực để cho nóng nảy làm mất bình tỉnh dùng số đông uy hiếp những người khách của mình quả là chuyện không ai tán thành.
            Và như vậy, chứng tỏ mình - tuy không chánh thức - là những người chủ kém lịch lảm.



Không có nhận xét nào: