27/10/21

CẦU "THỦ VÀNG" CỦA BÓNG ĐÁ VIỆT NAM (Bài 164)

 

Theo chỉ đạo của Liên Đoàn Bóng đá Châu Á, -muốn tôn vinh những cầu thủ, những người có công đóng góp cho bóng đá ở các quốc gia thành viên của AFC trong nửa thế kỷ qua (1954-2004). LĐBĐVN đề cử một số câu thủ ba miền bắc trung nam để báo chí bình chọn. Sự bình chọn này đã xảy ra vào năm 2004, lúc đó tôi không có mặt tại Việt Nam nên không theo dõi được diễn biến báo chí ba miền phổ biến và thu lượm kết quả ý kiến đọc giả như thế nào? Với cách nhìn về tình cảnh đất nước và phong trào bóng đá hai miền trong 50 năm được đề cập ở trên, thì đất nước ta thống nhất mới 29 năm còn lại khoảng thời gian 21 năm chia cắt; nước ta có hai hệ thống tổ chức guồng mái liên đoàn bóng đá khác biệt nhau rất sâu sắc...cái này là cái khó để tuyễn chọn "vàng ròng" hay "vàng thau" lẫn lộn! 

Thôi thì mọi sự đã qua rồi, tôi chỉ muốn đăng lên đây một vài bài báo mà tôi sưu tầm được để nhắc lại những gì mà em tôi, Tam Lang được người ngưỡng mộ vẫn còn quý mến bình chọn qua báo chí miền Nam. Sự việc này tôi biết được; nhân những ngày cuối đời của em tôi, qua bảng khắc tuyên dương của báo SGGP đặt trên bàn thờ ờ chùa Thiền Lâm.

Ngược lại, người được đi dự gala AFC ở Mã Lai lại là Ông Lê Thế Thọ do LĐBĐ Hanoi lựa chọn theo một thể thức khác, xin xem các tài liệu báo chí VN đương thời đăng tải để suy ngẫm.

 

 

NHÓM PV TUỔI TRẺ: "Ai sẽ là "cầu thủ vàng"...

Thứ Bảy, 13/03/200411:47 (GMT+7)

Ai sẽ là "Cầu thủ vàng" của bóng đá Việt Nam


TTCN - Ngày 15-3 sẽ là thời hạn cuối cùng của LĐBĐVN về việc đề cử ứng cử viên này. TTCN xin giới thiệu chân dung tám ứng viên được LĐBĐVN đề cử trong lần bầu chọn thứ hai: Lê Thế Thọ, Nguyễn Cao Cường, Nguyễn Trọng Giáp, Phạm Huỳnh Tam Lang, Nguyễn Hồng Sơn, Lê Huỳnh Đức, Trần Duy Long, Nguyễn Thế Anh.

Tiêu chí của AFC về "Cầu thủ vàng"

Nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập (1954-2004), Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) dự định sẽ tổ chức một buổi lễ trọng thể tại Kuala Lumpur (thủ đô Malaysia) ngày 8-5-2004 để tôn vinh những cầu thủ, những người có công đóng góp cho bóng đá các quốc gia thành viên AFC trong nửa thế kỷ qua.

Người được LĐBĐ các quốc gia giới thiệu sẽ là biểu tượng của nền bóng đá các nước và tên tuổi của họ sẽ được lưu giữ trang trọng tại trụ sở AFC. Theo hướng đó, tổng thư ký AFC Peter Velappan đã gửi thư mời các LĐBĐ quốc gia trong châu lục đề cử các ứng viên cho các giải thưởng đặc biệt của AFC theo ba hình thức:

1. Trên sân bóng:  cầu thủ, trọng tài chính, trợ lý trọng tài…
2. Ngoài sân bóng: huấn luyện viên, trưởng đoàn
3. Quản lý: văn phòng, tổng thư ký, chủ tịch.

Kèm theo đó là các tiêu chuẩn để chọn lựa như sau:
- Đối với cầu thủ: nên chọn cầu thủ dựa vào thành tích thi đấu trong thời gian 50 năm qua và những đóng góp khác của họ cho câu lạc bộ, quốc gia và khu vực.
- Đối với trọng tài và trợ lý trọng tài: nên chọn dựa vào năng lực điều khiển trận đấu trong nước và quốc tế.
- Đối với HLV, trưởng đoàn: nên dựa vào những giúp đỡ lớn lao và sự đóng góp vào sự thành công của CLB, đội tuyển.
- Đối với quản lý: bất kỳ người nào đã có sự đóng góp to lớn cho sự phát triển bóng đá trong nước.
- Mỗi liên đoàn được phép đề cử ba hình thức trên nhưng chỉ có một ứng cử viên sẽ được chọn từ nước các bạn...

Nếu căn cứ theo yêu cầu của lá thư do tổng thư ký AFC gửi các LĐBĐ trong châu lục ngày 19-12-2003 thì bóng đá VN có thể đề cử tới ba người đại diện cho ba hình thức trên, song chưa rõ vì lý do gì LĐBĐVN chỉ chọn đề cử theo hình thức một (cầu thủ); và như vậy bóng đá VN sẽ có một “cầu thủ vàng” được đề cử với AFC.

Nhóm PV Tuổi Trẻ


TUỔI TRẺ GIỚI THIỆU TAM LANG

Thể thao

Thứ Bảy, 13/03/200411:28 (GMT+7)

Danh sách các ứng cử viên cho "Cầu thủ vàng" của bóng đá Việt Nam:

Phạm Huỳnh Tam Lang


TTCN - Năm 1955, từ Gò Công (Tiền Giang), chú bé Tam Lang thi đậu và nhận học bổng vào học Trường Petrus Ký.  Tam Lang được đồng hương là ông Nguyễn Văn Tư, biệt danh “mũi tên vàng”, khi đó đang là một tên tuổi lừng danh của bóng đá Sài Gòn, cưu mang đưa về nhà ở trọ và hướng dẫn đến với bóng đá. Sáng đi học, chiều Tam Lang cùng ông Tư đến tập luyện với đội AJS lừng lẫy tiếng tăm. Năm năm sau, Tam Lang có tên trong màu áo tuyển thiếu niên miền Nam lúc bấy giờ, cùng với Võ Bá Hùng, Phạm Văn Lắm, Nguyễn Văn Ngôn, Quan Kim Phụng…

Năm 1966, khi mới 24 tuổi Tam Lang được HLV Weigang tín nhiệm chỉ định đeo băng thủ quân đội tuyển miền Nam dự Giải Merdeka và đoạt chức vô địch ngay trên đất Malaysia. Đó cũng là thời kỳ vàng son của bóng đá miền Nam, được AFC ghi lại trong chặng đường phát triển của bóng đá VN với nhiều hình ảnh, hiện vật lưu  giữ trong phòng truyền thống của AFC.

Ngày 30-4-1975 đã trở thành một bước ngoặt đáng nhớ đối với một cầu thủ bóng đá nổi tiếng của Sài Gòn. Sau nhiều đêm trăn trở, Tam Lang quyết định ở lại với mảnh đất mà ông đã sinh ra. Vài tháng sau ngày 30-4, ông xỏ giày ra sân tập luyện và thi đấu dưới màu áo đội Cảng Sài Gòn.

Đúng vào dịp Quốc khánh 2-9-1975, cựu trung vệ lừng danh của bóng đá miền Nam đã có dịp trình diện trở lại trước hàng ngàn khán giả trong trận đấu giao hữu với Hải Quan trên sân Thống Nhất và vẫn với “phong cách Tam Lang” quen thuộc: mạnh mẽ, quyết liệt nhưng hào hoa, lịch thiệp. Vài năm sau, ông chia tay với sân cỏ, chia tay với chức vụ HLV phó đội CSG để sang CHDC Đức (cùng Trần Minh Đức, Lưu Mộng Hùng) tu nghiệp về bóng đá. Hơn hai năm học ở CHDC Đức, Tam Lang về nước với tấm bằng HLV loại xuất sắc và chính thức nhận cương vị HLV trưởng đội CSG.

28 năm là cầu thủ rồi HLV của đội bóng đá CSG, có thể nói Tam Lang là người có công lớn tạo nên một phong cách CSG chơi đẹp, chuộng kỹ thuật với những pha bật tường nhỏ, nhuyễn từng làm đắm say người hâm mộ cả nước. Dưới thời cầm quân của ông, CSG đã có tới bốn danh hiệu vô địch quốc gia, ba lần đoạt cúp quốc gia và hàng loạt cúp vô địch TP.HCM, vô địch giải bóng đá các tỉnh thành phía Nam. Lao động miệt mài, dốc toàn tâm toàn trí cho CSG, sự phấn đấu bền bỉ ấy đã đưa ông đứng vào hàng ngũ những đảng viên Đảng Cộng sản VN, một phần thưởng tinh thần to lớn mà không phải cựu cầu thủ bóng đá nào của miền Nam trước kia cũng có được.

Năm 1997 Tam Lang chính thức giữ vai trò HLV phó đội tuyển quốc gia dưới thời Colin Murphy (HCĐ SEA Games 1997), Alfred Riedl (HCB Tiger Cup 1998, HCB SEA Games 1999, Tiger Cup 2000) rồi Dido (SEA Games 2001). Hiện nay ông đang làm công tác đào tạo tài năng trẻ ở Trung tâm thể thao Thành Long.

TUỔi TRẺ

 

BÌNH CHỌN QUA CÁC BÁO

 Thứ Bảy, 13/03/200411:43 (GMT+7)

Bình chọn qua mạng cho "Cầu thủ vàng" của bóng đá Việt Nam:

Phạm Huỳnh Tam Lang và Lê Thế Thọ thay nhau dẫn đầu danh sách


TTCN - Sau những vướng mắc xung quanh việc bầu chọn danh hiệu “Cầu thủ vàng” qua 50 năm bóng đá VN, báo Tuổi Trẻ Online và một số tờ báo điện tử khác tổ chức bình chọn qua mạng theo danh sách đề cử của LĐBĐVN. Qua kết quả sơ bộ, HLV Phạm Huỳnh Tam Lang và cựu danh thủ Lê Thế Thọ có tỉ lệ bầu chọn chênh nhau khá ít và thay nhau dẫn đầu danh sách.

Tính đến 15g ngày 11-3, sau gần một tuần tiến hành thăm dò trên website www.tuoitre.com.vn, câu hỏi: “Bạn chọn ai là Cầu thủ vàng qua 50 năm bóng đá VN?” đã nhận được 98.750 lượt bình chọn, và cho thấy một cuộc đua đầy cam go trong lòng bạn đọc. Những ngày đầu, Phạm Huỳnh Tam Lang liên tiếp bức xa các ứng viên khác một khoảng cách an toàn.

Tuy nhiên đến ngày thứ tư, khoảng cách bị thu hẹp đầy ấn tượng, như lời của một bạn đọc ở địa chỉ huynhnt@: “Chúng tôi không biết Tuổi Trẻ Online có chương trình thăm dò dư luận. Đến khi biết vội vã thông tin cho người quen, bạn bè. Cứ thế chuyền tay nhau nhanh chóng qua các forum, chatroom để cùng nhau ủng hộ anh Thọ…”. Một fan của Lê Huỳnh Đức tỉ tê: “Em thích anh Đức lắm, nhưng đến 50 năm lận, nên em với ba em thống nhất chọn chú Tam Lang”.

Hai ngày trước khi TTCN lên khuôn (11-3), chúng tôi lấy các con số thăm dò. Trước đó, ngày 10-3 có 30.129 lượt bạn đọc bình chọn (44%) danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang xứng đáng nhận danh hiệu “Cầu thủ vàng”, còn ông Lê Thế Thọ giữ vị trí thứ hai với 15.744 phiếu (23,84%). Tuy nhiên đến 15g ngày 11-3, con số đã chênh nhau khá nhiều khi lượt bạn đọc truy cập vào phần thăm dò tăng 30.295 lượt: Tam Lang nhận được phiếu 55.319 phiếu bình chọn (56,02%) còn Lê Thế Thọ tụt xuống còn 18,24% với 18.012 bạn đọc ủng hộ.

Cách khá xa hai hạng đầu, cầu thủ huyền thoại một thời Nguyễn Cao Cường chỉ đạt 9.243 số lượt bình chọn (9,36%), còn những gương mặt trẻ như Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hồng Sơn chỉ đạt con số xấp xỉ 10% tổng số phiếu bình chọn.

Kết quả cũng tương tự ở báo điện tử VietNamNet (www.vnn.vn). Trong 65.857 phiếu bình chọn,  HLV Phạm Huỳnh Tam Lang dẫn đầu với 31.049 phiếu (47%) và cựu cầu thủ Lê Thế Thọ cũng đạt số phiếu rất cao là 17.494 (27%).

Kết quả của báo Thanh Niên điện tử cho thấy trong 63.890 phiếu bình chọn, có đến 38,7% (24.726 phiếu) dành cho HLV Tam Lang; 30,18%, 19.279 phiếu cho ông Lê Thế Thọ. Còn theo bình chọn của báo Lao Động điện tử (www.laodong.com.vn) hai ông Lê Thế Thọ và Tam Lang vẫn ở vị trí cao nhất: Lê Thế Thọ có được 147.955 phiếu (46,87%), Tam Lang - 126.980 phiếu (40,23%).

Ở cuộc bình chọn của báo điện tử VnExpress (www.vnexpress.net), cầu thủ Nguyễn Hồng Sơn là người xứng đáng với danh hiệu cầu thủ vàng nhất với 30.196 phiếu bình chọn (36,8%). Sau Hồng Sơn là Nguyễn Cao Cường với 22.568 phiếu (27,5%). Phạm Huỳnh Tam Lang và Lê Thế Thọ xếp thứ 3 và thứ 4 với số phiếu lần lượt là 12.893 và 8.865 trong tổng số 82.098 phiếu bình chọn.

 

BÌNH CHỌN THEO LDBDVN

 VNExpress

Ông Lê Thế Thọ - Cầu thủ hay nhất Việt Nam 50 năm qua

Cựu danh thủ Lê Thế Thọ đã chiếm số phiếu ủng hộ áp đảo (76) trong cuộc bầu chọn lại của Liên đoàn bóng đá VN cho danh hiệu "Cầu thủ vàng Việt Nam nửa thế kỷ qua", diễn ra sáng nay tại trụ sở Liên đoàn. Người đứng thứ hai là ông Phạm Huỳnh Tam Lang, chỉ được 19 trong tổng số 125 phiếu hợp lệ.


Ông Lê Thế Thọ nhận giải thưởng. Ảnh: Anh Tuấn

Các ứng cử viên khác có số phiếu ủng hộ lần lượt là Nguyễn Cao Cường (12), Nguyễn Thế Anh (6), Nguyễn Trọng Giáp và Trần Duy Long (cùng 4), Nguyễn Hồng Sơn (3) và Lê Huỳnh Đức (1). Như vậy, ông Lê Thế Thọ sẽ đại diện cho Việt Nam nhận danh hiệu "Cầu thủ vàng" do AFC trao tặng, nhân dịp LĐBĐ châu Á kỷ niệm 50 năm ngày thành lập vào 8/5. Hồi cuối tháng 2, trong cuộc bình bầu phạm vi hẹp chỉ có sự tham gia của đại diện các CLB bóng đá VN và Hội đồng HLV quốc gia, ông Thọ cũng đã chiến thắng.


Ông Tam Lang ký lưu niệm vào bóng.

BTC cuộc bình bầu đã phát ra 158 phiếu tới các cá nhân và tổ chức. Mỗi tổ chức hoặc cá nhân chỉ được nhận một phiếu bầu. Cá nhân là các Chủ tịch, phó chủ tịch, tổng thư ký LĐBĐ Việt Nam các khóa, Các Uỷ viên Thường vụ LĐBĐ Việt Nam khóa IV, các Ủy viên Hội đồng HLV quốc gia khóa II. Ngoài ra, các nhà báo thể thao lão thành như Tú Hào, Trần Can, Lê Bách, Nguyễn Lưu, Chánh Trinh cũng được mời tham gia bỏ phiếu. Các tổ chức tham gia bỏ phiếu là Vụ TDTTTT cao II, Sở TDTT các địa phương có đội bóng tham gia giải Ngoại hạng, hạng Nhất, hạng Nhì, các LĐBĐ địa phương là thành viên LĐBĐ VN, các CLB chuyên nghiệp và hạng Nhất cùng các cơ quan thông tin đại chúng (25 báo đài trên toàn quốc). BTC thu về tổng cộng 128 phiếu, trong đó có 125 phiếu bầu hợp lệ, 2 phiếu trắng và một phiếu không hợp lệ.

Tiêu chuẩn "Cầu thủ vàng"
- Thời gian hoạt động của cầu thủ trong khoảng thời gian từ 1954 tới năm 2004
- Tham gia đội tuyển quốc gia và thi đấu xuất sắc được công luận tôn vinh
- Có phẩm chất đạo đức tốt. Không vi phạm pháp luật
- Sau thi đấu có trình độ chuyên môn cao và cống hiến cho sự phát triển nền bóng đá nước nhà, khu vực và thế giới

7 ứng viên do Liên đoàn đề xuất:
Thế hệ 1: Phạm Huỳnh Tam Lang, Trần Duy Long, Lê Thế Thọ
Thế hệ 2: Nguyễn Trọng Giáp
Thế hệ 3: Nguyễn Cao Cường
Thế hệ 4: Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hồng Sơn
Các nhà báo đề nghị đưa tên Thế Anh (Ba Đẻn) vào danh sách ứng viên, và Liên đoàn chấp nhận.

Ông Lê Thế Thọ sinh năm 1941 tại Hải Dương, đến với bóng đá từ phong trào học sinh. Năm 15 tuổi, ông được gọi vào tập trung ở trường Huấn luyện TDTT và chỉ một năm sau đã khoác áo đội tuyển quốc gia và là thành viên của đội tuyển trong 10 năm liền. Sau khi giã từ sân cỏ, ông theo học tại Học viện Khoa học bóng đá Leipzig (CHDC Đức), lấy bằng cao học. Trở về nước, ông được chỉ định là HLV trưởng đội tuyển Việt Nam và từng dẫn dắt đội tuyển thắng đội Quân đội Liên Xô với kết quả 4-3. Từ 1978 đến 1989, ông giữ chức Tổng thư ký Lâm thời của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), sau đó là Tổng thư ký VFF nhiệm kỳ I từ 1989 đến 1993. Nhiệm kỳ II (1997-2001), ông giữ chức Phó chủ tịch VFF. Từ 2001 đến nay, ông là chuyên viên cao cấp kiêm trợ lý của Bộ trưởng - Chủ nhiệm Uỷ ban TDTT Nguyễn Danh Thái.

Cũng trong sáng nay, toàn bộ 12 thành viên Ban thường vụ Liên đoàn bóng đá Việt Nam đã thống nhất đề cử cố danh thủ Trương Tấn Bửu đại diện cho bóng đá nước nhà nhận huân chương 100 năm FIFA. Cố danh thủ Trương Tấn Bửu là cầu thủ vừa có tài vừa có đức, được quần chúng hâm mộ trong cả nước yêu quý. Ông sinh trưởng và thi đấu nhiều năm ở đất phương nam, từng dẫn dắt đội Thể Công và đội tuyển quốc gia gặt hái nhiều thành công. Không chỉ ở làng bóng đá trong nước, khi ra nước ngoài, ông cũng được nhiều người biết tiếng. Ông Bửu chính là thân sinh của danh thủ Trương Tấn Nghĩa, cầu thủ nổi danh thời gian 1955-1965.

X. Toản - H. Linh

 

 

BÌNH PHẨM CỦA CÁC BÁO VỀ KẾT QUẢ "CẦU THỦ VÀNG"

NGƯỜI LAO ĐỘNG

Lỗi do bộ máy Liên đoàn Bóng đá Việt Nam

05-03-2004 - 23:12|Thể thao

Chia sẻ

 

+ LĐBĐ VN nhận khuyết điểm nhưng khẳng định, cuộc bầu chọn vừa qua là công tâm và trong sáng+ Bầu không khí cuộc họp báo công bố phương án bình chọn lại giải “Cầu thủ vàng” qua 50 năm vào chiều qua, 5-3, là sự tương phản của 2 thái cực tâm lý: các quan chức LĐBĐ VN đăm chiêu, lặng lẽ, trong khi giới báo chí vô cùng bức xúc.

Nhiều việc nên... quên!. - Trong thông báo chính thức của LĐBĐ VN, ngay khi nhận được văn bản của AFC ngày 18-2 yêu cầu đề cử 1 VĐV tiêu biểu của bóng đá VN nhận danh hiệu “Cầu thủ vàng” của AFC, liên đoàn lập tức xúc tiến việc chọn ứng cử viên. Tuy nhiên, do thời hạn gấp gáp (nhận văn bản ngày 18-2 và đến 27-2 phải nộp), liên đoàn đã quyết định giao cho Hội đồng HLV Quốc gia và Ban Các ĐTQG lên danh sách gồm 3 cựu danh thủ: Lê Thế Thọ, Phạm Huỳnh Tam Lang và Trần Duy Long để thông qua 24 HLV các CLB V-League, hạng nhất và 7 thành viên Hội đồng HLV Quốc gia bầu chọn. Ngày 27-2, dù chưa nhận đủ phiếu bầu phát ra nhưng để bảo đảm thời gian quy định của AFC, liên đoàn đã quyết định kiểm phiếu và nhờ vậy, ông Lê Thế Thọ trở thành “Cầu thủ vàng” của bóng đá VN trong 50 năm qua.

Thế nhưng, liên đoàn cũng thừa nhận, do gặp phản ứng quyết liệt từ dư luận về kết quả cuộc bầu chọn trên, vì vậy đã xin ý kiến từ Ủy ban TDTT và đề nghị AFC gia hạn đề cử để tiến hành bầu chọn lại một cách rộng rãi, chu đáo hơn. Điều trớ trêu, khi liên đoàn đang soạn thảo bản quy trình và tiêu chí bầu chọn lại danh hiệu “Cầu thủ vàng”, báo chí lại phát hiện thêm một chi tiết rằng, ngay từ cuối năm 2003, AFC đã gửi cho LĐBĐ VN bản tiêu chí bầu chọn “cầu thủ vàng” dự Gala kỷ niệm 50 năm AFC vào ngày 8-5 tới.

Phó Chủ tịch LĐBĐ VN Trần Duy Ly thừa nhận, đúng là AFC từng gửi đến LĐBĐ VN công văn thông báo việc bầu chọn “Cầu thủ vàng” qua 50 năm của AFC. Tuy vậy, AFC đã gửi văn bản này vào ngày 7-1-2004 chứ không phải ngày 19-12-2003 như đại diện AFC đã trả lời báo chí. Mặt khác, do cách dùng từ ngữ và nội dung của văn bản ngày 7-1 và văn bản ngày 18-2 có sự khác biệt, vì vậy liên đoàn đã “hiểu nhầm” và không kiểm tra lại chứ không phải liên đoàn ém nhẹm, lừa dối dư luận.

Trong khi đó, Phó Ban Quan hệ Quốc tế LĐBĐ VN Lê Hoài Anh- người trực tiếp xử lý các văn bản này- nói rằng, do quá bận với việc chuẩn bị đón đoàn đại biểu của chương trình “Tầm nhìn châu Á” và đi công tác nước ngoài nên ông đã... quên mất văn bản của AFC gửi ngày 7-1-2004. Ông Lê Hoài Anh nói: “Tôi đã không đối chiếu kỹ lưỡng các văn bản do AFC gửi, vì vậy đã quên mất văn bản gửi ngày 7-1. Tôi xin nhận khuyết điểm trước công luận và báo chí”.

“Anh Viễn và tôi cũng đều có lỗi”.- Phó Chủ tịch LĐBĐ VN Trần Duy Ly nhìn nhận, việc để xảy ra sai sót trên không chỉ ảnh hưởng đến công việc của LĐBĐ VN, mà còn ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức này trước AFC và công luận. Hơn thế nữa, Thường trực LĐBĐVN cũng phải chịu trách nhiệm về sự việc trên. Ông Ly nói: “Lỗi vừa qua là do bộ máy hoạt động của LĐBĐ VN chưa “ngon”, chưa hoạt động đúng yêu cầu. Để xảy ra như vậy, những người lãnh đạo liên đoàn và bản thân tôi phải chịu trách nhiệm. Trong sự việc này, tôi và anh Viễn (Tổng Thư ký Phạm Ngọc Viễn) phải có trách nhiệm, vì vậy chúng tôi tự kiểm điểm về các phần lỗi mà mình mắc phải”. Tuy nhiên, ông Ly không nói rõ hình thức xử lý cụ thể mà chỉ nói miệng một cách chung chung rằng “hình thức xử phạt là do tập thể... LĐBĐ VN có ý kiến và quyết định”.

Không “hạ xuống” mà chỉ... bầu lại!.- Việc LĐBĐ VN quyết định bầu lại danh hiệu “Cầu thủ

vàng” đã gây ra tình cảnh rất đáng thương với ông Lê Thế Thọ- người từng được tuyên bố và đề cử

Kỷ luật: Nhiều phóng viên bất bình trước việc “sơ suất” của LĐBĐ VN trong việc bầu chọn “Cầu thủ vàng” đã đề nghị liên đoàn cũng phải tự nhận hình thức kỷ luật “treo giò” hoặc phạt tiền giống như các cầu thủ thi đấu bị lãnh án kỷ luật của LĐBĐ VN.

với AFC là “Cầu thủ vàng” của bóng đá VN trong 50 năm qua. Trước tình cảnh này, các phóng viên lập tức “nhắc” LĐBĐ VN quên không xin lỗi ông Lê Thế Thọ công khai trước dư luận. Đến lúc ấy, Phó Chủ tịch Trần Duy Ly mới nói rằng, liên đoàn và cá nhân ông phải có trách nhiệm xin lỗi ông Lê Thế Thọ, cũng như những lá phiếu bầu chọn của các HLV, chuyên gia từng tham gia bầu chọn trước đây. “Việc xin lỗi anh Lê Thế Thọ là đương nhiên rồi!”- ông Ly nói- “Vả lại, liên đoàn tổ chức bầu chọn lại chứ không “hạ” anh Thọ xuống khỏi vị trí “Cầu thủ vàng”. Còn các lãnh đạo, chúng tôi phải thuyết phục họ rằng, lá phiếu bầu lại là để rộng rãi, chu đáo hơn chứ không phải vì không tin vào các quyết định bầu chọn trước đây”.

Nguyễn Ngọc

 

 

 

 

 

TUỔI TRẺ

"Cầu thủ vàng Việt Nam" 50 năm: Quá nhiều "cử tri ẩn"

12/03/2004 14:02 GMT+7

 

TTO - Liên đoàn bóng đá VN vừa công bố danh sách 158 cử tri được tham gia bầu chọn "cầu thủ vàng VN" 50 năm đi dự gala của AFC. Điều người ta ngạc nhiên nhất, trong số 158 cử tri chỉ có 36 người có tên tuổi cụ thể.

Những người này chủ yếu là "quan" bóng đá, rất hiếm cầu thủ, những người trực tiếp thi đấu trên sân cỏ. Trong số 38 "quan" bóng đá chỉ có 6 người trước đây từng là cầu thủ: Ngô Xuân Quýnh, Lê Thế Thọ, Nguyễn Sĩ Hiển, Trần Văn Phúc, Mai Đức Chung, Nguyễn Thành Vinh.

122 phiếu khác dành cho các đơn vị tập thể bao gồm các Sở TDTT có đội chuyên nghiệp, hạng nhất, hạng nhì, các CLB bóng đá, các vụ chức năng, trường đại học TDTT của UBTDTT,đại diện 26 cơ quan thông tấn, báo chí. Những cơ quan này sẽ cử người đại diện bỏ phiếu, đến giờ này chưa rõ danh tánh nên được gọi là cử tri ẩn.

Sau khi bản danh sách này được LĐBĐVN công bố đã không ít người đặt vấn đề, tại sao những cựu danh thủ vang bóng một thời, những người hiểu rõ nhất tài năng cầu thủ trên sân, lại không được tham gia bầu chọn?

Một khi những cầu thủ không được bầu cho cầu thủ thì sự lựa chọn có được coi là chính xác? Ngay cả những cựu tuyển thủ từng làm HLV trưởng hoặc phó đội tuyển quốc gia như Trần Bình Sự, Vũ Văn Tư, Tam Lang, Kim Hằng, Nguyễn Văn Vinh... còn bị bỏ quên nói gì tới những cầu thủ giã từ sân cỏ không có cương vị như Lưu Kim Hoàng, Ngôn, Sinh (CSG), Thanh Cang, Văn Thành, Công Hoàng (HQ) hay Tiền, Nhi, Chi, Út (TC) Hiển, Đặng, Hòa (CAHN) Điểm, Gia, Lộc (TCĐS)...

Thậm chí những cầu thủ từng đoạt danh hiệu "Qủa bóng vàng VN" qua 9 lần bầu chọn đều bị bỏ rơi. Trong khi đó như chủ tịch LĐBĐVN Mai Liêm Trực từng phát biểu: "Nếu tôi có tên trong danh sách đi bầu, tôi cũng nhường quyền bỏ phiếu cho người khác vì thực tế tôi không được xem họ đá làm sao bầu chính xác được!".

Điều đó càng cho thấy bản danh sách cử tri cần được LĐBĐVN xem xét lại nếu muốn có cuộc bầu chọn chính xác. Dù sao bản danh sách 158 cử tri đã được công bố và qua bản danh sách này, có thể khẳng định, người trúng cử "Cầu thủ vàng Việt Nam" 50 năm là do các "quan" bóng đá dựng nên. Có những nguồn tin cho rằng LĐBĐVN đang muốn ông Lê Thế Thọ tái trúng cử để chứng tỏ rằng cuộc bầu chọn lần đầu do mình tổ chức tuy có vội vã nhưng đã chính xác. Những thông tin này sẽ được kiểm chứng sau khi có kết qủa bầu chọn.

ĐỨC THẮNG

 

Không có nhận xét nào: