6/6/09

VIẾNG CHÙA DƠI SÓC TRĂNG (Bài 028)

Rời khỏi Thánh Đường Tắc Sậy lúc 1 giờ 30 trưa, chúng tôi quay trở lại Bạc Liêu để kiếm chỗ dùng cơm. Chú tài xế Sơn mở cell phone gọi đồng nghiệp đã từng kinh nghiệm đi qua vùng nầy để hỏi thăm xem nhà hàng nào gần đây ăn ngon lại sạch sẽ. Đến ngả rẽ vào Thị xã Bạc Liêu, chúng tôi dừng lại một nhà hàng bên đường ba căn rộng rãi thoáng mát nhưng thật là không sạch sẽ chút nào; đĩa nhựa cáu bợn, nắp bàn ăn nhơm nhớp mỡ, nhà vệ sinh cổ lỗ, nhà bếp âm u xông mùi ẩm thấp.. nuốt hết vô mặc dù rất đói.
Sơn là cháu rể của ‘Dì Tư’, lúc nào cũng vui vẻ và tận tình hướng dẫn mọi việc mà cháu hiểu biết trên đường đi, đến đây sau khi dùng cơm xong, cháu đề nghị;  “Về Sóc Trăng mình ghé thăm Chùa Dơi đi! Còn kịp về Cần Thơ mà?” Chúng tôi đồng ý ngay. Cũng phải nói là rất lạ, từ lúc đến cho tới lúc rời khỏi Linh địa Cha Trương Bửu Diệp, tôi cảm thấy trong người sảng khoái không tí mệt mỏi, hay buồn ngủ ,-dù hôm đó thức dậy từ 4 giờ sáng và đi suốt đến giờ nầy, nên còn thích được đi ‘chơi’ tiếp.


Ở bên Mỹ ,-một vài năm trước, đọc báo trên online, tôi được nghe nói nhiều về Chùa Dơi; nào người ta bắt dơi bán cho quán nhậu, cháy Chùa Dơi thiệt hại nặng nề vì các di tích cổ bị thiêu huỷ v.v.. Lúc ấy tôi cứ nghĩ Chùa Dơi phải nằm trên một ngọn đồi cao có nhiều cây cổ thụ, nơi vắng vẻ và là chùa của người Việt Nam, nên tôi cũng có ý hiếu kỳ muốn tham quan cho biết. Vào Thị xã Sóc Trăng đi một đổi chừng trên 1km thì phải xuống xe để sang xe honda ôm hoặc xe honda lôi, chúng tôi chọn xe honda lôi chở được năm người chúng tôi cùng đến Chùa, vì đường vào Chùa hơi hẹp không dùng xe du lịch được. Đến nơi hoá ra trí tưởng tượng của tôi sai bét, đó là một ngôi chùa Khmer.
Ngôi Chùa Dơi có tên Khmer là Sêrây-Têchô Mahatúp  khắc tiếng Khmer trên cổng vào chùa, và tên Việt là Mã Tộc,  xây dựng từ năm 1569 cho đến nay được 440 năm, tọa lạc tại 73 đường Lê Hồng Phong, Phường 3, Thị xã Sóc Trăng. Chùa Dơi kiến trúc y hệt như những ngôi chùa mà tôi từng thấy trên xứ Kampuchia. Chùa Dơi so với những ngôi Chùa trên đất Chùa Tháp thì không phải là lớn. Tu theo tông phái Phật giáo Nam Tong Khmer, tên quen gọi là Phật giáo Tiểu thừa. Qua khỏi cổng vào, Chùa nằm về bên trái; Mái Chùa sơn son thếp vàng lộng lẫy dưới ánh mặt trời. Vượt qua chùa là bảo tháp chứa di hài các nhà sư quá cố, lò hoả táng. Đối diện chùa là nhà ở của các sư sãi và nhà hội trường Sala. Kế đến là một cái miếu không rõ thờ ai (heo năm móng chăng?) mà trước cửa miếu có một cái tượng chó nhe nanh dữ tợn nhìn thẳng vào trong miếu như hù doạ. Chúng tôi vào thăm chánh điện và bên trong chùa, thì thấy một nữ hoạ sĩ đang tiếp tục vẽ lại các hình ảnh trên tường. Chỉ thấy một pho tượng Phật Thích Ca màu đen ‘cao 1m50 bằng đá nguyên khối’ ngoài ra không thấy ‘hàng ngàn bảo vật quý bằng đất sét” chưng thờ. Lẽ dĩ nhiên là chưa phục chế được hoàn toàn các tượng thờ như xưa!

Theo các tài liệu tham khảo dưới đây thì diện tích ban đầu của Chùa là 7 ha, nay chỉ còn 3 ha phần còn lại dành cho dân canh tác. Nếu so với các Chùa chung quanh tỉnh Sóc Trăng cũng chẳng có gì nổi trội, ngoại trừ đàn dơi cư trú ở mảnh vườn bên cạnh Chùa là điểm đặc biệt gây sự hiếu kỳ cho đồng bào Việt Nam trong cũng như ngoài nước. Có tài liệu nói ‘có khoảng 1 triệu con dơi quạ’, có bài báo lại cho là ‘một đàn dơi hàng vạn con’ và dơi xuất hiện 200 năm về trước. Đàn dơi thường trở về Chùa nghỉ ngơi lúc 4 giờ sáng, hoàng hôn xuống 6:30 bay đi tìm mồi. Chúng không bao giờ ăn trái cây trong Chùa trồng như xoài, vú sữa, sầu riêng, măng cụt… hay ngủ ở những cây của dân xung quanh vùng, cho dù cây của dân thòng qua Chùa. Chúng tôi đến Chùa vào lúc 3 giờ 51 trưa là lúc dơi còn đang ngủ, ra sân vườn tìm dơi thì thấy còn một số đang treo mình dọng đầu xuống đất trên những cành cây cao chót vót, theo ước tính của tôi thì chừng vài trăm con là nhiều. Những cây ngoài vườn là cây ăn trái chăng? chẳng thấy trái nào để mà biết cây gì, mảnh vườn cũng không lớn lắm chung quanh là nhà dân. Như vậy là vườn bị thu hẹp, bị bắt trộm dơi, bị cháy chùa làm đàn dơi thu nhỏ lại chăng? Ngày 15/08/2007 cháy chánh điện, Đại đức Kim Rênh sư trụ trì đời thứ 19 của chùa cho báo chí biết; “Đàn dơi chỉ còn trở về khoảng 20% trên tổng đàn.” Tổng đàn dơi bao nhiêu con không thấy Đại đức nói đến.

Chùa Dơi đang được Chính quyền Tỉnh Sóc Trăng trùng tu và sửa chữa lại,  vì Chùa Dơi được Nhà Nước đánh giá là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia. Trong những thập niên gần đây môi trường sinh thái của đàn dơi tại chùa đã bị con người làm xáo trộn, thì chắc chắn không tránh khỏi đàn dơi sẽ biến mất trong một ngày không xa. Nếu dơi không còn ở chùa thì du khách cũng không đến, trả lại cho chùa sự yên lặng của 200 năm về trước để tu hành? và tên Chùa Dơi cũng sẽ bị quên lãng theo thời gian.

Xin xem một số hình ảnh tôi ghi lại được trong chuyến thăm nầy.

Tài liệu tham khảo thêm: (Tài liệu biên chép khá tỉ mỉ, nên ở bài nầy tôi thấy không cần thiết phải nhắc lại nhiều)

XEM THÊM HÌNH ẢNH (Click vào đây để xem, vì Picasa Web Albums đã ngưng hoạt động)

Không có nhận xét nào: