31/7/10

BỀNH BỒNG TRÊN SÔNG POTOMAC (Bài 050)


Định cư ở Northern Virginia gần tròn 20 năm, nhiều lần tôi muốn được đi thuyền trên sông Potomac để thưởng ngoạn cảnh vật hai bên bờ, xem có gì đẹp đáng được ca ngợi? nhưng phải nói là chưa có cơ hội nào thuận tiện. Cho mãi đến trước và trong ngày Lễ Độc lập Hòa Kỳ năm 2010; con gái tôi và gia đình nó dành cho tôi hai dịp bềnh bồng trên sông Potomac để câu cá và dự Lễ Độc lập Hoa Kỳ.


Sông Potomac bắt nguồn từ đông bắc của tiểu bang West Virginia chảy dọc theo biên giới giữa tiểu bang Maryland và Virginia, xuyên qua phía nam Thủ đô Hoa Thịnh Đốn (Washington DC) làm thành đường phân chia DC và Virginia, rồi đổ ra Vịnh Seasapeake. Trên thượng nguồn chiều ngang con sông hơi hẹp rồi rộng dần ra ở đoạn gần DC để đổ ra biển. Chiều dài con sông Potomac là 383 miles (616 km), lưu vực vào khoảng 14.000 dậm vuông (38.000 km2) được xem là 1 trong bốn con sông lớn nhứt  bên bờ Đại Tây Dương của quốc gia Hoa Kỳ.

Các con tôi đưa tôi đến Hội quán chơi thuyền The Gangplank Marina, 600 Water St SW, DC để nhận và kiểm tra thuyền trước khi sử dụng. Dài theo con đường này người ta kinh doanh các bến bãi đậu cùng sửa chữa thuyền, hội quán chơi thuyền và nhà hàng. Con rể tôi lái chiếc xuồng máy khá thành thạo và chúng tôi nhẹ nhàng lướt trên mặt nước rời khỏi bến. Thuyền đang ở trên con kênh Washington (kênh nằm song song với sông Potomac có chiều dài 2 dậm chạy từ Tidal Basin nằm ở phía tây công viên Potomac ra đến sông Anacostia) tiến dần ra đoạn sông chính Potomac giao nhau với con sông Anacostia, rồi rẽ về bên mặt, đi ngược lên tây bắc dòng sông để khám phá Thủ đô Washington từ trên sông.
Đoạn sông Potomac này khá rộng; nhìn về hướng phi trường Quốc gia  Ronald Reagan, ánh sáng buổi trưa phản chiếu gay gắt nên hạn chế tầm nhìn; hình ảnh lung linh không rõ nét; các nhà ga khi ẩn khi hiện, các phi cơ hành hành khách bay đường nội địa lên xuống lúc mờ lúc tỏ. Đến đây đã vào khoảng 2 giờ chiều.
Qua khỏi 3 cây cầu: 14th Street, Rochambeau và George Mason thì nhìn trên bản đồ về phía bên trái là Lầu Năm Góc hay còn gọi là Ngũ Giác Đài (Pentagon) là Tổng hành dinh của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, có tòa nhà văn phòng lớn nhất thế giới chiếm một diện tích sàn 604.000 m2 sử dụng 344.000 m2 làm văn phòng, ước chừng có 23.000 nhân viên gồm quân nhân và công chức quốc phòng làm việc và  khoảng 3.000 người phục vụ. Tên Lầu Năm Góc được nhắc đi nhắc lại hằng ngày trên các đài phát thanh và báo chí của miền bắc cũng như miền nam Việt Nam và trên toàn thế giới trong thời gian “Chiến tranh Việt Nam” vì là nơi đây chỉ huy các cuộc hành quân của quân đội Hoa Kỳ trên các chiến trường miền Nam Việt Nam. Tòa nhà có 5 cạnh, năm từng, hai từng hầm và năm hành lang. Có nhiều người Á châu rất thắc mắc về kiến trúc của Lầu Năm Góc vì họ không hiểu tại sao dân tộc Mỹ là một dân tộc văn minh dựa vào khoa học thực tiễn để xây dựng đất nước trở thành một siêu cường quốc lại tin vào dịch lí ‘ngũ hành’ của đông phương? Do vậy có nhà báo đã đặt câu hỏi về vấn đề này, thì được các giới chức ở đây trả lời “vì sự tiện lợi đi lại của nhân viên giữa các phòng ốc với nhau”. Câu trả lời nghe rất đơn giản nhưng không giải thích điều gì thỏa đáng cho người hỏi! Kế đến là vụ 11/09/2001 hay người Mỹ còn gọi là sự kiện  911 (trùng với số điện thoại gọi cấp cứu trong nội địa Hoa Kỳ), những tên khủng bố tự sát đã cướp 4 phản lực cơ chở hành khách trong đó có chuyến bay 77 của hảng American Airlines bị rớt tại cánh phía tây của Lầu Năm Góc làm thiệt mạng 189 người trong đó có 5 không tặc, 59 hành khách và 125 nhân viên đang làm việc trong Ngũ Giác Đài (có 1 người Việt Nam). Một lần nữa tên Lầu Năm Góc được nhắc tới trên toàn thế giới với sự hãi hùng.

Nhìn về phía tay mặt là hồ nhân tạo Tidal Basin nơi đưa thủy triều vào từ sông Potomac và xả nước ra qua kinh Washington. Hồ rộng 0.43 km2 có độ sâu 3m, chung quanh được trồng 13 loại hoa anh đào sẽ nở rộ vào mùa xuân, và mỗi năm có tổ chức Lễ hội quốc gia hoa anh đào vào khoảng tháng tư sẽ được thông báo trên truyền hình và radio. Tôi cũng không rõ là vào dịp hội hoa anh đào thì đi thuyền trên sông có nhìn thấy màu hoa anh đào hay không?

Vừa qua khỏi hồ Tidal Basin nhìn về phía bên trái, cũng trên bản đồ vì gần bờ sông là công viên cây xanh che mất cảnh vật bên trong; là Nghĩa trang Quốc gia Arlington nơi chôn cất anh hùng liệt sĩ Hoa kỳ. Vừa mới sang Virginia không bao lâu, ông bạn tôi từ Paris qua chơi muốn được vào chiêm ngưỡng Mộ cố Tổng thống John F Kennedy, tôi phải đưa đường cho ông, chứ với tôi mới ‘chân ướt chân ráo’ đến quê hương này, sự hiểu biết nước Mỹ còn quá hạn chế, đi đâu cũng ngại thì làm sao dám mò mẫm vào đây! Lần đến viếng nghĩa trang Arlington đã để lại trong lòng tôi nhiều ấn tượng sâu sắc; mỗi lần nói đến mồ mả thường người ta liên tưởng đến là mồ phải xây gạch kiên cố kèm theo mái che, cẩn đá hoa cương thì mới sang trọng v.v.. nhưng ở đây hoàn toàn không có như vậy, tất cả mồ mả nằm dưới lớp cỏ xanh mơn mởn trên đầu mộ là một tấm bia ghi tên họ người quá cố. Tất cả mọi người đã qua đời đều bình đẳng nhau, nằm trên một khu đất rợp cây xanh bóng mát, không khí thật trong sạch nhẹ nhàng. Sự tĩnh mịch của nghĩa trang như chìm đắm trong cõi an bình nào đó ở nơi xa xôi không hiện thực trên trần thế.
Mộ của cố Tổng thống John Fitzgerald Kennedy, bị ám sát ngày 22/11/1963 (mới 46 tuỗi), chôn cất ngày 25/11/1963 được kiến trúc sư John Carl Warnecker thiết kế, cũng nằm sâu dưới lòng đất trên lát đá thô sơ không miếng nào cùng cỡ miếng nào, xen kẻ giữa cỏ xanh với ngọn lửa vĩnh cửu đặt trên đầu mộ. Kế bên mộ ông là mộ vợ ông, bà Jacqueline Kennedy Onassis qua đời vì bịnh ung thư tháng 5, năm 1994. và hai bên là mộ của hai con, chết lúc còn tuổi vị thành niên. Trên tường rào chung quanh mộ khắc một câu nói nổi tiếng của vị Tổng thống thứ 35 của Hoa Kỳ này: “Đừng hỏi đất nước có thể làm gì cho bạn; mà phải tự hỏi bạn có thể làm gì cho đất nước” (Ask not what your country can do for you; ask what you can do for your country).
Đến cầu Arlington thì Đài kỹ niệm Lincoln nằm về bên mặt, nhưng dưới sông nhìn lên không thấy gì cả!
Qua cầu Theodore Roosevelt, bên mặt nhìn thấy Trung tâm trình diễn nghệ thuật mang tên John F Kennedy với 3 nhà hát lớn: Hội trường hòa nhạc có độ 2.400 ghế, Nhà hát nhạc kịch có chừng 2.300 ghế và Nhà hát kịch nghệ Eisenhower có 1.163 ghế. Bình quân mỗi năm Trung tâm có 2.000 buổi trình diễn phục vụ cho 2 triệu lược người thưởng thức và hơn 20 triệu buổi truyền hình và phát thanh cho công chúng. Kế đến là khu cao ốc liên hợp mang tên Watergate là nơi đã xảy ra vụ bê bối chính trị trong thời kỳ “Chiến tranh Việt Nam”, Nhà trắng đã cho đặt máy nghe lén trong bộ chỉ huy của Đảng Dân chủ. Sự việc bị phát giác, Tổng thống Richard Nixon phải chịu từ chức ngày 9/08/1974 để tránh khỏi bị các dân biểu nghị sĩ luận tội trước Quốc Hội Hoa Kỳ.
Đến đây nhìn về bên trái là đảo Theodore Roosevelt, và bên măt thấy một phần thành phố Georgetown  trong đó có trường đại học công giáo Georgetown được thành lập từ năm 1789, có nhiều phân khoa nổi tiếng như luật, thương mại và nhất là về ngành y, thu hút sinh viên từ 50 tiểu bang Hoa Kỳ và 120 quốc gia trên thế giới về đây học tập, nhưng học phí không phải là rẻ. Qua khỏi đảo Theodore Roosevelt, sông nhỏ lại và sâu hơn, nước trong xanh; các con tôi mang phao vào và nhảy xuống tắm kể cả đứa cháu mới 5 tuổi cũng hí ha hi hởn lội nước tung tăng.
Sau đó trở về câu cá nhưng nhưng không có con nào cắn câu vì chỗ nước sâu và trong. Tôi bảo chúng nên trở lại đầu đảo Roosevelt phía miệng sông Little chảy dọc thành phố Rosslyn nơi có công viên nhiều cây cổ thụ rủ bóng mát để câu, quả nhiên chúng tôi câu được rất nhiều cá catfish khá to giống hệt cá ngát bên Việt Nam, nhiều con kéo lên bị đứt dây và một loại cá khác giống như cá sặc bên Việt Nam, không rõ tên Mỹ là tên gì.

Các con tôi lại hẹn ngày Lễ Độc Lập Hoa Kỳ cùng đi xem đốt pháo bông. Tôi háo hức chuẩn bị máy ảnh, máy quay phim sẳn sàng cho chuyến đi thú vị này. Nhớ lại một lần cũng vào dịp Lễ Độc Lập tôi và con trai lớn tôi mang máy hình ra DC để dự định chụp pháo bông, nhưng nhiều đường đã bị cảnh sát khóa lại, muốn đến chỗ dễ dàng chụp phải bỏ xe đi bộ rất xa, thôi đành bỏ cuộc. Lần này hy vọng thành công như ‎‎dự kiến, nhưng khi nhận thuyền con rể tôi được giao cho chiếc thuyền có bườm nghĩa là thuyền cao lều khều. Thời tiết buổi trưa hôm đó nhiệt độ lên hơn 90 độ F quá nóng, các con tôi và gia đình bạn nó lại xuống lội sông. Thuyền bè ngày Lễ tấp nập chạy đua hết tốc độ, sóng vỗ ồ ạt vào mạn thuyền làm tôi cảm thấy nhức đầu nhưng cũng rán sức chịu đựng. Con tôi quay thuyền về hướng ra Vịnh Seasapeake rồi nhờ bạn phụ vươn bườm lên chạy cho đở tốn nhiên liệu. Thế là chúng tôi bềnh bồng trên sông mênh mong. Thuyền có bườm không vào khu làm lễ được mà Hội quán cho hay phải trả tàu vào lúc 8 giờ tối trước khi bắn pháo bông.  Tôi thấy nản lòng vì không đạt được mục đích. Cũng may là con của người bạn đi theo bị choáng muốn ói, xin về thế là tôi tháp tùng gia đình nó rút lui sớm.

Hai lần đi trên sông Potomac, tôi đã được ngắm nhìn thủ đô Hoa Thịnh Đốn khuất sâu trong các hàng cây công viên xanh um, chỗ có thể nhìn được cũng không có gì hấp dẫn một phần khúc sông nầy quá rộng nên những nhà cửa cao ốc bên trong đất liền như quá bé bỏng không cân đối với con sông. Con sông Potomac khúc DC đi chơi thuyền thì thoải mái, chứ để ngắm cảnh hai bên bờ thì không có gì thích thú như sông SeineParis. Mời xem hình chụp của tôi và đoạn phim của con rể tôi/

XEM ẢNH TRÊN SÔNG (Click vào đây để xem, vì Picasa Web Albums không còn hoạt động)
LONG-NHI


Không có nhận xét nào: