Mùa Xuân lại về trên quê hương Virginia . Mùa đông lạnh lẽo vừa bước qua, một chút nắng ấm áp ngập ngừng đến. Không khí se se lạnh vương vấn trên ngàn cây nội cỏ làm hưng phấn muôn loài thảo mộc đâm chồi nẩy lộc. Hoa khoe sắc, nhụy tỏa hương đón chào những ngày mới tươi thắm đến! Lòng người xa xứ tuy tuổi đã về chiều nhưng cũng thấy chút nhựa sống trẻ lưu thông trong huyết quản để cùng hòa điệu cùng thiên nhiên tuyệt vời của mùa xuân. Trong không khí trong lành, tôi vơ vẫn nghỉ ngợi miên man chuyện thế sự; về những thiên tai vô tiền khoán hậu từ đông sang tây hay xót xa vì máu đổ thịt rơi lan tràn khắp Bắc Phi rồi Trung Đông.
Mùa Xuân rơi vào dịp cuối tháng 3 hằng năm. Để mừng Xuân, ở Virginia và Washington DC tổ chức Lễ hội hoa anh đào trên bờ hồ Tidal Basin ở Thủ đô Washington . Ngày khai mạc Lễ hội được tổ chức với nhiều cuộc biểu diễn ngoạn mục trên các đường phố ở Washington DC như diễu hành xe hoa, ca, múa và các hình thái nghệ thuật khác v.v.. thật là hấp dẫn du khách. Các đài phát thanh truyền hình, báo chí liên tục thông báo ngày lễ hội này với các dự đoán ngày chính xác hoa anh đào nở và ngày chính thức khai mạc để cho du khách toàn quốc đến chiêm ngưỡng và đồng thời cũng là dịp viếng thăm Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn.
Chúng tôi định cư ở Hoa Kỳ trên 20 năm, nhưng thú thiệt là chỉ đến xem hoa anh đào nở được hai lần. Lúc còn đi làm, thì giờ eo hẹp, những khi rảnh rỗi thì lại gặp năm thời tiết không thuận lợi; khi mưa, lúc tuyết làm hoa anh đào rơi rụng mất đẹp nên tôi đã bỏ vỡ nhiều dịp đến dự. Lần đầu vào tháng 4 năm 2003, tôi cùng gia đình đến xem hoa anh đào để coi nó đẹp như thế nào mà Thủ đô Tokyo của nước Nhật đã tặng cho nhân dân Thủ đô Hoa Thịnh Đốn 3.000 cây vào năm 1912 và được người Hoa Kỳ tưng tiu đem trồng chung quanh hồ thủy triều (Tidal Basin) trong lòng Thủ Đô. Lần đó ngắm hoa anh đào tôi chưa phân biệt được cái hay cái lạ của hoa; chỉ thấy rợp bờ hồ một màu hồng hồng. Cành cây anh đào ẻo lả dịu dàng như nét vẽ trong tranh thũy mặc, bông hoa hồng như son phấn mịn màng trên môi trên má các nàng geisha Nhựt trong bộ kimono, hồn tôi cảm thấy lâng lâng phơi phới như lạc vào một thề giới nào xa lạ. Tôi chụp nhiều hình cho gia đình, khi về đến nhà xem lại thấy hình không vừa ý, tự hỏi: “Sao màu hoa anh đào không hồng mà lại nhàn nhạt?” thế là tôi sử dụng Photoshop để sữa cho lên màu ưng ý, nhưng cuối cùng màu mè vẫn không vừa ý. Có thể tôi đã bị ám ảnh bởi hoa anh đào ở miền bắc Việt Nam, nó có màu đỏ thẳm hơn!
Dịp thứ 2, trước khi đi dự Lễ Hội Quốc Gia Hoa Anh Đào lần thứ 96 ngày 2 tháng 4, 2008, tôi đã về hưu có thì giờ nghiên cứu tài liệu về lịch sử hoa anh đào ở Thủ đô Hoa Thịnh Đốn, mới vỡ lẽ ra là sau đợt thị trưởng thành phố Tokyo tặng 3.000 cây, thì tiếp đó lãnh sự quán Mỹ ở Nhật tìm và bổ sung thêm nhiều loại hoa anh đào khác thu thập được trên toàn nước Nhật mang về trồng chung với nhóm có trước. Như vậy là hoa anh đào ở DC có tất cả là 12 loại hoa khác nhau. Màu sắc và hoa chia thành từng loại, thí dụ như hoa đơn và kép được xem như 2 loại khác nhau; bao gồm màu trắng, trắng xám, cam, hồng, đỏ, đỏ thẳm. Đã chú ý trước nên lần này đi xem hoa, tôi đã chụp được nhiều loại hoa anh đào khác nhau. Xin xem phim ở Bài 003.The 2008 Cherry Blosoom Festival, rất tiếc là khổ phim trên blog quá nhỏ nên không thể hiện rõ nét những bài viết nói về lịch sử hoa anh đào và hình ảnh xinh đẹp của màu hoa.
Năm nay hoa anh đào lại về, tuổi đời chồng chất nặng trĩu nhưng không quên chờ đợi các em ở Sacto hẹn trước là “thế nào chúng em cũng sang chơi để thăm anh chị đồng thời viếng Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn và ngắm hoa anh đào cho biết”. Đến giờ này hoa đã tàn, lá xanh đã phủ kín cành anh đào mà vẫn không thấy tăm hơi các em Ba Công Ngọc Anh ở nơi mô? Hay là;
Các em đang lo lắng tình hình thị trường chứng khoán xăng dầu đang cất cánh bay cao như phi thuyền con thoai do biến động ở Bắc Phi và Trung Đông. Cũng là chuyện lạ; nhân dân Bắc Phi-Trung Đông không ai kích động, không ai chỉ huy, đã đồng loạt nổi dậy biểu tình ôn hòa nhằm lật đổ chế độ độc tài toàn trị qua vài mươi năm cai trị hà khắc. Sư áp bức, tham nhũng, bóc lột người dân tận xương tủy của các chính quyền tham lam, đã gây căm phẫn người dân khiến họ mạnh dạng đứng lên đòi lại quyền sống, quyền làm người. Khởi sự từ mùa đông cho đến mùa xuân này, chỉ trong vòng vài tháng mà một số quốc gia như Tunisia, Egypt và Côtre d’Ivoire quần chúng đã dành được thắng lợi, số quốc gia khác nhân dân còn đang tiếp tục tranh đấu sống mái với bạo quyền như Yemen , Libya, Syria, Bahrain… Algeria, Arab Saudit và Jordan khôn ngoan hơn, vội vã tuôn tiền ra nâng cao phúc lợi cho dân nên tạm ổn. Điều đáng nói, là nhân loại ngày nay hiểu rõ vai trò quyền lực và quyền lợi của mình trên đất nước mà họ đang sinh sống, không cần du nhập “cách mạng” hay học thuyết “ảo tưởng” từ bên ngoài vào nước họ. Sự nổi giận của quần chúng ở đây là một lời cảnh cáo nghiêm khắc đối với các chề độ độc tài còn đang tồn tại ở các nước khác. Tham nhũng sẽ sớm bị kết liễu, bản thân kẻ gây tội ác sẽ không còn chỗ nương thân trên hành tinh này. Các biến cố trên là một bất ngờ đã làm thế giới tư do Âu Mỹ phải ngẩn ngơ, riêng thế giới độc tài phải run sợ. Con đường do nhân dân làm chủ đang mở ra nhưng sẽ đi về đâu dưới hình thức nào? Chưa có câu trả lời chính xác. Hảy chờ xem.
Các em tôi đang hồi hộp theo dõi trận đông đất 8.9 độ Richter gây ra sóng thần cao gần cả 20 chục thước ở Sendai Nhựt Bổn tàn phá hằng 700 km dọc theo các thành phố ven biển và tràn cả sang bờ biển California Hoa Kỳ. Sóng thần đã làm thiệt mạng và mất tích trên vài chục ngàn người. Nhà cửa bị phá hủy tan tành, tàu bè “thượng” lên núi, phi cơ “lội” xuống nước. Sáu lò nguyên tử hạt nhân ở Fukushima của Cty Tepco bi hư hại nặng, hệ thống làm nguội bi hỏng, các thanh nhiên liệu uranium nóng chảy, phóng xạ thoát ra bên ngoài gây tai họa hạt nhân không lường cho dân tộc Nhật và các nước Á Châu dọc theo Thái Bình Dương, mà chính phủ Nhựt phải báo động sự cố hạt nhân lên cấp 7 là cấp cao nhất của thảm họa hạt nhân. Tai họa do thiên nhiên có thể khắc phục sớm hơn tai ách do con người thiết kế ra.
Các em đang bồi hồi chứng kiến vài trăm cơn bão lốc (Mỹ gọi là tornado hay twister, bên nhà gọi là rồng lấy nước) tàn phá khủng khiếp trên 6 tiểu bang của Hoa kỳ; Virginia, Alabama, Arkansas, Oklahoma, Mississipi và Georgia mà ở tiểu bang Alabama là nặng nhứt. Nhà cửa bị cơn lốc xoáy xé nát thành mảnh vụn, cây cối bị chặt đứt khúc, xe cộ chổng gọng mớp méo, phi trường đóng cửa, nhiều vùng bị vỡ đê ngập lụt. Tạm tổng kết có 339 người chết, 1.700 người bi thương, mất tích chưa rõ là bao nhiêu? Có nơi gió mạnh lên đến 205 mph (348 km/giờ). Cơn trốt đi thẳng một đường tàn phá “trắng” trên 200 miles tất cả những gì có trên mặt đất. Người ta đã nhặt được giấy tờ di vật mà cơn lốc đã mang đi trên hằng trăm miles. Đây là trận bão lốc chưa từng có trong lịch sử Hoa Kỳ.
Ôi mùa xuân này sao có nhiều điều đau thương liên tục trải dài từ Á Châu sang Trung Đông tràn tới Mỹ Châu như vậy? Chết chóc do thiên nhiên từ sóng thần, từ cơn bão lốc, do con người đàn áp dã man con người của giai cấp độc quyền cai trị đã làm sững sờ nhân dân toàn thế giới.
Trong cái ảm đạm của toàn thế giới vẫn phải có cái nhìn lạc quan cho tương lai thì con người mới có hy vọng tiến lên được. Thôi thì lấy chuyện tre già măng mọc mà thế vào bài này để an ủi chút mỏi mòn đợi chờ các em sang chơi. Nguyên là năm nay cháu ngoại chúng tôi vừa tròn 6 tuổi, Mai Trang, bản chất cháu quá hiền hòa nên mẹ cháu sợ bị bạn học ăn hiếp mới gởi cháu đi học võ “Kong Fu”. Cháu còn quá nhỏ nên “sư phụ” cháu không cho phép tỉ thí với các bạn lớn tuổi hơn mà chỉ cho biểu diễn một mình. Ở nhà mẹ cháu bảo đi vài đường quyền cho ông bà ngoại xem, cháu không đồng ý, thế mà ra sân khấu trước mặt trên cả ngàn khán gỉa trong dịp Lễ hội hoa anh đào lần này, cháu trình diễn võ thuật, đánh trống, đánh chập chả tỉnh queo như “con ruồi”. Dân Việt sinh ở Hoa Kỳ, mà đi múa vỏ Tàu! Bà con thấy có vui không? An ủi vậy nhé?
Bài này đáng lẽ lên khung trước bài 71 nhưng có nhiều chi tiết cần cập nhật nên đến hôm nay là ngày 29/04/2011 tôi lại được chứng kiến thêm bài tường thuật tại chỗ trên đài truyền hình CNN; đám cưới hoàng gia Anh; giữa William và Kate Middleton tại Luân Đôn thật là lộng lẫy tráng lệ. Xem lễ cưới hoàng gia diễn ra từ Thánh đường Westminter rồi trở về điện Buckingham với những đoàn lính trang phục màu mè sặc sỡ, xe ngựa cổ điển sơn son thếp vàng mà sao trông giống điện ảnh Hollywood dàn dựng quá chừng. Thế giới ngày nay chế độ quân chủ chỉ còn là biểu tượng chứ đâu còn vị trí quyền uy gì trong xã hội nước Anh nữa! Thôi thì cũng “rửa mắt” được đôi giờ cho những người hiếu kỳ còn mơ màng một thời vàng son của quá vãng mà tạm quên nỗi đau buồn đã xẩy ra.
Tạm kết bài tán gẫu chuyện đời; tranh đấu chết chóc thì đau đớn cho người còn sống nhưng lại là niềm hy vọng cho thế hệ tương lai, thiên tai đem đến sự tàn phá mới đánh động được tình tương thân tương trợ của đồng bào mà cùng xây dựng lại quê hương vững chắc hơn cho ngày mai tươi sáng. Trong xã hội rộng lớn toàn cầu, người nào việc nấy đều phải cố gắng đóng cho tròn vai trò của mình; nơi này có người buồn thì nơi khác có người vui, đó là cuộc sống, đôi lúc tương phản đến kỳ lạ nhưng cuộc sống vẫn như dòng sông lặng lẽ chảy mãi không ngừng nghỉ. Mùa Xuân năm nay là một mùa xuân khác thường với những tình tiết xuất hiện trên toàn thế giới như chưa từng xẩy ra trước đây/
LONG-NHI
XEM THÊM HÌNH (Xin click vào đây để xem thêm hình, vì Picasa Web Albums đã ngưng hoạt động)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét