19/6/11

NGÀY LỄ KÍNH CHA (Father's Day) (Bài 077)

Ông PHẠM VĂN ĐẠO (1911-1946).
Hôm nay là ngày Lễ Kính Cha tại Hoa Kỳ, tôi muốn nhân dịp này được kể chút ít hiểu biết của tôi về thân phụ tôi cho các con, cháu, chít và bè bạn. Sở dĩ tôi nói “chút ít” vì chính bản thân tôi được sống gần cha tôi trong khoảng thời gian quá ngắn ngủi, chỉ có 8 năm rồi Người ra đi vĩnh viễn không bao giờ trở lại. Những hình ảnh của Cha tôi còn lưu lại trong tôi quá ít ỏi, những tường thuật của Mẹ tôi về Cha tôi cũng đứt đoạn, vài chi tiết của Cha tôi do Bác tôi, thân nhân, bạn bè cũ của Ba tôi thuật lại cũng quá hiếm hoi, song tôi sẽ cố gắng dựng lại “hình ảnh của Người” qua vài nét chấm phá cho một bức tranh đáng được chiêm ngưỡng.



Căn cứ bút tự của Bác Hai tôi, Ông Phạm Văn Nhân:

“Ba con tên là PHẠM VĂN ĐẠO,
khi còn bé vì xấu háy nên Ông Nội, Phạm Văn Thơ và Bà Nội, Châu Thị Khá mới kêu trại lại là CHÀ BẢY (Ba tôi thứ bảy trong các anh em), đến lớn lên gần đi cưới vợ mới bỏ tên trại bẹ ấy.
Bà Nội con sanh Ba con ra
ngày mồng năm tháng hai, năm Hợi, giờ Thìn,
ngày dương lịch 07/03/1911 tại nhà thương Gò Công.”

Bác tôi nói rằng những điều bác tôi viết ra đây là chép y theo bút tích của ông nội tôi để lại. Theo ý Bác thì ngày sanh lấy theo khai sanh không chắc là đúng vì ngày xưa thơ ký nhà thương thường đem nạp giấy tờ của trẻ sơ sinh lên hộ tịch của làng trễ có khi cả tuần, hay cả tháng.

Về việc hôn nhân Ba Mẹ tôi do Ông Bà Nội tôi chỉ định, cha tôi chỉ biết tuân lời. Mẹ tôi kể rằng trước khi đám cưới, Ba tôi đã được Chính phủ Pháp tuyển vào làm cảnh sát Đô thành ngạch tạm thời ở Saigon, thường hay đứng gác ở đường Catinat (thời VNCH đổi thành Tự Do, thời XHCN lấy tên Đồng Khởi). Ba tôi đã có người yêu, bà này theo đạo Thiên Chúa nên Ông Bà Nội tôi không đồng ý, Ba tôi phải cắt đứt. Tôi không rõ Bà này có con cái gì với Ba tôi không? Về điểm này Mẹ tôi nói rất lờ m, tuy nhiên Mẹ tôi nhắc đi nhắc lại nhiều lần làm tôi phải quan tâm. Theo li anh Tám Tính con Bác Hai: “Chú Bảy ln con, đẹp trai lắm em ơi!”, đẹp trai thì tránh sao khỏi đắt  đào, nhứt là ở chốn thị thành như đất Saigon.

Thời trẻ thơ tôi còn nhớ được vài kỷ niệm về cha tôi như là những vết hằn chôn sâu vào tiềm thức khó phai nhòa; Cứ mỗi chiều thứ bảy hay chúa nhật, Ba tôi thường đưa Mẹ con tôi đi xem hát bóng hay đi xuống đường Tổng Đốc Phương (đèn 3 ngọn) trong Chợ Lớn để mua trái cây ăn, tuyệt nhiên không thấy đi xem tuồng cải lương. Phim chiếu bóng thời kỳ đó còn là phim đen trắng, mà bộ phim Tàu “Người phù thủy điều khiển các bộ xương của người chết làm nhân công cày cấy” làm tôi sợ điếng hồn. Ba tôi chiều vợ thương con, nhưng phạt con không nhẹ tay. Có một lần không rõ tôi phạm phải lỗi lầm gì, chiều hôm đó khi Ba tôi từ Sở về nhà, Mẹ tôi báo lại, Ba tôi dẫn tôi vào cầu tiêu công cọng đánh tôi một trận tơi tả bằng roi mây vào đít, đau quá tôi lấy tay đỡ bị sứt một móng tay tuôn máu mới thôi. Căn hộ lầu của Ba Mẹ tôi lúc đó do chính phủ Pháp cấp nằm gần cuối đường Trần Hưng Đạo ngày nay, đâu mặt bên kia là đồn cảnh sát tới bây giờ còn sử dụng làm đồn công an. Khu nhà Ba Mẹ tôi chia ra từng căn hộ đối diện nhau hình chữ U có 1 lầu, mới bị phá chừng vài năm gần đây để xây lên ngân hàng. Thời kỳ Nhựt chiếm đống, mỗi nhà ở từng dưới phải đốt đèn dầu treo trước nhà về đêm, lính Nhựt say sưa đi vào phía trong lấy gươm chém đèn dầu làm mọi người sống trong khu nhà phải một phen khiếp đảm.
Năm Ba tôi được thăng chức cảnh sát chánh ngạch hạng nhì, chính phủ Pháp cấp cho một ngôi biệt thự nhỏ ở cứ xá đô thành đường Hai Mươi (bây giờ là Điện Biên Phủ) nhà mới xây, chung quanh có đất trống. Đường 20 lúc đó còn nhiều ruộng và đồng trống, không khí mát mẻ, anh em chúng tôi thường ra trước mương đầu nhà vớt cá con để chơi. Từ lúc Mẹ tôi được Ba tôi cưới về, Mẹ tôi chỉ biết lo bếp nút và chăm sóc con cái chớ không làm việc gì khác. Mẹ tôi rất hạnh phúc, thường vào ngày nghỉ cuối tuần hay bày sòng đánh tứ sắc sáng đêm, tôi còn nhỏ được nhận cái chân đi mua cà phê vào hừng sáng. Thỉnh thoảng Ba tôi đưa Mẹ con tôi về thăm quê Gò Công, Mẹ tôi và anh em tôi ngồi xe đò chạy bằng than đá tốc độ chậm rì, Ba tôi đạp xe máy Alcyon đeo theo xe đò. Ba tôi thích thể thao, đạp xe và bơi lội. Mẹ tôi kể về lòng nhân ái của người; một hôm đang gác ở Saigon, người Pháp chủ tiệm thuốc tây kêu Ba tôi bắt một người mua thuốc không trả tiền, Ba tôi thấy người ấy là người Việt nghèo, Ba tôi móc túi trả tiền giùm, tên Pháp này không bằng lòng nhất định đòi bắt, Ba tôi bỏ đi. Gia đình nội ngoại, ai lên Saigon chơi hay đi học cũng đều ghé ở nhà Ba tôi. Nhà Ba tôi như một trạm dừng chân đưa đón học hành cho các anh chị con cô con cậu. Sau này, các anh chị còn nhắc nhở “Chú Bảy hay dượng Tám tốt quá, lúc nào lên Saigon cũng được đưa đi chơi, cho ăn uống thỏa thuê hay  các chị học nội trú được rước ra mỗi tuần ở với gia đình. Thời kỳ sung sướng, êm đềm của tuổi ấu thơ chẳng tồn tại được bao lâu, năm 1945 thì cuộc chiến “mùa thu rồi ngày 23, ta đi theo tiếng kêu san hà nguy biến..”. Bài hát “Nam bộ kháng chiến” của Tạ Thanh Sơn đã đánh dấu một khúc quanh lịch sử của đất nước cũng đồng thời báo hiệu một sự đổ vỡ tang tóc cho gia đình 5 người chúng tôi.

Là gốc người Gò Công lại trưởng thành trong thời kỳ đô hộ của Pháp, Ba tôi thừa hưởng dòng máu yêu nước bất khuất của những vị anh hùng liệt sĩ miền nam mà điển hình là Ông Trương Công Định đặt bản doanh tại “đám lá tối trời” Gò Công, nên khi nghe tiếng gọi “tiêu thổ kháng chiến chống Pháp”, Ba tôi đã từ bỏ danh vọng phú quý của Pháp ở Saigon, Người đã đưa vợ con trở về Gò Công tạm trú nhà Dì Tư tôi để tham gia đánh Pháp, bỏ lại một số tài sản không mang theo được. Mặt Trận Việt Minh đã phong cho Ba tôi làm Trưởng ban quốc gia tự vệ cuộc tỉnh Gò Công (Cảnh sát trưởng ngày nay) chỉ huy nhân viên trang bị tầm vong vạt nhọn chuẩn bị đánh Tây, anh Sáu Cung con dì Tư tôi và ông Trương Xuân Thành cán bộ tập kết từ miền Bắc trở về cho biết như vậy. Anh Thân bà con bạn dì ruột tôi thuật lại “Ê Nhứt, hồi đó tao thấy Dượng Tám đứng trên xe jeep cầm gươm coi oai phong lẫm liệt quá mậy!” Tôi thì không để ý Ba tôi làm gì vì còn lo ham chơi với các anh chị và bạn bè đồng lứa.

Chẳng bao lâu sau, quân đội Anh-Ấn giải giới quân Nhựt rồi trao trả quyền hành lại cho Pháp. Thế là quân đội Pháp trở lại miền nam, quân Việt Minh trang bị vũ khí thô sơ đành phải rút lui vào sâu trong các làng mạc hẻo lánh hoặc hải đảo trú quân chờ lịnh. Mẹ và anh em tôi phải gian truân chạy giặc từ Gò Công sang Bình Đại rồi Từ Bình Đại tản cư bằng ghe cửa vượt biển qua Thừa Đức. Ban ngày ghe đi trong các lạch nước phủ kín cây rừng, ban đêm ra biển lớn ghe trờ cồn, các người chèo, lái phải chống đỡ cho ghe giữ cân bằng chờ nước ln mới đi tiếp. Sáng lại thì trời nước mênh mong không thấy đâu là bến bờ, chiếc ghe như chiếc lá nghiêng ngả giữa sóng to gió lớn, lúc tạnh trời yên gió  thì cá nược nổi lên đua với ghe, vừa cảm thấy hãi hùng, mà cũng vừa cảm thấy hiếu kỳ. Đến được cù lao, chúng tôi sống nương tựa trong gia đình bà con xa bên dì chúng tôi cũng tạm ổn qua ngày. Mẹ và anh em tôi gặp lại Ba tôi trên cù lao Thừa Đức. Ba tôi biết lực lượng kháng chiến trong tình thế lâm nguy, với nét mặt đăm chiêu Người căn dặn lại Mẹ tôi “Anh có bề gì, em rán cho các con học hành” đây cũng là lời trối trăng cuối cùng của Ba tôi. Tôi còn dịp được thấy lần chót hình dáng Ba tôi dẫn một đoàn quân hỗn tạp, quần áo lết thết đủ màu đủ kiểu chống tầm vong đi về hướng phía bên kia đồi cát vàng của đảo rồi mất tâm. Từ đó Mẹ tôi không có tin tức gì của Người, chúng tôi thì còn quá non dại; tôi 8 tuổi, em gái tôi Huỳnh Hoa 5 tuổi, em út tôi Tam Lang 3 tuổi.

Một dịp tình cờ, tôi gặp được thân phụ của bác sĩ Phan Thành Lập tại văn phòng thơ ký giám đốc Bịnh viện Chợ Rẩy sau năm 1980, ông cũng trạc tuổi Ba tôi hay nhỏ hơn đôi chút, ông cùng quê Gò Công, biết tôi là anh Tam Lang ông vui vẻ tiết lộ cho tôi một vài chi tiết về Ba tôi “Tôi biết anh Bảy Đạo, lúc đoàn quân kháng chiến tỉnh Gò Công rút sâu vào các hòn đảo ngoài khơi bờ biển là cùng đường. Tiếp tế lương thực thì không có chỉ sống dựa vào dân mà dân hải đảo nghèo, vũ khí lại không, tình thế tuyệt vọng, một số trốn về thành phố, cuối cùng chỉ còn cấp chỉ huy. Anh Bảy cùng một số anh em khác mượn ghe bườm của dân để đi ra miền bắc, dân chài lưới ở đây chưa từng bao giờ đi xa như vậy nên họ từ chối. Ngày đó kháng chiến bắc nam chưa liên lạc được với nhau bằng vô tuyến điện, nên trong nam không biết là ngoài bắc cũng đã rút sâu vào trong rừng núi. Ba tôi cùng các anh em khác phải xuôi ngược sông ngòi, kinh rạch, giả dạng người buôn bán để tránh sự truy lùng của quân Pháp. Nhưng cuối cùng cũng rơi vào tay giặc Pháp, bị bắt cùng một lược với Ba tôi ở Vàm Kỳ Hôn, Mỹ Tho, có anh Đinh văn Sang, con và rể thứ ba của Dì Tư tôi, anh Phan Văn Chà. Quân Pháp đã tra tấn dã man các tù nhân, Ba tôi chịu không nổi phải tự vẫn ngày 27/02/1946 rồi rể Dì tôi, anh Ba Chà  cũng hy sinh theo ngày 21/10/1946 (1918-1946). Mẹ tôi kể lại lời ông Tám Đước bạn cảnh sát của Ba tôi ở Saigon “Ba tôi được người Pháp chỉ huy cũ từ Saigon xuống Mỹ Tho lãnh ra, nhưng Ba tôi không khuất phục đã tự vẫn” ông này thấy tình thế như vậy mới lãnh anh Sang ra, sau này anh Sang trốn vào khu trở thành đại đội trưởng tiếp tục đánh Tây cho tới ngày hy sinh ngay tại mặt trận. Thân xác Ba tôi không biết chúng đã chôn hay vùi dập nơi nào. Mẹ tôi sợ chánh quyền Pháp khó dễ nên cũng lặng thinh, ôm nỗi đau đớn trong lòng không dám hỏi han về mồ mả của Ba tôi.

Bác Hai tôi viết tiếp, Ba con quá cố;

“ngày 26 tháng Giêng, năm Bính Tuất,
Dương lịch 27/02/1946”

Đúng với khai tử số hiệu 317 năm 1946 của tỉnh Mỹ Tho, trong đó tên ba tôi được ghi thêm:

PHẠM VĂN ĐẠO dit BẢY ĐẠO
Là tù nhân của đế quốc Pháp
Chết lúc mới 35 tuổi

Mẹ tôi đưa chúng tôi hồi cư về Vĩnh Lợi (Hòa Đồng) để nương tựa nơi nhà Dì Chín chúng tôi, tại đây, em gái tôi bịnh nặng  do thiếu thuốc uống đã được Dì tôi cho chở từ Tp Gò Công về, đã chết trong đêm khuya, sau đó lần hồi Mẹ tôi mới dám trở về thành phố Gò Công. Trong lúc giặc Pháp thắng thế trở lại, những người thân Pháp đã điềm chỉ nơi Ba tôi gởi đồ đạc quần áo của cả gia đình chúng tôi ở nhà Cậu Năm tôi trong Xóm Bờ Lễ, quân Pháp đã vào không những đốt đồ của Ba Mẹ tôi mà đốt luôn nhà của cậu tôi. Hành động quá ư tàn ác bỉ ổi. Trong suốt thời kỳ Ba tôi nắm chức Trưởng ban quốc gia tự vệ cuộc tỉnh, tuy thời gian không bao lâu, nhưng tôi chưa thấy ai phàn nàn hay oán hận về những gì Ba tôi đã làm trong giai đoạn Việt Nam tuyên bố độc lập. Nhiều vị trưởng thượng đã nói với tôi “Thời kỳ Việt Minh nổi dậy, tỉnh mình không xảy ra tranh đấu giai cấp đổ máu giữa quan lại Pháp thuộc và nông dân.”

Như đã nói trên Ba tôi như một cơn gió thoảng qua trong đời anh em chúng tôi, nhưng không phải không lưu lại trong tâm hồn chúng tôi những hình ảnh cao đẹp.
Người đã đặt Tổ quốc lên trên gia đình, bỏ cả phú quý vinh hoa mà xả thân hy sinh cho giống nòi Việt. Đất nước vững mạnh trường tồn thì trong đó cũng có sự đóng góp xương máu của ông thân sinh chúng tôi. Anh em và các con các cháu tôi về sau phải biết tự hào về tấm gương hy sinh cao cả này.
Người đã biểu lộ tình yêu thương gia đình, bà con nội ngoại một cách sâu sắc, cũng như tình yêu thương người nghèo khổ hết sức chân tình, con người bao dung như vậy thiệt xứng đáng là “Công cha như núi thái sơn”. Núi thái sơn biểu thị sự cứng cỏi, kỷ cương, lý trí thiệt không có cái diễn tả nào về người cha hay như vậy.
Người không để lại cho chúng tôi những tư tưởng cao siêu, không răn dạy chúng tôi bằng ca dao đạo đức mà chỉ để lại duy nhứt có một câu cho mẹ tôi mà tôi rút lại chỉ có hai chữ “rán học”. Thật đầy ý nghĩa vì có học trường, có tự học, có trau dồi sách vở thì đầu óc mới mở mang, tri tuệ mới thông suốt làm cho con người giác ngộ để vừa trở nên người công dân tốt, vừa thành công trong sự nghiệp với đời, Ba tôi đã thấu hiểu được con đường học vấn là con đường ngắn nhất đưa đến thành công. Thật đáng khâm phục..
Những kỷ niệm dù ít nhưng đầy ý nghĩa. Người Mỹ có câu “Cha Mẹ là tấm gương, con cái noi  theo đó mà đi".
Người đã ra đi quá sớm, sự thương tiếc Người không bao giờ nguôi trong lòng chúng tôi. Những điều người mong ước chúng tôi đã hoàn thành. Nhân ngày Lễ kính Cha, tôi xin đốt lên nơi đây một nén hương lòng để tưởng niệm người Cha quá cố và cũng để gởi theo hương khói tấm lòng kính yêu Người muôn thuở.
LONG-NHI

Ghi chú: Ba tôi là người yêu nước, không gia nhập đảng Cộng sản.
               Đọc thêm Tam Lang và nhng uẩn khúc chưa tiết lộ?
Các con: Để ý vài con số lạ, nhờ viết bài này Ba mới thấy; Ông nội mất ngày 27/02 thì Mẹ các con cũng sanh đúng ngày này. Ông Nội qua đời lúc 35 tuổi, sinh Anh Vũ lúc đó Ba cũng đúng 35 tuổi thì Mẹ tụi con bắt đầu bị bịnh cho tới ngày nay.
Đọc thêm 055.BA ĐỜI CÓ NGÀY SINH TRÙNG NGÀY VÀ THÁNG.
Người khai tử: Ông Nguyễn Tấn Thanh, 28 tuổi (lúc Ông Nội hy sinh), Trưởng Trại tù Mỹ Tho.
Người cho tin: Ông Nguyễn Xuân Thành, cán bộ tập kết về, Trưởng khu nước Cholon sau năm 1975.
Hình đầu trang: do anh Phạm văn Tính tặng lại.

Sau đây mời các bạn thưởng thức bài ca PAPA do ca sĩ Chantal Janzen hát, thật sự tôi không hiểu ngôn ngữ của bài ca nhưng giọng ca rất truyền cảm với hai chữ "Papa" dễ làm xúc động người nghe nên tôi cho lên trang này. Mời..

Không có nhận xét nào: