Tôi đã kể lại cho bạn bè nghe về các sinh hoạt trong “Trại học tập cải tạo”, các bạn tôi đều vừa cảm động vừa thú vị và đồng thời muốn được nghe nhiều chuyện hơn nữa. Thể theo sự khuyến khích của bạn, tôi cố gắng viết lại những sự việc đã trải qua, mà ngàn năm mới có một thuở, đã thử sức chịu đựng vượt trí tưởng tượng bình thường của giai cấp sĩ quan VNCH chúng tôi. Sự kiện lạ lùng là chúng tôi xuất thân từ những quân binh chủng khác nhau cùng một lúc đã sát cánh bên nhau không phải để chiến đấu, mà để đối đầu làm thân phận kẻ bại trận phải chịu đựng cuộc sống trong một tình thế hết sức khắc nghiệt.
Mầu nhiệm thay đa số anh em sĩ quan cũ đã vượt qua được đoạn đường đầy gian khổ một cách tài tình do lòng dũng cảm cộng với trí thông minh sáng tạo đã chế ngự được sự thiếu thốn trong thời kỳ kinh tế bao cấp.
Mầu nhiệm thay đa số anh em sĩ quan cũ đã vượt qua được đoạn đường đầy gian khổ một cách tài tình do lòng dũng cảm cộng với trí thông minh sáng tạo đã chế ngự được sự thiếu thốn trong thời kỳ kinh tế bao cấp.
Bài này tôi phân thành từng câu chuyện cho dễ đọc, mà tôi gọi là Cảnh, như cách bố trí “từng tập” theo chuyện dài “trên từng cây số”.
LONG-NHI
CẢNH 1: LỊNH HÀNH QUÂN.
Chấp hành lịnh của Ủy Ban Quân Quản, tôi đi trình diện Ủy Ban Nhân Dân ở Phường ngày 23/06/1975, họ cấp giấy giới thiệu cho tôi đến tập trung ở địa điểm số 91 đường Trần Hoàng Quân (Nguyễn Chí Thanh ngày nay) trong Chợ Lớn. Bạn tôi, anh đ/u Trần Tăng Chuân mời tôi 1 ngày trước đó:
-Ê Nhi đừng vội đi, ngày mai hảy đến nhà “moi” ăn đám giổ ông già cái đã.
-OK anh Chuân, mai tôi sẽ đến sớm như thông lệ.
Tôi đồng ý với anh Chuân liền. Năm nào tôi cũng có mặt vào dịp này vì gia đình anh xem tôi như ruột thịt trong nhà. Nhưng chiều hôm đó đ/u Trần Bá Lộc nguyên chỉ huy phó kho 531 đạn dược thình lình không hẹn lại đến nhà rủ tôi đi “nhập Trại” ngay:
-Đi sớm về sớm Nhi ơi, Cách Mạng bảo thế, ai cũng tin như vậy. Nhanh lên thôi!
Ông này thuộc loại gốc con “nhà binh” có kỷ luật, luôn tuân lịnh “cấp trên” râm rấp, nên nhanh nhảu dữ! Tôi lưỡng lự “Có phải vậy không? bỏ buổi ăn đám giỗ có nhậu nhẹt linh đình uổng quá tay!”. Nhưng anh Lộc cứ đứng trước cửa nhà hối thúc làm tôi rủn chí, phải vội vô gom ít đồ đạt bỏ đủ vào một cái xách tay để đi theo tiếng gọi chắc như đinh đóng cột “về sớm” của ảnh, đành bỏ hẹn ăn đám giổ mà không kịp báo lại cho anh Chuân biết.
Con út tôi lúc đó mới 3 tuổi, đứng xớ rớ mặt mày tiu nguỷu vì thấy lạ sao hôm nay tôi lại xách quần áo mùng màn đi đâu, vợ tôi mếu máo như linh tính báo trước có điều chẳng lành, tôi an ủi:
-Anh sẽ về sớm mà đừng lo.
Rồi tôi vội vã bước ra khỏi nhà theo chân anh Lộc để tránh cái cảnh bịn rịn não lòng của gia đình.
Nơi tập trung là một trường trung học, chúng tôi tự tìm chỗ nào gạch bông sạch sẽ xí phần làm chỗ ngã lưng. Từ giường nệm nhảy xuống giường xi măng rồi đó nghen! Tui và anh Lộc thuộc loại ngoan ngoãn vào sớm nhất, nên được phục vụ gần 2 ngày cơm do nhà hàng Tàu thứ xịn “Á Đông” dọn đến ngày 3 buổi, ăn uống ngon lành. Hai đứa bàn với nhau; tôi nói:
-Cách mạng chơi điệu quá há, cho ăn ngon thiệt?
Anh Lộc ứng khẩu liền:
-Thấy chưa, chắc chắn là một tuần về thôi, chứ gọi vào đông như vầy mà cho nhà hàng Tàu phục vụ điều chi thì tiền đâu chịu cho thấu?
Lời anh Lộc lập đi lập lại nhiều lần một cách chắc nịch như liều thuốc trấn an nhau “yên tâm về sớm..yên tâm về sớm?”, nhưng trong giấc ngủ sao tôi vẫn cứ chập chờn mộng mị.
Ngày hôm sau, trời vừa chạng vạng tối, cán bộ cho lịnh “hành quân”. Ai cũng ngơ ngác, mọi người gỡ mùng xuống, thu xếp hành trang để lên đường, đi đâu nào ai có biết, hành quân là bí mật mà! Anh Lộc lộ rõ vẻ lo âu trên nét mặt vì đinh ninh địa điểm này là chỗ học tập hóa ra không phải như dự đoán của ảnh, làm tôi cũng áy náy. Chữ “về sớm” bắt đầu có dấu chấm hỏi to tổ bố rồi đó. Mọi người được cán bộ thúc giục “khẩn trương”, xếp hàng một rồi tuần tự di chuyển ra đường. Một đoàn xe quân đội kiểu Trung Cộng “cổ lỗ sĩ” sơn màu xanh cứt ngựa, thùng xe lợp bạt xanh lá cây bịt bùng đậu sẵn trước đường chờ. Chúng tôi tuần tự chui phía sau bửng xe trèo lên ngồi chồm hỗm, sắp lớp trên sàn xe. Người bạn ngồi kề bên nói nhỏ vào tai tôi:
-Đu tì rồi.(nói lái)
Đủ số, một anh bộ đội mang súng AK cũng trèo lên phủ bạt phía sau kín mít. Bên trong tối ôm, không còn nhìn thấy gì bên ngoài, có tiếng rù rì:
-Màn chiếu phim ở rạp Rex bắt đầu rồi đó nghen!
Tôi nghĩ thầm; “Di chuyển xem có vẻ bí mật như vầy, coi bộ không ổn rồi”. Xe lăn bánh, chúng tôi không nhìn thấy phía sau nên không biết xe đang đi về đâu, ai cũng có cảm giác “teo dế”, một lúc sau có anh bạn liều mạng dỡ nhẹ tấm bạt lên xem, thấy đèn bên ngoài le lói, xe cộ lưu thông vội vã, anh nhận ra địa điểm, nói khe khẽ:
-Ê ngã ba Ông Tạ bà con ơi.
Có người thì thầm:
-Chắc lên Tây Ninh quá?
Trong bóng tối của khoang xe có ánh lửa phì phà lúc mờ lúc tỏ, chợt có tiếng anh bạn bên phe ta la lên:
-Ê hút thuốc lá hả, cha nội nào đó?
Chắc anh bạn này chịu không nỗi mùi thuốc lá trong chỗ kín hơi, nên anh bực bội gay gắt như vậy. Anh cán bộ ngồi sau rọi đèn pin vào bên trong, hóa ra là anh cán bộ thứ hai mang AK đứng sát thùng xăng sau buồng lái của tài xế, hút thuốc lá mà chúng tôi nào có hay biết gì đâu, có lẽ anh đứng đó trước khi chúng tôi lên xe! Tụi tôi im thin thít, cảm thấy “ớn da gà” vì rủi cháy thùng xăng, cả đám sẽ chết như heo quay khỏi cần xử bắn, tốn đạn?
Đoàn xe chậm chạp rời thành phố, nhìn xuyên qua khe hở phía sau thấy bóng đêm dày đặc, chúng tôi biết là đoàn xe đã tiến ra ngoại ô rồi, nhưng không biết đang tới đâu “thây kệ, thí mạng cùi” khỏi suy nghĩ. Nói thế chứ xe cứ chạy đầu óc tôi cứ lơ lửng “không biết rồi cái gì sẽ đến, mình sẽ ra sao đây, lành hay dữ?”. Từ thuở nào tới giờ có đầu hàng Việt Cộng lần nào đâu mà biết họ đối xử ra làm sao đâu mà nói. Đoàn xe chạy chậm và dừng lại, có tiếng ai đó dõng dạc ra lịnh:
-Tới nơi tập kết, tranh thủ xuống xe, tìm chỗ ổn định.
Chúng tôi mang túi xách, ba lô vào trong ngôi nhà lớn cất theo kiểu tiền chế giống như hội trường hay nhà kho gì đó mà bên trong cây ván cạy gỡ từ một cái bục khá rộng, bỏ tung tóe ngổn ngang. Một bóng đèn điện ủ rũ tỏa ánh sáng lờ mờ vừa đủ cho anh em định dạng căn phòng. Mạnh người nào người nấy tìm chỗ đặt lưng qua đêm, kẻ nằm dưới đất, người lót ván ép làm giường. Lần này thì từ giường xi măng xuống giường đất rồi, nhưng không thấy ai than thở tiếng nào vì mệt mỏi do đường xa thì ít mà suy tư lo lắng thì nhiều, người nào cũng rũ người ra. Ai ngủ được cứ ngủ, người nào thao thức cứ rọ rạy trăn trở. Trời vừa hừng sáng không ai bảo ai đồng thức dậy, tìm nước rồi ra sân súc miệng. Anh bạn ngồi kế tôi đeo kiến cận khá dầy vừa chải răng vừa nhìn chung quanh, chợt anh nói to như ngạc nhiên:
-Ủa đơn vị Công binh của tôi mà.
Đơn vị của anh mà tối hôm qua lúc đến đây anh nhận không ra, cũng lạ; do thị giác anh kém hay do cơ quan cũ của anh đã bị “làm thịt” nát rồi. Tôi vội hỏi:
-Ở đâu đây anh?”
Anh trả lời hờ hững:
-Thành Ông Năm ở Hóc Môn chớ đâu!
Tôi nói tiếp:
-Vậy thì gần thành phố Saigon rồi.
Anh ngập ngừng:
-Ờ.. ờ, thì hồi đó nhà tôi ở quận 5, lên đây đi làm mỗi ngày mà.
Sáng hôm đó, cán bộ quản giáo tập hợp anh em sĩ quan chế độ cũ lại, rồi chia thành từng tổ, từng đội và chỉ định chỗ ở và bảo rán khắc phục khó khăn, rõ hay cái gì cũng khắc phục, đâu đó rồi “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, giỏi chưa?. Tôi với anh Lộc được vào chung 1 tổ và cùng ở chung một chỗ trong một khu nhà kho cửa nẻo xiêu vẹo, trống lốc cũng may là còn nền xi măng. Chúng tôi đi tìm giấy bồi để lót dưới lưng nằm cho đở bị hơi đất xong lên.
Năm đó “trời hành” một trận lạnh thấu xương, tôi mang theo có mấy bộ đồ, đêm đến mặc hết vào kể cả cái áo mưa nhà binh mới chịu đựng nổi “cái giá rét” qua đêm. Không phải một mình tôi bất cẩn mà mọi người đều cũng chuẩn bị hành trang đơn giản nhẹ nhàng giống nhau vì trong đầu ai cũng nghĩ “về sớm” mà.
Cuộc hành quân của tôi đã đến đích và lưu lại trong Trại cải tạo L19T4 cho tới ngày được thả ra, còn một số bạn khác phải tiếp tục hành quân qua nhiều địa điểm khác trong từng thời gian kế tiếp, không rõ tại sao? Có dịp sẽ đề cập đến sau.
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét