19/8/12

TAM LANG: Tôi không thể "đá luân lưu" với nhiều mối tình. (Bài 115)

VIỆT BÁO-Thứ bảy, 10 Tháng bảy 2004, 20:41 GMT+7

Cả nhà đón anh trở về sau một giải bóng đá. Đến khu chung cư trên đường Trần Phú Q.5, TP Hồ Chí Minh, hỏi nhà ông Phạm Huỳnh Tam Lang. Người giữ xe ở tầng trệt tỏ ra rất sốt sắng: "Hỏi nhà ông Tam Lang thì khỏi cần nói số nhà!". Nói rồi, ông chỉ tay lên căn hộ lầu 2. Mở cửa cho tôi là một phụ nữ có nụ cười rất đẹp. Đó là chị Tô Thị Minh Hồng, "nội tướng" của gia đình.



Căn hộ nhỏ nhưng khá đặc biệt. Một tủ kính chật ních những "thành tích" về bóng đá, các bức tường gắn đầy bằng khen, cúp, kỷ niệm chương. Chị Hồng cười: "Những kỷ niệm về bóng đá của ảnh thì nhiều lắm! Mỗi lần chuyển nhà lại thất lạc một ít...".

Bóng đá đã tạo ra số phận và sự nghiệp của Phạm Huỳnh Tam Lang. Vì đam mê khiến anh bỏ dự định vào đại học để chuyển sang sự nghiệp bóng đá. Nếu như không mê bóng đá, có thể chàng Tam Lang ngày nào sẽ là một kỹ sư hay một bác sĩ gì đó. Sự nghiệp cầu thủ gắn liền với những chuyến đi, thắng thua, hoa tươi, nụ cười và cả nước mắt... Nghiệp bóng đá đã tạo cho anh một đời sống thật đặc biệt: niềm vui sướng ngây ngất cũng như sự thất vọng nặng nề.

Mấy mươi năm nghề, từ một cầu thủ lừng danh trên sân cỏ cho đến vai trò một huấn luyện viên dạn dày kinh nghiệm, song anh vẫn khôn nguôi niềm hạnh phúc thuở nhỏ, đá bóng dưới trời mưa cùng bạn bè trên mảnh sân nhà ở Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Đã từng "rinh" về rất nhiều cúp, huân huy chương nhưng danh thủ một thời này lại nhắc đến cái "mất" nhiều hơn. Anh tâm sự. Trước đây, cứ mỗi khi đội thua là anh khiến cả nhà chìm trong... im lặng. Nhiều khi vợ mất ngủ bởi sự lầm lì của anh. Mãi sau này, anh nhận ra sự "phi lý" và cố "quên" bóng đá khi trở về chốn thân thương.

Bà xã anh là một phụ nữ nhan sắc và trẻ hơn chồng 15 tuổi. Chị được anh "công nhận" là người vợ đảm đang, chăm con giỏi. Chồng liên miên xa nhà, việc chăm sóc nhà cửa, con cái đều dồn lên vai chị. Thương vợ vất vả, anh quyết định chỉ sinh một con để nuôi dạy cho tốt. Cô con gái duy nhất là Phạm Huỳnh Anh Thư, nay đang là sinh viên tại Úc.

Chị Hồng kể: "Ban đầu, mình không bị ảnh hưởng bởi ánh hào quang của ảnh - hồi đó mình chẳng hề mê bóng đá mà chỉ mê... tính ảnh thôi. Sau này, cưới nhau rồi mình làm quen với bóng đá, mê nó lúc nào không hay... Anh đi đâu mình theo đó. Bóng đá rồi cũng thành cuộc sống. Lâu dần, thấy... thú vị!". Niềm tự hào về chồng được chị thể hiện qua việc gìn giữ những kỷ vật: những bộ album hình các trận đấu, các bài viết về anh được đóng thành một quyển dày cộp và cả chuyện chia sẻ với chồng khi các "fan" nữ gửi quà, tìm gặp anh...

"Ban đầu, tôi coi vợ là dân ngoại đạo. Sau này, thấy cô ấy nói rất sâu sắc, tôi cũng... giật mình", anh bộc bạch. Không có cuộc sống vật chất giàu sang, nhưng vợ chồng anh đều rất hài lòng về hạnh phúc đơn sơ của gia đình mình.




* Ông từng phát biểu trên báo chí: "Nếu được làm lại từ đầu, tôi vẫn chọn bóng đá". "Duyên nợ" nào khiến ông đã đến với bóng đá? (Nguyễn Thị Minh Phương, khoa Xã hội học, Trường ĐH KHXH&NV TPHCM)

- Tôi đến với bóng đá do niềm ham mê từ thuở nhỏ, như bao trẻ em khác. Mỗi khi tan học lại cùng bạn bè ôm cặp lao ra mảnh sân trường đá bóng. Nhiều khi mê quá cứ bị mẹ la rầy. Từ trái bóng sân trường tôi "lân la" lên đội tỉnh. Khi lên Sài Gòn học, tôi tham gia phong trào bóng đá học sinh sinh viên. Do gia đình khó khăn, tôi đá bóng ngoài niềm ham mê còn vì mục đích kiếm tiền trang trải sinh hoạt phí. Hồi đó, tôi chưa bao giờ nghĩ là nhờ trái bóng mình sẽ được như bây giờ.

* Anh đã đóng góp cho bóng đá một danh thủ tài hoa, còn bóng đá đã cho anh những gì? (độc giả nữ ở Long An)

- Bóng đá đã giúp tôi thành danh. Qua bóng đá tôi may mắn được nhiều người biết đến. Nhiều khi cần làm một việc gì đó tự nhiên có người yêu quý giúp đỡ. Những cổ động viên, những khán giả yêu mến đôi khi gặp trên đường mọi người nhận ra, "ới" một tiếng - niềm hạnh phúc mà với tôi không gì sánh được.

* Có người ví ông và bóng đá như một cuộc tình thắm thiết bền bỉ, vậy còn khía cạnh tình yêu của ông thì sao? Bóng đá có mang lại cho ông may mắn trong tình yêu như trong sự nghiệp hay không? (Nguyễn Vũ, Vĩnh Long)

- Là cầu thủ, đi đây đi đó, có điều kiện gặp gỡ, giao lưu nhiều với bên ngoài. Tôi cũng quen với rất nhiều cô gái, cũng có nhiều "fan" nữ hâm mộ... Song tôi lại thuộc tuýp người chung tình, không "đá luân lưu" với nhiều mối tình, nhiều cô một lúc được (!). Tôi luôn rõ ràng giữa tình bạn và tình yêu. Có lẽ do bản tính tôi nhút nhát và thích sự rõ ràng, rành mạch nên đã chọn con đường "an toàn".

* Chú thích trực tiếp tham gia thi đấu hay làm HLV hơn? Là một HLV, chú đòi hỏi gì ở học trò của mình? (Thu Hương, TPHCM)

- Trong tôi luôn có sự mâu thuẫn. Khi đang thi đấu tôi luôn mơ ước được làm huấn luyện viên. Nhưng khi đã trong vai trò huấn luyện viên rồi tôi lại... mơ ước được làm cầu thủ. Trước kia, tôi nghĩ: "Làm HLV sướng quá! Không phải trực tiếp đối đầu với đối phương". Sau này, tôi lại thấy trách nhiệm của một HLV thật lớn. Khi đội bóng thua thì lập tức người bị "nhè đầu" chỉ trích trước tiên không ai khác là HLV. Tôi thích được làm cả hai: cầu thủ và HLV, với mong muốn đưa bóng đá Việt Nam tiến xa hơn nữa. Với học trò của mình, đòi hỏi thường xuyên tôi đặt ra với họ là phải làm tốt hơn những gì chúng tôi đã làm. Tôi thường răn các em: tài phải đi liền với đức. Không được thi đấu thô bạo, láu cá. Bản thân tôi khi là cầu thủ chưa khi nào bị thẻ đỏ và rất ít thẻ vàng, khi phá bóng không bao giờ cố ý đá người. Bởi tôi đã từng một lần đá hư đầu gối một cầu thủ đội bạn và điều này làm tôi xót xa mãi...

* Xin ông hãy kể đôi chút về cuộc sống của ông? Bóng đá khiến ông phải gắn liền với sân cỏ và những chuyến đi xa. Vậy ông sắp xếp cuộc sống riêng như thế nào? (Hồng Đăng, Công ty Quảng cáo Bati, TPHCM)

- Tôi gắn với đội bóng nhiều hơn thời gian ở với gia đình. Hạnh phúc riêng của tôi cũng từng vì bóng đá mà bị ảnh hưởng... Nhưng rồi tôi rút ra được kinh nghiệm: bóng đá là công việc và khi về gia đình thì chỉ còn lại việc chăm chút cho gia đình, không nên "lấn cấn" với bóng đá. Cuối cùng, tôi đã biết cách dung hòa giữa trái bóng và gia đình. Quan trọng là người vợ phải biết yêu thương, thấu hiểu và thông cảm với nghề nghiệp của chồng.

* Có nhiều lời bàn tán rằng cuộc sống của các cầu thủ khá phóng khoáng và có vẻ không thích hợp với vai trò làm chồng, làm cha trong gia đình. Nhưng mỗi khi nhìn chú xuất hiện trên sân cỏ hay truyền hình cháu lại thấy chú thật hiền và rất nghiêm túc. Có phải thế không ạ? (Nguyễn Hải, khoa Tài chính tín dụng Trường ĐH Kinh tế TPHCM)

  -Dư luận cũng có phần đúng. Cầu thủ thường được ví với nghệ sĩ trên sân cỏ, rất phóng khoáng, nhất là khi luôn sống nay đây mai đó. Điều này ảnh hưởng tới gia đình rất nhiều... Tuy vậy, giờ đây các cầu thủ trẻ đã năng động hơn rất nhiều, họ vừa có sự nghiệp, gia đình êm ấm, lại vừa biết kinh doanh thành đạt như Lê Huỳnh Đức chẳng hạn... Về bản thân tôi ngoài cái tật "lai rai" bù khú với bạn bè thì cũng là người chân thành và nghiêm túc.

Hồng Dung

BÀI ĐÃ ĐĂNG:

PHẠM HUỲNH TAM LANG – KÝ ỨC MỘT THỜI VANG BÓNG (Bài 099).
Đội tuyển VNCH thắng Israel trên sân Tel Aviv 2-0
Đội tuyển ngôi sao Châu Á.

HLV WEIGANG VÀ CHIẾC CÚP MERDEKA 1966 (Bài 094)

TAM LANG VÀ VỢ ĐẾN THĂM HOA KỲ (Bài 065)
Phạm Huỳnh Tam Lang và nghiệp bóng đá ""Dẫu lìa ngó ý, còn vương tơ lòng"

Không có nhận xét nào: