HOÀNG HẠC LÂU
NIỀM HOÀI VỌNG CỐ HƯƠNG HAY MỐI U TÌNH CỦA MỘT TÂM HỒN KHÁT KHAO THOÁT TỤC. Thu Vân
Bây giờ xin mời quý vị thưởng thức bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu.
Tác giả Thôi Hiệu quê ở Biện Châu, không rõ năm sinh, đỗ tiến sĩ năm thứ 13 niên hiệu Khai Nguyên (725) đời vua Huyền Tôn, làm chức Tư Huân viên ngoại lang, mất năm 754 nhằm năm Thiên Bảo thứ 13. Ông còn để lại một thi tập mà nổi tiếng nhất là bài Hoàng Hạc Lâu.
Hoàng Hạc Lâu được xây dựng trên núi Hoàng Hạc Sơn, còn gọi là Xà Sơn. Rặng núi có hình con rắn nằm trên bờ phía Nam sông Đại Giang tức Trường Giang, đối diện với núi Qui Sơn (con rùa) ở bờ Bắc sông Đại Giang, thuộc huyện Hán Dương. Ngày nay toàn thể vùng này thuộc tỉnh Hà Bắc, nơi nhiều núi nhất của Trung Quốc.
Nguyên thủy lầu này được xây dựng khoảng từ năm 220-229 dưới niên hiệu Hoàng Vũ, đời vua Ngô Đại Đế (Tôn Quyền) thời Tam Quốc. Lúc đó, Hoàng Hạc Lâu là một đài quan sát và chỉ huy quân sự.
Vào khoảng gần 4 thế kỷ sau, dưới đời nhà Tùy (561-618), Hoàng Hạc Lâu được tái thiết và trở thành một điểm du lịch rất nổi tiếng trong tỉnh Hồ Bắc. Truyền thuyết Phí Văn Vĩ thành tiên cỡi hạc vàng bay qua chốn này cũng phát sinh từ đời nhà Tùy.
Từ thế kỷ thứ 7 đến nay, lầu này đã nhiều lần bị phá hủy vì chiến cuộc rồi lại được tái thiết. Riêng dưới đời nhà Thanh lầu bị phá và tái thiết bốn lần. Lần cuối cùng xảy ra vào năm 1884 niên hiệu thứ 10 đời vua Đức Tông nhà Thanh, do một cuộc hỏa hoạn gần đó lan tới làm toàn thể tòa kiến trúc cổ này bị thiêu hủy ra tro. Tuy nhiên, suốt cả 100 năm sau, du khách vẫn không ngớt tới vãn cảnh dù tòa lầu chỉ còn là một cái nền hoang.
Năm 1985 Hoàng Hạc Lâu được xây dựng lại với đồ án và qui mô vĩ đại, khác với kiến trúc trong quá khứ. Hoàng Hạc Lâu ngày nay có 5 tầng, mỗi tầng mang một chủ đề riêng. Tầng một mang chủ đề ‘thần thoại”, tầng hai mang chủ đề “lịch sử”, tầng ba chủ đề “nhân văn”, tầng bốn chủ đề “truyền thống”, và tầng năm chủ đề “triết lý”. Các chủ đề này được thể hiện bằng nghệ thuật trang trí với tranh ảnh và câu đối.
Bên cạnh Hoàng Hạc Lâu còn có 3 kiến trúc khác tọa lạc ở ba hướng Đông, Nam, và Bắc để hổ trợ cho kiến trúc lầu Hoàng Hạc ở giữa. Ngày nay lầu Hoàng Hạc cách thủ đô Bắc Kinh 1.100km về phía Bắc (cách thành phố Sài Gòn 3.200km về phía Tây Nam ), thuộc huyện Vũ Xương, tỉnh Hồ Bắc.
Tích nhân dĩ thừa Hoàng Hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng Hạc Lâu.
Hoàng Hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch Vân thiên tải không du du.
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.
Nhật mộ hương quan hà xứ thị?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
Thu Vân dịch:
Người xưa cỡi hạc bay xa,
Còn trơ Hoàng Hạc một tòa lầu không.
Một đi không lại, đừng trông,
Thờ ơ mây trắng bồng bềnh muôn thu.
Hán Dương cây rợp đôi bờ,
Bãi thơm Anh Vũ hững hờ cỏ tươi.
Chiều hôm quê cũ khuất vời,
Trên sông khói sóng khôn nguôi lòng sầu.
...
Cùng một một chủ đề các nhà thơ có thể cảm xúc riêng mà tán dương thành cả trăm bài, thế mà Lý Bạch thấy có thơ Thôi Hiệu lại gác bút là sao? Chả lẽ một nhà thơ lớn như Lý Bạch lại cạn ý? Thiết nghĩ ta nên hiểu đây là vấn đề những tư tưởng lớn gặp nhau. Lý Bạch há đã chẳng sống như một vị trích tiên bất chấp danh lợi đó ư? Đó há chẳng phải là cả hai nhà thơ đều chịu ảnh hưởng tư tưởng Lão Trang sao? Bởi thế nên tâm sự của Thôi Hiệu cũng là tâm sự của Lý Bạch, những gì Lý Bạch định nói, Thôi Hiệu đã nói rồi, còn viết gì nữa?
Sở dĩ bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu đã trở thành bất hủ và đi vào lòng người cả ở Trung Quốc và Việt Nam là vì ngoài văn chương hoa gấm, bút pháp uyển chuyển, nó lại hàm chứa triết học thâm thúy. Trung Hoa và Việt Nam đều chịu ảnh hưởng sâu sắc của Tam Giáo (Phật-Khổng-Lão) cho nên bài Hoàng Hạc Lâu rất đắc vị.
Nỗi sầu miên man hoài vọng cố hương cũng như niềm ước mơ thoát tục của Thôi Hiệu cũng là mối băn khoăn khắc khoải của mỗi người đã thấu triết lẽ vô thường của nhà Phật hay quan niệm cuộc đời là huyễn mộng của Lão Trang.
Có thể trong Đường Thi, Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu không phải là hạt châu long lánh cài lên nếp áo vương giả nhưng là một đóa huệ thanh khiết tỏa hương ngào ngạt nơi cửa thiền, không phải là điệu đàn tưng bừng rộn rã nhưng là tiếng sáo vi vu lưng chừng trên núi đồi u tịch. Mối u tình của Thôi Hiệu kéo dài dằng dặc qua không gian và thời gian đến nay đã trên mười thế kỷ mà âm hưởng vẫn còn vang vọng mãi không thôi/
MAI HIÊN ngâm thơ "Hoàng Hạc Lâu" (Cáo lỗi WWW.esnips.com đã ngưng hoạt động)
MAI HIÊN ngâm thơ "Hoàng Hạc Lâu" (Cáo lỗi WWW.esnips.com đã ngưng hoạt động)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét