7/1/11

LÀNG NGHỈ MÁT BOKOR TRÊN DÃY NÚI VOI (Bài 057)

Năm 1954, Nước Cộng Hóa Pháp phải chịu ký kết Hiệp ước Genève với các nước Đông Dương, nhìn nhận nền độc lập của ba nước Việt, Miên, Lào để chấm dứt sự đô hộ của chế độ thực dân. Lúc đó đồn điền “Đất đỏ” của người Pháp ở  Quản Lợi Việt Nam cũng bị ảnh hưởng, phải chịu tách rời bộ phận quản lý các đồn điền Cambodia chuyển sang làm việc tại tỉnh KompongCham, vì kể từ lúc mới thành lập, các chủ nhân người Pháp đặt cơ sở chỉ huy tập trung tại Việt Nam cho ít tốn kém về chi phí. Trước thời gian này một ít lâu, tôi được người anh bà con bạn dì, anh Chín Long gọi tôi lên để thử thời vận kiếm việc làm. Tôi đã liền thi đậu vào làm thơ ký kế toán ở đồn điền Quản Lợi. Tuổi tôi lúc đó mới vừa 17. Tôi giữ sổ sách thuộc bộ phận đồn điền Việt Nam nên không phải đi.
Một anh bạn cùng làm chung bộ phận kế toán với tôi phụ trách sổ sách các đồn điền ở Cambodia “bị đi”. Anh có vợ và con nhỏ  nên anh buồn rầu muốn xin nghỉ việc và trở về quê. Tôi động lòng thương cho hoàn cảnh của anh, nên tình nguyện xin đi thay.

Ngày đi,  các đồng nghiệp ra tận máy bay để tiễn tôi lên đường trên chuyến phi cơ 1 động cơ (giống như loại phi cơ trinh sát thời  Quân Lực VNCH) của đồn điền với viên phi công người Pháp. Chuyến bay trực tiếp từ sân bay riêng của đồn điền Quản Lợi, Hớn Quản đến phi trường tư nhân của đồn điền Chup thuộc tỉnh KongpongCham, Cambodia. Tuổi còn quá trẻ lại thích phiêu lưu mạo hiểm, từ đây đã mở ra cho tôi nhiều cuộc du hành đầy thú vị nhưng không kém phần liều lĩnh và đầy bất trắc, nhất là lần đi khám phá khu làng nghỉ mát Bokor, bị bỏ hoang nằm trên dãy núi voi của nước Cambodia.

Để có thể theo dõi dễ dàng câu chuyện, trước tiên tôi xin khái quát vài nét về ngôi làng nghỉ mát Bokor kỳ thú này để các bạn có chút ý niệm về 1 danh lam thắng cảnh của nước bạn. Những địa danh dùng trong bài này được cập nhật để tiện tra cứu, còn ngoài ra đa phần tôi dùng các danh từ cũ. Làng nghỉ mát Bokor (Bokor Hill station) nằm trong Vườn Quốc gia Phnom Bokor  (hay còn gọi là Vườn Quốc Gia Bokor hay Preah Monivong National Park) trên đỉnh cao 1080m so với mặt nước biển, của dãy núi voi (Dâmrei Mountains), do Chính Phủ thuộc địa Pháp xây cất từ năm 1925. Trong suốt thời gian xây dựng khu làng nghỉ mát Bokor đã có chín trăm người thiệt mạng trong chín tháng. Con số tổn thất quá lớn mà các tài liệu có trên mạng không nói rõ nguyên do vì sao gây tử vong cho số người này. Vườn Quốc gia Phnom Bokor là một cao nguyên có diện tích 1.400 km2 và là một trong hai vườn quốc gia của Cambodia được xếp vào di sản được bảo vệ của các quốc gia Đông Nam Á. Phnom Bokor nằm về hướng đông nam của nước Cambodia, chỉ cách Hà Tiên Việt Nam 56.1 km và ngó ra vịnh ThaiLand. Đây là địa điểm có đa dạng động thực vật; đặc trưng gồm có voi, cọp sư tử, gấu và nhiều loài thú quí hiếm khác. Tuy nhiên Công viên này, ngày nay bị đe dọa bởi các tay săn bắn thú rừng bất hợp pháp cũng như nạn khai thác gổ lậu mà Chính phủ Cambodia chỉ có khả năng tài chánh để duy trì 50 nhân viên kiểm lâm, nên không đủ sức ngăn chặn sự hoành hành phá hoại xảy ra hằng ngày ở đây. Vườn quốc gia Bokor còn nổi tiếng về sản xuất hồ tiêu và nhất là hoa phong lan. Làng bị bỏ hoang hai lần trong nhiều năm; lần thứ nhứt 1940,  do cuộc nổi dậy của Lực lượng Khmer Issarak (độc lập) phối hợp với phòng trào Việt Minh lấy nơi này làm căn cứ địa kháng Pháp và lần thứ 2, năm 1972 do bộ đội Khmer Đỏ chiếm đóng vì vậy ngày nay vẫn còn sót ít bãi mìn chưa gỡ hết, cũng là điều đáng lo ngại  cho du khách. Mặc dù đường sá ở làng nghỉ mát Bokor còn hư hỏng, nhà cửa bỏ hoang, nhưng có sức thu hút du khách nước ngoài và trong nước tìm cách lên du ngoạn bằng mọi phương tiện di chuyển như xe đạp, xe mô tô, xe ô tô, kể cả đi bộ. Ở chân núi có trạm kiểm lâm để hướng dẫn du khách và thu phí 5 USD/người (=20.000 riel) gọi là tiền nuôi nhân viên kiểm lâm. Trong chương trình hiện đại hóa trung tâm nghỉ mát Bokor, chính phủ Cambodia đã giao cho Nhóm Sokimex dự án sửa chữa lại khách sạn, casino cũ và xây mới nhiều khách sạn, bịnh viên, nhà hàng, sân golf v.v.. Công trình khởi sự từ năm 2008, trong thời gian 30 tháng tổn phí lên đến 21 triệu USD và dự định hoàn thành vào năm 2011. Các giới chức Cambodia khuyên nên điện thoại trước cho các cơ quan có thẩm quyền để biết chính xác ngày hoàn thành con đường và các kiến trúc mới xây cất.

Tôi xin bắt đầu câu chuyện;
Vào cuối thập niên 50, tôi đến viếng Bokor cả thảy 3 lần. Hai lần tôi đi với bạn bè cùng làm việc trong đồn điền. Đi và về trong ngày bằng xe tải nhỏ Peugeot thuê; tức là sáng lên Bokor, chiều xuống, khởi hành từ bãi biển Kep.  Còn 1 lần khác, tôi tháp tùng với các bạn học sinh trẻ, dân thủ đô Nam Vang. Chúng tôi đi bằng xe jíp có kéo theo rờ-móoc nhỏ để đựng các vật dụng cần thiết cho cắm trại và săn bắn. Đây là chuyến đi mà tôi ghi nhớ suốt đời vì tai nghe mắt thấy những điều kỳ lạ  ngoài sức tưởng tượng của chính tôi và bạn bè cùng đi.
Chúng tôi khởi hành tại Phnom Penh lúc mặt trời vừa lên. Trong đoàn có 6 người, hai bạn trẻ là con của Ông Năm Chí, nguyên là nhân viên của  đồn điền Chup, nay về hưu ông mở trường dạy đánh máy và kế toán thực hành “École Le Progrès” ở đường Pasteur, Phnom Penh. Ba bạn trẻ khác là bạn học của con Ông Năm Chí, họ cùng theo học ở trường trung học nhà dòng Miche. Các cậu này người Việt nhưng mang quốc tịch Pháp, nếu tôi nhớ không lầm, cũng đồng thời là chủ chiếc xe jíp, đặc biệt họ mang theo một khẩu súng 2 nòng loại săn thú rừng. Từ đồn điền ra thủ đô, tôi như người nhà quê về thành thị, không một chút quan tâm là xe ai đứng tên? súng có giấy phép không? Các bạn có biết bắn súng không? Không cần biết, đi chơi với  các học sinh thủ đô chắc là an toàn! Vì thấy họ tỏ ra hiểu biết mọi việc, lại nói thông thạo tiếng Việt, tiếng Khmer và tiếng Pháp.
Người dân Cambodia đa số rất hiền hòa, chất phát mà đất nước họ mới dành được độc lập, luật lệ dường như còn khá dễ dãi. Chuyến đi ấy nhằm vào Tết Khmer (Chôl Chnăm Thmây), nhằm trung tuần tháng 4 dương lịch.  Từ Nam Vang đi đến tỉnh Kampot đường dài 148km, tốc độ xe chạy trung bình mất khoảng 3-4 giờ. Hôm đó xe chạy không nhanh vì là ngày quốc lễ, xe cộ tấp nập, người đi lại đông đúc. Theo phong tục người Khmer; sau khi tắm Phật, tắm sư ở chùa về, họ chúc Tết mọi người bằng cách té nước vào mình khách và tin rằng năm đó khách sẽ được bình an. Cậu nào được các cô chiếu cố hắt nước vào quần áo nhiều chừng nào thì càng hên chừng nấy, càng được nhiều ơn phước? Xe chúng tôi đến một làng còn cách thành phố Kampot không bao xa, thì bị dân chúng chận lại. Già trẻ, gái trai lũ lượt dùng nước tạt vào người chúng tôi như thác đổ. Chúng tôi đâu có nước để trả lễ, chịu trận, mình mẩy, quần áo người nào người nấy ướt sủng nước. Bổng trong đoàn tôi, không rõ bạn nào đốt một phong pháo tiểu liệng xuống đường, thế là đám đông chạy tán loạn để tránh né tiếng nổ, nhờ thế chúng tôi mới có đường thoát thân. Ngẫm nghĩ thấy các bạn mình có thái độ rất đáng tiếc, đã  tỏ ra bất thân thiện với tập tục truyền thống của người dân địa phương. Đến tỉnh Kampot chúng tôi vào một nhà hàng Tàu dùng cơm trưa. Nhà hàng chỉ có tầng trệt, diện tích bên trong không lớn lắm, chưng bày theo phong cách người Hoa Kiều; màu đỏ sặc sỡ, ông địa, ông thần tài, chữ Hán thếp vàng óng ánh không khác gì Chợ Lớn. Cơm Tàu khá ngon, nhất là các món cá biển rất tươi. Xin nói một chút về thành phố Kampot.

Kampot là một trong 24 tỉnh thành của xứ Chùa Tháp (theo sắp xếp mới của  Chính phủ Cambodia). Ngày nay, thành phố Kampot có dân số là 39.186 người, cả tỉnh có 528.000 người, diện tích 4.873 km2. Trước chiến tranh, Kampot nổi tiếng về nghề chài lưới đánh bắt cá biển và trồng hồ tiêu. Thành phố Kampot là thành phố nhỏ, yên bình, buôn bán sầm uất dọc theo dòng sông Kamchay. Nhà cửa đa phần xây gạch, thường là nhà trệt hay 1 lầu. Kiến trúc theo kiểu cổ thời Pháp thuộc, giống các thành phố khác ở các nước Đông Dương thời kỳ đó. Các ngành buôn bán kinh doanh phần lớn đều do người Hoa kiều nắm giữ.  Tỉnh Kampot có nhiều điểm nghỉ mát lý tưởng. Lên núi có Bokor, xuống biển có bãi Kep (bây giờ Kep đổi thành tỉnh).  Từ Kampot đi lên làng nghỉ mát Bokor tính theo đường chim bay bằng 20 km, và đường bộ gồ ghề mất 32 km, đi ra bãi biển Kep mất khoảng 40 phút bằng xe có động cơ trên đoạn đường 25km. Bãi biển Kep là một bãi biển đẹp với nhiều hàng dừa. Có  một khu sát bờ biển trồng toàn dừa rợp bóng mát dành riêng cho người du ngoạn cắm trại. Bãi biển nằm dọc theo các ngọn núi xanh thẳm ngày nay trở thành Công viên Quốc gia Kep. Đứng bên này Kep nhìn thấy bên kia Hà Tiên của Việt Nam, cách nhau 40 km.  Từ Kampot cũng có thể đi SihanoukVille 110km, là cảng chính của Cambodia (trước đây là tỉnh Kompongsom).

Sau khi dùng cơm trưa xong cũng quá ngọ, chúng tôi tìm đường lên núi. Hai bạn trẻ lái xe tỏ ra sành sỏi đường đi nước bước. Ra khỏi hướng tây của tỉnh Kampot, xe bắt đầu đi vào núi, đường lên dốc, mặt đường lởm chởm đá hòn lẫn với cát sỏi, tiếng bánh xe chỡ nặng rít trên mặt đường kêu rào rạo. Càng lên cao, đường càng hẹp lại; một bên là sườn núi, một bên là vực sâu. Ngồi trên xe nhìn xuống thấy rợn người vì không có rào cảng phía bên trống trải của đường lên. Xe chạy chậm lại vì đường vừa đủ cho một xe qua, nếu phía ngược chiều nằm bên vách núi, có xe xuống thì không biết làm sao có thể hai xe cùng tránh nhau để qua cho được?  Có qua được chăng cũng vô cùng khó khăn nếu là loại xe du lịch, còn xe tải chắc là vô phương, lùi lại phía sau đâu phải dễ? Ngồi trên xe cảm thấy hồi hộp vô cùng nhất là qua mấy khúc quanh rất nhặt không nhìn thấy bên đối diện. Cũng may là đường vắng vẻ không 1 bóng xe hay bóng người. Sau này mới vỡ lẽ là chúng tôi lên sai giờ qui định; từ sáng sớm đến 12 giờ trưa cho phép xe lên, và sau 12 giờ trưa trở đi xe mới được quyền xuống núi. Chúng tôi đã không thấy bản chỉ dẫn cũng như không có nhân viên nhà nước chỉ đường cho du khách, nên cứ đi không một chút do dự nào cho là mình vi phạm luật lệ. Qua khỏi đoạn đường cheo leo, gập ghềnh thì máy xe khá nóng, bình nước làm nguội máy cần giảm nhiệt. Ngồi chờ cho máy nguội, chúng tôi để mắt nhìn xem chung quanh thì lúc đó đang ở trên còn đường phẳng lì, mặt đường còn nhựa đường, một bên là vách núi, môt bên là rừng cây cổ thụ mọc nghiên thoai thoải trên đồi. Đoạn đường quang đãng, mát mẽ. Đổ nước cho bình giảm nhiệt xong, chúng tôi lại tiếp tục hành trình. Đi không xa thấy một bãi cứt to bằng cái nia, dầy trên cả tấc màu giống như phân bò còn ướt, đoán chừng là cứt voi, song không nghe thấy hơi hám voi đâu? Đây là núi voi thì có khả năng sẽ thấy voi xuất hiện. Trường hợp gặp một đàn voi đi qua đây thì chúng tôi sẽ đối phó ra làm sao? Không có giải pháp nào cả! Tôi nghĩ thật vô cùng nguy hiểm! Còn gặp voi một ngà hay voi cô độc hung hãn chắc là hết đường sống, vì chung quanh toàn là núi rừng, không thấy một bóng nhà hay một trạm gác nào, mà cây súng 2 nòng đâu dễ gì giết được voi nếu bắn không trúng lỗ tai nó. Trường hợp hỗ hay beo săn mồi sử dụng bên phần đất đồi để đuổi theo xe, chắc chúng tôi khó tránh khỏi tai họa khủng khiếp xảy ra. Càng nghĩ càng thấy rùng rợn!
Gần 4 hay 5 giờ chiều gì đó, chúng tôi tới đỉnh cao nhất của dãy núi voi. Nói là đỉnh chứ lên trên là cao nguyên, mặt đất gần như bằng phẳng, rộng mênh mông. Muốn biết mình có đang ở trên độ cao không? thì phải đến phần đất sát bên thủng lũng để nhìn xuống, lúc đó mới thấy phía dưới sâu thăm thẳm, cây cỏ lờ mờ. Các bạn tôi lái xe thẳng tới bungalow bỏ hoang trên khu nghỉ mát Bokor để ngủ qua đêm. Bungalow (danh từ phổ thông vào thời này, chớ không gọi là khách sạn) có hai từng, khá rộng lớn được xây rất kiên cố, mặc dù đã bỏ hoang lâu ngày nhưng vách tường vẫn còn thẳng nếp, không bị long lở, chỉ có sơn đã ngã màu nâu sẫm lẫn đỏ úa. Bên trong trống trơn không còn tủ bàn ghế, không có đèn đóm điện nước. Từng trệt có vài cánh cửa bị chẻ ra để đun lửa, dấu vết than tàn còn lại trên nền gạch của phòng khách. Phòng khách khá đồ sộ nên cầu thang chân dẫn lên các tầng trên rất rộng, ức sức 6 người chúng tôi có thể sắp hàng ngang đi lên không khó, càng rộng rãi càng khó bảo vệ. Cửa cây, cửa kiến ở hai từng trên còn nguyên vẹn chỉ ngã màu sơn và cáu bẩn.  Nhà bếp còn đầy đủ các khung sắt, ống khói, nồi hơi nước. Chúng tôi đi xem xét kỹ lưỡng khắp nơi trong bungalow để chọn địa điểm ngủ, sau cùng chọn được 1 phòng trên tầng cuối cùng, còn cửa nẻo nguyên vẹn, có thể tạm gọi là an toàn. Chúng tôi chuyển đồ đạc lên và quây quần chung với nhau trong 1 phòng. Vì không có đèn điện, chúng tôi ăn chiều sớm với thịt hộp bánh mì và nước uống đem theo. Sau đó tất cả xuống lầu chẻ những khúc cây còn sót lại, rồi chụm đầu chúng lại với nhau, đốt lửa như lửa trại ở giữa phòng khách để canh chừng thú dữ. Chúng tôi chia phiên nhau 2 người 1 ca ngồi trên cầu thang canh gác với khẩu súng 2 nòng trong tay và châm thêm củi cho lửa luôn cháy sáng. Ai không phận sự thì cứ ngủ hay làm gì tùy thích. Về đêm trời khá lạnh, chúng tôi từ đồng bằng lên cao nguyên bị thời tiết thay đổi đột ngột, nên người nào người nấy co ro mặc dù đã có chuẩn bị quần áo ấm.
Anh em ngồi uống cà phê và tán gẫu với nhau đến nữa đêm. Bắt đầu mệt mỏi và buồn ngủ thì, tiếng thú rừng cũng đồng thời khởi sự gầm thét dữ dội xé tan màng đêm tĩnh mịch. Không có kinh nghiệm đi rừng nên không ai biết là tiếng con gì? Tiếng gầm lúc kéo dài lê thê, lúc tru tréo, lúc hụt hặc như vươn oai, như giận dữ, như đe dọa. Âm thanh có khi như vọng lên từ dưới thung lũng sâu, có khi như đâu đây ở ngôi rừng phía bên mặt, có khi như về phía bên trái, có khi như gần sát vách chỗ chúng tôi ngủ. Thật là khiếp đảm! Cảm giác như chúng tôi bị thú dữ bao vây, có lẽ chúng đã đánh hơi được có người lạ xâm phạm địa phận của chúng mà từ lâu không ai dám léo hánh tới đây? Ai nấy trong chúng tôi đều tập chú vào các âm thanh kỳ dị mà thấp thỏm lo sợ, sẽ có chuyện gì đó không lành sắp ập đến nên không ai ngủ được. Nhìn ra cửa thì dưới lầu ngọn lửa bập bừng như nhảy múa trong bóng đêm, không đủ sức soi sáng gian đại sảnh đường dưới tầng trệt. Rùng rợn thật? Cho mãi đến gần sáng thì các tiếng kêu lần hồi rời rạc, rồi chấm dứt hẳn, lúc đó chúng tôi mới chợp mắt ngủ được chốc lát.

Mặt trời đã lên sau rừng cây, chúng tôi uể oải cùng thức dậy, đi làm vệ sinh, ăn sáng và chuẩn bị đi thăm chung quanh ngôi làng. Bước ra phía sau bungalow nhìn về hướng nam hết tầm mắt, thấy mơ hồ trong sương khói, mây nước tiếp nối nhau nơi chân trời, một màu xanh nhàn nhạt không phân biệt được đâu là rừng, đâu là Vịnh Thailand, đâu là đảo Phú Quốc.  Không khí mát mẻ trong lành buổi sáng làm chúng tôi tỉnh táo và khỏe khoắn lại. Toàn cảnh vật chung quanh im phăng phắc, không tiếng chim hót, không  bóng người, không bóng súc vật nhà lai vãng. Nghe nói gần đâu đây có một khu vườn nho của Hoàng gia, nhưng chẳng biết nằm ở đâu?
Chúng tôi thả bộ để thăm chung quanh làng, và tiến vào các biệt thự bỏ hoang. Các biệt thự còn như nguyên vẹn chỉ có màu sơn tường bên ngoài đổi màu cũ kỹ. Biệt thự nào cũng có 1 tầng lầu và cách kiến trúc gần giống như nhau. Đi ngang 1 villa nằm sát vệ đường, chúng tôi bảo nhau vào xem thử. Chung quanh ngôi nhà, sát chân tường còn nhiều cây dâu tây mộc thẳng hàng, trái chính đỏ mọng phảng phất như có bóng dáng con người lẩn khuất đâu đây! Cửa cái bỏ ngõ như mời gọi, chúng tôi cùng nhau bước vào bên trong ngôi biệt thự. Vừa qua khỏi cửa cái, nhìn về bên trái tấm tường che cầu thang, một câu chữ Pháp viết bằng than đen đập vào mắt chúng tôi làm tất cả mọi người phải dừng lại đọc. Nét chữ to đen sặm, sắc sảo, người viết nắn nót nó như muốn gây sự chú ý cho mọi người về điều quan trọng muốn nói: “Các bạn lưu ý! Chúng tôi đã ngủ qua đêm ở ngôi nhà này và chúng tôi thấy quỉ xuất hiện. Các bạn nên thận trọng. Toán du ngoạn.” Tôi hơi bàn hoàn nhưng nhìn chung quanh ở từng dưới; phòng rộng vừa phải cũng trống trơn không tủ bàn ghế, không một vật dụng gì còn sót lại, các cửa sổ đều mở, ánh sáng ban mai soi sáng tỏ rõ căn phòng, không có dấu hiệu gì đáng nghi ngờ! Chúng tôi cùng bước lên thang chân để lên từng trên, phòng cũng rỗng không, các cửa sổ đều mở, ánh sáng tràn ngập trong phòng. Chúng tôi đứng tựa cửa sổ để ngắm cảnh vật và các biệt thự chung quanh. Hai cánh của sổ nơi tôi đứng đã đổi màu sặm đen nhưng còn chắc chắn. Tôi nhìn xuống góc cửa sổ thì thấy mấy cái móc không cài vào khoen cửa, tôi lấy tay cài hai cái móc lại cho đúng vị thế, móc sắt còn khá chắc dù hơi rỉ sét. Chúng tôi trao đổi với nhau vài suy nghĩ về câu viết dưới tầng dưới; ý mọi người như nữa tin, nữa ngờ. Sau đó chúng tôi trở xuống lầu để về bungalow. Vừa ra khỏi ngôi nhà hoang chừng 10m, bất thần chúng tôi nghe tiếng đập cửa “đùng đùng”. Mọi người như quán tính phản ứng tự nhiên, cùng lúc quay phắt lại 180 độ để nhìn ngôi nhà, còn kịp thấy mấy cánh cửa sổ trên lầu tiếp tục đập vào tường 2 lần nữa “ầm.. ầm”. Người nào người nấy đứng chết trân. Rõ ràng không có một bóng người, trời buổi sáng lại đứng gió, cái lực gì mở ra đóng lại 2 cánh cửa sổ một cách cực kỳ nhanh như vậy? Riêng tôi, cảm thấy 1 luồng khí lạnh chạy dài theo xương sống, tay chân rụng rời vì hai cánh cửa ấy chính tay tôi cài then lại một cách cẩn thận kia mà! Người ta thường nói ma quỉ thuộc âm, hiện ra về ban đêm. Hôm nay là ban ngày trời sáng trắng như vầy là thuộc dương mà làm sao ma quỉ lại nhát chúng tôi được? nhưng sự thật hiển nhiên, tai mắt chúng tôi vừa chứng kiến điều dị thường xảy ra? Kết hợp với lời dặn dò trên tường thì đây là quỉ đã lộng hành ngay giữa ban ngày rồi?  Không nói không rằng, chúng tôi vội vã rời khỏi nơi ấy mang trong lòng mỗi người một sự khiếp đảm khác nhau?

Trở về bungalow chúng tôi cấp tốc sắp xếp đồ đạc để đi thăm con thác Popovil cách đó khoảng 10 cây số. Con đường dẫn đến con thác này cũng quá ọp ẹp, phải qua các con suối mà các cây cầu bắt ngang đã mục nát, ai đó đã dùng cây gổ chưa xẻ để thay thế một số cây hư trên sàn cầu, xe qua thật là khó khăn. Mỗi lần qua cầu, chúng tôi đều phải xuống xe đi bộ cho an toàn. Thác Popovil cao chừng 15m, đá núi đen đúa, nước thác lạnh lẽo. Lúc này chưa bắt đầu mùa mưa nên nước không có nhiều, những lọn nước từ trên cao chảy ri rỉ xuống phía dưới cái bễ nơi chúng tôi đứng tắm. Chúng tôi đem nước ngọt, bia chai ngâm phía dưới mấy cái ngách đá, tắm xong lấy chúng lên uống. Nước uống mát lạnh, chúng tôi cảm thấy sản khoái, và tinh thần bình tĩnh lại. Tắm rửa đã đời vì hôm qua chưa được tắm, chúng tôi lại lấy đồ hộp ra ăn tại chỗ, sau đó lững thững tìm đường trở ra, và xuống núi.
Bận về không vội vã, xe chạy chậm lại mà gắp rút cũng không được, sương mù dày đặc trên đường về. Xe phải mở đèn vàng chóng sương mù mới thấy đường chạy. Đến những đoạn đường trời trong sáng, nhìn cảnh vật xa xa; rừng núi xanh lơ lờ lững trên từng mây trắng, vài ngọn núi  bềnh bồng trong sương khói nơi chân mây xa tít mù khơi, cảnh thiên nhiên yên bình làm hồn người ngây ngất đắm say.

Bây giờ ngồi tại Hoa Kỳ, nhớ lại thuở tuổi còn trẻ ham khám phá cái mới lạ, mà trong khi các phương tiện tối thiểu như thông tin liên lạc, các nhu cầu cần được hỗ trợ cứu cấp đều không có? mới thấy rằng chuyến du lịch trên làng Bokor ở đỉnh núi voi vào thời kỳ đó là vô vàn nguy hiểm. Nhưng, cái gì cũng có cái giá phải trả của nó. Tận hưởng được những cảm giác lạ lùng trong chốn hoang dã của câu chuyện kể trên phải đổi bằng một nỗi sợ hãi, kinh dị của tuổi đôi mươi bồng bột mà cho mãi về sau cũng chưa bao giờ tôi gặp lại trường hợp hi hửu như vậy. Tuy nhiên, tôi vẫn ước ao sẽ có một ngày nào đó, nếu sức khỏe vẫn còn tốt, được trở về viếng thăm lại thành phố Bokor hiện đại trên dãy núi voi để may ra còn thấy được những dấu vết đường xưa lối cũ của một thời hoang dã/

Sau này các nhà làm phim Mỹ có quây hai cuốn phim mượn khung cảnh Bokor để dựng chuyện cho:
City of Gost (2002) và R.Point (2004) mà tôi chưa được xem qua.
LONG-NHI

Không có nhận xét nào: